Muối ăn được chia thành nhiều loại gồm muối thô, muối tinh và muối biển. Chúng ta thường ăn muối tinh, chắc hẳn mọi người dễ dàng phát hiện ra rằng muối tinh cũng được chia thành nhiều loại, gồm muối iốt, muối không iốt và muối natri thấp. Sự khác biệt giữa chúng là gì? Khi mua chúng ta nên mua những loại muối nào?
Để trả lời câu hỏi này, tờ Sohu Health của Trung Quốc đã đặt vấn đề với bác sĩ Gao Wenli, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc tỉnh Sơn Tây. Theo ông Wenli, muối iốt, không iốt và natri thấp có sự khác biệt như sau:
1. Muối iốt
Iốt là một nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể con người, nhưng chúng ta không thể tự tổng hợp được mà cơ thể chỉ có thể lấy từ thế giới bên ngoài. Hàm lượng iốt trong tự nhiên tương đối hiếm, chủ yếu có trong nước biển. Do đó, muối iốt được coi là loại thực phẩm giúp bổ sung iốt hiệu quả cho cơ thể con người.
2. Muối không có muối iốt
Đây là loại muối ăn không có iốt, đặc biệt thích hợp cho những người sinh sống ở vùng ven biển. Điều này là do thức ăn chủ yếu của họ là hải sản và các sản phẩm biển khác chứa nhiều iốt nên về cơ bản, nhu cầu iốt của người sống ở vùng này đã có thể đáp ứng được, không cần ăn thêm muối iốt.
3. Muối natri thấp (ít natri)
Nhiều người cho rằng muối ít natri tốt cho sức khỏe và nên ăn nhiều hơn. Ý kiến này không hoàn toàn đúng, loại muối natri thấp tuy ít ion natri hơn và tốt cho sức khỏe hơn nhưng lại không phù hợp với những người làm việc ở nhiệt độ cao, thường xuyên đổ mồ hôi.
Do khi đổ mồ hôi nhiều, con người sẽ gặp phải tình trạng lượng natri trong cơ thể mất đi nhanh chóng, vì vậy, họ cần được bổ sung natri kịp thời thay vì ăn các loại muối có hàm lượng natri thấp.
Tôi có nên ăn muối iốt nếu cơ thể không thiếu iốt?
Nếu cơ thể hấp thụ quá nhiều i-ốt, các tác động phổ biến nhất đối với tuyến giáp là bướu cổ do iốt và cường giáp do iốt tăng hóa trị (Hypervalent iodine). Vì vậy, có người nghĩ những ai cơ thể không bị thiếu iốt thì không cần bổ sung thêm, không cần ăn muối iốt bởi nếu ăn quá nhiều có thể bị bướu cổ, cường giáp.
Tuy nhiên, đây là quan điểm chưa đúng. Đối với cá nhân, lượng iốt được khuyến nghị tiêu thụ hàng ngày cho một người bình thường là 150 – 300 microgam, và lượng tiêu thụ tối đa (ngưỡng an toàn) có thể dung nạp được nói chung là 1000 microgam mỗi ngày.
Trung bình, hàm lượng iốt trong muối iốt là khoảng 20 – 30mg/kg (trong 1g muối iốt có 25 microgam iốt). Giả sử lượng iốt hàng ngày của một người đều là từ muối ăn, vậy lượng muối bạn cần ăn để bổ sung đủ lượng iốt cho cơ thể sẽ là khoảng 6 – 12g muối. Và nếu bạn muốn ăn nhiều hơn ngưỡng iốt an toàn cho cơ thể thì bạn phải ăn tới 40g muối iốt/ngày, nếu tính cả lượng iốt mất đi trong quá trình nấu nướng, bạn có thể sẽ phải ăn nhiều muối iốt hơn thế nữa.
Nếu cơ thể hấp thụ quá nhiều i-ốt, các tác động phổ biến nhất đối với tuyến giáp là bướu cổ do iốt và cường giáp do iốt tăng hóa trị (Hypervalent iodine)
Do đó, bạn không cần phải lo lắng quá nhiều đến khả năng vì ăn muối iốt mà mình bị bướu cổ hay cường giáp. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự thích ăn mặn, tiêu thụ 15 – 20g muối mỗi ngày thì bạn cần phải lo lắng về nguy cơ mình mắc bệnh tim mạch (theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi người chỉ nên tiêu thụ không quá 5g muối/ngày).
Trên thực tế, hầu hết chúng ta ăn nhiều muối iốt thì cơ thể vẫn thiếu iốt. Điều này là do lượng iốt dự trữ trong tuyến giáp chỉ đủ cho cơ thể sử dụng trong 2 – 3 tháng. Do đó, những người sinh sống ở vùng ven biển ngừng ăn muối iốt hoặc hải sản, các sản phẩm từ biển trong 2 – 3 tháng thì họ vẫn có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến thiếu iốt.
Vì vậy, chúng ta không phải “sợ” muối iốt. Bạn có thể sử dụng bất cứ loại muối nào được bày bán miễn là nó đảm bảo chất lượng. Tất nhiên, đừng nên ăn quá mặn hay tiêu thụ quá nhiều hải sản. Nếu bạn thực sự bị bệnh tuyến giáp do thừa iốt, chỉ cần nghe theo hướng dẫn của bác sĩ và hạn chế tuyệt đối lượng iốt tiêu thụ.
Muối iốt, muối không iốt và muối ít natri đều có những đặc điểm và thế mạnh riêng, tuy rất khác nhau nhưng chúng ta có thể tùy theo hoàn cảnh mà lựa chọn sao cho phù hợp và tốt nhất cho sức khỏe.
Nguồn và ảnh: Sohu Health