Cập nhật 30/06/2021 bởi
Bạn là một người say mê cái đẹp, bạn muốn lưu giữ lại từng khoảnh khắc đẹp đẽ của đời sống con người, của một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp? Bạn muốn bắt trọn những giây phút vui vẻ bên gia đình, muốn thu giữ lại vẻ đẹp của một người thiếu nữ qua ống kính máy ảnh? Nếu bạn là một người có tâm hồn nghệ thuật như thế, vậy đã bao giờ bạn nghĩ sẽ trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để thỏa ước đam mê của bản thân? Nếu bạn thực sự có hứng thú với ngành Nhiếp ảnh thì hãy cùng tìm hiểu nó qua bài viết dưới đây.
Ngành Nhiếp ảnh là gì?
Nhiếp ảnh là một ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật, chuyên đào tạo các nhiếp ảnh gia với kiến thức về nhiếp ảnh, kỹ thuật chụp ảnh, nghiệp vụ ngành. Đồng thời, ngành này còn trang bị cho sinh viên kiến thức thiết kế ấn phẩm truyền thông, lịch sử nghệ thuật, lý luận phê bình nhiếp ảnh. Trong đó, nhiếp ảnh là dùng một thiết bị đặc biệt để ghi lại hình ảnh của vật thể thông qua ánh sáng được phản chiếu từ các vật thể lên giấy hoặc phim nhạy sáng. Quá trình này được thực hiện bằng các thiết bị cơ học, hóa học, hay kỹ thuật số thường được gọi là máy ảnh hay máy chụp hình. Hiện nay, nhiếp ảnh gia còn được cung cấp kiến thức về chỉnh sửa ảnh, hậu kỳ nên để tạo ra bức ảnh đẹp sẽ dễ dàng hơn.
Theo học ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức về nhiếp ảnh kỹ thuật số, lịch sử nhiếp ảnh Việt nam và thế giới, ống kính, đèn flash, ảnh phong cảnh, ảnh kiến trúc, ảnh macro, ảnh chân dung studio, ảnh quảng cáo, ảnh thể thao… Vì thế, sau khi hoàn thành khóa học, nhiếp ảnh gia sẽ có các kỹ năng để xử lý các kỹ thuật cơ bản trong nhiếp ảnh với các thể loại ảnh khác nhau.
Các khối thi vào ngành Nhiếp ảnh là gì?
Ngành Nhiếp ảnh được xếp vào nhóm ngành năng khiếu. Do đó, ngành này xét tuyển các khối thi bao gồm cả môn học thuật và môn năng khiếu. Cụ thể, ngành Nhiếp ảnh xét tuyển các tổ hợp môn sau:
-
Khối S00: Ngữ văn, Năng khiếu Sân khấu Điện ảnh 1, Năng khiếu Sân khấu Điện ảnh 2
-
Khối S01: Toán học, Năng khiếu 1, Năng khiếu 2
-
Khối R07: Ngữ văn, Năng khiếu Ảnh báo chí, Toán học
-
Khối R08: Ngữ văn, Năng khiếu Ảnh báo chí, Tiếng Anh
-
Khối R09: Ngữ văn, Năng khiếu Ảnh báo chí, Khoa học tự nhiên
-
Khối R17: Ngữ văn, Năng khiếu Ảnh báo chí, Khoa học xã hội
Điểm chuẩn của ngành học này là bao nhiêu?
Điểm chuẩn ngành Nhiếp ảnh năm 2020 tại các trường đại học dao động từ 16,5 – 22 điểm tùy theo quy định tuyển sinh của từng trường. Hiện nay, hầu hết các trường đều tuyển sinh theo hình thức xét điểm thi THPT và thi phần thi năng khiếu.
Các trường đào tạo ngành nhiếp ảnh?
Hiện nay, nước ta chưa có nhiều trường đại học đào tạo về ngành Nhiếp ảnh. Tuy vậy, nếu các bạn muốn theo học ngành này thì có thể đăng ký thi tuyển vào các trường sau:
Khu vực miền Bắc:
-
Khoa Báo chí, chuyên ngành Báo ảnh – Học viện Báo chí và Tuyên truyền
-
Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội
Các chuyên ngành thuộc ngành Nhiếp ảnh là gì?
Chuyên ngành Nhiếp ảnh báo chí
Sinh viên được cung cấp kiến thức về nhiếp ảnh, ảnh báo chí, nghiệp vụ báo chí, quay phim và các thể loại ảnh. Ngoài ra, sinh viên được hướng dẫn thực hành thiết kế ấn phẩm truyền thông, luật báo chí, báo chí đa phương tiện, phóng sự ảnh và biên tập ảnh.
Các vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp:
-
Phóng viên, biên tập viên.
-
Chuyên viên tại cơ quan văn hóa, xã hội có liên quan đến báo chí.
-
Nhân viên truyền thông.
-
Giảng dạy tại các cơ sở đào tạo.
Chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật
Chuyên ngành này trang bị kiến thức về kỹ thuật nhiếp ảnh nghệ thuật, các sản phẩm và thời trang. Bên cạnh đó, sinh viên được cung cấp kiến thức thiết kế ấn phẩm truyền thông, nhiếp ảnh quảng cáo; xây dựng và thực hiện các đề tài nhiếp ảnh theo các phương pháp của thể loại.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ đảm nhận công việc sáng tác ảnh nghệ thuật, ảnh thời trang, quảng cáo. Đồng thời cũng có thể làm phóng viên, biên tập, thiết kế sản phẩm; giảng dạy ở các cơ sở đào tạo.
Chuyên ngành Nhiếp ảnh Truyền thông đa phương tiện
Sinh viên sẽ được học về kỹ thuật nhiếp ảnh, tổng quan về đa phương tiện. Được đào tạo về quay phim, hậu kỳ nhiếp ảnh, ảnh báo chí, viết kịch bản, đạo diễn, nghiệp vụ báo chí, tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đa phương tiện, truyền thông.
Khi ra trường, sinh viên có thể làm việc tại các vị trí:
-
Phóng viên, biên tập viên
-
Giảng dạy tại các cơ sở báo chí và truyền thông đại chúng.
Liệu bạn có phù hợp với ngành học?
Để trở thành một Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, bạn cần phải có được những kỹ năng và tố chất sau:
-
Nắm vững được những kỹ thuật cơ bản như thông số của máy, cách thiết lập các thông số tùy thuộc vào từng điều kiện chụp và thời điểm khác nhau.
-
Sử dụng thành thạo những phần mềm chỉnh sửa ảnh.
-
Có tính kiên nhẫn và chịu khó tìm tòi trong công việc.
-
Trau dồi những kiến thức liên quan đến văn hóa, xã hội, vốn sống, đời sống thường ngày.
-
Đam mê tìm tòi, khám phá và sáng tạo
-
Tiếp nhận và xử lý thông tin một cách nhanh nhạy.
Cơ hội việc làm trong Ngành nhiếp ảnh như thế nào?
Như đã nói ở trên, sau khi ra trường, các tân nhiếp ảnh gia có thể đảm nhận những vị trí phù hợp với chuyên ngành mình theo học. Nhưng nhìn chung, các sinh viên tốt nghiệp ngành Nhiếp ảnh có thể đảm nhận những công việc sau:
-
Phóng viên ảnh
-
Người chụp ảnh nghệ thuật
-
Chụp ảnh chân dung
-
Chụp ảnh khoa học
-
Làm việc trong lĩnh vực quảng cáo
Mức lương dành cho người làm trong ngành Nhiếp ảnh là bao nhiêu?
Mức thu nhập đối với những người làm trong ngành này thường dao động khoảng từ 5 – 6 triệu/tháng. Đối với những người có kỹ năng chỉnh sửa ảnh tốt mức lương sẽ cao hơn, khoảng từ 7 – 10 triệu/tháng. Đối với những nhiếp ảnh gia làm việc freelancer mức lương dao động khoảng từ 12 – 15 triệu/tháng hoặc có thể cao hơn.
Kết luận
Tại môi trường đào tạo chuyên nghiệp, ngành Nhiếp ảnh là một lựa chọn đúng đắn cho những ai mong muốn học và theo đuổi ngành này. Đến với ngành Nhiếp ảnh, bạn không chỉ được thỏa mãn niềm đam mê chụp ảnh, khám phá cái đẹp, trau dồi kinh nghiệm mà còn có con đường sự nghiệp rộng mở mà ngành này mang lại. Chúc bạn xác định được niềm đam mê của mình và có sự lựa chọn đúng đắn cho tương lai.
5/5 – (1 vote)