NTO – Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 28-3

* Sự kiện

– Ngày 28-3-1935: tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng đã thông qua “Nghị quyết về Đội tự vệ”. Đây là một mốc son lịch sử của Dân quân tự vệ Việt Nam và ngày 28-3 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Dân quân tự vệ. Suốt 80 năm qua, trong quá trình đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, dân quân tự vệ luôn là lực lượng dự bị hùng hậu cho bộ đội chủ lực và xung kích trong lao động sản xuất, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân.

– Ngày 28-3-1947: Nhân 100 ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ và đồng bào ngoài Bắc gửi điện biểu dương tinh thần bền bỉ hy sinh chiến đấu của đồng bào Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ. Bức điện có đoạn: “Sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công”.

– Ngày 28-3-1962: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt”, với bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân, số 2926. Người chỉ rõ: “Nhân dân ta rất tốt, nếu chi bộ khéo lãnh đạo và đảng viên hăng hái xung phong làm gương mẫu thì khó khăn gì cũng vượt qua, công việc gì cũng làm tốt”. Dẫn chứng bằng thực tế của hai hợp tác xã: hợp tác xã thôn Nhân Lệ (Kiến An-Hải Phòng) và hợp tác xã Quyết Tiến ở thôn Bùi (Hà Nam), tác giả kết luận: “Nội dung hai việc trên đây rất bình thường, nhưng nó chứng tỏ một ý nghĩa rất to lớn: Chi bộ tốt thì mọi công việc đều tốt”.

– Ngày 28 và 29-3-1988: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Nông dân Việt Nam. Đại hội diễn ra tại Hà Nội, với sự tham dự của 613 đại biểu. Đại hội đã đánh dấu cột mốc quan trọng, một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử trong sự phát triển của phong trào nông dân. Nghị quyết của Đại hội khẳng định: Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp nông dân, đoàn kết chặt chẽ với các tổ chức thành viên khác trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết tâm tiến theo con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 95 ủy viên. Ông Phạm Bái được bầu làm Chủ tịch Hội. Nhân dịp này, Hội Nông dân Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng.

– Ngày 28 và 29-3-2006: Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên. Đại hội được tổ chức tại thành phố Plây ku (tỉnh Gia Lai), với sự tham dự của gần 500 đại biểu. Đây là đại hội đoàn kết đầu tiên của đồng bào dân tộc các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Quyết tâm thư của các đại biểu gửi tới Đại hội chất chứa những tình cảm, ý nguyện, suy nghĩ và tâm huyết của đồng bào Tây Nguyên đối với Đảng, với dân tộc thể hiện quyết tâm: “Giữ niềm tin son sắt và mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn”. Đại hội cũng đã tiến hành trao tặng và truy tặng 47 Huân chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân”, 73 Kỷ niệm chương cho các vị lão thành cách mạng, nhân sỹ, trí thức, già làng, người dân tộc tiêu biểu đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân.

* Nhân vật

– Ngày 28-3-1912: Ngày sinh Đồng chí Lê Văn Lương. Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh trưởng trong một gia đình nho học tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Gần 70 năm hoạt động cách mạng, với gần 15 năm bị thực dân giam cầm, bị tra tấn dã man, tàn bạo, đồng chí vẫn luôn giữ vững khí tiết người cộng sản, nhất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã để lại những tình cảm tốt đẹp đối với đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng nhân dân. Trong 10 năm đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí đã đem sức mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, góp phần làm cho Thủ đô Hà Nội đạt được nhiều thành tích. Nhiều sự kiện và công trình trọng điểm của Thủ đô mang đậm dấu ấn chỉ đạo của đồng chí. Đồng chí Lê Văn Lương mất ngày 25-4-1995.

Theo TTXVN

Rate this post

Viết một bình luận