Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 – Thế hệ trẻ luôn nhớ lời bác dặn “uống ngước nhớ nguồn” | TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM NGHỆ AN

Th.sỹ Lê Thị Hương Quê

                                                              Khoa Lý luận chính trị & Tâm lý giáo dục

1. Lịch sử ngày thương binh liệt sĩ 27/7

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Tuy nhiên, do chính quyền cách mạng còn non trẻ nên thực dân Pháp đã âm mưu trở lại xâm lược nước ta. 

Thực dân Pháp đã vào thay thế Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ và âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn nền độc lập cho đất nước, toàn quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng ở những nơi có thực dân Pháp chiếm đóng. Nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương và vĩnh viễn nằm lại chiến trường.

Nỗi đau bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều gia đình mất đi cả chồng và các con. Nhiều người vợ trẻ chỉ hưởng hạnh phúc vỏn vẹn trong một ngày. Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, chính quyền Việt Nam đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn. 

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sĩ tử nạn.  

Chiều ngày 28/5/1946, Hội “Giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự. Chiều ngày 11/7/1946, tại nhà hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “mùa đông chiến sĩ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ. 

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác Thương binh Liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. 

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ – Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác Thương binh Liệt sĩ.

Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Đây được coi là cuộc mít tinh quan trọng với 2000 người tham gia tại Thái Nguyên. Tại đây, Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hàng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sỹ.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết những vấn đề chiến sĩ, gia đình liệt sĩ cũng như công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày 27/7 ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh liệt sĩ.

2.  Thế hệ trẻ tri ân ngày 27/7

Giờ đây chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng mỗi tấc đất của quê hương đã chứa đựng tâm hồn và thể xác của các anh, để bây giờ chúng tôi, những thế hệ trẻ Việt Nam được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Các anh là những người hát bè trầm để đất nước vươn tới đỉnh bè cao. Không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai muốn mình phải chết và không có cái chết nào có ý nghĩa bằng được sống. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng bị đe doạ, của cải, ruộng nương làng mạc bị xâm chiếm thì lựa chọn cái chết để đất nước được trường tồn là một lựa chọn vinh quang và cao cả. Mỗi một thân xác nằm xuống, mỗi một phần thi thể mất đi là một ánh hào quang soi sáng hơn con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đó là những dòng chữ bằng vàng khắc sâu vào lịch sử 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.

Chiến tranh đã đi qua, thời gian đã làm lành những vết thương trên da thịt, quá khứ của những tháng ngày lầm than của dân tộc nay đã nhường chỗ cho niềm vui hạnh phúc. Nhưng trên mảnh đất này vẫn còn đó nỗi đau, sự mất mát, để lại cho mỗi người, mỗi gia đình, bạn bè và người thân các thương binh, liệt sỹ. Những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, … để giờ đây những nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9,… bạt ngàn những ngôi mộ, biết bao làng không chồng, trại thương binh trên đất nước. Đó là bằng chứng của tội ác chiến tranh, là những tiếng bi ai rung động đất trời. Ngoài những mất mát, hi sinh mà các anh đã vinh viễn mất đi ở chiến trường thì vẫn còn đó những di chứng, thương tật mà các anh còn để lại trên cơ thể của mình cũng như để lại cho thế hệ con cháu về sau này. Đó là các nạn nhân của chất độc màu da cam, đó là những đứa trẻ bị di chứng của chiến tranh do bố mẹ tham gia chiến trường. Máu xương của các anh, các chị đã tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, chiến công của các anh, các chị đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành những trang sử vàng chói lọi, để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau còn mãi tự hào.

Để đền đáp công ơn to lớn đó, kế tục và phát huy đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu nhất. Thế hệ trẻ ngày nay luôn xung kích, tiên phong, trách nhiệm và nghĩa tình trong việc chung tay cùng xã hội, thực hiện nhiều công trình, phần việc nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7 đã tổ chức hành trình tri ân về các địa chỉ đỏ của đất nước; thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, xây mới nhà nhân ái, nhà tình nghĩa.

Cùng với đó, các đoàn viên, thanh niên, y bác sĩ trẻ khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, cựu thanh niên xung phong, gia đình có công với cách mạng; đảm nhận, chăm sóc, giữ gìn các công trình tưởng niệm, các nghĩa trang liệt sỹ trên khắp cả nước. Bằng nhiều việc làm thiết thực, thế hệ trẻ hôm nay mong muốn được thể hiện lòng tri ân sâu sắc tới các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Tổ chức cho đoàn viên, thanh thiếu nhi và học sinh chăm sóc, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm tại địa phương đã được lồng ghép tổ chức trong các hoạt động đoàn, hội, đội và phong trào thanh, thiếu nhi. Ngoài ra, tuổi trẻ của đất nước còn thường xuyên tổ chức rà soát danh sách Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng để đăng ký đảm nhận chăm sóc, phụng dưỡng; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên giúp đỡ ngày công tình nguyện sửa chữa nhà ở, xây dựng chuồng trại cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức tu sửa, chỉnh trang, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp tại các nghĩa trang, tượng đài liệt sỹ, các di tích lịch sử văn hoá; đăng ký, đảm nhận thực hiện các công trình phần việc thanh niên.

Là tuổi trẻ chúng ta luôn kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, luôn tin tưởng và chấp hành nghiêm những đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Quyết tâm cao nhất trong nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, đóng góp trí tuệ, sức lực, tài năng cho sự phát triển nhanh, mạnh mẽ, bền vững của đất nước, xứng đáng với sự hy sinh và kỳ vọng của các anh hùng, liệt sĩ, các thế hệ cha anh đi trước.

Ngày 27/7 không chỉ là ngày chúng ta ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, những thương bình đã anh dũng chiến đấu với giặc để giành lại độc lập tự do cho dân tộc, đây cũng là dịp để chúng ta có thể giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, và cần phải làm cho thế hệ trẻ hiểu được công ơn to lớn của những anh hùng liệt sĩ, những thương binh, cựu chiến binh.

Đất nước ta đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước vì dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đó là mục tiêu đáp ứng khát vọng của toàn dân, do đó hơn lúc nào hết công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng vừa là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, vừa là trách nhiệm và tình cảm của thế hệ trẻ ngày nay.

3. Vĩ thanh

Nhìn lại quá khứ, dòng chảy thời gian đã gắn kết các chặng đường lịch sử dân tộc ta đã phải trải qua hàng trăm năm chiến đấu đầy hy sinh gian khổ đã nhất tề đứng dậy chặt hết xích xiềng nô lệ để giành lại độc lập tự do cho Tổ Quốc, sự hy sinh và những chiến công oanh liệt của các anh mãi mãi là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam, mãi mãi được khắc ghi vào bia đá sử vàng và là điểm tựa vĩnh hằng cho thế hệ mai sau.

Chúng tôi, những thế hệ trẻ Việt Nam là những người may mắn và hạnh phúc sinh ra trong thời bình nhưng qua những nhân chứng lịch sử, qua trang sử hào hùng chúng tôi luôn tự hào về các anh. Các anh ra đi để lại sự hòa bình cho Tổ quốc. Chúng tôi sẽ nguyện bước tiếp con đường mà các anh đã chọn, sống, lao động và học tập thật tốt để xứng đáng với những hy sinh to lớn của các anh.

Thế hệ trẻ chúng ta hôm nay có quyền tự hào về thế hệ cha anh đi tr­ước. Chúng ta hãy noi g­ương các anh hùng liệt sỹ – những ng­ười đã hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, bằng những hành động cụ thể hãy cống hiến hết sức mình để xây dựng đất n­ước ta “ngày càng to đẹp hơn” sánh vai với các c­ường quốc trên thế giới như­ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

 

Rate this post

Viết một bình luận