Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 22-3-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 22-3
Sự kiện trong nước
– Ngày 22-3-1973, Việt Nam và Vương quốc Bỉ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm trực tuyến với Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo. Ảnh VGP/Nhật Bắc.
49 năm qua, Bỉ đã trở thành đối tác quan trọng của Việt Nam tại Liên minh châu Âu và ngược lại, Việt Nam được coi là đối tác quan trọng nhất của Bỉ trong khu vực Đông Nam Á.
Sự kiện quốc tế
– Ngày 22-3-1955, để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, Đảng Nhân dân Lào (sau được đổi tên là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) được thành lập. Từ đó đến nay, trải qua 67 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã dẫn dắt nhân dân các dân tộc Lào giành được những thành tựu vô cùng to lớn trong công cuộc giải phóng, xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với Chủ tịch Kaysone Phomvihane tại Hà Nội năm 1966. Ảnh Bqllang.gov.vn.
Với trên 2.000km biên giới tiếp giáp với nhau, Việt Nam và Lào từ lâu đã có quan hệ gắn bó hữu nghị truyền thống, luôn tương trợ lẫn nhau trên tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh cùng đại biểu hai nước tại Lễ phát động Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 2022. Ảnh: TTXVN.
Hai Đảng lại có chung một nguồn gốc từ Đảng Cộng sản Đông Dương, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu sáng lập và các thế hệ lãnh đạo kế tiếp dày công vun đắp, quan hệ Lào-Việt Nam trải qua muôn vàn thử thách đã được chứng minh là mối quan hệ thủy chung, trong sáng, có một không hai trên thế giới.
Theo dấu chân Người
– Ngày 22-3-1946, Hội đồng Chính phủ họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về việc xác lập mối liên hệ giữa Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội, chuẩn bị kỷ niệm ngày mất của nhà yêu nước Phan Chu Trinh (24-3) và nghe báo cáo về cuộc duyệt binh chung Việt-Pháp, những địa điểm Pháp sẽ đóng quân và tình hình tài chính.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ. Ảnh tư liệu.
Buổi tối cùng ngày, Bác cùng với tướng Leclerc, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Pháp ở Đông Dương và đại diện các nước Mỹ, Anh tham dự bữa tiệc chia tay của Lư Hán trước khi rút về nước. Như thế cũng có nghĩa là cáo chung âm mưu “Hoa quân nhập Việt”. Về việc này, nhà nghiên cứu Đài Loan là King Chen đánh giá: Trong thời kỳ khó khăn nhất của cách mạng Việt Nam, Cụ Hồ Chí Minh đã xử sự linh hoạt, khéo léo, biết vận dụng những mâu thuẫn của kẻ thù. Cuối cùng, quân đội của Quốc dân Đảng Trung Hoa phải rút khỏi Việt Nam. Vấn đề duy nhất còn lại chỉ là tập trung vào việc chống Pháp mà thôi.
– Ngày 22-3-1950, từ chiến khu, Bác viết bài “Nước Việt Nam đấu tranh cho nền độc lập của mình” (bằng tiếng Pháp), ký bút danh là DIN – Thư ký Mặt trận Liên – Việt gửi cho Bộ biên tập tuần báo “Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân” là cơ quan ngôn luận của Cục Thông tin Quốc tế Cộng sản. Bài viết giới thiệu tổng quát lịch sử cách mạng Việt Nam để khẳng định “Việt Nam sẽ thắng lợi..: Để giành lại nền độc lập dân tộc và sự thống nhất đất nước của mình, nhân dân Việt Nam sẵn sàng đấu tranh 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc hơn nữa, nếu cần thiết!”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951). Ảnh tư liệu
– Giữa tháng 3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã mở màn, nhà báo Australia Wilfrred Burchett đã đến chiến khu Việt Bắc và được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hồi ức của mình, nhà báo Australia đã thuật lại câu chuyện Bác Hồ đặt ngửa chiếc mũ trên bàn, đưa những ngón tay gầy guộc theo vành chiếc mũ và nói: Tình hình thế này, đây là những ngọn núi mà lực lượng chúng tôi đang chiếm giữ. Dưới kia là thung lũng Điện Biên Phủ. Đó là nơi đóng quân của người Pháp với những đội quân thiện nghệ nhất mà họ có tại Đông Dương. Và họ sẽ không bao giờ rút ra được. Vậy đây chính là “Stalingrad ở Đông Dương?” (Burchett hỏi). Bác trả lời: Căn cứ vào điều kiện ở đây thì đúng như vậy. Nói khiêm tốn thì đó là một điều gì đó giống như thế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu.
Wilfrred Burchett sau này nhiều lần đến Việt Nam đưa tin về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, nhưng vẫn giữ nguyên ấn tượng ban đầu: Cảm giác đầu tiên của tôi là sự thân mật, ấm áp và giản dị. Hồ Chủ tịch có khả năng khiến người ta thấy nhẹ nhõm ngay từ khoảnh khắc đầu tiên và trình bày những vấn đề phức tạp nhất chỉ trong vài từ và cử chỉ rõ ràng. Trong những cuộc gặp gỡ tiếp theo với nhân cách vĩ đại này, sự ấm áp, giản dị, cách thể hiện rõ ràng xuất phát từ trí tuệ mẫn tiệp và sự thấu hiểu trọn vẹn chủ đề khiến ta có ấn tượng vô cùng sâu sắc.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Quốc hội ta do toàn dân tự do bầu cử, là đại biểu chân chính của nhân dân cả nước từ Bắc đến Nam”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy vào ngày 22-3-1955, khi Ngô Đình Diệm được sự hậu thuẫn của Mỹ ra sức phá hoại việc thi hành hiệp định Geneve và lập nên “Quốc hội lâm thời”, gồm 247 người, chủ yếu không thông qua bầu cử ở miền Nam Việt Nam. Từ đó, Bác đã làm rõ về Quốc hội ta, được thành lập trong những năm chiến tranh chống xâm lược, do toàn dân tự do bầu cử, là đại biểu chân chính của nhân dân cả nước từ Bắc đến Nam. Quốc hội ta đã sát cánh cùng với Chính phủ và nhân dân chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, dũng cảm hy sinh, đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi. Nay trong hoàn cảnh hòa bình, trước tình hình mới và nhiệm vụ mới, Quốc hội ta lại cùng nhân dân và Chính phủ khắc phục những khó khăn, phát triển những thuận lợi mới, để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.
Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960. Ảnh tư liệu.
Là đại biểu chân chính của nhân dân, Quốc hội thực hiện quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ có Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành luật, thành các quy định chung mang tính bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Hiến pháp giao cho Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong những dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đều hăng hái tích cực tham gia bầu cử, chọn lựa những người xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước và ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thật sự là ngày hội của toàn dân.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng trao đổi tại hội nghị lãnh đạo, chỉ huy mở rộng giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Vietnamnet.vn
Là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng, Tổ quốc và nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn ý thức rất rõ ý nghĩa, tầm quan trọng về xây dựng Quốc hội và thực hiện Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội. Theo đó, quân đội luôn chủ động quán triệt, thực hiện nghiêm túc Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội, phối hợp chặt chẽ với địa phương để tổ chức tốt bầu cử, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tăng cường các biện pháp bảo vệ an toàn cho bầu cử, chủ động làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị phá hoại cuộc bầu cử, góp phần thành công của bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
– Ngày này năm 1967, trên trang nhất, Báo Quân đội nhân dân số 2096 đã đăng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung “Vì độc lập của Tổ quốc, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc đang chống đế quốc Mỹ, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, không sợ hy sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”.
Dấu ấn của Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân ngày 22-3-1967
Cũng trên trang nhất số báo này, Báo Quân đội nhân dân có đăng toàn văn bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson. Bức thư trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời lẽ đanh thép đã nêu bật lập trường chính nghĩa và ý chí quyết chiến đấu cho độc lập, tự do và hòa bình thực sự của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, vạch trần bản chất xâm lược, hiếu chiến và thái độ ngoan cố, xảo quyệt của bọn cầm quyền Mỹ.
Dấu ấn của Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân ngày 22-3-1967
– Ngày 22-3-1967, trang 4 Báo Quân đội nhân dân có đăng toàn văn bức thư của Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo việc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc có điều kiện.
HUY ĐÔNG (tổng hợp)