Thế rồi tình cờ có người đến chơi bảo rằng mèo trắng thường bị điếc. Ban đầu chúng tôi không tin, nhưng thử đi thử lại nhiều lần thì thấy quả là cu cậu điếc thật! Trong một lần đến chơi nhà một người bạn, tôi lại thấy một chú mèo trắng mắt xanh giống Ba Tư rất đẹp và bạn bảo nó bị điếc!
Cảm thấy đây là một vấn đề thú vị, tôi bèn tìm đọc các tài liệu mới biết có mối liên quan giữa bệnh điếc với màu lông trắng và mắt xanh ở mèo. Điều này đã được Darwin ghi nhận từ năm 1828 và được nhắc đến trong cuốn sách Nguồn gốc các loài (Origin of Species) vào năm 1859.
Tuy nhiên, mối quan hệ này không được giải thích rõ cho đến gần đây khi khoa học “tấn công” được đến vấn đề về gen. Đi sâu vào câu chuyện này quả thật hơi khó hiểu nên tôi chỉ tóm lược thế này: về cơ bản, bệnh điếc ở mèo là do gen W (gen màu trắng) biểu hiện quá mạnh. Các tế bào melanocyte (là một loại tế bào sản xuất melanin) nằm ở phần trên của dây chằng xoắn ốc (được gọi là stria vascularis, bao gồm rất nhiều các mạch máu) có nhiệm vụ đảm bảo môi trường ion cần cho các tế bào lông trong ốc tai.
Khi gen W được biểu hiện quá mạnh, chúng không chỉ đàn áp các melanocyte ở da mà còn ở tròng đen của mắt (làm mắt có màu xanh, thực chất là màu phản chiếu của bầu trời) và phần trên của dây chằng xoắn ốc. Khi melanocyte ở đây không có, phần trên của dây chằng xoắn ốc thoái hóa, các tế bào lông chết dần, nhiều cấu trúc của ốc tai đổ vỡ và thần kinh thính giác cũng thoái hóa.
Theo thống kê của các nhà khoa học: số lượng mèo trắng rất ít, chỉ chiếm 5%. Việc điếc bẩm sinh ở mèo màu là rất hiếm. Trong số mèo trắng có 15-40% có mắt màu xanh (có thể một mắt hoặc hai mắt cùng xanh). Trong số mèo trắng có một mắt xanh thì 30-40% bị điếc. Đặc biệt, thường mèo trắng có một mắt màu xanh chỉ bị điếc một tai, cùng phía với mắt có màu xanh. Trong số mèo trắng có hai mắt màu xanh thì 60-80% bị điếc!
Đặc biệt, việc lai giống mèo mắt xanh bị hạn chế hoặc nghiêm cấm ở một số nước châu Âu.
Bạn đọc quan tâm đến câu chuyện “mèo trắng mắt xanh thường bị điếc”, có thể đọc thêm từ các tài liệu sau:
1. Delack JB. 1984. Hereditary deafness in the white cat. Compendium on Continuing Education for the Practicing Veterinarian
2. Mair IWS. 1973. Hereditary deafness in the white cat. Acta Otolaryngologica
3. Strain GM. 1996. Aetiology, prevalence, and diagnosis of deafness in dogs and cats. British Veterinary Journal
4. Strain GM. 1999. Congenital deafness and its recognition. Veterinary Clinics of North America: Small Animal Practitioner
5. Searle AG. 1968. Comparative Genetics of Coat Colour In Mammals. Logos Press/Academic Press: London.
6. Pedersen APG. 1991. Feline Husbandry. American Veterinary Publications: Goleta, CA
7. Hartwell, S 2010, white cats, eye colours and deafness, Messybeast, accessed 11 December 2010, http://www.messybeast.com/whitecat.htm.