MỘT LƯỢNG ĐỊNH VỀ TÁI TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG
Michel Trương
Với sự kiện
đáng ghi dấu trong sinh hoạt Giáo Hội diễn ra vào năm 2012, đó là cuộc họp thường
kỳ Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XIII về chủ đề Tái Truyền Giảng
Tin Mừng, xin phép được sao chữ tên gọi bằng Anh ngữ: New Evangelization-World
synod of Bishops; cho đến nay đã trở thành một đề tài được quan tâm không ít
cho những bài tham luận đăng tải trên các phương tiện truyền thông Giáo hội Việt
nam. Trước khi bài viết đi vào bàn luận vấn đề, xin có ít lời chú giải về việc
sử dụng ngôn từ ở đề tựa. Một Lượng Định, có thể hiểu như là cách nói tắt: Một
ý nhận định chưa thể quả quyết thật phù hợp hoặc chính xác.
Nếu tra một tự điển Anh-Việt, người ta thấy ở
mục từ: NEW, được diễn nghĩa sang tiếng Việt: Mới; và cũng còn kê ra nghĩa: Phục
hồi, tái tạo lại. Như vậy, tĩnh từ “Mới”, tùy theo tiền cảnh của danh từ đi
chung mà nó bao hàm với hai ý, cái mới vì trước đây chưa có, hoặc, mới vì nó
hoàn hảo hơn cái cũ. Nhóm biên soạn sau khi theo dõi nhiều bài viết mang tên tựa
với mục từ này, nhận thấy các tác giả đã thực hiện khá đầy đủ trong việc mô tả
ý tưởng liên quan đến: New Evangelization, mà nội dung diễn đạt theo nghĩa: Tân
Phúc Âm Hóa (Loan báo Phúc Âm theo cách: mới
về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và mới trong cách diễn tả). Vì
thế, nội dung này hẳn sẽ không bàn luận gì thêm về quan điểm này. Nhưng chủ
đích sẽ trình bày một hiện trạng xã hội dẫn đến sự suy giảm đời sống Kitô giáo,
và đề xuất một số hình thái sinh hoạt đạo đức khác trong Giáo Hội, nhằm thể hiện
thiện chí đáp lại Lời kêu gọi từ Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới XIII.
Trước khi bàn đến ý tưởng triển khai cho chủ đề:
Tái Truyền Giảng Tin Mừng, là Loan báo Tin mừng vì mục tiêu làm khôi phục sống
lại Niềm tin ở một số thành phần, thì buộc người ta phải quan sát trước về đối
tượng trong cộng đồng nhân loại mà Giáo Hội đang chú tâm tác động đến. Như
trong bài giảng Thánh lễ trọng thể khai mạc Thượng HĐGM XIII tại Rôma vào ngày
7-10-2012I, Đức Bênêđictô XVI phát biểu:
“… Chủ
yếu hướng tới những người, tuy đã được rửa tội, nhưng đang xa lìa Giáo Hội, và
sống không hề tham chiếu luân lý Kitô giáo ….., để giúp họ tái gặp gỡ Chúa,
là Đấng duy nhất làm cho cuộc sống chúng ta được ý nghĩa sâu xa và an bình; để
giúp tái khám phá đức tin, là nguồn mạch Ân sủng mang lại vui mừng và hy vọng trong
đời sống bản thân, gia đình và xã hội.”
Qua ý nội dung của đoạn Bài giảng trên, chúng
ta có thể đặt ngay câu hỏi: Do hoàn cảnh ra sao mà họ đã rơi vào tình trạng:
Tuy đã được rửa tội, nhưng đang xa lìa Giáo Hội… ? Một vấn đề tất yếu phải
được bàn luận để xác định nguyên nhân tiền đề mà dẫn đến hệ quả, từ đó mới thỏa
mãn tính chính đáng của lập luận nội dung: Đối nhân bởi tác động nào mà phải bận
tâm Tái truyền giảng và như vậy phải chọn phương thức nào thì mới phù hợp cho họ ?
Để có một giải đáp tỏ nét trực diện, bài viết xin được trích dẫn một đoạn trong
Tông huấn “Người Kitô hữu Giáo dân”, mà Đức Gioan Phaolô II đưa ra lời nhận định
như sau, có liên quan đến ý bàn luận:
(Thành
thật cáo lỗi, vì đã có bản chuyển ngữ sang tiếng Việt không chuẩn, nên buộc
lòng xin trích đoạn cần diễn ý, cùng một ngữ cảnh với Anh và Pháp ngữ, chọn
trong trang Web www.vatican.va)
“On the
other hand, in other regions or nations many vital traditions of piety and
popular forms of Christian religion are still conserved; but today this moral
and spiritual patrimony runs the risk of being dispersed under the impact of a
multiplicity of processes, including secularization and the spread of sects.
Only a re-evangelization can assure the growth of a clear and deep faith, and serve
to make these traditions a force for authentic freedom.
En
d’autres pays ou nations, au contraire, on conserve encore beaucoup de
traditions très vivantes de piété et de sentiment chrétien; mais ce patrimoine
moral et spirituel risque aussi de disparaître sous la poussée de nombreuses
influences, surtout celles de la sécularisation et de la diffusion des sectes.
Seule une nouvelle évangélisation peut garantir la croissance d’une foi claire
et profonde, capable de faire de ces traditions une force de réelle liberté.”[1]
Như vậy, chủ yếu do ảnh hưởng tình trạng Tục
hóa và sự quảng bá các Tà phái (Giáo phái suy đồi đạo đức chân chính), mà làm
tác động đến nhiều quốc gia bị mất dần tính truyền thống sùng Đạo của mình. Từ
đó, Đức Thánh Cha kêu gọi cần có nỗ lực Tái truyền giảng Tin mừng, mới bảo toàn
sự sống dậy của Đức tin trong sáng và sâu xa. Trong nội dung chính bài viết dưới
đây sẽ dành một phân mục để phân tích về hiện tượng Tục hóa, nhưng, sẽ không đá
động gì đến việc lan tỏa các Giáo phái lệch lạc, hẳn vì chuyên môn biên soạn
chưa đạt tới khả năng bàn luận về hệ tương quan nằm trong phân ý, và cũng, ắt sẽ
có đụng chạm.
Khi ước vọng đưa ra phương hướng hoạt động hiệu
quả đối với chủ đề Tái Truyền Giảng, thì có thể nói, đang là một lãnh vực
nghiên cứu mà Giáo Hội chưa đủ thời gian xem xét thấu đáo để đạt tới mức hoàn
thiện, đồng thời cũng do thực trạng xã hội mang nhiều tính tế nhị của nó. Vì hiện
tượng Tục hóa luôn ở vị trí chiếm ưu thế tác động đến hầu hết sinh hoạt con người
đương đại, song song nếu quảng bá tinh thần Phúc Âm, tất nhiên sẽ dẫn đến ít
nhiều khuyên bảo làm ràng buộc những thành phần này phải từ bỏ cái Thế gian mà
họ đang tha thiết nắm giữ, chỉ để đổi lại cái đẹp của một đời sống Đức tin
thánh thiện. Từ hiện thực như vậy, nên công việc của nhóm soạn thảo cũng chỉ có
thể tường trình những đặc nét ghi nhận được từ chặng đường mà các Đấng chuyên
trách đã gặt hái, rồi qua các kinh nghiệm thực tiễn, mà họa chăng trình bày vắn
gọn với tính cách kiến nghị, nhằm bổ túc thêm vài ý tưởng xét là khả thi.
Thêm vào đó, chỉ thuần việc nhận dạng đúng đắn
bản chất của chủ đề Tái Truyền Giảng thôi, thì cũng là một thách thức đáng kể rồi.
Như chúng ta có lần theo dõi đề mục Định nghĩa Truyền giáo, trong đó đặt ra hai
hoạt động phục vụ chính yếu trong Giáo Hội là, Chăm sóc Mục vụ và Thi hành Sứ vụ
Truyền giáo. Về lý thuyết, Tái Truyền Giảng được xác định là bên mảng Truyền
giáo, nhưng khi hành sự thực tế cho thấy, nó nằm lưng lửng giữa hai bên, ấy là
chưa tính đến xu hướng thời cuộc đang có tác động mạnh mẽ làm nó mang một đường
nét riêng biệt. Do vậy, khi hoạch định phương hướng hoạt động cho chủ đề này
thì buộc phải đề ra một hình thái đặc thù tất yếu. Vả lại, trong kinh nghiệm
dân gian, người ta còn thường lặp lại mấy lời nhắc nhở: Chẳng thà làm cái mới
nhiều khi còn dễ hơn là sửa lại cái cũ ương dở. Với chừng ấy vấn đề, nhóm soạn
thảo kính mời Quý độc giả hãy cùng đồng hành để Lượng định, hy vọng trong tương
lai sẽ có những Học giả uyên bác khẳng định thực hư công việc quan sát này.
Trong phân mục này xin được giới thiệu đôi nét
ý tưởng đúc kết của kỳ họp, mà đã được loan tải qua bản văn: Sứ Điệp Thượng Hội
Đồng Thế Giới XIII gửi Cộng đồng Dân Chúa.[2]
Vì khả năng giới hạn của trang viết nên chỉ xin trích vài đoạn tiêu biểu, không
có phần diễn đạt ý tưởng Thần học sâu sắc. Nhằm làm định hướng cho chúng ta nhận
thức về bối cảnh và mong muốn nhờ đó cũng được động viên để đóng góp vào một Sứ
vụ trong Giáo Hội. Đồng thời, bài viết chỉ ghi lại nguyên văn, không kèm theo lời
luận giải diễn đạt quan điểm riêng.
– Trong số 1: Người
phụ nữ xứ Samaria đã thú nhận với những người đồng hương rằng: ”Người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã
làm”. Và lời loan báo này – có kèm theo câu hỏi dẫn vào đức tin: ”Phải chăng ông ấy là Đức Kitô?” – chứng
tỏ ai đã nhận được sự sống mới từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, thì đến lượt
mình, họ không thể không trở thành người loan báo sự thật và hy vọng cho tha
nhân. Người phụ nữ tội lỗi hoán cải trở thành sứ giả của ơn cứu độ và dẫn cả
dân thành về với Chúa Giêsu. Từ sự đón nhận chứng từ, dân chúng sẽ tiến đến
kinh nghiệm bản thân về cuộc gặp gỡ: ”Không
phải vì những lời của bà mà chúng tôi tin, nhưng vì chính chúng tôi đã được
nghe và biết rằng ông này thực là Đấng Cứu Thế”.
– Trong số 2: Tái truyền
giảng Tin Mừng dẫn đưa những người nam nữ ngày nay đến cùng Chúa Giêsu, gặp gỡ
Ngài, đó là một điều cấp thiết liên hệ tới tất cả mọi miền trên thế giới. Thực
vậy, khắp nơi đều cảm thấy nhu cầu hồi sinh Đức tin, vì Đức tin đang có nguy cơ
bị lu mờ trong những bối cảnh văn hóa cản trở không cho Đức tin trở nên sâu xa
hơn nơi bản thân, cản trở sự hiện diện của Đức tin trong xã hội, nội dung minh
bạch và những thành quả đi kèm của Đức tin. Đây không phải là bắt đầu lại từ đầu,
nhưng – với tâm hồn tông đồ của thánh Phaolô, Ngài đã từng nói: ”Khốn cho tôi nếu
tôi không loan báo Tin Mừng!” (1 Cr 9,16) – vấn đề ở đây là tháp nhập vào hành
trình dài công bố Tin Mừng – ngay từ những thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô
giáo cho đến nay, qua dòng lịch sử và kiến tạo những cộng đồng tín hữu ở mọi
nơi trên thế giới. Dù lớn hay nhỏ, các cộng đồng ấy đều là thành quả sự tận tụy
của các Thừa sai và không thiếu những Vị tử đạo, thành quả của bao thế hệ chứng
nhân của Chúa Giêsu mà chúng ta nhớ đến họ với lòng biết ơn.
– Trong số 3: Giáo
Hội là không gian mà Chúa Kitô trao tặng trong lịch sử nơi chúng ta có thể gặp
gỡ Ngài, vì Ngài đã ủy thác cho Giáo Hội Lời Ngài, Bí tích Rửa tội làm cho
chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, Mình và Máu Ngài, ơn tha thứ tội lỗi, nhất
là trong Bí tích Hòa giải, kinh nghiệm về tình hiệp thông phản ánh chính Mầu
nhiệm Chúa Ba Ngôi, và sức mạnh của Thánh Linh tạo nên tình bác ái đối với tất
cả mọi người.
Chúng ta cần thành lập những cộng đoàn hiếu
khách, trong đó tất cả những người ở ngoài lề tìm được nhà của họ, được những
kinh nghiệm hiệp thông cụ thể, với sức mạnh nồng nhiệt của tình yêu -“Hãy xem họ
yêu thương nhau dường nào!” (Tertuliano,
Hộ giáo, 39,7)– tình yêu thu hút được cái nhìn ngưỡng mộ của con người thời
nay. Vẻ đẹp của Đức tin phải rạng ngời, đặc biệt trong các hoạt động Phụng vụ
thánh, nhất là trong Thánh lễ Chúa nhật. Thực vậy chính trong các buổi cử hành
Phụng vụ, Giáo Hội biểu lộ khuôn mặt hoạt động của Thiên Chúa và làm cho ý
nghĩa của Tin Mừng trở nên hữu hình, trong lời nói và cử chỉ.
– Trong số 5: Lời mời gọi rao giảng Tin Mừng được diễn tả
qua lời kêu gọi hoán cải.
Chúng ta hãy tin chắc rằng chúng ta phải là những
người trước hết cần phải hoán cải, cần phải trở về với Quyền năng của Chúa
Kitô, là Đấng duy nhất có thể đổi mới mọi sự, nhất là đổi mới cuộc sống nghèo
nàn của chúng ta. Với lòng khiêm tốn chúng ta phải nhìn nhận rằng sự nghèo nàn
và yếu đuối của các Môn đệ Chúa Giêsu, đặc biệt là nơi các Thừa tác viên của
Ngài, đè nặng trên uy tín của việc truyền giáo. Chắc chắn các Giám mục chúng
tôi là những người đầu tiên ý thức rằng chúng ta không bao giờ có thể xứng đáng
với Ơn gọi và mệnh lệnh của Chúa để Loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Chúng ta phải
biết khiêm tốn nhìn nhận sự dễ tổn thương của chúng ta đối với những vết thương
của lịch sử và không do dự nhìn nhận những tội lỗi cá nhân của chúng ta. Nhưng
chúng ta cũng xác tín rằng sức mạnh của Thánh Thần Chúa có thể canh tân Giáo Hội
của Ngài và làm cho chiếc áo của Giáo Hội được rạng ngời, nếu chúng ta để cho
Chúa uốn nắn. Cuộc sống của bao nhiêu vị Thánh chứng tỏ điều đó, việc tưởng niệm
và kể lại cuộc sống của các Vị là một phương thế ưu tiên trong công cuộc tái
truyền giảng Tin Mừng.
– Trong số 6: Chúng
ta biết rằng trong trần thế, chúng ta phải chiến đấu cam go chống lại các ”Vương thần và quyền thần”, ”những ác thần” (Ep 6,12). Chúng ta không
tránh né những vấn đề mà các thách đố ấy đề ra, nhưng chúng không làm cho chúng
ta khiếp sợ. Điều này được áp dụng trước tiên cho những hiện tượng Toàn cầu
hóa, chúng phải là những cơ may để chúng ta mở rộng sự hiện diện của Tin Mừng.
Cũng vậy đối với những cuộc di dân: mặc dù có những gánh nặng đau khổ trong biến
cố này, và qua đó, chúng ta chân thành đón tiếp những người di dân như những
anh chị em, các cuộc di dân ấy cũng là những cơ hội để mở rộng Đức tin và kiến
tạo tình hiệp thông trong các hình thái khác nhau, như đã xảy ra trong quá khứ.
Sự Tục hóa- và cả cuộc khủng hoảng do sự bá quyền của chính trị và Nhà nước gây
ra- cũng đòi Giáo Hội phải suy nghĩ lại sự hiện diện của mình trong xã hội,
nhưng không từ bỏ sự hiện diện ấy. Nhiều hình thức mới của nạn nghèo đói đang mở
ra những môi trường chưa từng có cho việc phục vụ bác ái: việc Loan báo Tin Mừng
đòi Giáo Hội phải ở với người nghèo và đón nhận những đau khổ của họ như Chúa
Giêsu. Cả trong những hình thức khắc nghiệt nhất của thuyết vô thần và bất khả
tri, chúng ta cũng có thể nhận ra trong đó, tuy là dưới những hình thức mâu thuẫn,
không phải một sự trống rỗng, nhưng như một sự nhung nhớ, một sự mong chờ câu
trả lời thích hợp.
Đứng trước những vấn nạn mà nền văn hóa thịnh
hành đang đề ra cho Đức tin và Giáo Hội, chúng ta canh tân Lòng tín thác nơi
Chúa, với xác tín chắc chắn rằng trong những bối cảnh đó, Tin Mừng mang ánh
sáng và có khả năng chữa lành mọi yếu đuối của con người. Không phải chúng ta
là người thi hành việc Tái truyền giảng Tin Mừng, nhưng là chính Thiên Chúa,
như ĐGH đã nhắc nhở chúng ta: ”Lời đầu tiên, sáng kiến đích thực, hoạt động thực
sự đến từ Thiên Chúa và chỉ khi nào chúng ta tháp nhập vào sáng kiến ấy của
Chúa, chỉ khi nào chúng ta cầu khẩn sáng kiến ấy của Chúa, thì chúng ta mới có
thể trở thành những người rao giảng Tin Mừng – với Chúa và trong Chúa” (ĐTC Biển
Đức 16, suy niệm trước phiên khoáng đại đầu tiên của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ
13, Roma 8-10-2012)
Trước khi mô tả phần phân tích thực trạng xã hội
liên quan ý tưởng phân mục, xin có ít lời giải thích ngôn từ. Chữ Tục hóa,
Sécularisation, trong Từ điển Công giáo của Ủy ban Giáo lý Đức tin thuộc Hội Đồng
Giám Mục Việt nam xuất bản 2016, có dòng chú giải sau đây: Hiện nay thuật ngữ Tục
hóa chỉ việc Kitô giáo mất dần vị trí ưu việt trong gia đình, xã hội và ngay
trong các cộng đoàn Kitô hữu, thay vào đó là khuynh hướng hưởng thụ vật chất.
Thực ra bối cảnh xã hội đầu tiên xuất hiện những
dấu chứng để các Nhà Sử học đặt cho cái tên: Hiện tượng Tục hóa, thì đã hiện hữu
từ cuối Thời trung cổ, nó mang tính chất chối bỏ giá trị Thiêng liêng mà hướng
về các điều phàm tục.[3]
Vậy thì, cho đến Thời phục hưng, người ta đã phát hiện tỏ tường đối với tệ trạng
này và có chủ trương kêu gọi khắc phục, nhưng không hề thấy đặt ra một giải
pháp gì gọi là Tái Truyền Giảng. Ngày nay mọi người thấy nó mang một sắc thái
khác và trở nên hệ trọng bởi vì tính chất “mất dần vị trí ưu việt”, có nghĩa
là, nếu cứ tiếp diễn như thế thì đến ngày nào đó, sẽ chẳng còn chi cả.
Bây giờ chúng ta có quyền đặt thêm chất vấn: Vậy
do duyên cớ gì mà Giá trị đạo đức Kitô giáo bị mất dần ? Nếu yêu cầu giải
đáp của Quý bạn không đòi hỏi phải là khoa bảng của một Nhà trí thức Thần học
và thông thạo luôn Xã hội học, thì theo cách nhìn phiến diện và quan sát hiện
thực, người ta có thể phát biểu: Là do con người dần tiến bộ đưa đến cơ chế tổ
chức xã hội đạt tới nếp sống văn minh vật chất sung túc, đồng thời mô hình phân
công sinh hoạt cuộc sống cũng đang mang lại hiệu quả cao. Để giải thích cho
phát biểu vừa rồi theo cách dễ hình dung, chi bằng mượn một hình ảnh cụ thể
đang diễn ra phổ biến trong xã hội Pháp mà đối với các quốc gia Châu Âu khác,
nghĩ cũng tương tự.
Chúng ta biết cử hành Lễ Phục Sinh được chọn là
ngày Chủ Nhật, như vậy tính đến 40 ngày sau, thì Lễ Thăng Thiên luôn rơi vào
ngày Thứ Năm, cũng là ngày nghỉ lễ của thợ thuyền ở Pháp. Trên nguyên tắc, sau
ngày ấy thì công nhân phải đi làm Thứ Sáu, rồi kế đến sẽ nghỉ hai ngày
Week-end. Các chủ xưởng thấy vậy bèn sắp xếp cho họ nghỉ liên tiếp 4 ngày, rồi
tìm cách khác để lấy bù lại ngày Thứ Sáu, đúng ra phải đi làm. Lối bố trí này,
bên Pháp gọi là “Faire le pont”, hiểu là, ngày nghỉ việc bắc cầu. Vậy thì, từ mấy
hôm trước đó họ đã trù tính cho một chuyến đi chơi xa phù hợp với thời lượng 4
ngày, thế nên làm gì mà còn liên tưởng đến biến cố Phụng vụ trong Đạo: Chúa Lên
Trời. Trong khi vào Thời trung cổ, ngày này ngoài việc tham dự Thánh lễ trọng
thể người ta còn tổ chức đi kiệu, nghe giảng thuyết, diễn tuồng …, nhằm nhắc
nhớ lại biến cố Chúa Về Trời cùng với những Lời căn dặn sau hết của Thầy Chí
Thánh: Các con hãy đi rao giảng cho muôn dân.
Dầu gì thì chúng ta cũng cần thấu hiểu và hết
sức thông cảm cho những con người đương đại, vì nhờ chuyến đi 4 ngày ấy mà giúp
họ giải quyết được một thể trạng tất yếu khác. Ở các xứ kinh tế phát triển, thường
giới chủ nhân phải trả lương cho công nhân rất cao, do vậy, họ cũng hoạch định
sao cho, công nhân phải làm việc hiệu quả, hết sức lực và song hành còn phải vận
dụng luôn cả trí tuệ nữa. Vì thế, giới thợ thuyền hay tranh thủ lợi dụng các dịp
nghỉ ngơi mà giải trí cho xứng đáng, hầu bù lại những ngày họ phải đi làm việc
như một con Robot. Vừa qua chỉ kể có một hình ảnh sinh hoạt thôi, vậy thì trong
một xã hội phát triển đa diện, sẽ còn bao nhiêu vấn đề khác nữa ? Chính vì
những nguyên nhân và hệ quả mắc xích tương tác dây chuyền ấy, mà người ta gọi
là “Cơ chế”.
Ngoài tính chất cơ chế phân bố sinh hoạt xã hội
ra, người ta còn xét thấy một điểm chính yếu khác đưa đến hiện tượng Tục hóa.
Như có lần đã trình bày về: Các tiêu chí Tu luyện cho Linh đạo sống truyền
giáo, đề cập đến điều nghịch lý của một thói tính tiêu cực, càng được giàu có
thì con người càng mang nặng tính ganh tị, đứa kia nó có thì ta cũng phải có chứ
và phải còn nhiều hơn nó nữa. Người ta thường nhầm rằng, giàu rồi mà còn tham
lam thêm làm chi, nhưng thực tế, là cái tham đến từ hệ quả sâu xa của tính hơn
thua mà thôi.
Chắc là sẽ còn bao nhiêu khía cạnh khác để bàn
về nguyên nhân dẫn đến Tục hóa, sẽ có không ít những chuyên gia Xã hội học giới
thiệu thêm tư liệu cho Quý bạn. Chúng ta chỉ cần quán triệt rằng, hiện tượng Tục
hóa trong xã hội văn minh ngày nay thì mang sắc thái không giống như đường nét
Tục hóa của Thời phục hưng, Cận đại, vậy là đủ rồi. Nhân tiện đến đây cũng xin
ghi nhận một lưu ý nhỏ, đối với bối cảnh của một quần thể đang sinh hoạt Đạo
đông đúc, rồi một biến cố thời cuộc xảy đến làm mất đi khung cảnh ấy. Sau biến
cố, người ta muốn khôi phục tình trạng như xưa, thì không gọi là Tái Truyền Giảng,
mà chỉ xem đấy là nỗ lực mời gọi để tái lập lại (danh gọi Pháp ngữ tương đương:
Reconstituer), vì nó không thể hiện đặc điểm do ảnh hưởng gì đó mà bị “Mất dần”,
nhưng lại có tính cách đột biến mất đi.
Vì bản chất Loài thụ tạo nơi con người nên khiến
cho mọi thứ trên đời này cũng trở nên chỉ là tương đối. Dù trải qua bao năm
tháng dài bằng trí khôn và cực lực phấn đấu, thì kết quả thu được vẫn chưa thể
gọi là hoàn thiện, với thành tích mỹ mãn vừa ló dạng thì liền sau đó vẫn phát
hiện ra còn cái cần phải được cải tiến. Điều trớ trêu thay, song song với khung
cảnh thấy mới an bài cách thiện hảo xong thì lại nảy sinh ra điều tồi tệ khác
mà trước đó không thể nào ngờ tới, sao nó lại xảy đến. Có một từ ngữ người ta
hay sử dụng để gọi tình cảnh như vậy, chính là Vấn nạn. Trong tự điển Tiếng Việt
chữ này được định nghĩa vắn gọn: Vấn đề xã hội đòi hỏi phải được giải quyết, một
lời giải thích quả chí lý. Trong Sứ điệp của Thượng Hội Đồng XIII, sau khi đánh
giá một số thực tại, thì đã sử dụng ngôn từ này để chỉ ra nguyên cớ và đặt Niềm
cậy trông: “Đứng trước những vấn nạn mà nền
văn hóa thịnh hành đang đề ra cho Đức tin và Giáo Hội, chúng ta canh tân lòng
tín thác nơi Chúa, với xác tín chắc chắn rằng trong những bối cảnh đó, Tin Mừng
mang ánh sáng và có khả năng chữa lành mọi yếu đuối của con người.” (số 6).
Thông tin trên truyền thông đại chúng hằng
ngày nói về sự hiện hữu tình hình rối ren đã không còn xa lạ gì đối với mọi người
hôm nay. Mấy tin tức cảnh báo liên quan tới vấn nạn như : Môi trường hệ sinh
thái, thiên tai, họa chiến tranh, tài nguyên cạn kiệt, di dân, biểu tình v.v…
được nghe như cơm bữa. Trước tình cảnh ấy, thật thán phục một vài tác giả đã nhạy
cảm mà bày tỏ ưu tư đến hiện thực để đề xuất những bài viết phản ảnh kịp lúc,
bàn về các sự kiện chủ yếu đang diễn ra trên thế giới và hướng cải thiện.
Xin được giới thiệu đến Quý độc giả bài tham
luận “Sứ vụ Loan Báo Tin Mừng qua bổn phận bảo vệ môi trường sinh thái” của tác
giả Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa, đã được trình bày trong Công nghị Loan Báo Tin Mừng
và Bảo vệ Môi trường tháng 11 năm 2011.[4]
Ngoài ra, đã thấy có tác giả cũng đề cập đến vấn
đề di dân, tiêu biểu như:
Di Dân và Bác Ái Xã Hội:
Bước vào thời đại đô thị hóa và công nghiệp
hóa, hiện tượng di dân cũng là một vấn đề đáng quan tâm trong sứ mạng Loan báo
Tin mừng của Giáo Hội. Sứ điệp của Đức Bênêđictô XVI, nhân ngày thế giới Di Dân
năm 2012, với chủ đề “Di dân và Tân Phúc âm hóa” cũng nhận thức rằng thực tế lịch
sử hôm nay “kêu gọi Giáo Hội phải bước lên con tàu Truyền bá Phúc âm với cách
thức mới giữa một đại dương mênh mông đầy sóng gió của một nhân loại chuyển động”.
Như thế, sự kiện di dân quốc nội cũng như quốc tế, vì muốn cải thiện điều kiện
sống, hoặc vì trốn chạy khỏi bắt bớ, chiến tranh, bạo động, đói khổ, thiên tai…[5]
Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cũng từng đặc mối
quan tâm của mình đến tình trạng Toàn cầu hóa đưa đến những tệ trạng xã hội hôm
nay:
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhận định sâu
sắc những thách đố mà thời đại đa văn hóa, đa phức tôn giáo và toàn cầu hóa
đang đặt ra cho Sứ vụ Loan báo Tin Mừng. Ngài nêu rõ sự phức tạp, chập chùng
ánh sáng và bóng tối mà những biến chuyển thời đại cống hiến cho chúng ta:
“Xét về một mặt, nhân loại đã được hưởng những lợi ích không thể phủ nhận
từ những thay đổi này, và Hội Thánh cũng đã rút ra được từ đó những kích thích
để làm chứng cho niềm hy vọng mình ấp ủ; nhưng mặt khác, đã có một sự mất mát
đáng lo ngại trong ý thức về sự Linh thánh, nó thậm chí chất vấn cả những nền tảng
mà có thời được coi là không thể lay chuyển, như Niềm tin vào Đấng Sáng Tạo và
Quan Phòng, Mạc khải về Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất, và một sự hiểu biết
chung về các kinh nghiệm cơ bản của con người: đó là sự sinh ra, sự chết, đời sống
gia đình, và sự qui chiếu về một luật đạo đức tự nhiên”.[6]
Ngoài ra nền văn minh phát triển cũng còn hệ lụy
tới vấn đề sức khỏe con người. Do sống trong hoàn cảnh chìm vào sinh hoạt thăng
tiến của thời đại, mà các bệnh như: Ung thư, cao máu, rối loạn thần kinh, dịch
tễ v.v… đã làm cho nhiều người phải lâm vào cảnh bất hạnh. Những thực trạng
thuộc phạm vi này khiến tạo ra lắm nghịch lý khôi hài, có người hùng hồn đứng
phát biểu trước công chúng về những thành tựu khoa học vừa đạt được, trong khi
mà nội tại sinh lý cơ thể họ đang phải cầm cự đối kháng với bệnh tật. Đây chưa
kể đến những thể trạng tâm lý, thần kinh do ảnh hưởng bởi sự phân công khắc
nghiệt của xã hội mà làm con người không ít chao đảo. Vì mang hy vọng được
thăng tiến và có thu nhập xứng đáng, người ta phải trả bằng những giá đắt, điển
hình là hội chứng Karoshi ở Nhật, rồi đến chuyện lười kết hôn ở Singapore. Cũng
tại là, muốn tận lực dành hết thời giờ công sức cho nghề nghiệp và cải thiện mức
sống vật chất mà phải hy sinh đời sống tình cảm, là một chiều kích thật cơ bản
của kiếp nhân sinh.
Khi đề cập đến hệ lụy của một xã hội tiến bộ
và chạy theo nhu cầu phương tiện, chắc hẳn nhiều người còn nhìn ra một tình cảnh
éo le khác nữa, mà thấy thật không đơn giản để có hướng giải quyết. Đó là tình
trạng cả hai vợ chồng cùng bận đi làm việc nơi công sở nên phải gửi con còn nhỏ
cho Nhà trẻ hoặc cậy nhờ kẻ giữ hộ. Chúng ta biết, một con người trưởng thành
trong tài năng không chỉ nhờ vào Cha mẹ dạy lời hay ý tốt hoặc được gửi đến trường
danh tiếng, mà thời thơ ấu còn cần đến sự yêu thương ấp ủ của Cha mẹ, thì lớn
lên mới khôn ngoan và hữu ích cho xã hội hoặc kiên vững trong Đức tin. Không ít
tình trạng con cái phát sinh những tánh tình ngoài mong muốn do nhiễm môi trường
nhà trẻ hoặc tính nết vú nuôi. Thời mà một trong hai dành nhiều thời gian sinh
hoạt và thể hiện trìu mến lúc con còn thơ bé, đến nay đang dần bị mai một, ngay
cả khi tan sở về, thì cũng không còn sức lực gì mà âu yếm đáp ứng những nhu cầu
chính đáng của trẻ.
Với chừng ấy sự kiện, làm sao có thể chấn chỉnh
những nghịch cảnh của môi trường sống, và nhất là, còn tính đến việc quảng bá
tư tưởng tôn giáo cho một thế giới như hôm nay. Ít ra thì cũng có thể nhận thấy
và mang tinh thần ý thức để quan sát những nguyên nhân thực tiễn đưa đến, hơn
là vẫn ngồi yên cho gió cuốn trôi. Chúng ta không vì viện cớ mình đâu thể đóng
vai như một vị thần linh vung tay cứu nhân độ thế, cũng không vì nghĩ tôi đâu
phải một thành viên trong hiệp hội nhân đạo quốc tế, nên cứ hờ hững mặc kệ.
Nhưng trong vai trò Chứng nhân của người Kitô hữu thừa kế với biết bao kinh
nghiệm trong Lịch sử Giáo hội, mà nên tỏ ra có thiện chí tham gia trong một cộng
đồng Tôn giáo và cùng nhau hành động. Vào mỗi khi tình huống bi đát xảy ra
trong quá khứ của nhân loại, thì người Kitô hữu từng xả mình tiên phong can thiệp
vào hòng cứu gở cho mọi tình thế, mà thí dụ ấn tượng nhất là Cơn dịch đen xảy
ra vào thế kỷ XIV.
Trong tâm tình động viên mọi người ý thức hơn
để phản ứng trước bối cảnh thế sự, xin thỉnh cầu Quý bạn nhơn chút thời giờ để
cùng nhau ôn lại khoảnh khắc Lịch sử ấy: Một
biến cố hệ trọng cần được nhắc đến đã xảy ra trong toàn cõi Châu Âu và cả thế
giới vào thời kỳ này, người ta ghi lại về Cơn Dịch đen (từ tiếng Pháp: La Peste
Noire) hoành hành khắp nơi từ năm 1347-1352, đã giết chết nhiều sinh linh. Nạn
dịch đó được coi là một trong những đại dịch gây nhiều tử vong nhất trong lịch
sử nhân loại, nó làm giảm 1/3 dân số địa cầu lúc ấy và ước tính lên đến hơn 40
triệu dân Châu Âu phải thiệt mạng. Nguồn gốc phát sinh của nó từ vùng Trung Á
do loại chuột mang dịch đã theo đoàn quân Mông Cổ và các tàu buôn làm lây nhiễm
hầu như khắp thế giới. Qua sự kiện này Giáo Hội cũng đã thể hiện tinh thần truyền
thống của mình là ra sức cứu vãn và tận lực những gì có thể làm được để giúp đỡ
các nạn nhân. Thời Giáo Hoàng Clêmentê VI (1342-1352) đã phải gánh chịu nhiều nỗi
gian truân, người ta gọi Ngài là ân nhân của một thời đại tràn đầy đau khổ. Sau
cơn dịch là tới nạn đói rồi tiếp đến là cơn khủng hoảng kinh tế xã hội Châu Âu.
Tai họa càng bị giáng thêm đến từ lòng người, thời ấy tại Châu Âu quần chúng đổ
lỗi cho người Do Thái, vì sự hiện diện của bọn này mà đã gây nên nạn dịch. Cũng
chính Đức Clêmentê VI đã phải ra sức bảo vệ một phen đối với đám dân tộc tha
phương này.[7]
Như vậy, nếu nhìn lại thêm với các sự kiện
khác nữa, thì thấy tính truyền thống của Giáo Hội luôn là hiện hữu qua những
con người biết xã thân vì đại cuộc để chia sẻ tình đồng loại với tha nhân kém
may mắn. Trong tình thế xã hội hiện nay, những ý niệm tràn lan ưu tiên cho nhu
cầu vật chất, dù nó có thật sự là cần thiết hay không, người ta vẫn dành hết
tâm trí vô đấy. Nếu như vẫn còn người không quản ngại vung tay trong tầm hạn khả
năng mình mà biết gánh vác dựa theo tinh thần Chứng nhân Tin mừng, thì xem ra
cũng cứu vãn được gì đó hơn là thái độ dửng dưng lạnh lùng. Bài viết xin được
thuật lại một câu chuyện có thật sau đây để chúng ta có thể chiếu theo, rồi tùy
hoàn cảnh đặc thù cá nhân mà tranh thủ vận dụng.
Có người Kitô hữu sống Đạo nhân đức nọ làm tài
xế riêng cho một vị Khoa trưởng viện đại học. Hôm ấy trên đường dài công tác,
ngài Trưởng khoa than thở: “Hai vợ chồng chúng tôi đều bận công việc, bà nhà
tôi làm trong phòng nghiên cứu vi sinh của Bộ y tế. Ở nhà tôi còn bà mẹ già, mấy
tháng trước thì đủ sức để tự lo cho mình buổi ăn trưa, nhưng nay thì yếu nhiều
rồi, có hôm phải chịu nhịn đói đợi chúng tôi về, dù có dự phòng thức ăn ở nhà
nhưng vẫn lười và chán cảnh cô đơn nên không thể bày ra tự lo một mình”. Ông
tài xế thưa lại: “Vợ tôi thì không phải đi kiếm sống nhưng lại bận chăm sóc cho
3 người già trong nhà, ba mẹ tôi và bà nhạc phụ. Vậy thưa Ông, 3 người tới đâu
nếu thêm người thứ tư thì cũng chẳng sao, xin Ông cho vợ tôi mang đồ ăn trưa một
tuần 3 buổi đến nhà Ông để phụ một tay với hoàn cảnh éo le. Họ thỏa thuận xong
với nhau thì đến ít tháng sau, ngài Trưởng khoa tâm sự, “Thật ra gia đình chúng
tôi cũng là gốc Công giáo, có Rửa tội và vợ chồng tôi từng làm phép Hôn phối,
nhưng rồi vì muốn thăng quan tiến chức mà cả hai dành hết thì giờ để phấn đấu đến
độ bỏ luôn việc lui tới Nhà thờ. Thời gian qua trong khi vợ ông mang cơm đến
thì hay nán lại trò chuyện với mẹ tôi, làm bà ta cảm thấy phấn khởi lên rất nhiều,
đồng thời cũng đánh thức tôi, chắc là cũng đã đến lúc phải trở lại sinh hoạt
tôn giáo với người ta, Mẹ tôi còn may mắn mà gặp được vợ ông an ủi cho bà ấy
trong lúc này, rồi đến chừng phải về già, thì ai sẽ an ủi chúng tôi đây.”
Như vậy qua phân tích ở hai phân mục vừa rồi,
chúng ta thấy sự tiến triển sinh hoạt xã hội đâu chỉ tác động làm đời sống con
người thay đổi trong biểu hiện Niềm tin tôn giáo không thôi, mà còn làm biến dạng
trên nhiều phương diện khác nữa, gần như thế giới đang mang một bộ mặt mới. Do
sự thay đổi cách sinh hoạt và mối tương tác xã hội, nếu người ta chọn một tên gọi
cho việc thi hành công cuộc rao giảng Tin mừng trong giai đoạn này: thì ngôn từ
New Evangelization nó sẽ mang ý nghĩa: Rao giảng Tin mừng cho thời đại mới, hoặc,
Re-Evangelization tức: Rao giảng để phục hồi lại Niềm tin cho một số người thời
nay. Hai cách gọi nhưng cùng qui hướng duy về một động thái, quan trọng là vận
dụng phương thức nào để sao cho phù hợp. Nếu chỉ là vài sự kiện phức tạp quy mô
nhỏ đang rải rác diễn ra ở vài nơi, thì người ta chẳng cần đối chiếu gì thêm
cho phiền toái, nhưng đến một hiện tượng tầm mức rộng lớn của một hệ quả tiến bộ
quá đà như bây giờ thì vấn đề lại khác.
Kính thưa Quý độc giả thân mến, với thực trạng
khá là trầm trọng phổ biến trong phần lớn thế giới đương thời, thì bằng Niềm Cậy
Trông chân chính, chúng ta có thể mong đợi gì vào Lòng Nhân Lành Thiên Chúa ?
Nhưng xin nhớ là, Ngài vẫn để cho chúng ta có sự tự do và mong mỏi thể hiện tâm
tình hăng say dấn bước. Người Châu Phi có câu ngạn ngữ: “When you pray to God,
let’s kneel with your moving feet, Khi bạn khẩn cầu Thượng Đế điều gì thì hãy
quỳ gối trong thế hai bàn chân cử động”. Để hy vọng có những hướng hoạch định
đúng đắn, chúng ta hãy cùng nhau quay lại ở vài sự kiện trong Lịch sử Giáo hội.
Điển cứu (case
study) I:
“Trên chuyến du hành sang Rôma, khi băng qua
miền Nam nước Pháp, Giám mục Diego cùng với một chàng thanh niên trẻ đi theo, họ
vào trọ trong lữ quán ở Toulouse mà ông chủ quán là một tín đồ Albigeois. Người
trai trẻ đó đã được nghe nhiều về giáo phái này nhưng nay mới có dịp để tiếp
xúc với một nhân vật chính yếu trong nhóm của họ. Sau một đêm thức trắng cùng
nhau trò chuyện, người chủ quán đã bằng lòng quay về với Giáo Hội. Qua biến cố này, bằng một bữa ăn đối thoại
trong bình đẳng và tương kính chàng trai trẻ ấy, chính là Thánh Đôminicô, đã khẳng
định được về lòng tin vào Ơn phù giúp của Chúa để thấy có khả năng hoán cải được
người Cathares và nhận ra cái vô lý của cuộc chiến tranh đổ máu chống lại họ. Với
những nghịch cảnh của thời thế lúc đó như là oán thù, tai ương, nghèo đói, cơ cực…, kẻ Tà giáo và đôi khi ngay cả người
trong Đạo cũng coi thế giới này là của quỷ ma, rồi từ đó nghi ngờ về Tình yêu
và chương trình Cứu rỗi của Chúa Kitô. Một khoảnh khắc của lịch sử, từ cuộc gặp
gỡ này mà khiến Thánh Đôminicô nghĩ đến việc muốn thành lập một Dòng chuyên biệt
có mục tiêu cải hóa lòng người bằng đối thoại.”[8]
Điển cứu
II:
Việc cải tổ các Tu viện là cần thiết, nhưng
chưa đủ. Thời đại mới, nhu cầu mới, đòi hỏi những giải pháp thích hợp. Hàng
giáo sĩ lúc đó gồm những Linh mục Triều bấy giờ phần lớn sa sút, trễ nải bổn phận,
cần phải có phong trào phục hưng mãnh liệt hơn. Lý do chính yếu là vì đã không
được huấn luyện đầy đủ về đạo đức cũng như về văn hóa. Nhiều người vì thế cho rằng
muốn tu thân và sống thánh thiện phải vào Dòng. Thế nhưng, vẫn còn cần phải có
Linh mục sống giữa Giáo dân, và phải là những Linh mục thánh thiện trí thức …..
Trên đây là những hành động nổi bật và được ghi chép trong lịch sử, ngoài ra
cũng còn biết bao hoạt động âm thầm khác nữa. Tất cả dọn đường cho công việc cải
cách của Công đồng Trentô sau này. Và để tham gia một cách rất đắc lực vào công
cuộc cải cách nói đây, Chúa Quan Phòng còn cho khai sinh một Dòng tu, có lẽ là
thời danh hơn hết, đó là Dòng Tên do Thánh Ignatiô Lôyôla sáng lập.”[9]
Bằng hai điển cứu trên, hẳn là lý tưởng nếu giờ
đây trong Giáo Hội thấy có xuất hiện những Cộng đoàn Tu trì mới, nhập thế hòa
mình trong quần thể xã hội, chuyên tâm cứu vãn vào những vấn nạn do thời cuộc
làm nảy sinh. Hoặc vả là, vài Dòng tu đang có mặt trên những lãnh hạt công tác
xã hội, có thể điều chỉnh đường hướng phục vụ thể nào, để sao cho, bám sát thực
tiễn cuộc sống thời đại hòng cứu vãn tình thế tạo tương thích với nỗ lực Tái
truyền giảng Tin mừng. Ví dụ như, họ là những nhân sự làm việc ăn lương liêm
chính tại những nơi nhạy cảm với tham ô, gánh trách nhiệm vì tính nghiêm trọng
sức khỏe cộng đồng, trí thức tư duy không mệt mỏi để tìm cách cải thiện môi trường
sinh thái, tương thân tương ái nơi tập thể nặng tính ganh đua, giúp nâng cao nhận
thức nơi giới trẻ biết coi trọng tinh thần đạo đức v.v…
Với lực lượng Tu sĩ dấn thân trong môi trường
phục vụ xã hội, cách riêng là Quý nữ tu, làm sao biểu hiện đặc nét tấm lòng yêu
mến đồng loại được thông truyền từ suối nguồn tình thương của Chúa Kitô. Nhất
là những Vị có may mắn được chăm sóc cho đối tượng trẻ em tại các trường mẫu
giáo, tiểu học. Nếu có thể, thì xin mang nơi mình một ý thức về trách nhiệm cao
cả trong việc gầy dựng cho thế hệ nối tiếp, có được nhận thức đượm Tình nhân loại
và Niềm tin Kitô giáo. Một phương thức Tái truyền giảng được xem là hiệu quả nhất
có thể thi hành trong lúc này.[10]
Tuy nhiên, những ý trên đây thuộc tầm vĩ mô mà
nó cũng còn tùy thuộc nhiều vào Ý Định Quan Phòng, nếu có được là do xuất phát
từ lòng mong đợi và chuyên tâm cầu nguyện của nhiều thành phần Kitô hữu. Dù là
vậy, thì ít ra trong giới Tu trì, nhất là lực lượng coi sóc cộng đồng Dân Chúa,
hạn chế đừng để mình chìm theo Hiện tượng Tục hóa. Những Vị không phải đi làm cực
nhọc nơi công xưởng, thì cần chi tranh thủ những “ngày nghỉ bắc cầu”, kiểu thức
đại loại như trường hợp, khi nhận được tiền xây cất Nhà thờ do quới nhân dâng
cúng dư thừa, thì luôn tiện bắc cầu chỉnh trang khu mộ gia tộc mình cho hoành
tráng. Phải chăng, xuất phát từ giới chuyên trách và quyền hạn cai quản trong
Giáo Hội, tự nhận thức được nhu cầu tới lúc cần phải nhập cuộc, rồi tiên phong
hành sự cho phù hợp, thì dần dà mới kêu gọi được thành phần Giáo dân cùng dâng
lời cầu nguyện và sống ý thức cộng đồng đặng thi hành các tiêu chí thiết thực
nhằm chỉnh đốn lại những vấn nạn hôm nay.
Trong khi mong đợi các Đấng cao minh giải trình
các sáng kiến, mà cũng là niềm ao ước của mỗi người chúng ta, rồi từ đó định ra
những phương hướng cụ thể để toàn thể Tín hữu cùng chung tay thực thi, theo như
quan điểm của Giáo hội trong Lời kêu gọi trước kỳ họp Thượng Hội Đồng XIII như
sau:
Hội đồng Tòa Thánh Tái truyền giảng Tin Mừng
hoạt động trong sự cộng tác với các cơ quan khác của Giáo triều Rôma và nhắm phục
vụ các Giáo hội địa phương, nhất là tại những miền thuộc truyền thống Kitô đang
có hiện tượng Tục hóa (Art. 2).
Trong số các công tác chuyên biệt của Hội đồng,
đặc biệt có:
– Đào sâu ý nghĩa
Thần học và Mục vụ của công cuộc Tái truyền giảng Tin Mừng.
– Cộng tác chặt chẽ
với các HĐGM có cơ quan đặc trách về vấn đề này, để cổ võ và tạo điều kiện cho
việc nghiên cứu, phổ biến và thực hiện giáo huấn của các Giáo Hoàng về những đề
tài có liên quan tới việc Tái truyền giảng Tin Mừng (Art 3,2).
– Quảng bá và hỗ trợ
những sáng kiến liên quan tới việc Tái rao giảng Tin mừng đang diễn ra tại các
Giáo hội địa phương và thăng tiến các sáng kiến mới, kêu gọi sự can dự tích cực
của các Dòng tu, Tu đoàn Tông đồ và Hội đoàn Giáo dân (Art 3,3).
– Nghiên cứu và tạo điều kiện cho việc sử dụng
các hình thức truyền thông mới mẻ như phương tiện để Tái truyền giảng Tin mừng
(Art. 3,4).
– Cổ võ việc sử dụng Sách Giáo Lý của Hội
Thánh Công Giáo như một tài liệu trình bày thiết yếu và đầy đủ về nội dung Đức
tin cho con người thời nay (Art. 3,5).[11]
Chúng ta cũng nên mang chút tâm nguyện với
quan niệm cần động thủ trước một vài điều gì đó để ít là bày tỏ hoài bảo tham
gia trong công cuộc Tái truyền giảng Tin mừng. Nhớ lại những khoảnh khắc đen tối
nhất của Lịch sử Giáo hội, với hai biến cố: Khi bè rối Albigeois vào cuối thế kỷ
XII đã thao túng làm lung lạc Niềm tin các Kitô hữu, và nhất là khi, Giáo Hội bị
đe dọa hủy diệt bởi Quân Hồi trong trận chiến vịnh Lepanto ngày 7-10-1571. Làm
chúng ta hồi tưởng lại sức mạnh của việc năng Lần chuỗi Mân côi, mà không chỉ 2
lần ấy, còn rất nhiều trường hợp khác nữa. Với bối cảnh gần đây hơn, hồi Chiến
tranh thế giới I, Đức Mẹ cũng đã đoái thương đến nhân loại mà hiện ra cho 3 Đứa
trẻ, Mẹ hằng nhắc nhở chúng ta siêng năng Lần hạt Mân côi. Mong ước rằng, các vị
Bề trên và các Đấng coi sóc cộng đồng Dân Chúa, tổ chức được những nhóm Giáo
dân định kỳ thường xuyên tụ họp Lần chuỗi chung với nhau và chỉ chuyên tâm cầu
nguyện cho thế giới hôm nay và nỗ lực Tái truyền giảng trong Giáo Hội.
Nếu đưa ra một kiến nghị khác vừa khả thi
nhưng vừa pha chút hài hước, thay vì những ngày được nghỉ ngơi của công nhân để
đi đến khu du lịch, thì họ có thể chọn các trung tâm Hành hương mà tề tựu về
đó, như vậy thấy có vẻ mang một ý nghĩa tích cực hơn. Thật ra thì không phải để
nói đùa, nhưng hầu như còn nhiều người chưa đủ nhận thức về giá trị của việc hy
sinh đi đến các nơi Hành hương. Xin mạn phép trích đoạn đã được đăng trên trang
vatican news như sau:
Hành hương là một “cách thế Loan báo Tin mừng
mới”, bởi vì việc đi đến những nơi Thánh theo bước của Chúa Kitô có thể mang lại
“một sự hồi sinh Đức tin”. Bất cứ ai đi hành hương, sẽ khám phá rằng, họ “đã nhận
được Lời mời gọi từ Thiên Chúa, một Ơn gọi từ Chúa Thánh Thần”. Điều này đang
trở nên cần thiết cho Châu Âu và cho Tây phương nói chung, nơi “Kitô giáo và
tôn giáo khác đang khủng hoảng trầm trọng”, Đức Cha Giacinto-Bouló Marcuzzo đã
nói với hãng tin Á châu như thế.
Đức Cha cho biết là nhiều khách hành hương đã
thay đổi nhờ những chuyến đi hành hương và giúp họ thấy cuộc sống qua đôi mắt
Kinh thánh. Hành hương cũng là nguồn của các Ơn gọi, của việc tái khám phá Đức
tin và lời gọi đến với Thiên Chúa. Nhưng con đường này cần có người đồng hành,
các cuộc hành hương xây dựng, đào tạo con người nếu chúng được chuẩn bị tốt, nếu
có người hướng dẫn, để suy tư về các kinh nghiệm.[12]
Trong chúng ta hẳn nhiều người đã từng biết đến
nguồn gốc hình thành Phong trào Cursillo, từ việc đi Hành hương viếng mộ Thánh
Giacôbê ở Santiago de Compostela bên Tây Ban Nha, mà sau đó với các diễn biến
thời thế đã hình thành nên phong trào này. Ngờ đâu, chính đường hướng hoạt động
của Phong trào Cursillo như: Cầu nguyện, học hỏi, hội nhập, chứng nhân v.v…
xem ra khá phù hợp với nỗ lực khắc phục hiện tượng Tục hóa. Xét trên góc cạnh
nào đó thì người ta có thể phát biểu: Phong trào Cursillo là một đoàn thể Tông
đồ Giáo dân đi tiên phong trong việc Tái truyền giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, để gắn
kết hơn với bản chất hoạt động theo Truyền giáo học đúng nghĩa thì có lẽ cần giảm
nhẹ nhân tố con người thể hiện qua bộc phát và tâm lý tính, nhằm làm nổi bật
hơn tinh thần phó thác vì bổn phận để nguyện dấn thân theo con đường Thập Giá.
Ngoài việc thực thi những nguyên tắc phổ quát
hoạt động Loan báo Tin mừng, những Vị có tâm đắc với Sứ vụ mà ý thức hơn để
đóng góp cho công cuộc Tái truyền giảng, thì có thể áp dụng vài phương thức “chữa
cháy” như vừa được bàn luận bên trên: Siêng năng Lần hạt Mân côi, Kính viếng
các nơi Hành hương; Tham gia đoàn thể hoạt động xã hội; Hoạch định cách sáng suốt
dành thời giờ tối đa để gần gũi chăm sóc và trao truyền Đức tin cho con cái, hoặc
tích cực chăm lo đời sống Đạo đức cho giới trẻ; nếu như niềm ao ước còn được xa
hơn thì hy vọng Quý bạn tìm chọn cho mình một Linh đạo Truyền giáo nào đó để thực
thi sống gắn bó trong Tình yêu Chúa mà khẩn cầu cho thế giới hôm nay. Vì là nỗ
lực hoạt động này nằm trong bối cảnh của một thời đại tiến bộ, nên điểm khác biệt
về hành sự thuộc lãnh vực đang quan tâm, đòi hỏi chúng ta phải có nét linh hoạt
ý thức cao hơn. Không thể vịn vào vài thói quen giản tiện trong sinh hoạt truyền
thống quá khứ để nói là thể hiện đóng góp cho công cuộc Tái truyền giảng. Trí
phân định từ nhận thức sâu sắc qua quá trình học hỏi tìm tòi là nhân tố chủ lực
để cho mọi động lực thi hành Sứ vụ của chúng ta có cơ may dẫn đến hiệu quả mong
đợi.
Suy cho cùng ở bối cảnh Việt nam chúng ta chưa
hẳn đã chìm trong tình trạng mất dần Niềm tin Kitô giáo đến độ cần phải nỗ lực
ngay để Tái truyền giảng Tin mừng. Nhưng rồi trong nay mai, không lâu nữa thì
cũng phải thế thôi. Vậy với thời điểm hiện tại, định vị đầu tiên cho nhận thức
và hành động sẽ được khởi phát từ yếu tố nào ? Một cụm từ thật đơn giản: Nỗi
bận tâm.
Qua điển cứu thí dụ về Bác tài xế và ngài Khoa
trưởng viện đại học, thật ra đấy không phải là một phản ứng ngẫu nhiên của Bác ấy,
nhưng thừa hiểu, ý tưởng đó đã được tiềm tàng từ lâu trong một con người biết
mang nỗi bận tâm đến kẻ khác. Trong nỗ lực hành sự có liên quan đến công cuộc
Tái truyền giảng trên thế giới, người ta ghi nhận đất nước Hàn Quốc là nơi tỏ
ra tiên phong gương mẫu hơn cả. Nhiều Kitô hữu trong xứ ấy, họ tự nguyện can
thiệp vào những tình cảnh thật tế nhị bằng lối quan sát một cách sáng suốt rồi
hành động kiên trì và hiệu quả, ở các lãnh vực như: gánh nuôi trẻ mồ côi tại
nhà riêng, thăm nom kẻ già yếu đơn côi, đóng góp nâng đỡ sinh viên tiềm năng
đang lâm cảnh thiếu hụt, kết bạn thân tình với người kém may mắn v.v… Điều kỳ
diệu là các thành viên hảo tâm trong những nhóm hoạt động này, họ rất biết đoàn
kết với nhau vì mục tiêu chung. Phải chăng “nỗi bận tâm” của họ là vì vai trò
làm Chứng nhân Tin mừng mà nhờ đó đã thắng vượt được tất cả.
Lại một hiện tượng khá thú vị khác đáng ghi nhận,
là gần đây trên đất nước ta ở nhiều khu đô thị thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu
Long. Đêm đêm thấy có những nhóm anh em thiện nguyện nhận mình thuộc Giáo hội
Phật giáo Hòa Hảo, họ rảo khắp khu phố chăm chỉ làm lụng vất vả, lo chỉnh trang
dọn dẹp mọi thứ bề bộn trong thành phố do những người dân thiếu ý thức vứt văng
bừa bãi, ngay cả chùi rửa những vết dơ bẩn trên đường phố, tô đắp vết bể nứt chỗ
công cộng. Động lực cho công việc của các thiện nhân này hoàn toàn xuất phát từ
chí hướng muốn xây dựng cái đẹp bởi nền tảng Tôn giáo. Nếu không mang một nỗi bận
tâm gì đó thì làm sao mà thấy ra mấy cách thao tác xử lý cho môi trường khang
trang thế ấy. Cũng phải ghi nhận thêm rằng, nếu có dịp quan sát cặn kẽ thường
xuyên hơn, thì thấy tương quan tập thể ngày nay nơi Tôn giáo bạn, Phật Giáo Hòa
Hảo, họ luôn thể hiện tính đồng lòng chung sức với nhau rất ấn tượng. Trước những
hình ảnh vừa trưng ra đại loại như thế, đồng bào Công giáo chúng ta cũng sẽ thể
hiện một sự quan tâm nào đó chăng? Nhân tiện được xin ôn lại hai nguyên do chủ
yếu dẫn đến hiện tượng Tục hóa ngày nay là: Cơ chế bố trí ràng buộc của xã hội
tiến bộ và tính ganh tị tiềm ẩn nơi tâm can con người.
Để kết thúc, với tâm tình chân thành và đơn
sơ, bài viết xin bày tỏ nhã ý động viên Quý bạn cùng nỗ lực tham gia vào công
cuộc Tái truyền giảng Tin mừng của Giáo Hội theo cách thức, qua trích dẫn Lời
huấn dạy của Đức Phaolô VI đối với Sứ vụ Rao giảng Tin mừng như sau:
“Đạt tới
Triều đại Thiên Chúa và Ơn cứu độ là từ khóa cùng đích bởi công trình Rao giảng
Tin mừng của Chúa Kitô, mà mọi người có thể lãnh nhận được do Ân sủng và Lòng
xót thương, dẫu vậy, đồng thời nơi mỗi con người cũng phải tìm cách chiếm hữu
nó bằng sức mạnh: Như lời Chúa Phán, chúng thuộc về kẻ mạnh (Mt 11, 12); bằng
khó nhọc và chịu đựng, bằng đời sống dõi theo Phúc Âm, bằng từ bỏ chính mình mà
vác Thập giá và bằng đón lấy tinh thần Tám mối phúc thật. Nhưng điều tiên quyết,
phải thông qua sự hoán cải toàn diện từ bên trong mà Tin mừng diễn đạt bằng
ngôn từ “Metanoia”, nghĩa là tận gốc, một sự biến đổi từ nhận thức xâu xa và
nơi đáy lòng.”[13]
Tông huấn Christifideles Laici, số
34
Bản chuyển ngữ do Cha Trần Đức
Anh OP thực hiện và đăng trên trang Web: http://www.tinvuixuanloc.vn/Watch_nguyen-van-su-diep-thuong-hdgm-the-gioi-thu-13-gui-cong-doan-dan-chua_2922.aspx
Từ điển Công giáo, mục từ: Tục
hóa.
André Nguyễn Hữu Nghĩa, Sứ vụ
loan báo Tin Mừng qua bổn phận bảo vệ môi trường sinh thái, tại https://tgpsaigon.net/bai-viet/su-vu-loan-bao-tin-mung-qua-bon-phan-bao-ve-moi-truong-sinh-thai-29103
Nếu được, xin tham khảo thêm
trong: https://hocvienthanhthe.com/loan-bao-tin-mung-cach-moi-me-duoi-goc-do-giao-hoi-nhu-la-than-minh-duc-kitio-p-cuoi/
Trang Web: http://simonhoadalat.com/HOCHOI/TaiLoanBaoTinMung/13TanPhucAmHoa.htm
Nhóm Phiên dịch GXVN Paris; Bộ
Tân Lịch sử GH; Thời Trung cổ; đề mục 47.
Lịch sử Giáo hội qua 100 trình
thuật; bài thứ 38, https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2011/02/02/lich-su-giao-hoi-qua-100-trinh-thuat-38/
Bùi Đức Sinh OP; Lịch sử Giáo hội
Công giáo, Phần Nhì trang 61-62; ấn bản 1972.
Xin chân thành gợi ý tham khảo
thêm trong bài viết “Hun đúc lại Niềm tin và Gầy dựng Tiến trình Kitô hóa” tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hun-duc-lai-niem-tin-va-gay-dung-tien-trinh-kito-hoa-39314
Tự sắc mang chữ ký của ĐTC ngày
21-9-2010 và bắt đầu có hiệu lực sau khi được đăng trên báo Quan sát Viên Roma
của Tòa Thánh, nghĩa là từ ngày 13-10-2010. Chuyển ngữ: Lm. Stêphanô Bùi Thượng
Lưu (Theo Zenit, Vietcatholic).
Hành hương là một “cách thế loan
báo Tin mừng mới”, Hồng Thủy chuyển ngữ; đăng ngày 30/9/2016, tại archivioradiovaticana.va
Đức Phaolô VI; Tông huấn
Evangelii Nuntiandi, số 10.