Ngành kiểm toán là gì? Những cơ hội việc làm khi ra trường – Tuyển Sinh

Ngành kiểm toán là gì? Những cơ hội việc làm khi ra trường

Một ngành không thể không nhắc tới khi gợi đến các lĩnh vực hot trong khối ngành kinh tế, có sự gắn liền chặt chẽ với kế toán, ngành kiểm toán đang là một đề tài được quan tâm bởi nhu cầu tuyển dụng lớn và mức lương ổn định. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ ngành này là gì, cần làm những gì và có phù hợp với mình hay không. Hiểu được điều đó, chúng tôi mang đến cho bạn những thông tin cụ thể về ngành kiểm toán, hãy cùng theo dõi ngay sau đây.

Ngành kiểm toán

1. Ngành kiểm toán là gì? Sự khác nhau giữa kế toán và kiểm toán

Chúng ta thường hay nghe nhắc tới kế toán-kiểm toán. Điều này đã gây hiểu lầm cho khá nhiều bạn tưởng rằng hai ngành này là một nhưng không phải vậy. Tuy chúng có mối quan hệ khá mật thiết với nhau nhưng lĩnh vực đào tạo lại hoàn toàn khác nhau.

Kế toán là quá trình quản lí các khoản thu và chi phí của một doanh nghiệp thông qua quá trình ghi chép và tổng kết các giao dịch tài chính.

Còn kiểm toán sẽ cung cấp những thông tin chính xác nhất về tình hình tài chính của tổ chức hoặc doanh nghiệp. Hiểu theo cách khác, kiểm toán là quá trình thu thập, phân tích, đánh giá tất cả các thông tin, tài liệu liên quan đến tài chính cung cấp bởi kế toán, sau đó xác định và báo cáo về mức độ phù hợp giữa thông tin được kiểm tra với các chuẩn mực được thiết lập.

2. Tố chất phù hợp với kiểm toán

Những người phù hợp với ngành kiểm toán thường có tố chất như:

Nhạy bén với con số: liên quan mật thiết với kế toán, những người làm về lĩnh vực kiểm toán thường tiếp xúc nhiều với số liệu. Vì vậy người làm trong lĩnh vực này cần phải linh hoạt, có niềm say mê với những con số.

Thứ hai, đó là tính tỉ mỉ, kiên nhẫn, cẩn thận. Bởi công việc của người làm kiểm toán đó là phát hiện sai sót và gian lận trong các hoạt động tài chính kế toán, tiếp xúc nhiều với sổ sách và các văn bản tài chính.

Bên cạnh đó người muốn theo đuổi ngành kiểm toán cần trau dồi khả năng giao tiếp, diễn giải vấn đề, kĩ năng ngoại ngữ (nếu làm trong các công ty quốc tế). Trong quá trình làm việc họ sẽ tiếp xúc nhiều với doanh nghiệp, đối tác buộc bạn phải vận dụng hết năng lực, óc phân tích và khả năng giải quyết vấn đề khi làm kiểm toán viên.

3. Kiểm toán có dễ xin việc không?

Ngành kiểm toán có dễ xin việc hay không phụ thuộc rất nhiều đến kĩ năng, kinh nghiệm và chuyên môn của bạn. Hiện nay với sự phát triển của các doanh nghiệp, nhu cầu về kiểm toán viên là khá lớn. Bên cạnh đó, các tổ chức kiểm toán quốc tế cũng luôn tìm kiếm các nhân lực giỏi ngoại ngữ, vững chuyên môn. Cùng với đó là cơ hội để thăng tiến trong nghề hoặc chuyển sang đảm nhận các vị trí cấp cao trong lĩnh vực kiểm soát tài chính, kế toán.

4. Phân loại kiểm toán

Có 3 loại gồm: kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ.

Kiểm toán nhà nước là kiểm tra xác nhận tính đúng đắn hợp pháp của tài liệu, số liệu kế toán của cơ quan nhà nước đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế của nhà nước và đoàn thể quần chúng tổ chức xã hội. Đặc biệt liên quan đến quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia bao gồm các vị trí như:

  • Kiểm toán ngân sách nhà nước
  • Kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản và các chương trình
  • Dự án vay, nợ, viện trợ Chính phủ
  • Kiểm toán doanh nghiệp nhà nước…

Kiểm toán độc lập là  kiểm tra và xác nhận các báo cáo tài chính, tài liệu số liệu kế toán của các doanh nghiệp tổ chức hay đơn vị kế toán, có thể tiến hành một số nghiệp vụ liên quan đến tài chính, kế toán khác theo yêu cầu của khách hàng. dựa trên những nguyên tắc như tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp và kết quả của kiểm toán, tuân thủ đạo đức và đảm bảo tính độc lập về chuyên môn, bảo mật thông tin về đơn vị yêu cần kiểm toán.

Kiểm toán nội bộ đây là những kiểm toán viên làm việc trong một công ty hoặc một tổ chức nào đó và thậm chí là một bộ phận bắt buộc trong nhiều tổ chức doanh nghiệp vì yêu cầu bảo mật cao. Làm trong bộ phận này yêu cầu tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, ví dụ khả năng làm việc độc lập, chính kiến vững vàng để không chịu chi phối từ khách hàng; khả năng đánh giá, nhận định vấn đề một cách khách quan và thực tế; trên hết là phải am hiểu và tôn trọng quy định của pháp luật.

5. Các cơ sở đào tạo và phương thức xét tuyển vào ngành kiểm toán

Sau khi hiểu về khái niệm yêu cầu và tính chất của ngành kiểm toán chắc hẳn các bạn đã phần nào đó xác định được hướng đi nên theo đuổi ngành hay không. Và việc tìm hiểu một cơ sở đào tạo phù hợp và phương thức xét tuyển sẽ là nỗi băn khoăn của khá nhiều bạn ngay lúc này. Dưới đây chúng tôi xin liệt kê một số gợi ý về cơ sở đào tạo như sau:

  • Trường Đại học ngoại thương
  • Trường Đại học kinh tế quốc dân
  • Trường Đại học thương mại
  • Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEF)
  • Trường Đại học Ngân hàng – Đại học Quốc gia TP.HCM
  • Trường Đại học Kinh tế – Luật – Đại học Quốc gia TP.HCM
  • Ngoài ra, hệ thống các trường tư nhân đa ngành đều có khoa kế toán – kiểm toán.

Với mỗi cơ sở đào tạo, lại có những phương thức xét tuyển sinh riêng gồm: xét tuyển dựa vào học bạ, dựa vào kết quả kì thi THPT, xét tuyển kết hợp… điều này sẽ giúp cho các bạn có thêm nhiều cơ hội để theo đuổi ngành. Tuy nhiên để có thể có một vé vào trường đào tạo ngành kiểm toán yêu thích bạn cần phải cố gắng bởi đó cũng là thách thức với sự cạnh tranh của rất nhiều thí sinh trên cả nước.

Cuối cùng, từ những thông tin từ bài viết, hi vọng  bạn đọc có thể đưa ra quyết định và kế hoạch phù hợp trong việc lựa chọn ngành nghề, đặc biệt là cân nhắc việc theo đuổi ngành kiểm toán-một ngành không còn quá xa lạ trong giai đoạn kinh tế phát triển như hiện nay. Chúc các bạn thành công với sự lựa chọn của mình.

Tác Giả: Nguyễn Chinh

Rate this post

Viết một bình luận