Nẻ môi, nguyên nhân và cách điều trị

Cấu tạo của môi

Cũng giống như làn da, môi được tạo thành từ ba lớp tế bào:

Lớp ngoài cùng là các tế bào chết (được gọi là lớp sừng), lớp biểu bì và phía dưới là lớp hạ bì.

Sự khác biệt chính là các lớp (đặc biệt là lớp sừng, tạo thành một hàng rào bảo vệ các lớp khác) mỏng hơn nhiều ở môi và do đó nó dễ tổn thương hơn.

Ngoài ra, đôi môi không có nang tóc hoặc tuyến dầu của riêng mình, thay vào đó, môi được cấp ẩm nhờ vào các tuyến dầu ở quanh môi.

Nguyên nhân gây nẻ môi

Do thời tiết khô lạnh

Thời tiết hanh khô và lạnh lẽo khiến đôi môi bị khô hoặc nứt nẻ. Da môi có rất ít sắc tố melamin nên môi ít được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời. Môi lại không được những lớp mô dày che phủ, không có tuyến nhờn, nên dễ bị khô.

Ngoài lòng bàn tay và gan bàn chân, môi là nơi duy nhất trên cơ thể không có lông mọc. Do vậy, môi rất dễ bị tổn thương.

Nẻ môiMôi khô nứt gây khó chịu và làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ.

Cơ thể thiếu nước:

Môi khô, nứt nẻ do thiếu nước. Nước có vai trò quan trọng trong việc đào thải độc tố đồng thời giữ ẩm cho da, tóc và môi. Do đó, nếu thiếu nước thì rất dễ dẫn đến tình trạng môi khô, nứt nẻ thường xuyên.

Do tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc trị bệnh cường tuyến giáp, tăng huyết áp, trị mụn isotretinoin… có tác dụng phụ làm khô môi, miệng. Ngoài ra, thừa vitamin A cũng có khiến môi khô nứt nẻ.

Dị ứng hóa chất:

Các thành phần hóa chất trong son môi, kem đánh răng, nước súc miệng có chứa flo, sodium lauryl sulphate hoặc nước bể bơi có chứa clo không tốt cho những người có cơ địa nhạy cảm, đặc biệt là có thể làm môi khô, nứt nẻ.

Thiếu vitamin C, B2:

Thiếu vitamin C gây viêm nướu lợi, chảy máu chân răng, khô môi, xuất hiện vết bầm tím quanh nang tóc và các khớp bị sưng, đau đớn. Thiếu vitamin B2 hay còn được gọi là riboflavin cũng là nguyên nhân khiến khô môi, nứt nẻ.

Liếm môi, bóc vẩy môi:

Khi cảm thấy đôi môi khô và nứt nẻ, phản xạ là bạn muốn liếm môi. Nhưng ngay sau khi liếm môi, lại cảm thấy khô môi hơn, vì vậy bạn lại liếm môi và cứ thế chu trình này khiến môi bị mất nước, vì nước bọt bay hơi, làm giảm độ ẩm của môi, gây khô môi.

Ngoài liếm môi, nhiều người thường dùng tay bóc các lớp môi khô. Tay thường là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, bụi bẩn, khi dùng tay bóc các lớp biểu bì ở ngoài sẽ gây tổn thương môi, làm mất đi lớp da bảo vệ môi, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn xâm nhập. 

Không dừng lại ở đó, lớp biểu bì non vừa lột môi xong rất mong manh, do tác động khắc nghiệt có thể dẫn đến thâm môi, khô môi, làm bào mòn lớp biểu bì.

Do thở bằng miệng:

Do thói quen ngủ thở bằng miệng hoặc do bệnh lý làm nghẹt mũi buộc phải thở bằng miệng. Thở miệng làm cho không khí liên tục đi qua đôi môi của bạn và làm môi khô nhanh chóng. 

Những người ngáy hoặc mắc chứng ngưng thở khi ngủ thường thở miệng và thường xuyên thức dậy với đôi môi khô và nứt nẻ.

Do một số bệnh lý:

Bệnh tự miễn dịch có thể khiến đôi môi của bạn nhạy cảm với ánh nắng mặt trời và trở nên nứt nẻ. Bệnh tuyến giáp và vẩy nến, lupus ban đỏ, liken môi cũng có thể gây khô môi. Bệnh chốc mép, hay bệnh đái tháo đường có thể dẫn tới làn da xung quanh miệng bị khô.

Nẻ môiDầu dừa trị nẻ môi rất hiệu quả.

Cách xử trí khi nẻ môi

Bôi các loại kem, son làm mềm da, ẩm da:

Các loại em chứa vitamin E, vitamin A, uống đủ nước đặc biệt những người làm việc trong môi trường khô nóng, dùng điều hòa nhiệt độ hàng ngày.

Có thể bôi kem corticoid nhẹ như hydrocortison trong 1-2 tuần, sau đó bôi tacrolimus trong 1 tháng. Có thể tăng cường một đợt vitamin nhóm B, C… theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Bạn cũng có thể dùng các biện pháp đơn giản sau đây giúp trị khô nứt môi:

Vitamin E dạng viên nang, dùng kim chọc một lỗ nhỏ, nặn ra rồi thoa lên môi trước khi đi ngủ (để qua đêm). Vitamin E có tác dụng chống lão hóa, giúp làm mềm và tăng độ đàn hồi cho môi.

Dầu dừa chứa rất nhiều axit có lợi, đặc biệt còn rất giàu vitamin E và các chất chống oxy hóa.

Nó có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống các virus có hại, đồng thời còn dưỡng ẩm rất hiệu quả cho đôi môi. Bởi vậy, dầu dừa cũng được rất nhiều người sử dụng để trị môi khô nẻ, dưỡng môi…

Cách sử dụng dầu dừa để trị nẻ môi cũng rất đơn giản. Các bạn chỉ cần thoa trực tiếp lên môi trước khi đi ngủ, nó sẽ mang lại hiệu quả một cách nhanh chóng, giúp cải thiện tình trạng khô nẻ môi ngay trong sáng hôm sau. Cũng có thể thoa dầu dừa 2 – 3 lần mỗi ngày để có được đôi môi hồng căng mọng.

Mật ong:

Chỉ cần lấy 1 chút mật ong thoa môi trước khi đi ngủ 30 phút sau đó rửa lại với nước ấm hoặc đặt lên trên màng nilon để qua đêm càng tốt.

Nha đam:

Nổi tiếng dưỡng ẩm tốt, gel nha đam cũng là 1 trong những bí quyết trị khô môi hiệu quả và đơn giản. Không chỉ tăng cường độ ẩm, giúp làm lành các vết nứt gây đau trên môi một cách nhanh chóng mà chúng còn góp phần xóa tan sắc tố thâm sạm để môi hồng hào, căng mọng.

Cánh hoa hồng:

Rửa sạch những cánh hoa rồi ngâm trong sữa trong 2 giờ, nghiền nhuyễn rồi thoa lên môi khô từ 2 – 3 lần/ngày và mỗi tối trước khi đi ngủ.

Thiếu hụt vitamin A, B2, C sẽ khiến môi bị bong, nứt nẻ, chính vì thế bạn nên cung cấp cho cơ thể những loại vitamin trên bằng cách ăn thật nhiều trái cây, rau xanh.

PGS.TS Nguyễn Duy Hương – Tổng thư ký Hội Da Liễu Việt Nam

Phòng ngừa môi nứt nẻ

Không liếm môi hoặc bóc những mảng da bong tróc.

Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Mỗi ngày nên cung cấp cho cơ thể 2 – 2,5 lít nước, mùa lạnh khiến chúng ta dễ ngại uống nước nhưng để cơ thể có đủ nước cho mọi quá trình hoạt động và giúp đôi môi được mềm mịn bạn đừng ngại uống nước.

Cung cấp những thức ăn giàu vitamin A, B2, C: Thiếu hụt vitamin A, B2, C sẽ khiến môi bị bong, nứt nẻ, chính vì thế bạn nên cung cấp cho cơ thể những loại vitamin trên bằng cách ăn thật nhiều trái cây, rau xanh, các loại củ quả có màu đỏ, các loại đậu xanh, đậu đen, các loại hạt và các sản phẩm sữa vào thực đơn hàng ngày để giúp đôi môi luôn căng mọng và luôn khỏe mạnh.

Nẻ môiNha đam cũng có tác dụng trị khô môi.

Khi đi ra ngoài vào thời tiết khô hanh và gió mùa thì bạn hãy đeo khẩu trang để tránh tác động xấu đến môi.

Không nên dùng son, mỹ phẩm khi môi bị nứt, có thể dùng son dưỡng hoặc vaselin bôi ngày nhiều lần.

Ưu tiên loại son có chứa vitamin E và thành phần chống nắng, thường có độ SPF 15. Hạn chế sử dụng loại son lỳ, son giữ màu lâu vì các loại son này thường có chứa một lượng nhỏ alcohol.

Chúng có thể hút hết lớp dầu trên môi để giúp màu son bám lâu hơn và đây chính là nguyên nhân khiến môi khô nẻ.

Khi đánh son, bạn không nên thoa son trực tiếp lên môi thay vào đó, bạn nên thoa một lớp dưỡng môi trước khi tô son khoảng 5-10 phút để lớp dưỡng có thời gian ngấm vào da và bảo vệ.

Thở bằng mũi: Thở bằng miệng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây khô môi trong khi thở bằng mũi lại là cách chữa khô môi rất hiệu quả và không hút thuốc lá.

Rate this post

Viết một bình luận