Theo Đông y, chân là gốc của cơ thể, tuy nhỏ bé nhưng bàn chân có đến 60 huyệt đạo quan trọng.
Ngâm chân không chỉ thúc đẩy lưu thông máu trong cơ thể, điều chỉnh hệ thống nội tiết, mà còn tăng cường miễn dịch. Để bảo vệ đôi chân, các nhà Đông y thường khuyên mỗi ngày dành 15- 20 phút ngâm chân bằng nước ấm trước khi đi ngủ sẽ là một phương pháp cực kỳ hiệu quả, có lợi cho sức khỏe và nâng cao tuổi thọ. Đây là phương pháp thư giãn vừa thoải mái, vừa tốt cho sức khỏe và đặc biệt, giúp giấc ngủ được ngon hơn.
Ngâm chân mỗi tối trước khi đi ngủ là liệu pháp chữa chứng mất ngủ vô cùng hữu hiệu và an toàn. Khi trở về nhà sau một ngày bận rộn, ngâm đôi chân vào chậu nước nóng không chỉ giúp cơn mệt mỏi tan đi mà còn làm cho hệ thống trung khu thần kinh được kích thích nhẹ nhàng, ức chế vỏ đại não, giúp bạn có giấc ngủ sâu, phục hồi sức khỏe.
Nếu có một loạt triệu chứng khó chịu như ngủ không ngon, tinh thần uể oải, chán ăn, tâm lý bất an, có thể ngâm chân trong nước nóng khoảng 30 phút, sau đó chà xát lòng bàn chân 10 – 20 phút cho đến khi cảm thấy nóng, sẽ cảm thấy tinh thần sảng khoái, toàn thân được thư giãn.
Ngoài ra, cho thêm vài viên đá cuội trong chậu nước nóng có thể nâng cao hiệu quả ngâm chân, thúc đẩy đả thông kinh mạch, mang lại hiệu quả ổn định tinh thần, tốt cho tim thận và cải thiện giấc ngủ.
Có rất nhiều bài thuốc ngâm chân giúp ngủ ngon như:
– Ngâm chân với nước nóng và dấm
– Ngâm chân với nước nóng và muối
– Ngâm chân với nước nóng và gừng tươi
– Ngâm chân với nước nóng và sả
– Ngâm chân với nước nóng với các loại như: lá lốt, vỏ bưởi….
Ngoài ra, ngâm chân trong nước nóng ở nhiệt độ khoảng 40 độ C, sau 15 đến 20 phút, cơn đau đầu sẽ giảm đi đáng kể. Ngâm chân bằng nước nóng giúp bàn chân và mạch máu được giãn nở bởi nhiệt, máu sẽ lưu thông từ đầu xuống dưới bàn chân, nên có tác dụng giảm áp lực mạch máu ở đầu.
Do dưới gan bàn chân có liên kết với các bộ phận của cơ thể, kể cả đầu nên mát xa gan bàn chân có thể kích thích kinh lạc, giảm đau đầu. Đặc biệt là huyệt Thông tuyền dưới gan bàn chân, thẳng tới não, mát xa huyệt này có thể dẫn máu xuống, giảm đau đầu.
Ngâm chân bằng bằng thảo dược còn giúp phòng và trị bệnh. Theo Đông y, cảm lạnh chủ yếu là do thời tiết bên ngoài, chức năng phổi bị rối loạn gây ra. Loại nước thuốc dùng để ngâm chân được bào chế từ nhiều loại thảo mộc như ngải cứu, lá lốt, thiên niên kiện, quế khấu… Khi trải qua quá trình đun nấu, các hoạt chất có trong dược liệu sẽ hòa tan trong nước hoặc tỏa ra hơi, tác động trực tiếp lên da và niêm mạc, hoặc ngấm vào trong niêm mạc phát huy tác dụng tốt cho cơ thể như cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường khả năng miễn dịch, tiêu viêm, kháng khuẩn, rút ngắn thời gian điều trị bệnh, giảm biến chứng và phòng ngừa bệnh cảm lạnh tái phát.
Khi ngâm chân, chúng ta cần chú ý:
– Trong vòng 30 phút sau bữa ăn không nên ngâm chân. Vì sau khi ăn cơ thể chuyển phần lớn máu về đường tiêu hóa, nếu ngâm chân bằng nước nóng ngay sau khi ăn, số máu vận chuyển đến đường tiêu hóa sẽ chuyển xuống chân, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa, hấp thụ và gây thiếu dinh dưỡng.
– Nhiệt độ nước ngâm chân từ 38 đến 43 độ C, không nên vượt quá 45 độ C. Nhiệt độ nước ngâm chân quá cao không những gây tổn thương chân mà còn khiến các mạch máu của bàn chân nở rộng, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu, gây bất lợi cho cơ thể.
– Không nên ngâm chân quá lâu. Tốt nhất chỉ nên ngâm chân trong khoảng thời gian từ 15 – 20 phút. Nếu ngâm chân trong thời gian quá lâu, máu sẽ lưu thông xuống các chi dưới, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu của tim và não. Mùa đông nếu ngâm chân quá lâu có thể dẫn đến khô da, da bị mẩn ngứa.
– Trẻ em không được ngâm nước quá nóng và quá lâu. Phụ nữ đang kỳ kinh nguyệt cũng không nên ngâm chân.
– Trong khi ngâm chân, tư tưởng nên thoải mái, tránh căng thẳng hoặc suy nghĩ âu lo.
– Thời gian ngâm chân tốt nhất trong khoảng 5 – 7 giờ tối, bởi vì đây là lúc thận hoạt động mạnh nhất. Sau khi ngâm chân không nên đi ngủ luôn, nên lau khô chân và cân bằng nhiệt độ cơ thể, sau đó mới lên giường đi ngủ.
– Khi ngâm chân, nên ngâm ngập cổ chân, trên mắt cá khoảng 2cm. Đây là nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ khi ngâm chân vì ở cổ chân có 3 đường kinh dương (túc thiếu dương đởm, túc dương minh vị, túc thái dương bàng quang); 3 đường kinh âm (túc thái âm tỳ, túc thiếu âm thận, túc quyết âm can); đồng thời, cũng là nơi có nhiều huyệt nguyên, huyệt tỉnh nên phải để nước ngập cổ chân cho thuốc tác động lên các huyệt đạo, các đường kinh, can, tỳ, thận, bàng quang, kinh đởm, kinh vị làm cho khí huyết trong kinh mạch này lưu thông để từ đó tác động lên toàn bộ cơ thể.