Trung Quốc và Mỹ đều có kế hoạch lớn cho Mặt trăng nhưng có một số lý do khiến không quốc gia nào thực sự có thể tuyên bố quyền sở hữu bất kỳ vùng đất nào ở đó. Ảnh: Getty Images
Giám đốc NASA Bill Nelson gần đây đã bày tỏ lo ngại về các mục tiêu của Trung Quốc trong không gian, đặc biệt trước viễn cảnh Trung Quốc có thể tuyên bố quyền sở hữu Mặt trăng và ngăn các nước khác khám phá thiên thể này.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn một tờ báo của Đức, ông Nelson cảnh báo: “Chúng tôi rất lo ngại rằng Trung Quốc đang đổ bộ xuống Mặt trăng và nói rằng ‘Bây giờ nơi này là của chúng tôi và các bạn tránh ra’”.
Lo ngại này của lãnh đạo NASA diễn ra vào thời điểm cả hai quốc gia đều đang tích cực thực hiện các sứ mệnh lên Mặt trăng, và Trung Quốc không hề e ngại về tham vọng Mặt trăng của mình.
Năm 2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu vũ trụ ở “vùng tối” của Mặt trăng. Cùng năm đó, Trung Quốc và Nga công bố kế hoạch chung thám hiểm Cực Nam của Mặt trăng vào năm 2026. Một số quan chức Trung Quốc cũng như các tài liệu chính phủ đã bày tỏ ý định xây dựng một Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế thường trực, có phi hành đoàn hoạt động, vào năm 2027.
Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa việc thiết lập căn cứ trên Mặt trăng và thực sự “chiếm” Mặt trăng.
Theo hai học giả nghiên cứu về an ninh không gian và chương trình không gian của Trung Quốc, ông Svetla Ben-Itzhak và R. Lincoln Hines (tại trường Đại học Hàng không – trung tâm huấn luyện của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Mỹ), Trung Quốc và bất kỳ quốc gia nào khác đều không có khả năng tiếp quản Mặt trăng trong tương lai gần. Hành động đó không chỉ là bất hợp pháp mà còn gặp khó khăn về mặt công nghệ – chi phí cho một nỗ lực như vậy sẽ rất cao, trong khi lợi ích tiềm năng chưa rõ là gì.
Luật không gian quốc tế
Về mặt pháp lý, Trung Quốc không thể tiếp quản Mặt trăng vì như vậy sẽ đi ngược lại luật không gian quốc tế hiện hành. Hiệp ước Thượng tầng Không gian, được thông qua vào năm 1967 và được ký bởi 134 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, tuyên bố rõ rằng “Không gian bên ngoài, bao gồm Mặt trăng và các thiên thể khác, không là chủ thể cho chiếm đoạt quốc gia, bằng yêu sách chủ quyền, bằng cách sử dụng hoặc chiếm đóng, hoặc bằng bất kỳ hình thức nào khác”.
Hiệp ước Thượng tầng Không gian (Outer Space Treaty) năm 1967 nói rằng Mặt trăng không thể bị tuyên bố chủ quyền bởi bất kỳ quốc gia nào. Ảnh: Flickr
Các học giả pháp lý đã tranh luận về ý nghĩa chính xác của khái niệm “sự chiếm đoạt”, nhưng ở cách hiểu theo nghĩa đen, hiệp ước chỉ ra rằng không quốc gia nào có thể chiếm hữu Mặt trăng và tuyên bố mở rộng mong muốn và đặc quyền quốc gia của mình. Nếu Trung Quốc cố gắng làm điều này, họ sẽ có nguy cơ bị quốc tế lên án và có thể bị cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh.
Mặc dù không quốc gia nào có thể đòi quyền sở hữu Mặt trăng, Điều I của Hiệp ước Thượng tầng Không gian cho phép mọi quốc gia được quyền khám phá và sử dụng không gian cũng như các thiên thể ngoài vũ trụ. Trung Quốc sẽ không phải là du khách duy nhất đến Nam Cực của Mặt Trăng trong tương lai gần.
Hiệp ước Artemis do Mỹ dẫn đầu là một nhóm 20 quốc gia có kế hoạch đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2025, bao gồm việc thành lập một trạm nghiên cứu trên Mặt trăng và một trạm vũ trụ hỗ trợ trên quỹ đạo được gọi là Gateway với kế hoạch ra mắt vào tháng 11/2024.
Chiến lược “cắt lát salami”
Dù không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền một cách hợp pháp đối với Mặt trăng, Trung Quốc, hoặc bất kỳ nước nào khác, vẫn có thể sẽ cố gắng từng bước thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế đối với các khu vực chiến lược quan trọng thông qua chiến lược được gọi là “cắt lát salami”.
Chiến lược “cắt lát salami” được tiến hành bằng cách thực hiện các bước đi nhỏ, dần dần gia tăng để đạt được thay đổi lớn. Những bước đi nhỏ đó không kích thích phản ứng mạnh mẽ, nhưng tác động tích lũy của chúng sẽ đưa đến sự phát triển đáng kể và tăng khả năng kiểm soát. Trung Quốc được cho là đang sử dụng chiến lược này ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Với diện tích bề mặt gần 39 triệu km vuông – tức gần gấp 5 lần diện tích của Australia – bất kỳ sự kiểm soát nào đối với Mặt trăng sẽ chỉ là tạm thời.