Natri clorua (Muối): Bổ sung nước và chất điện giải

Natri clorua (Sodium Chloride): Muối ăn tinh khiết

Tên thường gọi: Sodium Chloride

Tên gọi khác:

cloruro sódico
Muối

Natri clorit
Muối biển tinh chế

Natri clorid
Sodium lourid

Sodium Chloride Là Gì?

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Sodium chloride (natri clorid).

Loại thuốc

Cung cấp chất điện giải.

Dạng thuốc và hàm lượng

Thuốc tiêm: 0,2% (3 ml); 0,45% (5 ml, 500 ml, 1000 ml); 0,9% (10 ml, 50 ml, 100 ml, 500 ml); 3% (500 ml, 1000 ml); 20% (250 ml).

Dung dịch: Để tưới 0,9% (100 ml, 2000 ml); dùng cho mũi: 0,4% (15 ml, 50 ml) và 0,6% (15 ml, 30 ml).

Viên nén: 650 mg, 1 g; viên bao tan trong ruột: 1 g; viên tan chậm: 600 mg.

Chế phẩm phối hợp dùng để bù nước và điện giải.

Chỉ Định Của Sodium Chloride

Bổ sung sodium chloride và nước trong trường hợp mất nước: Tiêu chảy, sốt cao, sau phẫu thuật, mất máu.

Phòng và điều trị thiếu hụt natri và clorid do bài niệu quá mức hoặc hạn chế muối quá mức; phòng co cơ (chuột rút) và mệt lả do ra mồ hôi quá nhiều vì nhiệt độ cao.

Dung dịch tiêm sodium chloride nhược trương (0,45%) được dùng chủ yếu làm dung dịch bồi phụ nước, và có thể sử dụng để đánh giá chức năng thận, để điều trị đái tháo đường tăng áp lực thẩm thấu.

Dung dịch sodium chloride đẳng trương (0,9%) được dùng rộng rãi để thay thế dịch ngoại bào và trong xử lý nhiễm kiềm chuyển hóa có mất dịch và giảm natri nhẹ; và là dịch dùng trong thẩm tách máu, dùng khi bắt đầu và kết thúc truyền máu.

Dung dịch natri ưu trương (3%, 5%) dùng cho trường hợp thiếu hụt sodium chloride nghiêm trọng cần phục hồi điện giải nhanh; (thiếu hụt sodium chloride nghiêm trọng có thể xảy ra khi có suy tim hoặc giảm chức năng thận, hoặc trong khi phẫu thuật hoặc sau phẫu thuật).

Còn được dùng khi giảm natri và clor huyết do dùng dịch không có natri trong nước và điện giải trị liệu, và khi xử lý trường hợp dịch ngoại bào pha loãng quá mức sau khi dùng quá nhiều nước (thụt hoặc truyền dịch tưới rửa nhiều lần vào trong các xoang tĩnh mạch mở khi cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo).

Dung dịch tiêm sodium chloride 20% được truyền nhỏ giọt qua thành bụng vào trong buồng ối để gây sảy thai muộn trong 3 tháng giữa của thai kỳ (thai ngoài 16 tuần).

Sau khi truyền nhỏ giọt qua thành bụng vào trong buồng ối dung dịch này với liều được khuyên dùng, sảy thai thường xảy ra trong vòng 72 giờ ở khoảng 97% người bệnh. Thuốc tiêm sodium chloride 0,9% cũng được dùng làm dung môi pha tiêm truyền một số thuốc tương hợp.

Chống Chỉ Định Của Sodium Chloride

Người bệnh trong tình trạng dùng natri và clorid sẽ có hại: Người bệnh bị tăng natri huyết, bị ứ dịch. Dung dịch sodium chloride 20%: Chống chỉ định khi đau đẻ, tử cung tăng trương lực, rối loạn đông máu.

Dung dịch ưu trương (3%, 5%): Chống chỉ định khi nồng độ điện giải huyết thanh tăng, bình thường hoặc chỉ giảm nhẹ.

Liều Lượng & Cách Dùng Của Sodium Chloride

Liều dùng Natri clorua

Người lớn

Nhu cầu natri và clorid ở người lớn thường có thể được bù đủ bằng tiêm truyền tĩnh mạch 1 lít dung dịch tiêm sodium chloride 0,9% hàng ngày hoặc 1 – 2 lít dung dịch tiêm sodium chloride 0,45%.

Liều thông thường ban đầu tiêm tĩnh mạch dung dịch sodium chloride 3% hoặc 5% là 100 ml tiêm trong 1 giờ, trước khi tiêm thêm, cần phải định lượng nồng độ điện giải trong huyết thanh bao gồm cả clorid và bicarbonat. Tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch 3% hoặc 5% sodium chloride không được vượt quá 100 ml/giờ.

Liều uống thay thế thông thường sodium chloride là 1 – 2 g, 3 lần mỗi ngày.

Trẻ em

Liều dùng tùy thuộc tuổi, cân nặng tình trạng mất nước, cân bằng acid-base và điện giải của trẻ.

Cách dùng

Sodium chloride có thể uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Khi có chỉ định dùng dung dịch sodium chloride 3% hoặc 5%, các dung dịch này phải được tiêm vào một tĩnh mạch lớn, không được để thuốc thoát mạch. Sodium chloride còn được dùng bằng đường khí dung qua miệng.

Liều dùng sodium chloride tùy thuộc vào tuổi, cân nặng, tình trạng mất nước, cân bằng acid-base và điện giải của người bệnh.


Tác dụng phụ của Sodium Chloride

Thường gặp:

  • Hầu hết các phản ứng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm do dung dịch nhiễm khuẩn hoặc do kỹ thuật tiêm. Khi dùng các chế phẩm không tinh khiết có thể gây sốt, nhiễm khuẩn ở chỗ tiêm và thoát mạch.
  • Phản ứng tại chỗ tiêm truyền, chẳng hạn như ban đỏ tại chỗ tiêm, cảm giác nóng và nổi mày đay tại chỗ tiêm.

Lưu Ý Khi Sử Dụng Sodium Chloride

Lưu ý chung

Hết sức thận trọng với người bệnh suy tim sung huyết hoặc các tình trạng giữ natri hoặc phù khác. Người bệnh suy thận nặng, xơ gan, đang dùng các thuốc corticosteroid hoặc corticotropin.

Đặc biệt thận trọng với người bệnh cao tuổi và sau phẫu thuật. Không được dùng các dung dịch sodium chloride có chất bảo quản alcol benzylic để pha thuốc cho trẻ sơ sinh vì đã có nhiều trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh dưới 2,5 kg thể trọng khi dùng các dung dịch sodium chloride có chứa 0,9% alcol benzylic để pha thuốc.

Truyền nhỏ giọt dung dịch sodium chloride 20% vào buồng ối chỉ được tiến hành do các thầy thuốc được đào tạo về chọc màng ối qua bụng, làm tại bệnh viện có đủ phương tiện ngoại khoa và chăm sóc tăng cường.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Thuốc an toàn cho người mang thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Thuốc không ảnh hưởng tới việc cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không có dữ liệu.

Quá Liều & Quên Liều Sodium Chloride

Quên liều Natri clorua và xử trí

Sodium chloride chỉ được sử dụng khi cần thiết nên người bệnh không có khả năng quên liều.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Sự chuyển dịch nước do thẩm thấu làm giảm thể tích nội bào, dẫn đến mất nước các cơ quan nội tạng, đặc biệt là não, có thể dẫn đến huyết khối và xuất huyết.

Các tác dụng phụ chung của việc dư thừa natri clorua trong cơ thể bao gồm: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng, khát nước, giảm tiết nước bọt và da, đổ mồ hôi, sốt, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, suy thận, phù ngoại vi và phổi, ngừng hô hấp, nhức đầu, chóng mặt, bồn chồn, khó chịu, suy nhược, co giật và cứng cơ, co giật, hôn mê và tử vong.

Cách xử lý khi quá liều

Ngưng sử dụng sodium chloride.

Trong trường hợp mới dùng sodium chloride, gây nôn hoặc rửa dạ dày kèm theo điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Khi có tăng natri huyết, nồng độ natri phải được điều chỉnh từ từ với tốc độ không vượt quá 10 – 12 mmol/lít hàng ngày: Tiêm truyền tĩnh mạch các dung dịch sodium chloride nhược trương và đẳng trương (nhược trương đối với người bệnh ưu trương); khi thận bị thương tổn nặng, nếu cần thiết, có thể thẩm phân.

Dược Lực Học (Cơ chế tác động)

Khi tiêm tĩnh mạch, dung dịch sodium chloride là nguồn cung cấp bổ sung nước và chất điện giải. Dung dịch sodium chloride 0,9% (đẳng trương) có áp suất thẩm thấu xấp xỉ với dịch trong cơ thể.

Natri là cation chính của dịch ngoại bào và có chức năng chủ yếu trong điều hoà sự phân bố nước, cân bằng nước, điện giải và áp suất thẩm thấu của dịch cơ thể. Natri kết hợp với clorid và bicarbonat trong điều hoà cân bằng acid-base, được thể hiện bằng sự thay đổi nồng độ clorid trong huyết thanh.

Clorid là anion chính của dịch ngoại bào.

Dung dịch tiêm sodium chloride có khả năng gây bài niệu phụ thuộc vào thể tích tiêm truyền và điều kiện lâm sàng của người bệnh. Dung dịch 0,9% sodium chloride không gây tan hồng cầu.

Dược Động Học

Hấp thu

Sodium chloride được hấp thu qua đường tiêu hóa và có thể được hấp thu rất nhanh bằng đường tiêm truyền tĩnh mạch.

Phân bố

Thuốc được phân bố rộng rãi trong cơ thể.

Thải trừ

Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, nhưng cũng được thải trừ qua mồ hôi, nước mắt và nước bọt.

Tương Tác Thuốc

Tương tác với các thuốc khác:

  • Thừa natri làm tăng bài tiết lithi; thiếu natri có thể thúc đẩy lithi bị giữ lại và tăng nguy cơ gây độc; người bệnh dùng lithi không được ăn nhạt.
  • Nước muối ưu trương dùng đồng thời với oxytocin có thể gây tăng trương lực tử cung, có thể gây vỡ tử cung hoặc rách cổ tử cung. Cần theo dõi khi dùng đồng thời.

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh
hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có
thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê
toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem.

Hiển thị

10 kết quả

20 kết quả

30 kết quả

Thuốc
Tương tác

Tolvaptan
Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ có thể được tăng lên khi Sodium Chloride được kết hợp với tolvaptan.

Lithium cation
Sodium Chloride có thể làm tăng tốc độ bài tiết của Lithium cation có thể dẫn đến một mức độ huyết thanh thấp hơn và có khả năng giảm hiệu quả.

Lithium citrate
Sodium Chloride có thể làm tăng tốc độ bài tiết của Lithium citrate có thể dẫn đến một mức độ huyết thanh thấp hơn và có khả năng giảm hiệu quả.

Lithium succinate
Sodium Chloride có thể làm tăng tốc độ bài tiết của succinate Lithium có thể dẫn đến một mức độ huyết thanh thấp hơn và có khả năng giảm hiệu quả.

Lithium carbonate
Sodium Chloride có thể làm tăng tốc độ bài tiết của Lithium carbonate có thể dẫn đến một mức độ huyết thanh thấp hơn và có khả năng giảm hiệu quả.

Kết quả
0
– 5
trong 5 kết quả

Nguồn Tham Khảo

  1. Dược thư Quốc gia Việt Nam 2015

  2. EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/9740/smpc

Drugs.com: https://www.drugs.com/pro/sodium-chloride-mini-bag.html

Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của
bác sĩ chuyên môn.

Rate this post

Viết một bình luận