Trên nhiều nhóm Facebook, bạch hải đường đang được “thổi giá” từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, tùy kích cỡ – Ảnh chụp từ màn hình FB
Những ngày qua, trên thị trường xuất hiện thông tin nhiều người săn tìm mua cây bạch hải đường (cây hải đường hoa trắng, thuộc họ cây trà) với mức giá cao ngất ngưởng từ vài chục đến vài trăm triệu, cho tới cả tỉ đồng một cây trưởng thành.
Đặc biệt, trên mạng xã hội Facebook, nhiều nhóm, hội giao lưu mua bán bạch hải đường cũng nhanh chóng được lập với hàng ngàn, thậm chí có nhóm hàng chục ngàn thành viên tham gia.
Trên nhóm giao lưu mua bán bạch hải đường và bạch trà, một tài khoản đăng bán cây hải đường trắng cao hơn 1m với giá 200 triệu đồng đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của các thành viên.
Theo những lời quảng cáo, cây bạch hải đường này hoa trắng, là loại đột biến quý hiếm chứ không phải hoa màu đỏ lâu nay vẫn thấy, nên giá rất cao. Ngoài ra, nhiều người cũng cho rằng bạch hải đường rất hiếm quý, còn có tính dược liệu được dùng làm thuốc chữa bệnh đau thấp khớp và đun nước cho phụ nữ sau sinh uống.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS Nguyễn Lân Hùng – tổng thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam – cảnh báo, bạch hải đường là một cơn “ảo giá” tương tự như lan đột biến thời gian qua.
Theo GS Hùng, hải đường vốn được người dân trồng làm cây cảnh tại vườn nhà, không có gì đặc biệt. Cây thường có màu đỏ nhưng với màu trắng cũng không phải là hiếm như những lời đồn thổi, quảng cáo.
Ông nói, với trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại như hiện nay thì việc nhân giống cây, tạo các màu hoa, thậm chí tạo đột biến không hề khó. Ví dụ như hoa đồng tiền, nếu tới các vùng trồng hoa ở Đà Lạt hay một số tỉnh miền Bắc có thể thấy nhờ áp dụng phương áp kỹ thuật mà có thể tạo ra hàng chục màu hoa khác nhau.
“Với hải đường cũng vậy, việc tạo đột biến hay dùng khoa học kỹ thuật để nở hoa màu trắng không hề khó. Do vậy, mọi người cần cảnh giác, không nên chạy theo cơn sốt, đổ tiền mua cây để đến lúc bão hòa, mất giá lại thiệt hại lớn như lan đột biến hay một số cây trước đây”, GS Hùng khuyến cáo.
Về tính dược liệu của bạch hải đường, ông Hùng cho rằng việc này chỉ là lời quảng cáo của người bán hàng, còn cụ thể phải được các cơ quan chức năng nghiên cứu, công bố mới có thể tin.
Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cũng nêu rõ, ông không thấy có tài liệu nào của đông y và nam y nói về việc sử dụng cây hoa hải đường trắng làm thuốc hay vị thuốc như quảng cáo.
“Tôi đọc các tài liệu dược điển của Trung Quốc hay các tài liệu của cụ Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông cũng không thấy nói sử dụng hoa hải đường hay bạch hải đường làm thuốc.
Do đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ những quảng cáo không chính xác, có thể gây tiền mất tật mang cho nhân dân này”, ông Hướng nói và nhận định, đây có thể là những “chiêu trò” quảng cáo nhằm “thổi phồng” tính quý, công dụng tốt để “thổi giá” cây bạch hải đường lên.
Bác sĩ Lương Đức Nghĩa (đang công tác trong ngành đông y ở Cao Bằng) cho hay, thực tế qua nhiều năm sử dụng các cây dược liệu cho bệnh nhân thì hải đường – dù là bạch hải đường cũng chỉ được dùng phối hợp vào trà uống giúp thanh nhiệt chứ không có tác dụng chữa bệnh xương khớp hay cho phụ nữ uống sau sinh.
Bác sĩ Nghĩa nhấn mạnh, đây không phải là cây thuốc hay vị thuốc quý hiếm như lời đồn và thực tế việc sử dụng cũng rất hạn chế, không thường xuyên. “Nếu quý thật thì phải sử dụng thường xuyên, còn đây chỉ là vị phối vào để thanh nhiệt thôi”, bác sĩ Nghĩa nêu rõ.
Một lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho rằng việc “thổi giá” hải đường trắng không khác gì lan đột biến trước đây. Do đó, người dân cần hết sức cẩn trọng, không tin, hùa theo để tránh thiệt hại.
Đến lượt ‘ngáo giá’ cây bạch hải đường