Lại sắp bước vào mùa cưới, là lúc khắp nơi ngập tràn sắc trắng của áo cô dâu cùng tiếng nhạc rộn rã đưa nhau về chung một nhà. Đây cũng là thời điểm các cửa hàng áo cưới ăn lên làm ra nhất, hầu như lúc nào cũng tấp nập người ra kẻ vào chọn váy, chụp ảnh. Nếu bạn đang có ý định khởi nghiệp kinh doanh thì mở cửa hàng áo cưới là một ý tưởng không tồi, rất có tiềm năng phát triển trong giai đoạn này. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số việc cần phải chuẩn bị để có một cửa hàng hút khách nhất.
1. Mặt bằng
Vấn đề muôn thuở của kinh doanh chính là mặt bằng, không có mặt bằng hoặc chọn địa điểm không tốt thì mọi kế hoạch đều là bất khả thi. Mở cửa hàng áo cưới lại không giống với những cửa hàng khác, ngoài nơi để trưng bày các mẫu váy cưới và tiếp khách thì studio cũng là một địa điểm rất quan trọng.
Trước tiên chúng ta hãy cùng bàn về “mặt tiền” chính của cửa hàng, theo đúng quy tắc thì càng ở nơi đông người qua lại như mặt đường lớn sẽ càng dễ thu hút khách hàng hơn. Đặc biệt, hãy chọn những khu có đặc điểm dân cư trẻ, độ tuổi từ 20 đến 30, tập trung nhiều đối tượng mục tiêu của bạn. Vấn đề tiếp theo mà bạn cần chú ý là trang trí cửa hàng sao cho thật bắt mắt, vì đã là thứ liên quan đến đám cưới thì đều phải rực rỡ thì mới gây ấn tượng. Cửa hàng của bạn càng đẹp thì chứng tỏ thẩm mỹ của bạn càng cao, khách hàng sẽ càng tin tưởng hơn.
Tiếp đến là studio, đây là nơi để cô dâu chú rể chụp ảnh cưới. Mặc dù hiện nay công nghệ photoshop có thể hoá không thành có, hoá có thành không, nhưng để cho ra bức ảnh đẹp thì khung nền và dụng cụ trang trí càng tự nhiên càng tốt. Bạn nên chuẩn bị sẵn nhiều “khung cảnh” khác nhau để đáp ứng sở thích của khách hàng. Không gian trong studio không nên quá nhỏ, ảnh hưởng đến quá trình thợ ảnh tác nghiệp.
2. Trang thiết bị cho cửa hàng
Mặc dù là kinh doanh áo cưới nhưng đa phần các cửa hàng tại nước ta đều chọn hình thức cho thuê váy áo và những dịch vụ đi kèm như chụp ảnh, trang điểm,… Chính vì vậy mà việc sắm sửa trang thiết bị là rất quan trọng.
Đầu tiên có thể kể đến một số thiết bị phục vụ cho quá trình chụp ảnh. Có nhiều dòng máy ảnh chuyên nghiệp của các hãng khác nhau, trong đó Canon và Nikon là được ưa chuộng hơn cả. Mỗi loại lại có những đặc điểm riêng, nếu thích ảnh sắc nét thì bạn có thể chọn Nikon, còn nếu muốn ảnh cho màu đẹp, sống động thì nên chọn Canon. Ngoài ra bạn cũng nên chọn những mẫu ống kính có tiêu cự phù hợp để chất lượng ảnh tốt nhất.
Hệ thống chiếu sáng trong studio cần phải đặc biệt quan tâm, vì ánh sáng đạt chuẩn thì ảnh mới không bị tối hoặc loá. Bạn nên sắm từ 2 đến 3 cây đèn cùng thiết bị phản quang để đảm bảo có được lượng ánh sáng vừa đủ.
Tiếp đến là công cụ chỉnh sửa ảnh, chỉ cần một máy tính có cài đặt phần mềm photoshop là đủ. Sau đó là máy in hoặc máy rửa ảnh, để ảnh không bị nhoè thì bạn nên chọn những loại máy của hãng lớn, mặc dù giá hơi cao nhưng đảm bảo hơn.
Ngoài những thiết bị chuyên dụng này thì những giá đỡ, móc treo quần áo, ma-nơ-canh,… cũng sẽ tốn của bạn một khoản đầu tư kha khá, nếu muốn tiết kiệm thì nên mua lại của những cửa hàng áo cưới thanh lý. Bên cạnh đó cũng đừng quên bộ trang điểm, trang sức cho cô dâu, tuỳ vào đối tượng bạn hướng đến mà chọn những sản phẩm phù hợp, dao động từ 2 đến 5 triệu đồng.
3. Nhập hàng
Sau khi đã chuẩn bị mặt bằng, trang thiết bị cần thiết để mở cửa hàng áo cưới thì việc tiếp theo bạn cần làm là tìm và nhập những bộ váy cưới thật độc đáo, đây mới là sản phẩm chính để bạn kinh doanh. Nếu muốn nhanh gọn thì bạn có thể đặt mua mẫu váy cưới từ những thương hiệu nổi tiếng hoặc liên hệ với những xưởng may trên thị trường. Tại Hà Nội có một số xưởng như A-Z Bridal, Lekchi,… còn ở Sài Gòn thì bạn có thể đến chợ Tân Bình để tìm mua. Tuy nhiên, nếu muốn xây dựng thương hiệu riêng thì bạn nên thiết kế những mẫu váy khác biệt, giá cả có thể đắt hơn một chút nhưng sẽ đảm bảo tên tuổi cho bạn.
Ngoài các mẫu váy cưới, comple chính thì bạn cũng nên chuẩn bị những bộ áo dài truyền thống, đầm dạ hội vừa phục vụ chụp ảnh vừa cho khách hàng thuê để thay đổi.
Đọc thêm: Kinh nghiệm tìm nguồn hàng áo cưới rẻ mà đẹp
4. Nhân viên
Kinh doanh cửa hàng áo cưới không chỉ có hoạt động bán hoặc cho thuê trang phục mà còn bao gồm cả chụp ảnh, trang điểm nên bạn sẽ buộc phải thuê thêm nhân viên. Thông thường cửa hàng sẽ phải có một thợ chụp ảnh chuyên nghiệp, biết tạo dáng và tư vấn cho khách, một thợ chỉnh sửa ảnh thành thạo photoshop và một chuyên viên trang điểm. Để tiết kiệm thì bạn có thể học rồi đảm nhiệm một trong số 3 vị trí trên. Quá trình tuyển chọn phải được thực hiện thật kĩ lưỡng, đừng nhìn vào hồ sơ hay nghe ứng viên nói về kinh nghiệm của họ mà hãy để họ làm thử rồi đánh giá. Vì những công việc này đều liên quan đến làm đẹp nên ngoài tay nghề chuyên môn thì nhân viên còn phải có khiếu thẩm mỹ tốt.
5. Chuẩn bị phụ kiện
Ngoài những thiết bị hỗ trợ chụp ảnh thì các phụ kiện trang trí cũng rất cần thiết, ví dụ như giỏ hoa, mũ, khăn,… hoặc một số dụng cụ hỗ trợ chụp ngoại cảnh như xe đạp, xích lô, xích đu,… Bạn có thể mua một số món đơn giản hoặc đặt làm những thứ phức tạp hơn, miễn sao có những phụ kiện độc đáo cho khách hàng.
Album ảnh tham khảo là thứ không thể thiếu trong cửa hàng của bạn, nó sẽ là yếu tố quyết định đến 50% tỷ lệ khách hàng có muốn sử dụng dịch vụ của bạn hay không. Thời gian đầu bạn có thể “mượn tạm” những bức ảnh mẫu của nơi khác, nhưng sau khi đã làm được vài dự án thì hãy sử dụng ảnh của mình để chân thực hơn. Các bức ảnh phải thật sự sắc nét, đa phong cách cho khách hàng lựa chọn, trình bày đẹp mắt, hấp dẫn.
6. Quảng cáo
Nhiều người nghĩ rằng chỉ khi nào khai trương mới bắt đầu quảng cáo, nhưng thực tế hoạt động này cần phải thực hiện ngay khi bạn bắt đầu xây dựng lại mặt bằng, trang trí không gian cửa hàng để khi đi vào hoạt động sẽ có khách ngay lập tức. Ngoài những phương thức quảng cáo truyền thống như phát tờ rơi, treo băng rôn, đăng tin trên báo đài,… thì bạn nên tận dụng mạng Internet để tiếp thị. Bạn có thể thiết kế một website để đăng album ảnh và những chương trình khuyến mãi của mình nhằm thu hút khách hàng. Sau đó tận dụng các mối quan hệ trên mạng xã hội để lan truyền thông tin.
Mở cửa hàng áo cưới là loại hình kinh doanh đa dịch vụ, bao gồm cho thuê trang phục, chụp ảnh, trang điểm, vì vậy khâu chuẩn bị phải làm thật cẩn thận để làm hài lòng mọi khách hàng.
Xem thêm: Quản lý cửa hàng áo cưới với phần mềm quản lý bán hàng Sapo POS