Sau khi bạn đọc tiêu đề, đừng nghĩ ngay đến món cháo trắng thông thường. Món ăn này cần một số bí quyết khi chế biến. Đây cũng là lý do vì sao có sự tranh cãi nho nhỏ giữa nhà dinh dưỡng học và bác sĩ Đông y.
Đông y nói cháo trắng “còn tốt hơn cả nhân sâm” vì mọi người có thể ăn món này mà không kiêng cử gì, trong khi nhân sâm không phải ai cũng thích hợp dùng. Nhưng nhà dinh dưỡng học phân tích thành phần hạt gạo thì khuyên chúng ta ăn gạo thô (gạo chưa chà kỹ). Có một thực tế là Tây y và nhà dinh dưỡng khuyên những người bệnh tiểu đường ăn gạo thô thay vì gạo trắng, họ nhận thấy phần nào điều này giúp làm giảm đường huyết. Thậm chí nhiều người cho rằng ăn cháo có thể khiến đau dạ dày.
Bác sĩ Đông y nổi tiếng của Đài Loan Ngô Quốc Bân quan sát những bệnh nhân tiểu đường của mình. Sau một thời gian, ông thấy đường huyết của những người ăn gạo thô có thể giảm, nhưng “khí” của họ cũng giảm theo. Vì hạt gạo thô có vỏ cứng ngược lại không dễ hấp thu và gây tổn thương tỳ vị. Tỳ là hệ thống giúp hấp thu và vận hoá thuỷ thấp. Tỳ thuộc hành Mộc, nếu Mộc sinh vạn vật thì Tỳ giúp cơ thể có năng lượng, nuôi dưỡng các hệ cơ quan khác. Tỳ cũng là nơi vận hoá thuỷ thấp, giống như vận hành hệ thống nước trong cơ thể. Khi hệ thống nước này không thông suốt, sẽ dẫn tới tích tụ những thứ không tốt, ví như da dễ nổi mẫn đỏ ngứa, dễ viêm, da lỏng lẻo chảy sệ, nếp nhăn hình thành, bọng mắt xuất hiện,…
Danh y Lý Thời Trân nói rằng gạo có được khí trung hoà giữa trời đất, nghĩa là vật trung dung nhất. Giống như mặt đất có thể dung hoà mọi sinh vật sống. Vì vậy chúng ta thường ăn thịt, rau phải có một chút cơm, vì tính trung dung của cơm giúp cho các vị dung hoà với nhau. Vậy cháo có làm tổn thương dạ dày không? Câu trả lời là có nếu bạn nấu không đúng cách.
Bác sĩ Ngô Quốc Bân cho rằng khi nấu cháo chúng ta nên chọn loại gạo hạt tròn ngắn (dính hơn và ít cứng hơn loại hạt dài) và nên chọn nồi đất, bởi vì tỳ vị thuộc hành Thổ. Tỉ lệ gạo và nước có thể tầm 1:20 và nấu với nhiệt độ trung bình, nhỏ trong khoảng 2 tiếng. Lúc này trên bề mặt sẽ thấy lớp chất dính mà Đông y gọi là “dầu gạo” (米油). Đối với người bị đau dạ dày, có thể ăn lớp “dầu gạo” này có tác dụng như một lớp tráng niêm mạc dạ dày, phần cháo còn lại bên dưới không dùng nữa. Khi nấu cháo, hạt gạo phải bung ra và hoà với nước như một thể, nếu hạt gạo còn chưa bung ngược lại sẽ “cứng” và làm cho đau dạ dày nặng hơn. Tương tự người bệnh đau dạ dày không nên dùng cơm nấu từ loại gạo hạt dài sẽ cứng và khó hấp thu hơn.
Nếu bạn thay gạo trắng thành hạt kê vàng sẽ có công dụng bổ tỳ vị, thanh nhiệt, giảm viêm, điều này các tín đồ chăm sóc da sẽ rất thích vì hầu hết các vấn đề da như mụn trứng cá, viêm da dị ứng, … có liên quan đến hệ tỳ vị, thường lại có biểu hiện viêm đỏ.
Điều không kém phần quan trọng là khi dùng cháo nhất thiết phải ăn nóng, vì ăn lạnh sẽ bị ứ khí. Cháo được nấu có lớp “dầu gạo” và tất cả các hạt gạo bung ra. Một lưu ý nhỏ khác, trong khi các nhà dinh dưỡng học chỉ phân tích thành phần là tinh bột, chất béo, đạm,.. bác sĩ Đông y cho rằng bên trong hạt gạo có thể hơn một ngàn chất mà hiện nay chúng ta chưa thấy được, vì vậy thời gian nấu cần lâu khoảng 2 giờ.
Đông y cho rằng người được tạo thành từ ba phần: tinh (精), khí (氣 ) và thần (神), cả ba từ này đều có gốc mễ (米) bên trong, đó là gạo. Đông y có lịch sử mấy nghìn năm vẫn giữ nguyên giá trị nếu được hiểu đúng, thực hành đúng.
Bách Hợp
Tham khảo: https://m.ntdtv.com/b5/2021/04/28/a103106169.html