Các món ăn từ óc heo không chỉ giúp bồi bổ sức khỏe mà còn hỗ trợ chữa rối loạn tiền đình. Với hàm lượng đạm, khoáng chất và vitamin dồi dào, các món ăn từ thực phẩm này có thể cải thiện tình trạng suy nhược, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, hoa mắt,…
Tác dụng của óc heo đối với bệnh rối loạn tiền đình
Óc heo (óc lợn) là thực phẩm giàu dinh dưỡng thường được dùng để chế biến các món ăn bồi bổ sức khỏe, cải thiện tình trạng gầy yếu và suy nhược. Trung bình 100g óc heo cung cấp cho cơ thể khoảng lipid 9.5g, protid 9.0g, glucid 0.4g, canxi 7mg, sắt 1.6mg, vitamin B1 100mcg,…
Từ lâu, óc heo đã được sử dụng như một vị thuốc bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ điều trị các chứng bệnh thường gặp. Theo y học cổ truyền, óc lợn có tác dụng tăng cường trí tuệ và bổ não. Do đó, óc heo thường được dùng để chế biến các món ăn bài thuốc giúp cải thiện các chứng bệnh liên quan đến não bộ như suy giảm trí nhớ, đau nửa đầu, mất ngủ và rối loạn tiền đình.
Với tác dụng bổ não, các món ăn từ óc heo có tác dụng cải thiện dẫn truyền thần kinh, giảm tình trạng suy nhược, uể oải và mệt mỏi. Bên cạnh đó, óc heo còn cung cấp cho cơ thể một lượng lớn vitamin nhóm B – thành phần dinh dưỡng cần thiết đối với hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Bổ sung các món ăn từ óc lợn đều đặn 1 – 2 lần/ tuần có thể cải thiện triệu chứng do rối loạn tiền đình gây ra và nâng cao sức khỏe.
Trong trường hợp cơ thể suy nhược, thiếu máu, sụt cân và gầy yếu do rối loạn tiền đình, óc heo là món ăn không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng. Với hàm lượng sắt cùng với nhiều loại khoáng chất khác nhau, óc heo kích thích quá trình tạo máu, giảm mệt mỏi và cải thiện sức khỏe một cách toàn diện.
Có thể thấy, óc heo mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Do đó bên cạnh các phương pháp y tế, bệnh nhân cũng nên bổ sung các món ăn từ thực phẩm này để hỗ trợ quá trình điều trị.
Các món ăn bài thuốc từ óc heo chữa rối loạn tiền đình
Óc heo là thực phẩm giàu dinh dưỡng có vị ngọt béo, tính hàn nên khi chế biến, nên kết hợp với một số thực phẩm có tính ấm để cân bằng. Dưới đây là các món ăn bài thuốc bệnh nhân có thể thực hiện để cải thiện chứng rối loạn tiền đình:
1. Óc heo chưng gừng – Món ăn tốt cho người rối loạn tiền đình
Cách chế biến óc heo đơn giản nhất là chưng với gừng tươi. Vị cay đắng, tính ấm và mùi thơm từ gừng sẽ lấn át mùi tanh béo từ óc heo tạo ra món ăn cân bằng hương vị, thơm ngon và bổ dưỡng. Món ăn này khá dễ thực hiện nên bất cứ ai cũng có thể áp dụng.
Ngoài tác dụng khử mùi tanh, gừng (sinh khương) còn là vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Gừng có vị cay đắng, tính ấm, tác dụng ôn trung, tán hàn, làm ấm tỳ vị, sát khuẩn và tiêu viêm. Thêm gừng vào món ăn giúp dạ dày, đường ruột dễ dàng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng có trong óc heo. Hơn nữa, các chất chống oxy hóa từ gừng tươi còn giúp nâng cao sức khỏe, chống viêm và giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi.
Cách chế biến món óc heo hấp gừng cải thiện chứng rối loạn tiền đình:
- Chuẩn bị óc heo 250 – 300g, 1 nhánh gừng tươi (nên dùng gừng non), rượu trắng, tiêu và một ít muối
- Đem ngâm óc heo với nước muối pha loãng trong khoảng 2 – 3 phút, sau đó vớt ra để ráo và dùng tăm tách màng bên ngoài óc để tránh tình trạng bị tanh khi ăn. Kế tiếp rửa sạch nhẹ nhàng với nước muối thêm 1 lần để làm sạch màng.
- Rửa sạch gừng và xắt sợi
- Ướp óc heo cùng với 1 thìa rượu trắng và gừng trong khoảng 5 phút, thêm muối vào và đem chưng cách thủy 15 – 20 phút.
- Khi óc chín, thêm tiêu và hành ngò vào dùng ăn khi nóng.
2. Óc heo hấp bí đỏ bồi bổ sức khỏe
Nếu có nhiều thời gian, bệnh nhân có thể thực hiện món óc heo hấp bí đỏ để bồi bổ sức khỏe và cải thiện chứng rối loạn tiền đình. Bí đỏ chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Ngoài ra với hàm lượng tinh bột khá cao, bí đỏ còn mang đến nguồn năng lượng dồi dào, cải thiện tình trạng suy nhược và gầy yếu.
Dùng món óc heo chưng bí đỏ 1 lần/ tuần sẽ giúp cải thiện sức khỏe, tăng cường trí nhớ và giảm nhẹ tình trạng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi, uể oải, mất ngủ. Ngoài ra, món ăn cũng thích hợp với những người bị suy nhược thần kinh do làm việc với cường độ cao trong thời gian dài.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 óc heo, 1 quả bí đỏ nhỏ, gừng, hành lá, nước dừa tươi, hạt nêm, tiêu, nước mắm và gia vị vừa đủ
- Ngâm óc heo với nước muối pha loãng trong 2 – 3 phút. Sau đó, dùng tăm làm sạch phần gân máu và màng bọc bên ngoài.
- Rửa sạch bí đỏ, gọt bỏ, cắt phần đầu và làm sạch ruột bên trong.
- Sau khi óc heo đã được làm sạch, đem ướp với hành lá, hành tím, gừng xắt nhuyễn, tiêu, 1 muỗng hạt nêm và 1/2 muỗng nước mắm cùng với nước dừa tươi.
- Sau 2 – 3 phút, cho toàn bộ óc heo phần bí đỏ và dùng phần nắp bí đậy lại cho kín. Đem hấp cách thủy 45 phút để óc heo chín và bí mềm nhừ là được.
- Khi ăn nên dùng hết phần óc heo cùng với bí đỏ
3. Óc heo chiên trứng
Ngoài các món chưng, hấp, óc heo còn được dùng chiên cùng với trứng. Món óc heo chiên trứng có cách thực hiện đơn giản nhưng hương vị rất thơm ngon. Vì được chế biến bằng cách chiên nên óc heo không còn vị tanh. Món ăn này có thể dùng kèm với cơm như các món ăn hằng ngày.
Cách thực hiện món óc heo chiên trứng:
- Chuẩn bị 2 – 3 quả trứng gà, 1 bộ óc heo, hành lá, dầu ăn và gia vị
- Rửa sạch óc heo với nước muối pha loãng trong 2 – 3 phút, sau đó dùng tăm loại bỏ gân máu
- Đập trứng ra tô, thêm gia vị vào vừa ăn
- Cho dầu lên chảo, để nóng, phi hành và óc cho thơm, sau đó đổ trứng vào chiên chín
- Đợi 2 – 3 phút cho trứng chín và lật mặt trứng, chiên thêm khoảng 1 phút rồi tắt bếp
- Dùng trứng chiên óc heo ăn cùng với cơm trắng khi còn nóng
4. Óc heo chưng lá ngải cứu
Ngải cứu là loại rau ăn có tác dụng dược lý. Do đó, bệnh nhân cũng có thể kết hợp óc heo cùng với ngải cứu để hỗ trợ cải thiện triệu chứng do rối loạn tiền đình gây ra. Theo y học cổ truyền, ngải cứu có vị đắng, cay, tính ấm, tác dụng chỉ thống, khứ hàn, cầm máu, điều hòa khí huyết và ôn kinh.
Dùng món óc heo chưng ngải cứu giúp thúc đẩy tuần hoàn máu lên não, giảm đau đầu, chóng mặt, hoa mắt và suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, ngải cứu có tính ấm sẽ cân bằng tính hàn từ óc heo giúp cơ thể dễ dàng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng từ món ăn.
Cách thực hiện óc heo chưng lá ngải cứu chữa rối loạn tiền đình:
- Chuẩn bị 1 bộ óc heo, 1 ít rau ngải cứu và gia vị
- Ngâm óc heo với nước muối pha loãng trong 2 – 3 phút, sau đó dùng tăm làm sạch gân máu và màng bọc bên ngoài óc heo.
- Ngải cứu rửa sạch, để ráo và xắt nhỏ
- Sau đó cho óc heo tô, phủ ngải cứu lên trên thêm vào 1 ít muối và hạt nêm
- Đem chưng cách thủy trong khoảng 30 – 40 phút
- Thêm tiêu bột vào và dùng ăn khi còn nóng
5. Cháo óc heo
Rối loạn tiền đình thường gây đau đầu, mệt mỏi, uể oải nên sinh ra chán ăn và ăn uống không ngon miệng. Để cải thiện vị giác và hỗ trợ điều trị các triệu chứng do rối loạn tiền đình gây ra, bạn có thể chế biến món cháo óc heo.
Cháo óc heo là món dễ ăn, thích hợp với những ngày chán ăn và khó tiêu hóa. Với món ăn này, bệnh nhân có thể đa dạng nguyên liệu tùy theo sở thích. Óc heo thường được nấu cùng với gạo trắng, hành lá, bí đỏ, cà rốt, tía tô và các loại đậu để bồi bổ sức khỏe.
Cách chế biến cháo óc heo hỗ trợ chữa rối loạn tiền đình:
- Chuẩn bị 100g gạo tẻ, 1 bộ óc heo, bí đỏ, dầu ăn, gia vị, hành lá và các nguyên liệu khác tùy theo sở thích
- Ngâm óc heo với nước muối pha loãng trong 2 – 3 phút, sau đó rửa sạch và bóc tách phần gân máu bằng tăm tre. Tiếp tục rửa thêm 2 – 3 lần rồi để ráo nước.
- Bào vỏ bí đỏ, cắt khúc vừa ăn
- Vo sạch gạo rồi đem nấu nhừ với lượng nước vừa đủ, sau khi cháo nở thì cho bí đỏ cắt nhỏ vào nấu đến khi bí chín mềm
- Cuối cùng, nêm nếm gia vị và cho óc heo vào nấu khoảng 5 – 10 phút cho óc heo chín hoàn toàn
- Tắt bếp và cho hành ngò xắt nhỏ
- Khi ăn múc ra tô, thêm tiêu, khuấy đều và ăn khi còn nóng
6. Óc heo chưng xuyên khung
Các món ăn từ óc heo chủ yếu có tác dụng bồi bổ, giảm mệt mỏi và suy nhược. Để nhận thấy hiệu quả giảm triệu chứng rõ hơn, bệnh nhân có thể dùng các món ăn bài thuốc. Óc heo chưng xuyên khung là một trong những bài thuốc chữa rối loạn tiền đình được nhiều bệnh nhân áp dụng.
Xuyên khung có vị cay, tính ôn, tác dung khu phong táo thấp và hành khí hoạt huyết. Nghiên cứu từ y học hiện đại cho thấy, dược liệu này có tác dụng cải thiện tình trạng thiếu máu não, chống ngưng tập tiểu cầu (chống hình thành cục máu đông) và giảm đau nhức. Do đó, món óc heo chưng xuyên khung có thể cải thiện tình trạng đau đầu, giảm trí nhớ, hoa mắt,… do rối loạn tiền đình gây ra.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị xuyên khung 15g và óc lợn 1 bộ
- Sơ chế óc heo như trên, đem xuyên khung rửa sạch
- Sau đó, cho tất cả vào tô và hấp cách thủy đến khi chín thì tắt bếp
- Khi ăn nên cho vào một ít nước mắm, ăn hết óc heo rồi uống nước sắc
- Nên dùng món ăn này 1 – 2 lần/ tuần
7. Óc heo chưng thiên ma
Ngoài xuyên khung, bệnh nhân cũng có thể kết hợp óc heo cùng với thiên ma. Thiên ma có vị ngọt, tính ôn, tác dụng trừ phong chỉ thống, bình can tiềm dương và tức phong chỉ kinh. Y học hiện đại công nhận dược liệu này có tác dụng chống co giật, an thần, chống viêm, giảm đau và giúp tăng cường lưu lượng máu đến não, tim mạch.
Óc heo chưng thiên ma có tác bổ não nên có thể cải thiện tình trạng chóng mặt, đau đầu, trí nhớ suy giảm và mệt mỏi ở người bị rối loạn tiền đình. Ngoài ra, người làm việc và học tập căng thẳng cũng có thể dùng món ăn này để bồi bổ trí óc và phòng ngừa suy nhược thần kinh.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị thiên ma 15g, 1 bộ óc lợn, gừng, hành, nấm hương, rượu vang
- Sơ chế nguyên liệu như trên
- Sau đó cho tất cả vào tô đem hấp cách thủy
- Đến khi óc lợn chín thì dùng ăn khi còn nóng để tránh bị tanh, tuần ăn 1 lần để bồi bổ sức khỏe và cải thiện bệnh
Lưu ý khi dùng óc heo chữa rối loạn tiền đình
Óc heo không chỉ là loại thực phẩm thông thường mà còn là vị thuốc giúp bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ cải thiện chứng rối loạn tiền đình hiệu quả. Tuy nhiên khi dùng óc heo chữa rối loạn tiền đình, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Các món ăn bài thuốc từ óc heo chỉ có tác dụng bổ não, giảm mệt mỏi và cải thiện một số triệu chứng do rối loạn tiền đình gây ra. Vì vậy, bệnh nhân vẫn cần điều trị theo các phương pháp được bác sĩ chỉ định.
- Hàm lượng dinh dưỡng trong óc heo rất dồi dào nên chỉ dùng 1 – 2 lần/ tuần. Ăn quá nhiều óc heo có thể tăng cholesterol trong máu và gây rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, người mắc các vấn đề tim mạch, bệnh gout, tiểu đường, mỡ trong máu,… cũng nên hạn chế dùng các món ăn từ loại thực phẩm này.
- Theo y học cổ truyền, không nên dùng óc heo đang có bệnh thuộc thực chứng do dễ sinh nhiệt và phát phong.
- Óc heo chứa nhiều thành phần dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, chất dinh dưỡng trong thực phẩm này có thể bị thất thoát nếu chế biến sai cách. Theo các chuyên gia, cách chế biến óc heo tốt nhất là hấp hoặc cách thủy. Nếu dùng nấu cháo hoặc chiên, cần điều chỉnh lửa vừa phải và nấu trong thời gian ngắn để đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng của món ăn.
- Ngoài các món ăn từ óc heo, bệnh nhân cũng nên đa dạng chế độ ăn với các loại rau xanh, trái cây, các loại đậu, hạt, cá, thịt,… để cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết. Bên cạnh đó, cần sinh hoạt điều độ và giảm căng thẳng, lo âu để cải thiện bệnh hiệu quả.
Trên đây là một số món ăn, bài thuốc từ óc heo có tác dụng chữa rối loạn tiền đình. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể đa dạng công thức bằng cách kết hợp óc heo với các loại thực phẩm lành mạnh khác. Tuy nhiên cần chú ý bổ sung món ăn với tần suất phù hợp để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.