Ngày Quốc tế Thiếu nhi được tổ chức như thế nào ở các nước trên thế giới?

Hương Lê (T/H)

  –  

Thứ ba, 31/05/2022 06:30 (GMT+7)

Ngày Quốc tế Thiếu nhi hay Ngày Trẻ em như là một ngày lễ dành cho thiếu nhi được tổ chức vào các ngày khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi được tổ chức như thế nào ở các nước trên thế giới?
Mỗi quốc gia kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi theo một cách khác nhau. Ảnh: Xinhua

Quốc tế Thiếu nhi 1.6 ở Việt Nam thường được tổ chức với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí khác nhau. Trên thế giới cũng vậy, nhưng bên cạnh đó sẽ có những đặc điểm và tính chất đặc biệt khác.

Mỹ

Tại Hoa Kỳ không có ngày Thiếu nhi riêng cố định như ở các quốc gia mà thường được tổ chức chung trong các dịp Ngày của mẹ, Ngày của cha hoặc thay đổi theo thời kỳ. Năm 1998, Tổng thống Bill Clinton đã tổ chức ngày Thiếu nhi vào ngày 11.10.

Năm 2001, ngày 3.6 đã được Tổng thống George W.Bush chọn làm “Ngày trẻ em quốc gia”. Trong những năm tiếp theo ngày Thiếu nhi tại Hoa Kỳ thường được tổ chức vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng Sáu.

Nhật Bản

Ở Nhật, Ngày Quốc tế Thiếu nhi là ngày nghỉ toàn quốc, hay còn gọi là “Kodomo no Hi” được tổ chức vào ngày 5.5. “Kodomo no Hi” là một ngày trong lễ hội Tuần lễ Vàng của Nhật Bản, được tổ chức nhằm tôn vinh trẻ em và mừng chúng được hạnh phúc.

Tại Nhật, theo truyền thống, ngày của trẻ em được tổ chức mỗi năm hai lần: Ngày 3.3 cho trẻ em gái và ngày 5.5 trọng tâm cho các bé trai.

Trung Quốc

Ở Trung Quốc thường tổ chức kỷ niệm ngày Phụ nữ cùng với ngày trẻ em vào cùng ngày 4.4, được gọi là “Ngày lễ tổng hợp của Phụ nữ và trẻ em”. Còn tại Hồng Kông, Đài Loan, ngày dành cho thiếu nhi là ngày 4.4, đây cũng là ngày nghỉ lễ.

Việt Nam

Ở Việt Nam ngày Quốc tế Thiếu nhi được tổ chức vào ngày 1.6 hàng năm. Ảnh: XinhuaỞ Việt Nam ngày Quốc tế Thiếu nhi được tổ chức vào ngày 1.6 hàng năm. Ảnh: Xinhua 

Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên của Việt Nam là ngày 1.6.1950, trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Thiếu niên, nhi đồng, những thế hệ măng non của đất nước luôn được Bác Hồ quan tâm và chú trọng.

Hiện nay, ngày 1.6 được tổ chức hàng năm đã trở thành ngày hội chăm sóc và bồi dưỡng thế hệ măng non cho Tổ Quốc. Nhà nước ta cũng ban hành Pháp lệnh về chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng coi trách nhiệm vẻ vang ấy là của toàn dân.

CHLB Đức

Tại Đức, trong thời kỳ chiến tranh lạnh (1945-1991), ngày lễ thiếu nhi được tổ chức ở hai bên Đông và Tây Đức hoàn toàn khác nhau (tại DDR là ngày 1.6, ở BRD là ngày 20.9), chúng cũng mang 2 cái tên khác nhau với các đặc điểm riêng, DDR gọi là Ngày Quốc tế thiếu nhi, còn BRD gọi là Ngày thiếu nhi thế giới.

Tại Đông Đức, ngày lễ Thiếu nhi được áp dụng từ năm 1950 và trở thành một sự kiện hàng năm trong thời thơ ấu của mỗi đứa trẻ.

Thổ Nhĩ Kỳ

Tại Thổ Nhĩ Kỳ Ngày quốc tế Thiếu nhi là ngày 23.4, ngày này cũng là “Ngày lễ Chủ quyền quốc gia và Ngày trẻ em”. Ngày trẻ em tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra với các hoạt động ngoạn mục và các nghi lễ kéo dài trong một tuần.

Canada

Tại Canada, năm 1993, Quốc hội chính thức công bố ngày 20.11 hàng năm là Ngày Thiếu nhi theo tuyên bố của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em vào ngày 20.11.1959. Tuyên bố này nêu rõ quyền của trẻ em từ 18 tuổi trở xuống được bảo vệ chặt chẽ trước pháp luật. Tại Canada, ngày này còn gọi là “Child Day Act”.

Ấn Độ

Tại Ấn Độ, Ngày Thiếu nhi là 14.11, trùng với ngày sinh của Thủ tướng đầu tiên của quốc gia này, ông Jawaharlal Nehru. Thủ tướng Nehru nổi tiếng vì tình thương yêu dành cho trẻ em.

Rate this post

Viết một bình luận