Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 6-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 6-6
Sự kiện trong nước
* Ngày 6-6-1887: Ngày mất nhân sĩ yêu nước Mai Xuân Thưởng.
Mai Xuân Thưởng sinh năm 1860 ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Nǎm 1855, ông đỗ cử nhân nhưng ngay khi đó nổ ra cuộc nổi dậy ở Huế. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Mai Xuân Thưởng cùng với các sĩ phu khác chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp ở Bình Định và đã tiêu diệt nhiều binh lính địch.
Giặc Pháp nhiều lần gửi thư dụ hàng nhưng không lay chuyển được ý chí của ông. Ông nói: “Chỉ có thể chém đầu tôi, chứ không thể bắt tôi đầu hàng”. Tháng 4-1887, giặc Pháp dùng thủ đoạn bắt giam dân làng, tra tấn mẹ của Mai Xuân Thưởng, buộc ông phải nộp mình để cứu mẹ cùng dân làng. Mai Xuân Thưởng bị xử chém tại Bình Định ngày 6-6-1887 khi mới 27 tuổi.
Các đại biểu biểu quyết nhất trí bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ, 6-1969. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
* Từ ngày 6 đến ngày 8-6-1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam đã ra nghị quyết thành lập chế độ cộng hòa miền Nam, nhất trí bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch, và Hội đồng cố vấn Chính phủ do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch.
Đại hội cũng đã ra lời kêu gọi quân và dân miền Nam đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng.
Ngay trong tháng 6-1969, đã có 23 nước công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong đó 21 nước đã đặt quan hệ ngoại giao.
Sự kiện quốc tế
* Ngày 6-6-1606: Ngày sinh Pierre Corneille – người đặt nền móng và là đại biểu xuất sắc của nền bi kịch cổ điển Pháp.
* Ngày 6-6-1799: Đại thi hào Nga Pushkin chào đời. Sự nghiệp của ông gắn chặt với cuộc vận động cách mạng Nga đầu thế kỷ XIX.
Các đại biểu hai nước Việt Nam, Liên bang Nga thực hiện nghi thức khánh thành tượng đài Pushkin tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
* Ngày 6-6-1944 (còn được biết đến với tên D-Day): Ngày quân Đồng minh vượt qua eo biển Manche và đổ bộ lên bãi biển Normandie, Pháp, bắt đầu giải phóng Tây Âu khỏi sự kiểm soát của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ II.
Theo dấu chân Người
* Ngày 6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Hồng Kông bất ngờ vây bắt tại ngôi nhà số 168 đường Tam Lung, Khu Cửu Long. Khi đó Người mang tên Tống Văn Sơ. Những đồng chí cách mạng người Việt Nam ở đây đã cấp báo với luật sư tiến bộ người Anh Francis Henri Loseby, Giám đốc Công ty luật RUSS ở Hồng Kông, đề nghị giúp can thiệp. Kể từ đây, bắt đầu một sự kiện được gọi tắt là “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”.
Đế quốc Anh đã mật giam Nguyễn Ái Quốc trong một xà lim riêng ở Hồng Kông, vu cho Người là “Tay sai của Nga-Xô”, “có âm mưu phá hoại chính quyền Hồng Kông”. Mùa xuân nǎm 1933, với sự giúp đỡ của luật sư Loseby, Nguyễn Ái Quốc được trả tự do.
Tống Văn Sơ, tức Nguyễn Ái Quốc, khi bị bắt ở Hồng Kông, tháng 6-1931. Ảnh: Hochiminh.vn
* Ngày 6-6-1938, đang sống ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc, với bí danh là Lin, đã gửi thư cho “một đồng chí trong Quốc tế Cộng sản”, nêu rõ hoàn cảnh: “Hôm nay là kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Kông. Đó cũng là mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi… Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích… đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng…”. Đây chính là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc phải chịu đựng nhiều thử thách vì những quan điểm độc lập của mình và cũng là thời điểm đang tìm mọi cách để về nước hoạt động.
* Ngày 6-6-1941, Nguyễn Ái Quốc viết thư “Kính cáo đồng bào” gửi tới các tầng lớp nhân dân cả nước nhằm triển khai nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 8: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng…”. Bức thư thực sự là một bài hịch cứu nước: “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng… Hỡi các chiến sĩ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của bậc anh hùng đương sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!”
* Ngày 6-6-1946, tiếp tục hành trình trên đường sang thăm nước Pháp, máy bay chở Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Karachi bay 2.610 km để tới thành phố Habangna thuộc lãnh thổ Iraq, khi đó vẫn là thuộc địa của Anh.
* Ngày 6-6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 58 đặt ba loại huân chương cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập, do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra sắc lệnh tặng (hoặc truy tặng) cho đoàn thể và những người có công với nước, với dân, hoặc các nhân vật người nước ngoài có công với nước Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị phổ biến nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động: Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu (Cuộc vận động “Ba xây, ba chống”), 27-7-1963. Ảnh: Hochiminh.vn
* Ngày 6-6-1953, Báo Nhân dân đăng bài “Phải chống bệnh quan liêu”. Bác đã phân tích kết quả cuộc vận động phê bình, trong đó có vai trò của báo chí. Tác giả nhấn mạnh: “Quan liêu, tham ô, lãng phí cũng như mọi khuyết điểm khác, nguồn gốc là vì tư tưởng không đúng. Tư tưởng trong sạch, lập trường vững, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân thì tránh được nhiều khuyết điểm… Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. “Trên đe dưới búa” của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí…”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa – Tập 1 – NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh toàn tập – NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng”. Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, với bút danh C.B. đăng trên Báo Nhân dân, số 460, ngày 6-6-1955.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước bước vào thời kỳ kiến thiết, xây dựng chế độ xã hội mới – chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là việc xây dựng đạo đức mới – đạo đức xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô 1-5, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội (19-12-1963). Ảnh: Hochiminh.vn
Lời dạy trên của Bác có ý nghĩa sâu sắc, nêu rõ vai trò, tầm quan trọng của đạo đức cách mạng trong sự nghiệp cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới và phải giữ được đạo đức, thuần phong, mỹ tục. Đây cũng là tư tưởng chỉ đạo trong xây dựng đạo đức mới; đồng thời khẳng định giá trị đạo đức ẩn chứa trong mỗi công việc, gắn liền với phẩm chất năng lực của mỗi người; nhắc nhở mỗi người phải luôn giữ gìn đạo đức trong sáng dù trong hoàn cảnh nào, làm bất cứ công việc gì, mới là người cao thượng. Đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.
Thực hiện lời dạy của Bác, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức học tập, lao động, công tác, tu dưỡng đạo đức cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đẩy mạnh thi đua ái quốc, kiến thiết nước nhà, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội trên nền tảng vững chắc của đạo đức mới – đạo đức xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề đạo đức của người cách mạng từ rất sớm. Ảnh: Hochiminh.vn
Hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, lời Bác dạy vẫn giữ nguyên giá trị, là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức xây dựng một xã hội học tập, xây dựng chuẩn mực đạo đức mới, con người mới; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang 4 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 6-6-1975 trích đăng bài của một giáo sư đại học Pháp với tiêu đề “Việt Nam đã thay đổi bộ mặt của nền chính trị thế giới”. Vị giáo sư này đã viết bài cho Báo Thế giới (Pháp) ngày 7-5-1975 sau chuyến thăm Hà Nội cách đó 12 ngày. Trong bài viết, vị giáo sư nhấn mạnh: “Chưa bao giờ người Mỹ hiểu rằng chế độ cộng sản này trước hết và lúc nào cũng là một chế độ yêu nước, một chế độ thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Có người nói, lúc này không nên dồn Mỹ vào chân tường nữa. Tôi không đồng ý như vậy. Mọi sự sai lầm chính trị đều phải trả giá. Hàng chục vạn người Việt Nam đã hy sinh không phải là vô ích”.
Trang 4 Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 6-6-1975.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)