Môn Giáo dục công dân trong chương trình mới

Trong môn GDCD, thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế bồi dưỡng cho học sinh (HS) các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là tình cảm, niềm tin, nhận thức, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, có kỹ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Nội dung chủ yếu của môn GDCD là giáo dục đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống, pháp luật và kinh tế:

– Trong giai đoạn giáo dục cơ bản: môn Đạo đức và Giáo dục công dân là môn học bắt buộc. Nội dung môn học định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, quê hương, cộng đồng, nhằm hình thành cho học sinh thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt và ý thức tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.

– Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của HS. Nội dung chủ yếu là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau THPT của HS; gắn kết với nội dung giáo dục đạo đức và giá trị sống, kĩ năng sống, giúp các em có nhận thức đúng và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trong các quan hệ kinh tế và pháp luật. Ngoài ra, trong mỗi năm học, những học sinh có định hướng theo học các ngành nghề Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính và Pháp luật hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học được chọn học một số chuyên đề. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về kinh tế, pháp luật và kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của các em.

2. Quan điểm xây dựng chương trình
2.1. Đảm bảo các định hướng trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể:

– Định hướng chung cho tất cả các môn học về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kế hoạch giáo dục; nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả, điều kiện thực hiện và phát triển chương trình;

– Định hướng xây dựng chương trình môn GDCD.

2.2. Bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm và tính thực tiễn, được xây dựng trên cơ sở: Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Thành tựu nghiên cứu về tâm lý học, giáo dục học, đạo đức học, luật học, lí luận chính trị và kinh tế học; kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển chương trình môn GDCD, đặc biệt là chương trình môn GDCD những năm gần đây của Việt Nam và của những quốc gia phát triển; các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam và giá trị chung của nhân loại; thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện kinh tế và truyền thống văn hoá Việt Nam, sự đa dạng của đối tượng HS xét về phương diện vùng miền, điều kiện và khả năng học tập.

2.3. Chương trình chú trọng tích hợp nhiều nội dung giáo dục cơ bản, thiết thực, hiện đại về giá trị sống, kỹ năng sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế; tích hợp nhiều chủ đề giáo dục cần thiết như: giáo dục quyền trẻ em, giáo dục môi trường, giáo dục bình đẳng giới, giáo dục sức khoẻ vị thành niên, giáo dục phòng chống ma tuý, phòng tránh HIV/AIDS, giáo dục tài chính,… Những nội dung này gắn bó chặt chẽ với cuộc sống thực tiễn của học sinh, gắn liền với các sự kiện có tính thời sự trong đời sống đạo đức, pháp luật, kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội của địa phương, đất nước và thế giới.

2.4. Đảm bảo tính hệ thống. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung chương trình môn Đạo đức (cấp TH) và GDCD ( cấp THCS) được xây dựng theo hướng đồng tâm và phát triển, xoay quanh các mối quan hệ của con người với bản thân, với người khác, với cộng đồng, đất nước, nhân loại, với công việc, với môi trường tự nhiên; mở rộng và nâng cao dần từ tiểu học đến trung học cơ sở. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, nội dung chương trình môn Giáo dục kinh tế và pháp luật (trung học phổ thông) được xây dựng theo hướng phát triển tuyến tính, xoay quanh các quan hệ kinh tế và pháp luật, từ kinh tế vĩ mô đến kinh tế vi mô, từ hệ thống chính trị và pháp luật đến quyền và nghĩa vụ công dân.

2.5. Được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định nội dung dạy học chi tiết cho từng bài học mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt; những nội dung dạy học cơ bản, cốt lõi cho mỗi cấp học, lớp học nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt; những định hướng chung về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của HS. Căn cứ vào các yêu cầu cần đạt và các định hướng chung bắt buộc này, các tác giả sách giáo khoa, cơ sở giáo dục và giáo viên (GV) hoàn toàn chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nội dung dạy học, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục cụ thể theo yêu cầu phát triển chương trình. GV được lựa chọn sách giáo khoa và sử dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau để dạy học, nhưng phải bám sát mục tiêu và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.

3. Mục tiêu chương trình
3.1. Mục tiêu chung

Giúp HS hình thành, phát triển:
– Các phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. các phẩm chất đạo đức này được hình thành, phát triển gắn liền với quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của người công dân Việt Nam.

– Các năng lực của người công dân Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và cộng đồng xã hội theo yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới, đặc biệt là yêu cầu của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: năng lực phát triển bản thân; năng lực điều chỉnh hành vi đạo đức, năng lực điều chỉnh hành vi pháp luật; năng lực giải quyết vấn đề về kinh tế. Trên cơ sở đó, góp phần giúp HS hình thành, phát triển các năng lực chung như: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

3.2. Mục tiêu cụ thể của từng cấp học
a) Môn Đạo đức ở tiểu học giúp HS:

– Hình thành và phát triển cảm xúc tích cực, ý thức đúng đắn về những chuẩn mực hành vi đạo đức trong quan hệ với chính bản thân, với gia đình, quê hương, cộng đồng, với công việc và môi trường xung quanh; thái độ tựtrọng, tự tin vào khả năng của bản thân; tình yêu quê hương, gia đình, lòng yêu thương, tôn trọng con người; đức tính trung thực, chăm học, chăm làm; ý thức trách nhiệm với hành vi, hành động của mình; sự đồng tình với cái thiện, cái đúng, cái tốt, không đồng tình với cái ác, cái sai, cái xấu.

– Có được cách cư xử phù hợp với bản thân, với gia đình, quê hương, cộng đồng, với công việc và môi trường tự nhiên; những thói quen, nền nếp cơ bản, cần thiết trong học tập và sinh hoạt phù hợp với giá trị văn hoá, chuẩn mực đạo đức, quy tắc của cộng đồng, quy định của pháp luật, quy luật của tự nhiên và xã hội.

b) Môn Giáo dục công dân ở THCS giúp HS:

– Có ý thức tự điều chỉnh, tự hoàn thiện bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật dựa trên nhận thức, thái độ và hành vi đúng đắn, tích cực về quyền, bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân trong quan hệ với gia đình, xã hội, với công việc, với môi trường thiên nhiên, với đất nước và nhân loại.
– Củng cố, nâng cao các năng lực đã được hình thành, phát triển ở tiểu học; hình thành, duy trì mối quan hệ hoà hợp với những người xung quanh; thích ứng một cách linh hoạt với xã hội biến đổi và thực hiện mục tiêu, kế hoạch của bản thân trên cơ sở các giá trị đạo đức, quy định của pháp luật; hình thành phương pháp học tập, rèn luyện, hoàn chỉnh tri thức và kĩ năng nền tảng để tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

c) Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở THPT giúp HS:

– Có được tình cảm, nhận thức, niềm tin và bản lĩnh phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật dựa trên những kiến thức cơ bản, cốt lõi, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau THPT về kinh tế và pháp luật.

– Có được năng lực thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân chủ yếu từ góc độ kinh tế, pháp luật; có kĩ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và hội nhập quốc tế.

4. Yêu cầu chính cần đạt

4.1. Về phẩm chất, hình thành, phát triển cho HS các phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

4.2. Về về năng lực

a) Năng lực chung: hình thành, phát triển cho HS các năng lực phát triển bản thân, điều chỉnh hành vi đạo đức, hành vi pháp luật của bản thân và giải quyết những vấn đề về kinh tế phù hợp với lứa tuổi. Đó là những năng lực chuyên môn biểu hiện năng lực chung (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực tìm hiểu xã hội đã được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

b) Năng lực chuyên môn: hình thành, phát triển cho HS năng lực phát triển bản thân, điều chỉnh hành vi đạo đức, hành vi pháp luật và giải quyết vấn đề về kinh tế phù hợp với lứa tuổi.

5. Nội dung dạy học khái quát
 

Nội dung

Nội dung dạy học ở từng cấp học

TH

THCS

THPT

 Giáo dục đạo đức

 Yêu nước

X

X

X

 Nhân ái

X

X

X

 Chăm chỉ

X

X

X

 Trung thực

X

X

X

 Trách nhiệm

X

X

X

 Giáo dục kỹ năng sống

 Nhận thức, quản lý bản thân

X

X

 

 Tự vệ

X

X

 

 Giáo dục pháp luật

 Hệ thống chính trị và pháp luật

 

 

X

 Quyền và nghĩa vụ công dân

X

X

X

 Giáo dục kinh tế

 Hoạt động của nền kinh tế

 

 

X

 Hoạt động kinh tế của Nhà nước

 

 

X

 Hoạt động sản xuất, kinh doanh

 

 

X

 Hoạt động tiêu dùng

X

X

X

6. Phương pháp giáo dục

Do đặc điểm của môn GDCD là hình thành, phát triển cho HS các phẩm chất đạo đức và năng lực chủ yếu của người công dân thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, nghĩa là chuyển các giá trị văn hoá, đạo đức, các kiến thức pháp luật, kinh tế thành ý thức và hành vi của người công dân. Do vậy, GV cần có phương pháp giáo dục phù hợp:

6.1. Chú trọng tổ chức, hướng dẫn cho HS hoạt động khám phá, phân tích, khai thác các thông tin, xử lý các tình huống thực tiễn, các trường hợp điển hình. Tăng cường sử dụng các tình huống, sự việc, vấn đề, hiện tượng của thực tế cuộc sống xung quanh, gần gũi với đời sống trong việc phân tích, đối chiếu, minh hoạ để các bài học vừa có sức hấp dẫn, vừa nhẹ nhàng, hiệu quả.

6.2. Chú ý việc tổ chức, hướng dẫn các hoạt động trải nghiệm của người học để HS tự phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới, phát triển kĩ năng và thái độ tích cực, trên cơ sơ đó tự hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân tương lai.

6.3. Đổi mới hình thức dạy học theo hướng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả: dạy học theo lớp, theo nhóm và cá nhân, ở trong lớp, ngoài lớp và ngoài trường; tăng cường các sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, công tác đoàn, đội của HS; tăng cường thực hành, rèn luyện kĩ năng trong các tình huống cụ thể của đời sống; tích cực sử dụng các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại nhằm đa dạng, cập nhật thông tin, tạo ra sự hứng thú cho HS.

6.4. Kết hợp giáo dục trong nhà trường với giáo dục ở gia đình và xã hội.

7. Đánh giá kết quả giáo dục
7.1. Yêu cầu:

– Kết hợp đánh giá thông qua các nhiệm vụ học tập (bài kiểm tra dưới dạng trắc nghiệm, vấn đáp hoặc tự luận, bài tập thực hành, bài tiểu luận, bài thuyết trình, bài tập nghiên cứu, dự án nghiên cứu,…) với đánh giá thông qua quan sát biểu hiện về thái độ, hành vi ứng xử của HS trong quá trình tham gia các hoạt động học tập được tổ chức trên lớp học, hoạt động nhóm, tập thể hay cộng đồng, cũng như trong sinh hoạt và giao tiếp hằng ngày.

– Việc đánh giá thông qua các nhiệm vụ học tập cần chú trọng sử dụng các bài tập xử lý tình huống được xây dựng trên cơ sở gắn kiến thức của bài học với thực tiễn đời sống, đặc biệt là những tình huống, sự việc, vấn đề, hiện tượng của thực tế cuộc sống xung quanh, gần gũi với học sinh. Bài tập kiểm tra, đánh giá cần tăng cường các câu hỏi mở gắn với thời sự quê hương, đất nước để HS được thể hiện, bày tỏ chính kiến và năng lực giải quyết các vấn đề lối sống, đạo đức, pháp luật và kinh tế, chính trị, xã hội.

– Việc đánh giá thông qua quan sát biểu hiện về thái độ, hành vi ứng xử của HS trong quá trình tham gia vào các hoạt động học tập, sinh hoạt ở trường, ở nhà và ở cộng đồng cần dựa trên phiếu nhận xét của GV, HS, gia đình hoặc các tổ chức xã hội đối với mức độ đạt được yêu cầu về phẩm chất và năng lực đã được quy định trong chương trình cho HS ở mỗi lớp học, cấp học.

– Phiếu nhận xét được sử dụng như một công cụ đánh giá; được thiết kế theo mức độ của yêu cầu cần đạt ở mỗi giai đoạn học tập về phẩm chất và năng lực; được ghi nhận bằng điểm chữ gồm: A+ (Xuất sắc), A (Tốt), B (Khá), C (Đạt yêu cầu), D (Cần cố gắng hơn); được quy đổi sang thang điểm 10 với hệ số quy đổi như sau: loại A+ tương đương 10 điểm; loại A: từ 8 đến 9 điểm; loại B: từ 6 đến 7 điểm; loại C: 5 điểm; loại D: dưới 5 điểm.

7.2. Kết hợp đánh giá của GV với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của HS, đánh giá của cha mẹ HS và đánh giá của cộng đồng; coi trọng đánh giá sự tiến bộ của HS.

7.3. Kết quả đánh giá sau mỗi học kỳ và cả năm học đối với mỗi HS là kết quả tổng hợp đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.

Rate this post

Viết một bình luận