Cúng đầy tháng
cho bé (hay cúng mụ) là một nét đẹp trong văn hóa và tín ngưỡng của người Việt bao đời nay. Bởi lẽ, sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh là may mắn lớn của cả gia đình. Lễ cúng này mang ý nghĩa cầu mong cho em bé được khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Để biết những điều cần chuẩn bị cho nghi lễ này, mẹ hãy theo dõi bài viết dưới đây của Earthmama nhé!
Bài viết liên quan:
Cúng đầy tháng cho bé là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt
1. Cách tính ngày cúng đầy tháng cho bé
Cũng giống như nhiều nghi lễ tâm linh khác, lễ cúng khi bé trong 1 tháng sẽ được tính theo lịch âm. Ngoài ra, ở một số nơi sẽ có quan niệm tính cả ngày đầy tháng dựa vào giới tính của bé theo nguyên tắc “nam trồi 2, nữ sụt 1”. Đối với cúng đầy tháng bé trai, ngày đầy tháng sẽ được tính lùi lại so với ngày sinh hơn 2 ngày (tính theo âm lịch). Còn với bé gái, ngày đầy tháng lại được tính lên trước 1 ngày.
Chẳng hạn như bé gái sinh vào ngày 15 tháng 5 âm lịch thì ngày đầy tháng sẽ là 14 tháng 6 âm lịch. Đối với bé trai sinh ngày 15/5 thì ngày đầy tháng lại là 17/6.
Quan niệm này được phổ biến trong dân gian từ lâu với ý nghĩa:
-
Con trai phải đi trước, đi tắt đón đầu, năng nổ và rèn giũa thì mới thành công.
-
Con gái phải khiêm tốn để gia đình yên ấm và giữ lửa cho hạnh phúc gia đình.
2. Cần chuẩn bị những gì cho ngày cúng đầy tháng?
2.1. Lễ vật
Món mặn:
-
12 chén xôi nhỏ và 1 đĩa xôi lớn
-
12 chén cháo nhỏ và 1 tô lớn
-
1 đĩa thịt heo hoặc thịt chân giò
-
12 đĩa bánh hỏi (hoặc 12 quả trứng vịt)
-
1 con gà luộc chéo cánh, ngậm hoa hồng
Món ngọt trong mâm cúng đầy tháng bao gồm:
-
12 chén chè nhỏ và 1 chén lớn hơn
-
12 ly rượu và 1 bình rượu lớn
-
12 chén nước lọc
-
12 đĩa bánh kẹo
-
1 mâm ngũ quả (5 loại quả khác nhau)
-
Trà
Lễ vật cho mâm cúng đầy tháng cho bé
2.2. Sắp xếp mâm cúng
Việc bày trí mâm cúng đầy tháng bé gái hay bé trai đều rất quan trọng, thể hiện sự thành kính đối với thần linh, tổ tiên và sự chân thành của con cháu. Vì vậy, mẹ cần lưu ý sắp xếp mâm cúng theo những quy tắc sau:
Chuẩn bị số lượng lễ vật gồm 2 bàn:
-
Một chiếc bàn nhỏ, đặt trước bàn thờ, dùng để cúng Đức Ông.
-
Một chiếc bàn lớn, kê phía sau, cao khoảng 10 cm: dùng để bày mâm cúng 12 Bà Mụ.
Các món ăn cần được bày trí ngay ngắn trên đĩa. Thông thường, người ta để gạo nếp, chè và cháo ở hai bên khay và sắp gà luộc ở giữa. Ngoài ra, vị trí đặt mâm cúng và lọ hoa cúng cũng rất quan trọng. Ông bà ta vẫn quan niệm rằng “Đông bình Tây quả”, tức là lộc bình đặt ở phía đông, hoa quả và lễ vật đặt ở phía tây.
2.3. Chuẩn bị bài khấn, văn cúng
Một phần quan trọng nữa trong cách cúng đầy tháng cho bé là chuẩn bị nội dung bài khấn và văn cúng để thể hiện sự thành kính đối với cõi tâm linh. Khi gia đình làm lễ cho con thì bố mẹ hoặc ông bà sẽ đọc bài khấn này vào giờ hoàng đạo trong ngày. Mẹ có thể tham khảo bài văn cúng như sau:
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Con kính lạy Đệ nhất Thiên tỉ đại tiên chúa
Con kính lạy Đệ nhị Thiên đế đại tiên chúa
Con kính lạy Đệ tam Tiên Mụ đại tiên chúa
Con kính lạy Thập nhị bộ Tiên nương
Con kính lạy Tam tập lục cung chư vị Tiên nương
Hôm nay là ngày … tháng … năm
Vợ chồng con là …………………..
Sinh được con (trai, gái) đặt tên là ……………………
Chúng con ngụ tại : ……………………………………..
Nay nhân ngày đầy tháng (đầy cữ, đầy năm) chúng con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật và các thứ cúng dâng bày lên trước án, trước bàn tọa chư vị Tôn thần kính cẩn tâu trình :
Nhờ ơn thập phương chư Phật, chư vị Thánh hiền, chư vị Tiên Bà, các đấng Thần linh, Thổ Công, Long Mạch, Thổ Địa chính thần, Tiên tổ nội ngoại, cho con sinh ra cháu tên là …………… sinh ngày ……………. được mẹ tròn con vuông.
Cúi xin chư vị Tiên Bà, chư vị Tôn thần giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì, vuốt ve che chở cho cháu được ăn ngoan, ngủ yên, hay ăn chóng lớn, vô bệnh vô tật, vô tai vô ương, vô hạn vô ách. Phù hộ cho cháu bé được tươi đẹp, thông minh, sáng láng, thân mệnh bình yên, cường tráng (nếu là bé trai), kiếp kiếp được hưởng vinh hoa phú quý.
Toàn gia chúng con được phúc thọ an khang, nhân lành nảy nở, nghiệp dữ tiêu tan, bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.
Xin thành tâm kính lễ, cúi xin được chứng giám lòng thành.
Nam Mô A Di Đà Phật !
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Cẩn cáo!
3. Chọn giờ tiến hành lễ cúng đầy tháng
Cách tính giờ tiến hành lễ cúng dựa trên cung hoàng đạo và tam hợp tứ hành xung. Cách tính cụ thể như sau: Tam hợp tứ hành xung bao gồm 12 con giáp được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm gồm có 3 con giáp liên quan tới nhau được gọi là tam hợp.
Ví dụ: Con bạn sinh ngày 3/5/2021 (lịch dương), thì tương đương với ngày 22 tháng 3 năm Tân Mùi (âm lịch). Tuổi Sửu có tam hợp là Sửu – Tỵ – Dậu và tứ hành xung là Sửu – Thìn – Mùi – Tuất. Vậy lễ cúng đầy tháng tốt nhất nên tổ chức vào giờ Sửu – Tỵ – Dậu và giờ tứ hành xung Sửu – Thìn – Mùi – Tuất.
Chọn giờ tiến hành lễ cúng đầy tháng
4. Mâm cúng đầy tháng cần có gì?
4.1. Mâm cúng 12 bà Mụ
Lễ vật cúng 12 bà mụ cần được chuẩn bị chu đáo và bày trí thật gọn gàng, đẹp mắt theo một số nguyên tắc kể trên. Trong lễ cúng này, mẹ cần chuẩn bị 2 mâm cúng với 12 loại đồ giống nhau (một mâm cúng lớn hơn dành cho Bà Chúa, đồng thời kèm theo 1 đôi đũa hoa).
-
Lễ mặn: Xôi, cơm, gà, canh, các món lễ mặn, rượu.
-
12 chén chè nhỏ và thêm 1 phần lớn hơn.
Với mâm cúng đầy tháng bé trai, ở miền Bắc thường cúng chè hoa cau, trong khi miền Nam hay dùng chè đậu nước dừa. Ở miền Trung, mẹ cần chuẩn bị chè đậu xanh để làm lễ cúng cho bé. Người xưa thường quan niệm rằng cúng chè đậu xanh sẽ mang lại may mắn cho con cái, giúp con cái thành đạt trong học hành và sự nghiệp sau này.
Với mâm cúng cho bé gái, mẹ cần chuẩn bị chè trôi nước. Sở dĩ cần chuẩn bị loại chè này trong mâm cúng đầy tháng bé gái là bởi bánh trôi tượng trưng cho sự trôi chảy, suôn sẻ, cầu mong cho con có một mối lương duyên tốt.
-
12 đĩa xôi nhỏ (xôi gấc hoặc xôi đậu) và 1 phần lớn hơn.
-
12 chén cháo nhỏ và thêm 1 phần lớn hơn.
-
12 đĩa thịt quay và bánh hỏi cùng với 12 ly rượu nhỏ. Hoặc thay bằng 12 quả trứng vịt và 12 ly nước nhỏ; thêm 1 phần như trên nhưng lớn hơn.
-
12 đôi hài xanh giống hệt nhau và 1 đôi lớn hơn.
-
12 nén vàng xanh giống nhau và 1 nén lớn hơn.
-
12 bộ váy áo màu xanh giống hệt nhau và 1 bộ lớn hơn.
-
12 miếng trầu cánh phượng giống hệt nhau và 1 têm cánh phượng to hơn.
-
Bộ đồ chơi (bát, đũa, thìa, chén cốc, con giống, xe cộ, nón, mũ,…) và một bộ giống to hơn (đồ
cúng đầy tháng
cho bé có thể bằng nhựa hoặc sành sứ).
-
Bộ 1 sên gồm: thịt heo, trứng gà hoặc trứng vịt, tôm hoặc cua.
-
Oản, bánh kẹo, hoa quả chia đều thành 12 phần giống nhau và 1 phần lớn hơn.
-
Bát hương, tiền vàng, lọ hoa tươi nhiều màu sắc, cốc nước thanh tịnh (bày cùng mâm lễ mặn).
Lễ vật cúng 12 bà mụ cần được chuẩn bị chu đáo
4.2. Mâm cúng Đức Ông
Với mâm cúng Đức Ông, mẹ chuẩn bị một số đồ vật cần thiết sau:
-
1 con gà luộc chéo cánh
-
1 tô cháo lớn
-
1 tô chè lớn
-
3 đĩa xôi lớn
-
Trầu cau
-
1 miếng thịt quay
-
1 đĩa hoa quả với 5 loại quả bất kỳ
-
Rượu
-
Đồ hàng mã
5. Nghi thức cúng đầy tháng cho con
5.1. Nghi thức cúng đầy tháng
Người làm lễ (hoặc chủ lễ) đứng lên thắp hương cho tổ tiên, giải thích lý do làm lễ cúng này. Thông thường đại diện của gia đình là ông nội hoặc cha sẽ thực hiện nghi lễ này.
Tiếp theo, cha hoặc mẹ của trẻ thắp 3 nén hương lên bàn thờ Gia tiên và bế trẻ ra trước mâm lễ rồi bắt đầu khấn theo bài cúng đầy tháng đã chuẩn bị ở trên. Trong buổi lễ này, mọi người trong gia đình nên tập trung cầu nguyện cho đứa trẻ để thể hiện sự chân thành với tổ tiên.
Đại diện của gia đình là ông nội hoặc cha sẽ thực hiện nghi thức cúng đầy tháng
5.2. Nghi thức khai tên
Sau khi làm lễ khai hoa, cầu chúc may mắn cho em bé, người làm lễ sẽ làm lễ đặt tên bằng hình thức xin keo. Chủ lễ lấy hai đồng bạc cổ bỏ vào đĩa sâu lòng.
Nếu có cả một đồng úp và một đồng ngửa thì nghĩa là thần linh chấp thuận đặt tên đó cho bé. Nhưng nếu cả hai đều là úp hoặc ngửa thì phải gieo lại đồng xu. Nếu gieo 3 lần không ra một đồng úp và một đồng ngửa thì cha mẹ phải đặt tên khác cho trẻ.
5.3. Nghi thức khai hoa (bắt miếng)
Sau khi làm lễ cúng đầy tháng, em bé được đặt ở giữa bàn, vị chủ tế rót trà, thắp hương và xin khai hoa (bắt miếng). Sau đó, người hành hương bế em bé trên tay, cầm một cành hoa, vẫy tay qua lại giữa miệng em bé và đọc lời chúc phúc cho em bé:
“Mở miệng ra cho có bông, có hoa,
Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ,
Mở miệng ra cho có bạc, có tiền,
Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến…”
6. Cần lưu ý gì khi chuẩn bị và cúng đầy tháng cho bé?
-
Sau khi làm lễ (đợi đến khi gần hết một nén hương), chủ gia đình rót trà, khấn vái, đốt tiền bạc, rưới rượu, rắc muối quanh nhà.
-
Sau lễ cúng Mụ, cả gia đình cùng nhau chia lộc và cầu chúc cho bé mọi điều tốt lành nhất.
-
Ngoài ra, các mẹ thường được làm phép tẩy uế sau một tháng ở cữ. Mẹ dắt con qua nồi nước sôi rồi đi vòng quanh nhà (bé trai 7 lần, bé gái 9 lần). Lần đầu tiên đi chợ rau sau khi sinh, mẹ mua một gói muối, gạo. Trên đường đi, mẹ hãy cố tình đánh rơi vài đồng lẻ để cầu mong cuộc sống ấm no cho đứa trẻ.
Cả gia đình cùng nhau chia lộc và cầu chúc cho bé mọi điều tốt lành nhất
Lễ cúng đầy tháng là một nghi lễ quan trọng đánh dấu bước phát triển của một đứa trẻ. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện những hy vọng, ước nguyện tốt đẹp của thế hệ đi trước đối với thế hệ mai sau. Hy vọng bài viết trên đây của Earthmama có thể giúp mẹ chuẩn bị thật chu đáo cho lễ cúng của bé!
Bài viết và hình ảnh được tổng hợp bởi Earthmama.
—-
Earthmama – Hệ thống sản phẩm Organic cho Mẹ và Bé lớn nhất Việt Nam.
Earthmama tự hào là địa chỉ mua sắm đầu tiên mang đến những dòng sản phẩm từ thiên nhiên, đảm bảo tính an toàn cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em Việt Nam, luôn đề cao những giá trị của niềm tin và uy tín.
Earthmama – Đồng hành cùng sức khỏe và sắc đẹp của Mẹ và Bé