Tiếng Hàn không còn quá xa lạ với các bạn trẻ Việt Nam, khi làn sóng âm nhạc, điện ảnh Hàn Quốc vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Có rất nhiều học sinh định hướng theo học ngành Ngôn ngữ Hàn tại Việt Nam đang tìm hiểu thông tin cụ thể, đầy đủ để tham khảo, xem xét nguyện vọng. Vậy ngành Ngôn ngữ Hàn là gì? Tất cả thông tin sinh viên cần biết? bài viết này sẽ trình bày tất cả những thông tin ấy để các bạn có cái nhìn tổng quan và chính xác hơn về ngành, nghề.
Ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Việt Nam
Ngành Ngôn ngữ Hàn đã được đào tạo tại Việt Nam hơn một thập kỷ qua tại tất cả các môi trường đào tạo từ chính quy đến thường xuyên, ngắn hạn và cả môi trường tư nhân. Cho đến năm 2019, ngôn ngữ này đã được đưa vào nhóm môn ngoại tự chọn dành cho học sinh từ lớp 3 – lớp 12 tại một số trường. Có thể thấy, tiếng Hàn đã và vẫn đang được cộng đồng người trẻ Việt quan tâm và yêu mến. Vậy thực chất, ngành ngôn ngữ Hàn là gì?
Ngành Ngôn ngữ Hàn là gì?
Ngành Ngôn ngữ Hàn, tên chính thức đầy đủ là ngành ngôn ngữ Hàn Quốc hay ngành tiếng Hàn Quốc. Đây là một ngành học chuyên sâu về ngôn ngữ và các nghiệp vụ ứng dụng liên quan đến tiếng Hàn Quốc. Với ngành Ngôn ngữ Hàn, sinh viên sẽ được đào tạo cả về phần kiến thức kỹ năng tiếng và nghề nghiệp theo chuyên ngành cụ thể. Mục đích đào tạo của ngành học này là cung cấp nguồn nhân lực cho hệ sinh thái việc làm liên kết giữa Việt Nam – Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung.
Ngành Ngôn ngữ Hàn học gì? Các chuyên ngành tiếng Hàn
Trong ngành Ngôn ngữ Hàn, người học sẽ được đào tạo chuyên sâu về tất cả những kiến thức và các kỹ năng liên quan đến tiếng Hàn nói chung. Cụ thể sẽ có 2 phần đào tạo sau:
Đào tạo ngôn ngữ Hàn chuẩn quốc tế
Đây là phần đào tạo dành riêng cho kiến thức và kỹ năng về tiếng. Ở phần này, sinh viên sẽ được dạy tiếng Hàn và hướng dẫn các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ như người bản địa. Mọi tiêu chuẩn đánh giá được quy chiếu theo chuẩn quốc tế nói chung.
Trước đây, khi tiếng Hàn mới du nhập vào Việt Nam, các tiêu chuẩn đào tạo còn nhiều bất cập. Thế nhưng hiện nay, bằng TOPIK đã phổ biến rộng rãi và trở thành chứng chỉ không thể thiếu cho mọi chương trình đào tạo.
Đào tạo chuyên ngành liên quan đến tiếng Hàn
Đây là phần đào tạo dành cho các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Chúng thường đường phân chia thành chuyên ngành riêng biệt và được giảng dạy tiếp nối sau khi sinh viễn đã có vốn ngôn ngữ nền tảng.
Để học chuyên ngành, người học cần tham gia hệ đào tạo chính quy và tiếp nhận chương trình học bài bản. Hiện nay, ngành tiếng Hàn thường được chia thành những chuyên ngành cụ thể sau:
– Biên – phiên dịch tiếng Hàn
– Tiếng Hàn kinh tế – thương mại – marketing
– Tiếng Hàn sư phạm
– Tiếng Hàn chuyên ngành luật
– Tiếng Hàn du lịch – lữ hành
– Tiếng Hàn quản trị khách sạn
– Ngôn ngữ Hàn – Anh
– Và một số ngành đặc thù theo từng trường
Phân biệt ngành tiếng Hàn và các ngành Ngôn ngữ Hàn khác tại Việt Nam
Hiện nay ở Việt Nam không chỉ có đào tạo ngành ngôn ngữ Hàn mà còn có những ngành khác về Hàn Quốc như Hàn Quốc học hay Đông Phương học ngành tiếng Hàn. Trên thực tế những ngành này đào tạo khác nhau nhưng vì tên gọi nên gây ra những sự nhầm lẫn nhất định. Vậy làm sao để phân biệt chúng?
Ngành Ngôn ngữ Hàn, như đã trình bày ở những thông tin trên, là ngành học lấy tiếng Hàn làm nền tảng để từ đó đào tạo chuyên ngành nhắm xây dựng kiến thức và kỹ năng làm việc trong thị trường lao động. Ở ngành học này, tiếng Hàn được dạy kỹ lưỡng nhưng chú trọng vào kỹ năng sử dụng thực tế.
Trong khi đó, các ngành như Hàn Quốc học lại đi sâu vào nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, đất nước, con người, lịch sử, kinh tế, chính trị Hàn Quốc. Với ngành học này, ngôn ngữ Hàn được cũng dạy theo định hướng hàn lâm hơn nhưng không chuyên sâu bằng ngành ngôn ngữ. Tính ứng dụng thực tế của ngành Hàn Quốc học vẫn có nhưng rất ít khi được đào tạo kèm chuyên ngành làm việc cụ thể như ngành ngôn ngữ tiếng Hàn.
Ngành Ngôn ngữ Hàn được đào tạo chính quy ở đâu?
Với mô hình đào tạo tiếng Hàn hiện nay ở Việt Nam, ngành Ngôn ngữ Hàn chính quy hiện đang được đào tạo chính từ hệ cao đẳng trở lên. Cụ thể chúng ta sẽ có các hệ đào tạo như:
– Cao đẳng tiếng Hàn
– Đại học ngành Ngôn ngữ Hàn
– Cao học Ngôn ngữ Hàn Quốc
Các chương trình đào tạo này tại Việt Nam đều được xây dựng chương trình chuẩn quốc tế từ hệ thống đào tạo đến chuẩn đầu ra. Mục tiêu là trang bị cho sinh viên những điều kiện tốt nhất để tham gia thị trường lao động quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tuyển sinh ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Việt Nam
Đã từ rất lâu, ngành Ngôn ngữ Hàn vẫn đang được tuyển sinh ở 2 hệ chính là cao đẳng và đại học. Các bậc thấp hơn thì thường là môn tự chọn còn bậc cao hơn thì xét duyệt đào tạo.
Mã ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc
Trong các kỳ tuyển sinh hàng năm, ngành ngôn ngữ Hàn được tuyển sinh với 2 mã ngành chính dành cho 2 hệ đào tạo cao đẳng và đại học. Theo đó, hệ cao đẳng có mã ngành là 6220211 (năm 2021), hệ đại học có mã ngành là 7220210.
Đào tạo tiếng Hàn xét tuyển những khối/tổ hợp môn nào?
Thuộc khối ngành ngoại ngữ, tiếng Hàn hiện đang xét tuyển chủ yếu ở 4 khối là:
– Khối D: Tổ hợp Toán – Văn – Anh
– Khối A1: Tổ hợp Toán – Lý – Anh
– Khối A: Tổ hợp Toán – Lý – Hóa
– Khối C: Tổ hợp Văn – Sử – Địa
Ngoài ra, các trường tùy theo nhu cầu tuyển sinh cũng sẽ bổ sung thêm các khối/tổ hợp xét tuyển khác. Chủ yếu sẽ là các tổ hợp khối hệ D (có 1 môn xét tuyển là ngoại ngữ)
Các phương thức tuyển sinh đào tạo tiếng Hàn
Tuyển sinh ngành tiếng Hàn hiện nay đang được triển khai theo 2 hình thức chính là xét tổ hợp môn và xét học bạ.
Với phương thức xét tổ hợp môn, người học sẽ lấy kết quả điểm trong kỳ thi THPTQG để đăng ký xét tuyển. Đăng ký tổ hợp môn nào sẽ lấy điểm của tổ hợp môn ấy để làm hồ sơ.
Với phương thức xét học bạ, chủ yếu áp dụng cho các trường cao đẳng, theo đó, sinh viên sẽ lấy điểm tổng kết môn năm lớp 12 để xét tuyển thay vì điểm thi THPTQG. Điểm xét tuyển cũng sẽ lấy theo tổ hợp môn theo thông báo tuyển sinh của nhà trường.
Chương trình học ngành Ngôn ngữ tiếng Hàn Quốc
Đào tạo tiếng Hàn trọn vẹn cả về kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, chương trình học ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Việt Nam hiện nay được thiết kế với 4 phần chính như sau:
– Khối kiến thức chung: Toàn bộ các kiến thức nền tảng về tư duy, tin học, thể chất, quốc phòng và ngoại ngữ cơ bản.
– Khối kiến thức ngành: Chương trình đào tạo về ngôn ngữ Hàn chuẩn quốc tế, khai thác đầy đủ 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết và ứng dụng thực tiễn như người bản xứ.
– Khối kiến thức chuyên ngành: Đi sâu ứng dụng tiếng Hàn vào một chuyên ngành cụ thể, bao gồm cả kỹ năng nghiệp vụ nền tảng (đối với hệ đại học), kỹ năng nghiệp vụ thực tiễn (đối với hệ cao đẳng)
– Các Module thực tập thực tế, tốt nghiệp: Nhóm chương trình học đưa kiến thức và kỹ năng vào thực tiễn thông qua các mô hình làm việc thực tập tại môi trường ngoài giáo dục.
Chuẩn đầu ra ngành Ngôn ngữ tiếng Hàn ở Việt Nam
Chuẩn đầu ra ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Việt Nam hiện nay đang được quy chiếu theo hệ quốc tế, cụ thể là chứng chỉ TOPIK. Đối với hệ cao đẳng ngoại ngữ yêu cầu sinh viên tốt nghiệp cần có chứng chỉ TOPIK tối thiểu bậc 4, hệ đại học thì là bậc 5.
Bên cạnh chứng chỉ TOPIK, sinh viên cần hoàn thành các chương trình học theo yêu cầu của trường để được công nhận bằng cao đẳng hoặc đại học chính quy về ngành và chuyên ngành.
Học tiếng Hàn ra trường làm gì? Ở đâu?
Không giống với những năm đầu khi tiếng Hàn mới du nhập vào Việt Nam, ngày nay, cơ hội việc làm khi có bằng cấp, chứng chỉ tiếng Hàn là rất rộng mở, ở đa lĩnh vực. Cụ thể, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Hàn từ hệ cao đẳng trở lên có thể làm việc tại các vị trí sau:
– Giáo viên tiếng Hàn tại các trung tâm ngoại ngữ, trường THPT, trường cao đẳng, ại học, trung tâm du học hoặc các công ty có nhu cầu đào tạo tiếng Hàn cho nhân viên.
– Biên – phiên dịch cho doanh nghiệp Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam có đối tác Hàn Quốc, các cơ quan, tổ chức quốc tế, các hội nghị sự kiện có liên quan đến tiếng Hàn. Dịch sách, dịch thuật văn bản cho các văn phòng công chứng, hành chính, công ty, học viên, trung tâm du học.
– Hướng dẫn viên du lịch, chuyên viên lữ hành tại các công ty du lịch, cơ sở du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn.
– Nhân viên tại các cơ quan, tổ chức chính phủ và phi chính phủ của Việt Nam và Hàn Quốc.
– Nghiên cứu sinh, chuyên viên làm việc cho các phòng, tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về Hàn Quốc ở trong và ngoài nước
– Chuyên viên kinh doanh, thương mại, truyền thông, marketing, tổ chức sự kiện, văn phòng cho các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng tiếng Hàn hoặc đa ngôn ngữ.
Mức lương dành cho cử nhân chuyên ngành tiếng Hàn
Hiện nay, mức lương dành cho cử nhân tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Hàn có sự thay đổi nhất định theo từng năm, tùy theo môi trường làm việc. Để hình dung khái quát, các bạn có thể tham khảo các mức lương cho từng vị trí sau:
– Chuyên viên biên – phiên dịch tiếng Hàn: Mức lương từ 800$- 1000$/tháng,
– Hướng dẫn viên du lịch tiếng Hàn: Mức lương tối thiểu từ 15 triệu đồng/tháng trở lên chưa kể phụ cấp, tips, thưởng.
– Giáo viên tiếng Hàn: Mức lương từ 300.000 – 500.000 đồng/ 1 giờ giảng
– Vị trí chuyên viên văn phòng ở các công ty Hàn Quốc hoặc các công ty hợp tác với Hàn Quốc: Mức lương dao động từ 15-25 triệu đồng/tháng;
Cơ hội du học cho học sinh, sinh viên biết tiếng Hàn
Không chỉ dừng lại ở các công việc tại Việt Nam hay Hàn Quốc, những bạn sinh viên có đam mê và mục tiêu cao hơn có thể tiếp tục học các bậc học khác như cao học hoặc du học nghiên cứu chuyên sâu. Hiện nay, cơ hội du học Hàn trở nên rộng mở và dễ dàng hơn rất nhiều với các chương trình hỗ trợ trong và ngoài nước. Các chương trình này cũng không giới hạn độ tuổi, điều kiện tham gia xét tuyển cũng rất đa dạng.
Cụ thể, chúng ta sẽ có những nhóm du học chính sau:
Nhóm du học sinh tốt nghiệp THPT
Đây là nhóm du học ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3. Các bạn sẽ thường du học lên hệ cao đẳng hoặc đại học tại Hàn Quốc theo điều kiện năng lực và kinh tế của bản thân. Học bổng cho nhóm đối tượng này cũng có nhưng không đa dạng như các nhóm khác.
Nhóm du học sinh có bằng cao đẳng
Đây là nhóm du học nghề sau khi có bằng cao đẳng về một chuyên ngành nhất định. Các bạn nhóm này sẽ thường du học lên hệ đại học tại Hàn Quốc. Cơ hội học bổng cho nhóm này khá đa dạng vì các bạn đã được đào tạo ngôn ngữ chính quy và có kỹ năng nghiệp vụ.
Nhóm du học sinh có bằng đại học
Các bạn sinh viên hệ đại học có thể lựa chọn du học tiếp một chuyên ngành khác cùng hệ đại học hoặc học cao học đúng chuyên ngành tại Hàn Quốc. Cơ hội học bổng cho nhóm này đa dạng nhất vì liên kết giữa các trường đại học hai nước khá mật thiết.
Nhóm du học cao cấp
Đây là nhóm du học sinh được tài trợ hoàn toàn hoặc cử đi du học theo yêu cầu của tổ chức chính phủ hoặc các cơ quan nhà nước. Du học sinh nhóm này thường nhận được rất nhiều đãi ngộ, tuy nhiên, yêu cầu xét duyệt cũng rất cao.