Mùa củ huyền vùng Bảy Núi

An GiangCủ huyền trồng xen dưới tán rừng, vườn cây ăn trái, dễ chăm sóc và mang lại thu nhập cao cho người dân xứ núi.

Vừa thu hoạch 4 tấn củ huyền trồng xen trong vườn cây ăn trái, anh Trần Văn Thông (xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên) bỏ túi hơn 20 triệu đồng. Người nông dân tuổi ngoài 40 cho biết củ huyền (còn gọi là củ nưa) nguồn gốc trên núi, thích hợp trồng đất cát, dưới bóng râm. Củ màu trắng, hình dạng khá giống củ khoai tây.

“Thấy chúng có thể làm thực phẩm, vài chục năm trước ông cha mang xuống núi để trồng làm kinh tế”, anh Thông cho biết. Củ huyền trồng vào tháng 4 âm lịch khi mưa xuống và thu hoạch vào tháng 10 khi gió bấc bắt đầu thổi.

Mỗi công huyền (1.000 m2) nông dân tốn 500.000 đồng chi phí củ giống và tập trung tưới nước lúc mới trồng đến khi cây lên xanh. Thời gian sau, chúng sinh trưởng tự nhiên, nhẹ công chăm sóc và ít phân thuốc.

Củ huyền trồng nhiều ở vùng 7 núi nhiều nhất ở huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, thường trồng xen trong vườn cây ăn trái, dưới tán rừng. Ảnh: Ngọc Tài

Củ huyền trồng nhiều nhất ở huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Ảnh: Ngọc Tài

Tuỳ thời tiết mưa nhiều hay ít mà huyền cho củ to hoặc nhỏ. Đặc biệt loài củ này cho nhiều bột khi trồng trên vùng đất cát vùng Bảy Núi. Ngoài ra, thời gian thu hoạch cũng quyết định chất lượng bột, nên lấy củ sớm trước tết cổ truyền. Bởi càng kéo dài thời gian trồng, củ to nhưng lượng bột sẽ ít.

Sau 6 tháng trồng, người dân bắt đầu dỡ các luống để thu hoạch. Một công đất trồng củ huyền năng suất trung bình khoảng 3-4 tấn. Riêng các loại củ nhỏ, chủ vườn giữ lại làm bột dùng trong gia đình.

Vào mùa thu hoạch là lúc chị em phụ nữ bắt tay làm bột huyền – loại bột trắng tinh làm thức uống giải khát hoặc các loại bánh dân gian. Làm bột huyền giúp người dân xứ núi thêm thu nhập lại tăng giá trị so với bán củ thô.

Giữa tiết trời se lạnh cuối tháng 12, dọc các tuyến đường vùng đất Thất Sơn huyền thoại dễ dàng bắt gặp các giàn phơi bột trước sân nhà. Một vài quán nước giải khát để biển hiệu “có bán bột huyền” giới thiệu đặc sản với du khách gần xa.

Nhà gần đình Thới Sơn, bà Lê Thị Điệm, 57 tuổi, khệ nệ mang thau bột để trên giàn và nhanh tay trải chúng thành lớp mỏng, đều nhau. Bà cho biết ai chọn nghề làm bột huyền xác định ăn cơm… đứng. “Bởi phải trông trời, hễ chuyển mưa mang bột vào ngay, chỉ cần dính chút nước mưa bột sẽ hư”, bà giải thích.

Nhọc công phơi 3 nắng mới khô nhưng người làm bột huyền không thích sấy chúng bằng máy móc hiện đại. Họ đúc kết rằng, củ trồng vùng đất núi, phải phơi bằng nắng trời mới giữ nguyên mùi vị đặc trưng.

Bà Điệm phơi bột huyền trước sân nhà. Mỗi năm bà dành vài tháng gần tết làm bột huyền kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Ngọc Tài

Bà Lê Thị Điệm phơi bột huyền trước sân nhà. Ảnh: Ngọc Tài

Năm nay, người trồng ít nên cơ sở làm bột của gia đình bà Điệm giảm công suất hơn phân nửa, chỉ khoảng 300-400 kg một tháng. Giá củ huyền tăng gần gấp đôi lên 6.000-7.000 đồng mỗi kg, kéo theo giá bột cũng nhỉnh hơn các năm, tăng từ 60.000 đồng lên 80.000 đồng mỗi kg.

Trung bình 5 kg củ thu được một kg bột. Sau khi trừ chi phí, mỗi kg bột, cơ sở có lời 3.000-4.000 đồng. “Mỗi năm làm vài tháng gần tết. Ở không làm gì, có công việc cũng có thêm chút đỉnh tiền xài tết”, bà Điệm chia sẻ.

Gần đó, chị Lý Kim Năm, cũng tất bật với công đoạn gọt củ, rửa sạch qua 2 nước, đưa vào máy xay và tẻ bột (pha loãng bột với nước, chờ bột lắng xuống đổ nước ra). Công đoạn tẻ bột mất khá thời gian và tốn nhiều nước. Người làm bột cần sử dụng nước sạch, trong nếu không bột sẽ không trắng và mịn.

“Củ huyền vị đắng phải tẻ qua 4-5 nước mới hết. Bột ngâm thêm một đêm rồi đem phơi”, chị Năm nói qua các công đoạn và cho biết nghề này rất cực nên ai bền chí, yêu thích mới gắn bó lâu dài. “Nghề này không giàu nhưng đủ sống. Làm ở nhà nên dễ bề chăm lo gia đình hơn”, người phụ nữ quê Tịnh Biên chia sẻ.

Bột huyền thành phẩm màu trắng tinh khiết, mịn, ngậm vào miệng tan nhanh, khi pha nước không có tạp chất. Bột được làm kỹ, phơi thật khô có thể bảo quản 2-3 năm. Bột huyền có thể chế biến các món bánh như bánh ít, bánh in, bánh canh, bánh đúc…

Công đoạn tẻ bột bà Năm cho biết khá tốn thời gian và nước. Phải dùng nước sạch và trong để bột làm ra trắng và mịn. Ảnh: Ngọc Tài

Công đoạn tẻ bột từ củ huyền. Ảnh: Ngọc Tài

Củ huyền trồng ở vùng Bày Núi, nhiều nhất ở huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Hàng trăm hộ thường trồng xen trong vườn cây ăn trái, tán rừng. Cách đây hai năm, UBND tỉnh An Giang phê duyệt dự án thí điểm phát triển ngành nghề nông thôn tại xã Thới Sơn trên cơ sở nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm từ bột huyền.

Dự án ngoài hỗ trợ, đầu tư máy móc sẽ liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ… Qua khảo sát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính một ha trồng huyền, sau 6 tháng thu 30-45 tấn củ tươi, trừ chi phí đầu tư 40-50 triệu đồng, lợi nhuận đạt 50-85 triệu đồng.

Thất Sơn hay Bảy Núi là vùng đất núi đồi xen lẫn đồng bằng thuộc 4 huyện, thành phố của An Giang: TP Châu Đốc, các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn. Theo các nhà nghiên cứu, vùng Thất Sơn có 37 ngọn núi, đồi lớn nhỏ, rải rác với độ cao trung bình từ 50 đến 710 m.

Sử sách cũng như dân gian lấy bảy ngọn núi đại diện cho cả vùng, gồm núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Dài Năm Giếng hay núi Dài nhỏ (Ngũ Hồ Sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn) và núi Nước (Thủy Đài Sơn).

Mùa củ huyền vùng 7 núi

 

 

Mùa củ huyền vùng 7 núi

Nghề sản xuất bột huyền ở xứ núi. Video: Ngọc Tài

Ngọc Tài

Rate this post

Viết một bình luận