Mèo mả gà đồng, cụm từ được cha ông ta sử dụng đã bao đời nay. Tuy nhiên có nhiều người tuy sử dụng cụm từ này hàng ngày, nhưng chưa chắc đã hiểu hết ý nghĩa của nó. Vậy hãy cùng tìm hiểu mèo mả gà đồng là gì? và tổng hợp những câu thành ngữ – tục ngữ về mèo nhé.
Tục ngữ – thành ngữ là gì?
Thành ngữ, tục ngữ thường được đi liền nhau, gộp chung thành một nhóm tuy nhiên đây lại là hai đơn vị khác xa nhau, thuộc 2 ngành nghiên cứu riêng biệt là ngôn ngữ và văn học, khác nhau hoàn toàn về phân loại, nội dung ngữ nghĩa và chức năng sử dụng.
Thành ngữ là một đơn vị ngôn ngữ thuộc từ vựng và là đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học, khác tục ngữ là một đơn vị thuộc thể loại văn học hay chính là một thể loại văn học dân gian.
Thành ngữ là loại cụm từ có cấu tạo cố định, biểu đạt một ý nghĩa hoàn chỉnh. Nghĩa của thành ngữ thường bắt nguồn trực tiếp từ nghĩa đen của các từ tạo nên nó nhưng thông qua một số phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, so sánh, hoán dụ,…
Tục ngữ là là một câu hoàn chỉnh ngắn gọn, thường có vần điệu nhất là vần lưng, các về câu thường đối xứng nhau về cả hình thức lẫn nội dung, được lập luận chặt chẽ và mang nhiều màu sắc, diễn đạt trọn vẹn một ý có nội dung, đúc kết tri thức, nhận xét về kinh nghiệm đời sống, đạo đức thực tiễn của nhân dân.
Qua hai khái niệm trên chúng ta xác định được rằng “mèo mả gà đồng” là thành ngữ.
Tìm hiểu về câu thành ngữ Mèo mả gà đồng?
Mèo mả gà đồng nghĩa là gì?
Mèo mả là loài hoang trái ngược mèo nhà, thường sống ở các bãi tha ma, nghĩa địa không có chủ, không có nhà cửa thường đi lang thang để kiếm ăn.
Gà đồng là loài gà hoang thường sống ở cánh đồng hay đồi núi, lang thang không có chỗ ở nhất định.
Mèo mả gà đồng là thành ngữ mang ý nghĩa chỉ những người không có nhà cửa nơi ở cố định, nay đây mai đó, sống buông thả, không có gia đình, không có đạo đức. Thường dùng để ám chỉ những người có thói trăng hoa bay bướm, có các mối quan hệ nam nữ bất chính, lăng nhăng, lẳng lơ, bỏ mặc vợ(chồng ),con cái đi theo người tình.
Các thành ngữ – tục ngữ có ý nghĩa tương tự:
-
Trai tứ chiến, gái giang hồ.
-
Ông ăn chả bà ăn nem.
-
Đàn ông năm bảy trái tim
Trái ở cùng vợ,trái toan cùng người.
Tổng hợp thành ngữ- tục ngữ về mèo
Thành ngữ “mèo khen mèo dài đuôi”
Có ý nghĩa mỉa mai những người luôn tự đề cao, khen ngợi bản thân mình, mặc dù mình chẳng có tài cán gì hay chẳng là gì so với người khác. Nhưng người này chuyên cho mình là nhất, không ai bằng mình.
Thành ngữ “mèo mù vớ cá rán”
Ý chỉ những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, túng quẫn bỗng dưng được ai đó giúp đỡ hay gặp một vận may bất ngờ nào đó.
Thành ngữ “mèo già hóa cáo”
Có ý nghĩa để nói về những người sống lâu, có nhiều trải nghiệm nên đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Cũng thường dùng để chỉ những người mới khi bắt đầu làm một việc gì đó thì rụt rè, nhút nhát, nhưng lâu dần làm lâu có thêm nhiều mánh khóe, tinh ranh như cáo.
Thành ngữ “Ba keo thì mèo mở mắt”
Ba keo ở đây hay còn được hiểu là ba trận, ba hiệp. Mang ý nghĩa phải gặp thất bại vài ba lần mới biết thân biết phận biết mình là ai.
Tục ngữ “Mèo đàng lại gặp chó hoang/ Anh đi ăn trộm gặp nàng xoi khoai”
Câu tục ngữ muốn nói là người ở tầng lớp nào, như nào thì sẽ gặp người tầng lớp đó, tương xứng giống như mèo hoang thì gặp chó hoang còn những người trộm cắp, bất lương sẽ gặp được những người giống mình.
Thành ngữ “ Mèo nhỏ bắt chuột con”
Với ý nghĩa khuyên những người kinh doanh, làm ăn buôn bán, nên biết mình là ai, không nên ảo tưởng về bản thân, tránh đầu tư hay làm những việc vượt khả năng của bản thân, phải liệu sức của mình không để quá sức dẫn đến thua lỗ, thất bại.
Thành ngữ “Mèo mù móc cống”
Dùng để chỉ những người không còn khả năng cải thiện kinh tế, không có kế sinh nhai, vì miếng cơm manh áo phải chấp nhận làm những công việc thấp hèn, ti tiện, bất kể chuyện gì để kiếm sống qua ngày.
Thành ngữ “ Như mèo thấy mỡ”
Xuất phát từ hình ảnh mèo rất thích ăn mỡ, ý chỉ việc tỏ ra thèm muốn, háo hức lộ liễu mà chỉ cần nhìn qua có thể thấy được.
Thành ngữ “Mỡ để miệng mèo”
Cũng có nguồn gốc giống câu thành ngữ trên, muốn chỉ sự hớ hênh, không có để phòng, cảnh giác, có thể dễ dàng bị mất cắp ví như mỡ để trước miệng mèo, mèo nào mà mèo không ăn.
Thành ngữ “ Ăn như mèo hửi” – Ăn như mèo
Ý nghĩa chỉ người ăn uống thanh cảnh, ăn ít, kén ăn.
Thành ngữ “Ăn nhạt thì mới biết thương mèo”
Ý nghĩa: khi bị rơi vào một hoàn cảnh tương tự thì mới biết được nỗi khổ, nỗi vất vả khó khăn của những người đã từng bị như ta.
Thành ngữ “ Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào”
Muốn nói đến mỗi người đều có năng lực, sở trường, khả năng riêng không nên coi thường người khác, huênh hoang kiêu ngạo chưa biết ai hơn ai, biết đâu khi so tài mới vỡ lẽ.
Thành ngữ “ Im ỉm như mèo ăn vụng”
Dùng để chỉ những người khi gây ra tội lỗi, sẽ cố tình che giấu trong im lặng, hay cũng để chỉ những người lợi dụng người khác không chú ý thấy lợi liền chiếm làm của riêng giống như mèo khi ăn vụng nhanh và im lặng.
Thành ngữ “Mèo vật đụn rơm”
Ý nghĩa để chỉ những người không biết lượng sức mình, thích làm những việc lớn lao, ngoài khả năng.
Thành ngữ “ Tiu nghỉu như mèo cắt tai”
Là hình ảnh để miêu tả những người gặp chuyện gì đó, buồn rầu , thất vọng, không nói năng, không muốn làm bất kỳ chuyện gì, cả ngày trưng ra bộ mặt buồn chán.
Thành ngữ “ Rình như mèo rình chuột”
Thường để chỉ những người siêng năng, kiên nhẫn, cẩn thận, muốn làm việc gì đó sẽ cố gắng làm cho bằng được mới thôi, giống như mèo rình chuột dù phải rình rất lâu hay phải thật cẩn thận không để bị phát hiện nhưng nó vẫn rình đến khi nào bắt được thì thôi.
Tục ngữ “Mèo uống nước, bể chẳng bao giờ cạn”
Giống như ăn vậy, mèo cũng uống rất ít nước. Câu tục ngữ này dùng để khuyên răn người khác phải biết chi tiêu tiết kiệm thì không bao giờ rơi vào cảnh túng thiếu.
Thành ngữ “ Lèo nhèo như mèo vật đống rơm”
Chuyên dùng để chỉ hành động nói dai, nói nhiều, nói đi nói lại, nói liên mồm về một việc gì đó khiến cho người nghe cảm thấy khó chịu.
Bài viết đã phân tích được ý nghĩa của thành ngữ “Mèo mả gà đồng”, bên cạnh đó cũng cung cấp thêm cho bạn những câu thành ngữ, tục ngữ về mèo thường được sử dụng.