Bác sĩ Bùi Hải Trung và bác sĩ Trần Thanh Trí đang ghép gan cho một bệnh nhi – Ảnh: H.LỢI
Tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ làm nghề gì cũng phải có cái tâm, với nghề y còn cần phải có tâm với bệnh nhân. Cứ đam mê, làm hết sức với nghề, nghề gì cũng vậy, mọi thứ sẽ tự nhiên đến với bạn.
Bác sĩ THANH TRÍ
* Lời tòa soạn: Ngày 27-2 là dịp để mọi người kể lại, lắng nghe thêm những câu chuyện đẹp mà đội ngũ những người trong ngành y tế đã cống hiến cho xã hội. Mở đầu cho tuyến bài này là câu chuyện về bác sĩ ngoại nhi với giấc mơ ghép gan cho trẻ, sau 20 năm đã thực hiện được.
Khi TS.BS Thanh Trí (Bệnh viện Nhi đồng 2) cùng gần 80 y bác sĩ ở khu vực phía Nam lên “kịch bản”, tự tiến hành ghép gan cho một bé gái 7 tuổi vào cuối năm 2021 mà không cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài thì lúc đó “ước mơ” bác sĩ Việt Nam tự ghép gan cho bệnh nhi từ 19 năm trước mới trở thành hiện thực.
“GS Trần Đông A đã có tầm nhìn, đặt nền móng rất tốt, đào tạo con người, xây dựng lên êkip ghép gan, xây dựng cả quy trình ghép gan cho bệnh viện để ngày nay thế hệ bác sĩ chúng tôi mới có thể hiện thực được ước mơ này”, bác sĩ Thanh Trí nhìn nhận.
Chinh phục đỉnh cao phẫu thuật
TS.BS Trần Thanh Trí, trưởng khoa gan – mật – tụy, cùng êkip ghép gan của Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa tự thực hiện ca ghép gan thứ 2 thành công cho một bé trai 9 tuổi, ngày 22-2-2022.
Để trở thành êkip trưởng điều phối êkip ghép gan cho hai ca ghép vừa qua, bác sĩ Thanh Trí đã phụ mổ ghép gan cho 27 ca cùng với một người thầy ở Bỉ. Ông cũng tham gia 14 ca ghép gan trong nhiều năm, cùng với êkip ghép gan người Bỉ tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Ông và êkip ghép gan của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã nắm khá vững về kỹ thuật ghép gan cho trẻ em nên khi có dịch COVID-19, các chuyên gia Bỉ không sang được, bác sĩ Thanh Trí đã tự tin đề xuất với ban giám đốc bệnh viện thành lập êkip ghép gan, phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tiến hành tự ghép gan cho trẻ em.
Những ngày đầu được cử đi học, gần 20 năm trước, bác sĩ Thanh Trí cũng như nhiều đồng nghiệp vẫn thấy ước mơ tự ghép gan rất xa vời. Nhưng càng được học, tiếp xúc với sự đam mê của các thầy, sự mong chờ của các gia đình có con chờ được ghép gan mới có thể giữ được mạng sống, bác sĩ Thanh Trí đã ngày càng khát khao đến một ngày nào đó ông cùng các đồng nghiệp sẽ tự ghép gan cho trẻ em.
“Tôi đã nợ sự gửi gắm, tin cậy của các thầy. Đó là GS Trần Đông A đã cử tôi đi học và GS Raymond Reding, người Bỉ đã cần mẫn chỉ bảo cho tôi từng kỹ thuật trong phẫu thuật ghép gan. Tôi nợ cả những ánh mắt trông chờ, hy vọng của những ông bố, bà mẹ có con bị xơ gan, tiếng khóc, những giọt nước mắt của các bà mẹ khi mất con vì không được ghép gan… Cho nên, nếu không tự thực hiện ghép gan được, tôi sẽ rất day dứt”, bác sĩ Thanh Trí chia sẻ.
Bác sĩ nội nhi trở thành bác sĩ ghép gan
Ít ai biết tiến sĩ về ngoại nhi Trần Thanh Trí, 51 tuổi, người “nhạc trưởng” chỉ huy cả “một dàn nhạc” ghép gan, người đã từng thực hiện hàng ngàn ca mổ cho bệnh nhi trước đó lại là một bác sĩ nội nhi.
Nhắc lại chuyện “vì sao” đến với ngành y và ở chặng đường nào ông đã “rẽ” sang ngành ngoại nhi, bác sĩ Thanh Trí mỉm cười, bật mí: “Cuộc đời tôi có nhiều điều bất ngờ và thú vị!”.
Từ nhỏ, ông thích lớn lên sẽ trở thành một thầy giáo dạy toán. Cha mẹ lại muốn ông trở thành một bác sĩ chữa bệnh cho các em nhỏ. Hằng ngày, cha mẹ đều nói với ông về mong muốn này, hy vọng sẽ truyền được ước mơ sang ông.
Trong thâm tâm, ông hiểu rõ tại sao cha mẹ, đặc biệt là mẹ ông lại mong muốn ông trở thành một bác sĩ đến như vậy.
Mẹ kể lúc chừng 10 tháng tuổi, ông mắc bệnh sởi nặng, sau đó bị suy dinh dưỡng nặng. Tay chân khẳng khiu, bụng bự, da sạm, bệnh tật triền miên. Khi ông còn nhỏ, mẹ nuôi cực lắm. Bao nhiêu tiền bạc gom góp được cha mẹ đều dành đưa ông đi chữa bệnh, thậm chí gia đình còn nợ nần vì ông… Đến mãi 3 tuổi ông mới biết đi, nhưng bù lại khi đến tuổi đi học ông thông minh, học hành chăm chỉ.
Vừa tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM năm 1995, ông xin vào làm không công tại một bệnh viện nhi trong TP. Năm 1997, ông quyết định học chuyên khoa 1 nội nhi. Năm 1999, học xong chuyên khoa 1 ông được một người quen giới thiệu vào làm tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (sau này học chuyên khoa 2 về quản lý y tế).
Lúc này, đơn vị chạy thận nhân tạo Bệnh viện Nhi đồng 2 thiếu người nên ông được phân công vào đơn vị này làm. Đơn vị này, tính cả ông có tổng cộng ba bác sĩ, nhưng hai bác sĩ nữ lần lượt nghỉ sinh nên chỉ còn một mình ông. Ông bắt đầu tự đọc các tài liệu liên quan đến quy trình chạy thận, thậm chí tự liên hệ với các đàn anh ở các bệnh viện khác để học hỏi kinh nghiệm.
Bệnh nhi đầu tiên ông cứu sống được là một bé gái bị suy thận cấp, suy gan cấp do bị ong vò vẽ đốt hơn 60 mũi, người bé sưng phù. Ông đã kề cận, theo dõi, chăm sóc bé trong suốt những ngày nguy kịch đó…
Ngày đón bé về, gia đình bé vỡ òa trong hạnh phúc, còn riêng ông cũng cảm nhận được niềm vui hân hoan khó tả khi lần đầu tiên cứu được một mạng người. Và cũng từ ngày đó, đơn vị chạy thận nhân tạo không còn cháu bé nào bị tử vong như trước nữa.
Đơn vị chạy thận nhân tạo thuộc khoa ngoại tổng hợp nên bác sĩ Thanh Trí thường dự họp giao ban dưới sự chủ trì của GS.BS Trần Đông A, lúc đó đang làm phó giám đốc bệnh viện. Lần đó, đang giao ban, GS Đông A đột ngột hỏi: “Khối ngoại đang cần người, bác sĩ Trí có muốn sang làm không?”.
Câu hỏi từ một người thầy lớn, khi đó bác sĩ Thanh Trí chỉ kịp trả lời: “Dạ, cũng được ạ”. GS Đông A nghe vậy chỉnh ngay: “Được là được, chứ sao lại cũng được?”. Lúc này, bác sĩ Thanh Trí mới trả lời dứt khoát: “Dạ được thầy ạ”. Hai chữ “dạ được” ngày ấy đã là một bước ngoặt chuyển một bác sĩ chuyên khoa 1 nội nhi sang làm bác sĩ ngoại nhi.
Sau đó, bác sĩ Thanh Trí chính thức làm việc tại khoa ngoại. Năm 2002, ông là một trong ba bác sĩ đầu tiên của bệnh viện được GS Trần Đông A cử sang Bỉ học về ghép gan cho trẻ em.
Bác sĩ Trí cho rằng trong ngành y chia nội ngoại vậy thôi, chứ một bác sĩ cần có kiến thức tổng hợp cả nội ngoại thì điều trị cho bệnh nhân sẽ tự tin hơn.
Mong ước lớn nhất của bác sĩ Thanh Trí hiện nay là làm sao phải hiện thực hóa thường quy việc ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Bệnh viện tiến tới sẽ phải ghép mỗi tháng một ca, mỗi tháng hai ca, mỗi tuần một ca, một tuần hai ca…
Khi phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi đã đi vào thường quy, bác sĩ Thanh Trí sẽ tập trung dạy học cho các sinh viên y khoa – ông muốn truyền tất cả những kiến thức, những kinh nghiệm của mình cho thế hệ trẻ.
Một trong những học trò xuất sắc của tôi
GS.BS Trần Đông A đã nhận xét như vậy về người học trò của mình. Theo GS Trần Đông A, hơn 19 năm trước ông đã cử 16 bác sĩ, nhân viên y tế qua Bỉ học nhưng hiện giờ nhiều người trong số này đã chuyển sang làm những công việc khác.
Ngày đó, ông chọn bác sĩ Thanh Trí là một trong những bác sĩ đầu tiên đi học ghép gan vì ông nhận thấy bác sĩ Trí thông minh, ham học hỏi và có tâm với bệnh nhân.
Hết lòng vì người bệnh
TS.BS Phạm Ngọc Thạch, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, nhận xét: bác sĩ Thanh Trí có chuyên môn giỏi, sắc bén, hết lòng vì người bệnh. Bác sĩ Trí cũng là một bác sĩ đầu ngành về ghép gan trẻ em, được đào tạo bài bản ở Việt Nam cũng như tại Bỉ, nơi đã ghép gan cho rất nhiều trẻ em.
Bác sĩ Trí và khoa gan – mật – tụy của bệnh viện là một trong những nhân tố hạt giống giúp đẩy mạnh công tác ghép gan của Bệnh viện Nhi đồng 2 lên một tầm cao mới giúp bệnh viện tự ghép gan cho trẻ em.
Đặc biệt, sắp tới sẽ có những người cho gan là người đã bị chết não thì bác sĩ Trí là một người tiên phong cải thiện chuyên môn của bệnh viện để có thể thực thi nhận và ghép gan.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thăm y bác sĩ tại TP.HCM