NGUYỄN DU VÀ TRUYỆN KIỀU GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN VƯỢT KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

 

Ai trong chúng ta cũng từng được lớn lên từ câu Kiều qua lời ru của bà, của mẹ, qua lời giảng của thầy, cô. Truyện Kiều dường như đã in sâu vào tiềm thức con người Việt. Với những đóng góp cả về nội dung và nghệ thuật, kiệt tác đã góp phần quan trọng đưa “cha đẻ” của mình trở thành Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Kỷ niệm 255 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của ông đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại. Đây cũng là dịp để chúng ta nhắc lại thân thế và sự nghiệp của ông, làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng và các giá trị nghệ thuật di sản của Nguyễn Du.

 

Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh năm Ất Dậu (1765), tại  phường Bích Câu, thành Thăng Long (Hà Nội). Cha ông là Nguyễn Nghiễm, tể tướng dưới triều Lê, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Mẹ ông là  bà Trần Thị Tần, một phụ nữ nết na, thông minh, xinh đẹp và mang đậm nét văn hóa Kinh Bắc. Xuất thân trong gia đình quý tộc có dòng dõi quan trường, lên 3 tuổi, Nguyễn Du được tập ấm là Hoàng Tín Đại phu. Lên 6 tuổi bắt đầu đi học chữ Hán, sách vở chỉ cần xem qua một lần là nhớ. Thế nhưng cuộc sống nhung lụa của Nguyễn Du không kéo dài được bao lâu khi ông phải trải qua những biến cố dữ dội cả trong gia đình và ngoài xã hội. 13 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống nhờ anh cả. Gia cảnh không còn phong lưu, đời sống cùng việc học hành của Nguyễn Du không được như trước. Tuy vậy, với địa vị và danh tiếng của gia tộc, Nguyễn Du vẫn là cậu Chiêu bảy được mọi người ngưỡng mộ.

 

Vào năm 1786, Nguyễn Du làm chức Chánh Phủ Hiệu tỉnh Thái Nguyên. Cũng trong năm này, Nguyễn Du cưới bà Đoàn Thị Huệ, người xã An Hải, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình). Năm Đinh Mùi (1787), Tây Sơn tiến quân ra Bắc lấy Bắc Hà.  Nguyễn Du phải chạy về trốn ở quê vợ tại Thái Bình. Mười năm lưu lạc, ăn nhờ ở đậu quê vợ là những năm tháng cô đơn cùng cực của Nguyễn Du, đói không cơm ăn, rét không có áo mặc, là  “Mười năm gió bụi”. Tháng 8 năm Nhâm Tuất (1802), ông được vua Gia Long  bổ làm tri huyện Phù Dung (thuộc Khoái Châu, Sơn Nam). Tháng 11 bổ làm tri phủ Thường Tín. Mùa đông năm Quý Hợi (1803), Nguyễn Du được cử đi Trấn Nam Quan (Hữu Nghị quan ngày nay) nghênh tiếp sứ thần Trung Quốc. Năm Ất Sửu (1805), ông  được thăng Đông Các đại học sĩ, tước Du Đức hầu. Đến năm Kỷ Tị (1809) vua lại có chỉ bổ ông giữ chức Cai Bạ tỉnh Quảng Bình. Năm Quý Dậu (1813), có chỉ triệu ông về Kinh thăng hàm Cần Chánh Đại học sĩ, rồi cử đi sứ Trung Quốc với tư cách là Tuế Cống Chánh sứ.

 

Tháng 8 năm 1820, vua Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi, có lệnh sai Nguyễn Du đi làm Chánh sứ sang Trung Quốc cầu phong, nhưng ông chưa kịp đi thì mất tại Kinh thành Huế vào ngày 10 tháng 8, hưởng thọ 55 tuổi. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép: “Khi bệnh nặng không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân, nói đã lạnh rồi, ông bảo tốt, nói xong rồi mất không trăn trối lại điều gì về sau” .

 

Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du  gồm nhiều tác phẩm văn chương bất hủ chữ Hán và chữ Nôm, trong đó, sáng tác chữ Hán gồm Thanh Hiên thi tập có 78 bài, viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn; Nam trung tạp ngâm có 40 bài ông viết khi làm quan ở Huế, Quảng Bình và những địa phương ở phía nam Hà Tĩnh. Bắc hành tạp lục có 131 bài, viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc. Sáng tác chữ Nôm, gồm có  Đoạn trường tân thanh (Tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột), tức tác phẩm Truyện Kiều, gồm 3254 câu thơ theo thể lục bát. Văn chiêu hồn nguyên có tên là “Văn tế thập loại chúng sinh”, là một ngâm khúc gồm 184 câu viết theo thể song thất lục bát. Thác lời trai phường nón gồm 48 câu, cũng được viết bằng thể lục bát, nội dung thay lời người con trai phường nón làm thơ tỏ tình với cô gái phường vải. “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ” gồm 98 câu, viết theo lối văn tế.      

Kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có tên là “Đoạn trường tân thanh”. Đây là tác phẩm truyện thơ nôm lục bát viết dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Mượn bối cảnh xã hội Trung Quốc đời nhà Minh nhưng Truyện Kiều chính là bức tranh rộng lớn về cuộc sống thời đại lúc nhà thơ đang sống. Tác phẩm gồm 3254 câu lục bát kể về cuộc đời 15 năm lưu lạc, chìm nổi của Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì gia biến phải bán mình chuộc cha, rơi vào cảnh “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”, bị các thế lực phong kiến dày xéo, chà đạp.

Qua Truyện Kiều, tác giả đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội Việt Nam. Truyện Kiều  còn là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lí và ngợi ca vẻ đẹp của con người. Qua đây, Nguyễn Du thể hiện ước mơ đẹp đẽ về một tình yêu tự do, trong sáng, chung thủy trong xã hội mà quan niệm về tình yêu, hôn nhân còn hết sức khắc nghiệt. Mối tình Kim – Kiều được xem như là bài ca tuyệt đẹp về tình yêu lứa đôi trong văn học dân tộc. Truyện Kiều còn ca ngợi vẻ đẹp của con người. Đó là vẻ đẹp của tài, sắc, tình, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng… Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải là hiện thân cho những vẻ đẹp đó. Thông qua nhân vật Từ Hải, người anh hùng hảo hán, một mình dám chống lại cả xã hội bạo tàn, Nguyễn Du còn thể hiện khát vọng công lí tự do, dân chủ giữa một xã hội bất công, tù túng. Cùng với đó, Truyện Kiều còn lên án các thế lực tàn bạo, chà đạp lên quyền sống con người. Thế lực đó được điển hình hóa qua các nhân vật như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, qua bộ mặt quan tham như Hồ Tôn Hiến… Đó còn là sự tàn phá, hủy diệt của đồng tiền trong tay bọn người bất lương tàn bạo, nó có sức mạnh đổi trắng thay đen, biến con người thành thứ hàng hóa để mua bán, chà đạp.

Về giá trị nghệ thuật, Nguyễn Du đã kết hợp tài tình tinh hoa của ngôn ngữ bác học với tinh hoa của ngôn ngữ bình dân. Với Truyện Kiều, tiếng Việt và thể thơ lục bát dân tộc đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật thi ca, là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại. Đóng góp của Nguyễn Du về phương diện ngôn ngữ là có một không hai trong lịch sử. Nghệ thuật tự sự trong Truyện Kiều cũng đã có bước phát triển vượt bậc, từ nghệ thuật dẫn chuyện đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách nhân vật và miêu tả tâm lí con người. Truyện Kiều phong phú, tinh luyện, giàu sức gợi cảm, gợi tả và trong sáng. Nghệ thuật viết Truyện Kiều như kết cấu chuyển đoạn, kể chuyện, mô tả… đều đạt đến mức tuyệt diệu.

Đánh giá về Truyện Kiều, Giáo sư Đào Duy Anh viết: “Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta…’’

Mộng Liên Đường chủ nhân đã viết trong lời tựa cuốn Truyện Kiều ra mắt lần đầu tiên năm 1820: “Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy, khiến ai đọc cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn đứt ruột… Tố Như dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời, thì tài nào có bút lực ấy…”.

Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ, người được xem là “chuyên gia Truyện Kiều” đã có những trang văn nhận định thú vị: “Truyện Kiều nổi lên so với những giá trị văn học đương thời, và khiến sáng tác của Nguyễn Du gần với chúng ta ngày nay, về cả nội dung và hình thức nghệ thuật… Trước sau Truyện Kiều vẫn là di sản vĩ đại, là tuyệt đỉnh của nền văn học dân tộc quá khứ”.

Với những giá trị to lớn ấy, hàng trăm năm nay, Truyện Kiều luôn được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả từ trí thức tới người bình dân, làm lay động trái tim của bao thế hệ người Việt Nam, là cảm hứng sáng tác cho rất nhiều những tác phẩm thi ca, nhạc họa sau này. Truyện Kiều và các tác phẩm của Nguyễn Du đã gắn bó với đời sống của nhân dân ta từ Bắc chí Nam, từ thành thị đến nông thôn, vượt qua biên giới đến với kiều bào ta ở xa Tổ quốc và bạn bè quốc tế. Tư tưởng triết học nhân sinh đã đưa tác phẩm của Nguyễn Du vượt qua thời gian, vượt mọi giới hạn của ngôn ngữ, bắt gặp sự chia sẻ, đồng điệu của mọi người. Nhiều câu thơ của Nguyễn Du khái quát thành những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, về con người, đề cao cái thiện, coi cái thiện là gốc rễ đã lay động trái tim bao thế hệ người Việt Nam, tạo cảm hứng sáng tác cho nhiều tác phẩm thi ca, nhạc họa. Người dân ta, từ trẻ đến già hầu như ai cũng biết đến truyện Kiều, nhiều loại hình như ngâm, vịnh thơ Kiều, ru Kiều, bói Kiều, diễn trò Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều… đã trở thành nét văn hóa dân gian trong sáng của Việt Nam. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Hiện nay,  tác phẩm này còn  được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và phổ biến  trên toàn thế giới.

Vượt qua thăng trầm lịch sử, Truyện Kiều và Nguyễn Du đã sống một đời sống đích thực trong lòng của nhân dân; trong thời đại Hồ Chí Minh, tên tuổi, di sản của ông không chỉ được người Việt Nam mãi mãi tôn vinh, tự hào, mà còn được bạn bè năm châu biết đến và ngưỡng mộ. Với những giá trị to lớn ấy, hàng trăm năm nay, “Truyện Kiều” luôn được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả, từ trí thức tới người bình dân, làm lay động trái tim của bao thế hệ người Việt Nam, là cảm hứng sáng tác cho rất nhiều những tác phẩm thi ca, nhạc họa sau này.

Hậu thế hôm nay luôn nhớ về Nguyễn Du, nhớ về sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông. Tên tuổi của ông, những tác phẩm vô giá của ông đã trở thành nốt son đỏ trong kho tàng văn học nước nhà và trong mỗi trái tim người Việt, trở thành niềm tự hào của thi ca dân tộc, trở thành mạch nguồn nuôi lớn tâm hồn người Việt. Ông chính là người đã kế thừa một cách sáng tạo truyền thống văn hóa tốt đẹp của văn học dân tộc và đã nâng truyền thống ấy lên một cách chói lọi.

Nhằm khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt xuất sắc của Nguyễn Du đối với nền văn hóa Việt Nam và nhân loại,  Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Kế hoạch số 233/KH-UBND về việc tổ chức kỷ niệm 255 năm Ngày sinh, Tưởng niệm 200 năm Ngày mất Danh nhân văn hóa thế giới – Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765-1820).  Trong chuỗi hoạt động này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch ban hành kế hoạch số 1352/KH-SGDĐT ngày 24/7/2020 về tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều”. Đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị – xã hội và văn hóa quan trọng, là dịp để làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng và các giá trị nghệ thuật của di sản Nguyễn Du; tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hiến của dân tộc, đề cao vai trò của văn học nghệ thuật đối với việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người, quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam. Cuộc thi còn nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động kỉ niệm 255 năm Ngày sinh, tưởng niệm 200 năm Ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820), đồng thời còn thể hiện sự biết ơn của mọi người dành cho Đại thi hào của dân tộc; góp phần biểu dương truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, cổ vũ thêm tinh thần hiếu học của thế hệ trẻ, làm cho thế hệ trẻ hiểu biết thêm về đời sống tinh thần, văn hóa của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử đày thăng trầm của dân tộc một cách sâu rộng hơn.

Vì thế, cuộc thi đã thu hút sự chú ý và nhận được sự hưởng ứng, tham gia rất nhiệt tình và đông đảo của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, nhân dân, đặc biệt là tại ngôi trường THPT mang tên Đại thi hào dân tộc đóng trên địa bàn thị trấn Tiên Điền, quê hương của Nguyễn Du. Mặc dù diễn ra trong hè, dịch bệnh Covid 19 đang hoành hành, nhưng Ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp với Công đoàn, Đoàn trường, tổ Ngữ văn, giáo viên chủ nhiệm các lớp luôn chủ động, linh hoạt trong việc phổ biến kế hoạch, đôn đốc, động viên 100% cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia làm bài thi. Tin rằng, với sự đồng thuận tích cực, sự nỗ lực, ý thức trách nhiệm và tình cảm giành cho Đại thi hào dân tộc, trường THPT Nguyễn Du sẽ giành được kết quả cao, xứng đáng là ngôi trường vinh dự được mang tên Danh nhân văn hóa thế giới. 

                                                                                                       .Trần Thúy Hằng, Giáo viên THPT Nguyễn Du

 

 

 

 

 

 

 

Rate this post

Viết một bình luận