Muối là một gia vị phổ biến trong bữa ăn của mọi gia đình trên toàn thế giới. Bạn nghĩ mình đã biết rõ bao nhiêu về loại gia vị này? Làm sao để bạn phân biệt được các loại muối ăn thường gặp? Mời bạn cùng tìm hiểu với chuyên mục Mẹo vào bếp nhé!
1. Muối ăn là gì?
Muối ăn là một chất rắn có dạng tinh thể, thường có màu trắng hoặc có thêm xíu vết hồng hay xám nhạt, thu được từ nước biển hay các mỏ muối. Muối có vị mặn, đây là một trong những vị cơ bản.
Trong tự nhiên, muối ăn bao gồm chủ yếu là natri clorua (NaCl), ngoài ra có một số ít các khoáng chất vi lượng khác nhưng chiếm một lượng rất nhỏ. Muối có thể tồn tại hàng trăm triệu năm mà không bị phân hủy nếu điều kiện bảo quản tốt.
Muối ăn cần thiết cho sự sống của mọi cơ thể sống, kể cả con người. Vì natri tham gia vào việc điều chỉnh độ chứa nước của cơ thể (hay còn gọi là cân bằng chất điện giải). Ngoài ra, natri và clorua giúp cho não và các dây thần kinh phát sinh và dẫn truyền các xung điện.
Bên cạnh đó, muối là một gia vị cơ bản trong nấu ăn. Nếu không có muối, thức ăn sẽ trở nên nhạt nhẽo và vô vị. Muối còn là một chất bảo quản thực phẩm vì vi khuẩn khó có thể sinh trưởng và phát triển trong môi trường có độ mặn cao.
Tuy muối ăn là một phần quan trọng cho sự sống, nhưng nếu sử dụng quá mức có thể làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như bệnh cao huyết áp hay đột quỵ. Với những người thường xuyên tiêu thụ đồ ăn quá mặn còn có thể bị loãng xương vì muối ăn gây mất canxi từ xương, làm xương trở nên yếu và dễ gãy hơn.
Do đó cần có khẩu phần ăn hợp lý và gia vị nêm nếm vừa phải thôi bạn nhé!
2. Các dạng muối ăn
Muối thô
Có quan điểm cho rằng muối thô tốt hơn cho sức khỏe vì nó “tự nhiên” hơn. Tuy nhiên, muối thô có thể không chứa đủ lượng i-ốt cần thiết để phòng ngừa bệnh bướu cổ và một số bệnh do thiếu i-ốt khác. Muối thô thường có vị mặn hơn và hạt muối thường to hơn một chút so với các loại muối khác.
Muối tinh
Muối tinh là loại muối được sử dụng phổ biến. Trong đời sống hàng ngày, 7% lượng muối tinh trên thế giới được sử dụng là gia vị nêm nếm. Phần lớn muối tinh còn lại được sử dụng cho các mục đích công nghiệp như sản xuất bột giấy, hãm màu trong công nghệ nhuộm vải, sản xuất xà phòng và chất tẩy rửa.
Sau khi thu được muối thô bằng cách cho bay hơi nước biển dưới ánh nắng trong các ruộng muối, các công nghệ làm tinh sẽ được tiến hành để nâng cao độ tinh khiết và dễ dàng vận chuyển, bảo quản.
Việc làm tinh muối chủ yếu là tái kết tinh muối. Quá trình làm tinh muối chủ yếu là sẽ làm kết tủa các tạp chất và trải qua nhiều công đoạn bay hơi để làm khô sao cho độ ẩm cuối cùng đạt dưới 6%.
Muối i-ốt
Muối ăn ngày nay là muối tinh, thường được bổ sung thêm i-ốt dưới dạng của một lượng nhỏ iotua kali (KI). Nó được sử dụng để sơ chế và làm gia vị trong nấu ăn. Muối i-ốt làm giảm khả năng mắc bệnh như: bệnh bướu cổ, chứng đần ở trẻ nhỏ và chứng phù niêm ở người lớn.
3. Phân biệt các loại muối ăn thông dụng
Muối ăn thông thường
Loại muối phổ biến nhất là muối ăn tinh luyện mà chúng ta dễ dàng tìm thấy trong căn bếp tại gia đình. Loại muối này được tinh luyện cực kì chuyên sâu, có nghĩa là nó được xay rất mịn và trải qua vô vàn quá trình để loại bỏ tạp chất và các khoáng chất vết (trace minerals).
Khi muối được tinh chế cao thường sẽ xảy ra vấn đề đóng cục, do đó nhà sản xuất thường thêm chất chống vón cục để hạn chế hiện tượng này.
Muối ăn thông thường có tỉ lệ natri cloride tinh khiết cao, chiếm 97% hoặc nhiều hơn. Tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, muối ăn còn được bổ sung thêm i-ốt nhằm giúp ngăn ngừa các bệnh do thiếu i-ốt, suy giảm trí nhớ và một số bệnh khác.
Do đó nếu bạn không dùng muối ăn có chứa i-ốt, hãy bổ sung i-ốt bằng cách tiêu thụ các thực phẩm giàu i-ốt khác như là cá biển, sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng và rong biển nhé.
Muối hồng Himalaya
Muối hồng Himalaya được khai thác từ dãy núi Himalaya. Phần lớn lượng muối hồng thu được là từ mỏ muối Khewra (Pakistan) – đây là mỏ muối lớn thứ nhì trên thế giới.
Khác với loại muối biển thông thường, do các tinh thể muối Himalaya có chứa một lượng rất nhỏ các ô-xít sắt nên chúng có màu sắc vô cùng đặc biệt. Muối có các gam màu trải dài từ màu đỏ, màu hồng cho tới màu trắng hoặc trong suốt.
Ngoài ra, loại muối này còn chứa một lượng nhỏ các chất khác như canxi, sắt, kali, magie, do đó lượng natri tinh khiết của nó thấp hơn muối ăn thông thường một chút.
Muối kosher
Thuở ban sơ, người Do Thái sử dụng riêng một loại muối để ngâm thịt cá với mục đích là loại bỏ hoàn toàn máu động vật. Loại muối này được đặt tên là muối kosher. Sau này, muối kosher dần trở nên phổ biến hơn qua các quốc gia khác và được dùng trong nấu nướng chứ không chỉ để sơ chế thịt nữa.
Đặc điểm của muối kosher là hạt muối có cấu trúc thô, nhiều góc cạnh và thường ít được bổ sung i-ốt. Các đầu bếp cho rằng nhờ vào kích thước lớn của muối kosher mà dễ dàng lấy bằng ngón tay và rải lên thức ăn hơn.
Tuy muối kosher có cấu trúc và hương vị khác biệt nhưng khi dùng để nấu ăn thì hoàn toàn không khác gì muối tinh thông thường.
Bạn cần lưu ý là một thìa cà phê muối kosher sẽ nhẹ hơn một thìa cà phê muối ăn. Vì vậy đừng thay thế theo tỉ lệ 1:1 bạn nhé!
Muối celtic
Muối celtic là một loại muối biển. Nước Pháp là nơi mà nó bắt đầu trở nên phổ biến tại nước Pháp. Loại muối này có màu hơi xám và độ ẩm cao hơn muối ăn thông thường.
Trong hàm lượng của muối celtic có chứa một số chất khoáng với lượng rất nhỏ.
Vậy loại muối nào là tốt nhất?
Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh và so sánh tác dụng về sức khỏe của các loại muối khác nhau. Họ cho rằng tuy có khác biệt về cấu trúc, kích cỡ, màu sắc và hương vị, nhưng suy cho cùng mục đích chính của muối là gia vị để nêm nếm thực phẩm và không phải là thuốc để chữa bất kì bệnh nào.
Vì vậy, bạn có thể tiếp tục sử dụng loại muối mà gia đình đang dùng. Lưu ý một điểm nhỏ là bạn chỉ nên sử dụng một lượng muối vừa phải thôi nhé, vì ăn mặn lâu dài cũng sẽ gây hại cho sức khoẻ của bạn đấy!
Với những chia sẻ phía trên, hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về muối ăn là gì? phân biệt các loại muối ăn thông dụng rồi nhé. Chúc bạn có thêm nhiều sức khỏe cùng Điện máy XANH.
*Tham khảo và tổng hợp thông tin từ các nguồn Wikipedia và Healthline.
Biên tập bởi Vũ Thị Quế Thảo • Đăng 07/12/2020