Nấm kẽ chân: nguyên nhân triệu chứng và cách điều trị | BvNTP

1. Tổng quan về tình trạng

Nấm kẽ chân là một bệnh lý về da gặp phải ở nhiều người. Tình trạng có xu hướng gia tăng vào mùa hè. Bệnh này còn được gọi là với một cái tên khác là nước ăn chân, với những triệu chứng vô cùng khó chịu kèm theo sự lây lan nhanh chóng. 

Tình trạng nấm kẽ chân thường sẽ bắt đầu xuất hiện ở kẽ giữa của các ngón, nhất là ngón thứ ba và thứ tư. Tình trạng có thể kéo dài dai dẳng, khó chữa trị nếu không can thiệp sớm và đúng phương pháp. Như vậy, tuy không gây nguy hiểm đối với sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến những hoạt động hàng ngày.

2. Nguyên nhân gây ra nấm kẽ chân

Nguyên nhân gây ra bệnh này chủ yếu là bởi những loại nấm được sinh ra từ những vùng kẽ chân không được vệ sinh sạch sẽ. Đó chính là Epidermophyton Floccosum, Trichophyton Mentagrophytes hay Trichophyton Rubrum. 

Nấm kẽ chân sẽ duy trì sự sống cũng như phát triển nhờ vào chất Keratin có ở da. Điều này sẽ làm phá vỡ cấu trúc cũng như tiêu diệt những vi khuẩn có lợi của da. Nếu như không có biện pháp chữa trị đúng cách thì những loại nấm này sẽ tấn công và lây lan sang những vùng khác.

Ngoài ra, bệnh nấm này còn có thể gây ra bởi những nguyên nhân sau:

  • Đi giày và tất thường xuyên. Điều này sẽ tạo ra môi trường ẩm cho nấm phát triển. Bởi vì, mồ hôi ở chân sẽ bị tiết ra nhưng lại không thoát được sẽ tạo ra một môi trường ẩm thuận lợi cho nấm phát triển, nhất là vào những ngày mùa hè.

  • Mang tất khi chân vẫn còn ẩm.

  • Tiếp xúc lâu dài với nguồn nước bẩn hoặc các loại hoá chất gây kích ứng da.

  • Những người mắc phải chứng ra mồ hôi chân quá nhiều là đối tượng có nguy cơ cao bị nấm kẽ chân.

  • Dùng chung đồ với người bị nấm hoặc dẫm phải vảy da nấm của người bệnh.

3. Những triệu chứng khó chịu của bệnh nấm kẽ chân

Nấm kẽ chân tuy không phải là bệnh ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ nhưng lại gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, dưới đây:

  • Xuất hiện những đốm hình tròn có màu đỏ kèm mụn nước ở vùng da bàn chân, đặc biệt kẽ giữa của các ngón chân. 

  • Bị bong tróc da bởi các mụn nước bị vỡ, gây ra tình trạng ngứa ngáy và khó chịu ở những vùng bị nấm.

  • Lây lan sang những khu vực khác như mu và lòng bàn chân.

  • Khi bệnh nặng hơn, người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng ngứa rát, thậm chí là lở loét và mưng mủ, nhiều trường hợp còn bị nhiễm trùng.

Những triệu chứng khó chịu của bệnh nấm kẽ chân

4. Phương pháp điều trị an toàn nấm kẽ chân

Các triệu chứng nấm kẽ chân sẽ ngày càng nặng hơn và lây lan sang những vùng khác nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách. Tùy theo tình trạng của bệnh lý để bác sĩ có cách điều trị phù hợp. 

Thường thì đối với bệnh nấm này, phương pháp chủ yếu là sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da. Nếu tình trạng nặng hơn, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc uống. Ngoài ra, để giảm bớt triệu chứng ngứa và tránh tình trạng viêm thì bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng các loại thuốc kháng sinh và sát khuẩn.

Dưới đây là một số loại thuốc chuyên trị nấm kẽ chân:

4.1. Sử dụng thuốc bôi tại chỗ.

Một số loại phổ biến như: Ketoconazole, Clotrimazole hoặc Miconazole. Khi sử dụng các loại thuốc bôi trị nấm này, cần phải lưu ý một vài điều sau:

  • Trước khi bôi thuốc, chỉ làm sạch những bụi bẩn hoặc dịch chảy ra ở kẽ chân bằng bông hoặc băng gạc sạch.

  • Không được cạo vùng da bị nấm bằng các vật dụng cứng vì có thể gây tổn thương da nặng hơn.

  • Bôi lớp thuốc mỏng, vừa đủ.

  • Phải bôi thuốc liên tục cho đến khi hết hẳn. Tránh trường hợp, bôi nữa chừng rồi dừng vì sẽ khiến tình trạng nấm nặng hơn.

  • Tránh lây nhiễm cho những người khác bằng cách mang dép và khăn riêng.

4.2. Dùng thuốc uống trị nấm kẽ chân.

Đối với những trường hợp nấm kẽ chân nặng, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc uống như: Ketoconazole, Itraconazole hoặc Griseofulvin,… Mỗi loại sẽ có những lưu ý sau:

  • Chống chỉ định dùng chung với các loại thuốc có tác dụng chống ung thư, kháng virus, hoặc các loại như: Midazolam, Quinidine, Terfenadine,…

  • Không sử dụng cho những người bị bệnh gan, mật, phụ nữ đang mang thai và cho con bú,…

  • Cần phải ngưng sử dụng thuốc và đến ngay bệnh viện khi xuất hiện các tác dụng phụ như: chán ăn, mệt mỏi, đau đầu, vàng da, buồn nôn, tiêu chảy,…

5. Cách phòng tránh nấm kẽ chân

Để phòng ngừa hoặc làm giảm nguy cơ tái phát bệnh nấm kẽ chân, các bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Luôn giữ chân sạch sẽ và khô ráo để không cho các loại vi khuẩn và nấm có cơ hội phát triển, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với nguồn nước bẩn, đi tất hoặc giày cả ngày.

  • Nên chọn những loại tất có chất liệu thấm hút tốt. Ngoài ra, các bạn nên giặt tất với nước nóng để có thể tiêu diệt được vi khuẩn và nấm gây hại.

  • Hạn chế việc đi giày và tất cả ngày.

  • Tránh việc dùng chung khăn, giày, tất,… với người khác, đặc biệt là những người đang bị nấm.

  • Khi xuất hiện tình trạng ngứa ở kẽ giữa ngón chân, không nên gãi mạnh vì có thể làm trầy xước, gây viêm nhiễm và khiến bệnh nặng hơn.

Xem tiếp: Bệnh nấm móng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

Rate this post

Viết một bình luận