Nguồn gốc ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6
Vào rạng sáng 1/6/1942, quân phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Làng Li-đi-xơ không còn một bóng người.
2 năm sau, ngày 10/6/1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.
Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi.
Ngày dành cho trẻ em trên thế giới và Việt Nam
Tại đa số các nước Phương tây, Trung Đông, Châu phi và Nam bán cầu đều có Ngày Trẻ Em, tổ chức vào các thời điểm khác nhau trong năm. Ngày Trẻ Em ở Úc là ngày thứ Tư tuần bốn của tháng 10, ở Brazil là 12/10, còn là ngày Đức Mẹ Aparecida, ngày nghỉ toàn quốc tại Brazil.
Trong khi đó, ngày Trẻ Em ở Ấn Độ là ngày 14/11, mừng sinh nhật nhà lãnh đạo Jawaharlal Nehru (thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ).
Tuy nhiên, tại châu Âu, Ngày Trẻ Em là ngày đặc biệt của LHQ, đặc biệt là UNICEF (United Nations International Children’s Emergency Fund). Năm 2011, hội nghị thượng đỉnh các nước G8 tổ chức tại Heiligendamm (Đức) từ 6/6 đến 8/6 quan tâm vấn đề nghèo khổ ở Châu phi và ngăn ngừa HIV ở trẻ em.
Ở Nhật, Ngày Quốc tế Thiếu nhi là ngày nghỉ toàn quốc, gọi là “Kodomo no Hi”, và được tổ chức vào ngày 5/5. Kodomo no Hi nghĩa là Ngày Trẻ Em, một ngày trong lễ hội Tuần lễ Vàng của Nhật (Japanese Golden Week festival), được tổ chức để tôn vinh trẻ em và mừng chúng hạnh phúc.
Năm 1948, Chính phủ Nhật tuyên bố Ngày Trẻ Em là ngày nghỉ toàn quốc. Ngày Thiếu Nhi có nguồn gốc là “Tango no Sekku”, được biết đến là Ngày Con Trai (Boys’ Day) để tôn vinh con trai, còn Ngày Con Gái (Girls’ Day) được tổ chức vào 3/3, gọi là Hinamatsuri.
Năm 1948, Chính phủ ra lệnh lấy ngày này làm ngày nghỉ toàn quốc để mừng hạnh phúc của trẻ em và bày tỏ lòng biết ơn các bậc cha mẹ. Sau được đổi tên là Kodomo no Hi.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em – Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.
Ở nước ta, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước.
Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước và gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Từ đó, hàng năm cứ đến ngày Tết thiếu nhi và Tết Trung thu, thiếu nhi cả nước lại hân hoan đón thư chúc mừng của Bác Hồ.
Bác Hồ luôn hết sức quan tâm, dạy bảo các cháu nên người, trong đó 5 Điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng đã trở thành nội dung giáo dục đối với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 là dịp để các cháu được vui chơi, nhận những món quà ý nghĩa từ người thương yêu. Còn các bậc cha mẹ cũng nhân dịp này thể hiện tình yêu thương vô bờ bến dành cho các con thông qua những lời chúc và món quà. Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 còn là ngày cha mẹ bày tỏ tình yêu thương vô bờ bến dành cho con cái.
Năm nay, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 rơi vào ngày thứ Tư.