–
Chủ nhật, 26/12/2021 19:00 (GMT+7)
Mỹ sẽ cố gắng hết sức để đưa các phi hành gia Mỹ trở lại Mặt trăng trước khi các phi hành gia Trung Quốc hạ cánh xuống đây.
Phi hành gia, người chỉ huy nhóm công tác hạ cánh trên bề mặt Mặt trăng của tàu Apollo-16. Ảnh: NASA
Cuộc chạy đua không gian
Mới đây, Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA), ông Bill Nelson đã tổ chức một cuộc họp ngắn cho các nhà báo, công bố lý do tại sao ngày thực hiện chương trình Mặt trăng “Artemis” đã bị thay đổi.
Dự án phát triển vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất, được cựu Tổng thống Donald Trump công bố vào mùa xuân năm 2019, bao gồm ba giai đoạn: Đầu tiên là một chuyến bay không người lái quanh Mặt trăng, tiếp theo là một con tàu với phi hành đoàn bay quanh Mặt trăng và sau đó mới hạ cánh trên bề mặt.
Theo ông Nelson, ban đầu, cuộc đổ bộ được lên kế hoạch thực hiện vào năm 2024, nhưng nhiệm vụ này hóa ra là không thể thực hiện từ quan điểm kỹ thuật vì có những khó khăn với module Mặt trăng. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 cũng đã can thiệp vào tiến độ.
Theo lịch trình mới do người đứng đầu NASA công bố, chuyến bay của tàu vũ trụ có người lái lên Mặt trăng được lên kế hoạch không sớm hơn tháng 5 năm 2024. Và sự trở lại của các phi hành gia Mỹ sẽ không thể thực hiện được trước năm 2025. Vì thế, Mỹ hết sức lo ngại rằng Trung Quốc có thể vượt lên trước họ.
Đặc biệt, ông Nelson lưu ý rằng chương trình không gian của Trung Quốc “có khả năng đổ bộ” người lên Mặt trăng “sớm hơn nhiều so với dự kiến ban đầu”. Ông thậm chí còn gọi Trung Quốc không chỉ là đối thủ trong cuộc đua Mặt trăng, mà còn là một “đối thủ cạnh tranh rất đáng gờm”. Và ông hứa sẽ hành động “mạnh mẽ nhất có thể” để người Mỹ có thể “trở thành những người đầu tiên quay trở lại Mặt trăng sau hơn nửa thế kỷ”.
Các phi hành gia Mỹ đã chính thức đặt chân lên bề mặt Mặt trăng vào tháng 7.1969 trong khuôn khổ sứ mệnh không gian Apollo-11. Người ta cho rằng người đầu tiên bước chân lên mặt trăng là Neil Armstrong, chỉ huy của phi hành đoàn. Và dường như ông có nói rằng: “Bước đi nhỏ này của con người có ý nghĩa như là một bước nhảy vọt khổng lồ của nhân loại”.
Bước theo sau ông ta là phi công module Mặt trăng Edwin Aldrin. Họ lấy mẫu đất Mặt trăng, lắp đặt các thiết bị khoa học – máy đo địa chấn và máy phản xạ laser, sau đó cố định quốc kỳ Mỹ trên bề mặt Mặt trăng. Chuyến đi bộ của Aldrin kéo dài khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, còn Armstrong đi bộ hơn hai tiếng rưỡi. Tổng cộng, tính cả thời gian các phi hành gia ngủ và ăn sáng trong module, họ đã ở trên Mặt trăng trong 21 giờ 36 phút.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt câu hỏi về việc người Mỹ đáp xuống Mặt trăng, vì từ đó đến nay họ không thể lặp lại thành tựu của tàu vũ trụ Apollo-11.
Tại sao với các công nghệ cao hiện đại hơn như hiện nay mà chuyện đó lại là vấn đề đối với họ? Thêm nữa, nếu các phi hành gia Mỹ đã đến thăm Mặt trăng, thì tại sao họ lại quá lo lắng về những thành công hiện tại của Trung Quốc?
Tìm kiếm trữ lượng khoáng sản trên Mặt trăng
Thực tế là trữ lượng khoáng sản hóa thạch, cần thiết cho sự phát triển của công nghệ cao như kim loại màu và đất hiếm – niken, coban, một nhóm lớn các platinoit đang bị cạn kiệt trên Trái đất… Ví dụ như thành phần chính của màn hình cảm ứng iPad là kim loại dạng như indium.
Theo các chuyên gia, trữ lượng indium và các loại khác sẽ chỉ còn tồn tại trong 40 năm. Điều này có nghĩa là trong một tương lai gần, sự phát triển của công nghệ có thể dừng lại.
Công ty đầu tư Goldman Sachs thậm chí đã từng gửi một bản tin cho các đối tác trong đó chỉ ra rằng việc khai thác và vận chuyển bạch kim từ Mặt trăng hiện nay rẻ hơn so với việc đào các mỏ sâu và phức tạp trên Trái đất.
Trên thực tế, mục tiêu chính của dự án Artemis chính là phát triển các khu vực Mặt trăng với các miệng núi lửa tác động đặc trưng, nơi người ta giả định có thể tìm thấy các tài nguyên không gian. Hơn nữa, chương trình này hiện đã trở thành quốc tế. Thêm 8 quốc gia nữa đã tham gia vào chương trình và họ tham gia với quan điểm cho rằng việc thám hiểm Mặt trăng hứa hẹn mang lại lợi nhuận khổng lồ.
Ngoài ra, các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, những quốc gia có ngành công nghiệp vũ trụ của riêng mình, cũng tham gia vào đó. Đó là xu hướng cạnh tranh không gian hiện nay và chính vì thế mà các quốc gia hàng đầu mới háo hức khám phá Mặt trăng đến vậy.