Một số lưu ý dùng túi sưởi an toàn không phát nổ – Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy

 

Vỏ túi có 2 lớp, một lớp vải bên ngoài và một lớp nhựa bên trong.

 

Nhiều tác dụng hữu ích đã được ghi nhận khi sử dụng túi sưởi để chườm, ủ ấm như: giảm được chứng đau lưng, đau xương khớp, tê mỏi; giúp tuần hoàn máu tốt, tránh bị nhiễm lạnh, đau bụng… Ngoài ra, chườm ấm còn có tác dụng giảm đau các bệnh lý liên quan đến giãn mạch, co cơ… Tuy nhiên, thiết bị này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, sự cố cháy, nổ nếu không được sử dụng đúng cách.

Về mặt cấu tạo, bên trong túi sưởi chứa dung dịch muối sắt(III) màu vàng nâu (có môi trường pH khá thấp); một cực điện làm nóng có rơ-le khống chế nhiệt, để khi được làm nóng nó chỉ ở khoảng 60-70oC; bên ngoài, vỏ túi gồm 2 lớp: lớp trong bằng nhựa nguyên chất, chịu nhiệt và có tính đàn hồi, lớp ngoài bằng vải pha nilon giữ nhiệt, chống thấm nước và để trang trí. Rơ-le nhiệt sau một thời gian sử dụng có thể bị hỏng và không thể tự động ngắt dòng điện khiến dung dịch bên trong tiếp tục bị đun sôi đến nhiệt độ quá cao và khiến người sử dụng bị bỏng, mặc dù túi sưởi chưa bị vỡ. Một số loại túi sửa chính hãng Việt Nam được trang bị tới 2, thậm chí 3 rơ-le nhiệt thay vì một chiếc như của Trung Quốc nhằm đảm bảo an toàn. Cũng có thể do tác động bên ngoài lớp vải nhựa bị hở có thể khiến không khí lọt vào bên trong. Khi nhiệt độ tăng cao sẽ làm tăng áp suất bên trong túi, gây ra hiện tượng căng phồng bất thường. Lớp vỏ nhựa bên trong không chịu được áp suất lớn có thể gây nổ khiến người sử dụng bị bỏng do dung dịch bên trong hoặc rò rỉ gây chậpngoài bỏng còn có thể bị điện giật.

Các dạng túi sưởi ấm thường hoạt động theo nguyên lý dùng năng lượng dòng điện sinh nhiệt, nước muối và than trong đệm để giữ nhiệt lâu hơn mà không gây hại cho người sử dụng. Tuy nhiên, khi dùng không đúng cách, chẳng hạn như vừa sạc điện vừa ôm túi sưởi hoặc ôm vào người rồi rút điện, nếu chẳng may túi dùng lâu bị hở, bục, rách thì rất dễ bị chập điện.

Vì vậy để đảm bảo an toàn không xảy ra sự cố cháy nổ, trách nhiệm của người dùng là phải sử dụng đúng cách, để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra:

Thứ nhất: Không để những vật sắc nhọn vạch lên túi; không được để vật nặng đè lên túi; không ngồi lên túi tránh gây bục túi dẫn đến bị rò dung dịch, rò điện. Nếu túi đã bị rò rỉ tuyệt đối không được sử dụng. Không đổ dung dịch trong túi ra ngoài, không dùng bất cứ dung dịch nào thay thế dung dịch chuyên dùng của túi để tránh xảy ra sự cố nguy hiểm.

Thứ hai: Không để trẻ đến gần nơi cắm điện túi sưởi. Khi cắm điện không sờ tay vào ổ cắm điện, không sử dụng khi đang cắm điện. Không để trẻ nghịch túi sưởi. Trẻ em có thể chạy nhảy hay ngồi lên túi sưởi, trẻ còn dùng để ném nhau như một thứ đồ chơi, nếu làm bục túi sưởi dễ gây bỏng vì da trẻ nhạy cảm.

Thứ ba: Trước khi cắm điện, kiểm tra túi xem có rách mép, rò rỉ nước không. Khi cắm điện nên để khoảng cách cách xa trẻ tối thiểu 2m. Thường thì túi đủ nóng đèn báo sẽ sáng. Khi sử dụng đã quen thì không cần chờ đèn báo, hãy dùng mu bàn tay ước lượng độ nóng… Nhớ rút dây điện ra khỏi ổ cắm trước rồi mới rút phích cắm ở túi ra. Nếu thấy túi phồng hơn bình thường cần phải ngắt điện ngay.

Thứ tư: Nếu trên bề mặt túi bẩn có thể dùng giẻ tẩm dung dịch tẩy nhẹ (ví dụ như nước oxy già) để lau sạch, không dùng chất tẩy mạnh tránh hư hại sản phẩm. Luôn thao tác với túi khi không cắm điện. Nếu túi bị ướt nhất định phải lau khô mới được cắm điện sử dụng.

Thứ năm: Hãy chọn mua những sản phẩm chính hãng, có bảo hành. Bên cạnh đó, chất lượng lớp polime chịu nhiệt bên trong chỉ đảm bảo không bị lão hóa trong vòng hai năm đầu. Do vậy, khi mua hay sử dụng về sau nên căn cứ theo ngày sản xuất in trên vỏ hộp; không dùng khi đã xuất xưởng quá hai năm dù có thể sản phẩm trông vẫn còn mới.

PV.

 

 

Rate this post

Viết một bình luận