Mối nguy từ việc NASA cố tìm cách liên lạc với người ngoài hành tinh

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Getty Images

Theo đài RT, kế hoạch mà các nhà khoa học nói tới là “Beacon in the Galaxy” (BITG, tạm dịch: Đèn hiệu trong Ngân hà”). Đây là một chương trình phát sóng dữ liệu của nhóm các nhà nghiên cứu do NASA dẫn đầu nhằm chào mừng trí thông minh ngoài Trái đất. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) muốn phát tín hiệu từ mạng Kính viễn vọng Allen của Viện SETI ở California và Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ dài 500 mét của Trung Quốc (FAST). Các thông tin sẽ gồm thành phần sinh hóa của sự sống trên Trái đất, vị trí được đánh dấu theo thời gian của Hệ Mặt trời trong Dải Ngân hà, hình ảnh số hóa về con người và lời mời người ngoài Trái đất phản hồi.

Ông Anders Sandberg, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Tương lai Nhân loại tại Oxford (FHI), cho rằng một chương trình phát sóng như vậy có thể gặp nhiều rủi ro. Ông nói, trong trường hợp có một nền văn minh ngoài hành tinh nhận được thông điệp, phản ứng có thể không chỉ là một lời chào thân thiện.

Ông Sandberg nói: “Nhiều người từ chối xem xét vấn đề một cách nghiêm túc, điều này thật đáng tiếc vì đây là những thứ quan trọng”.

Một nhà khoa học khác của FHI tại Oxford, ông Toby Ord, cho rằng nên thảo luận công khai trước khi gửi tín hiệu cho người ngoài hành tinh. Thậm chí, việc lắng nghe các tin nhắn gửi đến cũng có thể nguy hiểm, vì chúng có thể được sử dụng để bẫy con người. Ông nói: “Những mối nguy hiểm này tuy nhỏ nhưng chưa được hiểu rõ và chưa được quản lý tốt”.

Theo ông Ord, giới khoa học chưa nhất trí về tỷ lệ giữa các nền văn minh hòa bình và thù địch xung quanh thiên hà. Ông nói: “Vì mặt tiêu cực có thể lớn hơn nhiều so với mặt tích cực nên đây không phải là tình huống tốt để thực hiện các bước tích cực nhằm liên lạc với người ngoài hành tinh”.

Rate this post

Viết một bình luận