Mối liên hệ giữa ngáp và kích thước não sinh vật

Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Communications Biology hôm 6/5 cho thấy sinh vật ngáp lâu hơn tương ứng với kích thước não lớn hơn.

Hiện tượng ngáp được quan sát thấy ở cả con người và động vật. Nó thường được cho là dấu hiệu của sự chán nản hoặc buồn ngủ, nhưng các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng ngáp có thể đóng vai trò như một cơ chế để làm mát não và do đó, có mối liên quan tới kích thước của não bộ.

Theo tác giả chính của nghiên cứu Andrew Gallup từ Đại học New York State của Mỹ, não sử dụng rất nhiều năng lượng và điều đó khiến nó nóng lên. Khi ngáp, chúng ta thở ra khí nóng và đồng thời, hít vào không khí mát. Việc mở rộng hàm cũng kéo căng các cơ xung quanh khoang miệng, giúp làm tăng lưu lượng máu mát hơn đến não và vì vậy, có chức năng điều hòa nhiệt. “Những bộ não lớn hơn có nhu cầu hạ nhiệt cao hơn”, Gallup nhấn mạnh.

Ý tưởng này giải đáp câu hỏi tại sao những loài thú lớn như voi, hà mã, ngựa, lạc đà, sư tử hay khỉ đột đều có thời gian ngáp ngắn hơn con người. Điều đó là do chúng ta sở hữu bộ não lớn hơn.

Hà mã mở rộng miệng hết cỡ khi ngáp. Ảnh: Abir Sultan/EPA.

Hà mã mở rộng miệng hết cỡ khi ngáp. Ảnh: Abir Sultan/EPA.

Để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa thời gian ngáp và kích thước não ở động vật, Gallup cùng cộng sự đã đi tới các vườn thú và gắn camera để theo dõi động vật ngáp. Họ đã ghi lại được tổng cộng 1.250 cú ngáp từ 55 loài động vật có vú và 46 loài chim. Ngoài ra, họ cũng tham khảo thêm nhiều video động vật ngáp khác trên nền tảng YouTube và Facebook.

Sau khi liên kết thời gian ngáp với dữ liệu não và tế bào thần kinh trong não của động vật, nhóm nghiên cứu kết luận rằng thời gian ngáp của các loài thú sẽ tăng theo kích thước và số lượng tế bào thần kinh trong não, chứ không phụ thuộc vào kích thước cơ thể.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng động vật có vú thường ngáp lâu hơn chim. Điều này không chỉ liên quan đến kích thước não mà còn do nhiệt độ cơ thể. Sự chênh lệch cao hơn giữa nhiệt độ bên trong cơ thể chim và không khí xung quanh, so với động vật có vú, cho phép máu của chim nguội nhanh hơn. Do đó, một cú ngáp ngắn là đủ với chúng.

“Não hoạt động tốt nhất ở nhiệt độ tối ưu. Nếu não nóng quá mức, vì bất cứ lý do nào, chúng ta sẽ kém tỉnh táo và mất tập trung. Có vẻ như cả con người, động vật có vú và chim đều tiến hóa theo một cơ chế để chống lại điều này. Chúng ta nên ngừng coi ngáp là một hành động thô lỗ, mà thay đó đó nên đánh giá cao vì nó cho thấy rằng một cá nhân đang cố gắng giữ thái độ tập trung”, nhà sinh vật học Jorg Massen từ Đại học Utrecht, đồng tác giả của nghiên cứu, chia sẻ.

Đoàn Dương (Theo Washington Post/IB Times)

Rate this post

Viết một bình luận