Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng – Bác sĩ Lê Thu Phương – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Khuyến khích niềm đam mê tự nhiên của bé với âm nhạc có thể củng cố mối quan hệ của bạn với bé, tăng cường kỹ năng ngôn ngữ của bé và mở ra cánh cửa thú vị cho trẻ khám phá. Vậy nghe nhạc có thực sự mang lại lợi cho trẻ nhỏ?
1. Nghe nhạc có mang lại nhiều lợi ích cho trẻ?
Chắn chắn âm nhạc có thể mang lại nhiều lợi ích không chỉ đối với trẻ em mà còn với tất cả mọi người. Hãy thử nghĩ xem âm nhạc đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống? Những giai điệu lạc quan, vui vẻ giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng và những áp lực trong cuộc sống, hay nhạc nhẹ và nhạc blues giúp mỗi người dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Đối với trẻ sơ sinh, tác dụng của âm nhạc cũng không khác so với người trưởng thành.
Những bài hát ru đã chứng minh khả năng của người mẹ trong việc giúp trẻ sơ sinh thấy thoải mái và dễ dàng đưa bé đi vào mỗi giấc ngủ ngon. Thậm chí nhiều em bé đã quấy khóc và không chịu đi ngủ cho đến khi cha mẹ hoặc người chăm sóc cất lên những tiếng hát ru quen thuộc.
Âm nhạc đôi khi còn là một phần của liệu pháp điều trị cho những trẻ sơ sinh bị sinh non. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh mối liên quan giữa nghe nhạc với việc cải thiện khả năng tăng cân ở trẻ sơ sinh. Một nghiên cứu trong số này đã cho thấy trẻ sinh non 34 tuần tuổi được cho ngậm những chiếc núm vú giả lưu trữ một số bài hát ru có thời gian nằm viện và chăm sóc đặc biệt ngắn hơn đáng kể.
Âm nhạc cũng có thể mang lại lợi ích cho chính người thân trong gia đình của bé, giúp người mẹ xoa dịu cảm giác đau đớn sau khi sinh hay khiến những ông bố lạc quan hơn, giảm bớt những áp lực đang phải chịu từ công việc, tình hình tài chính gia đình…. Âm nhạc còn giúp gắn kết tình cảm của cha mẹ với con cái. Hãy tưởng tượng niềm vui khi bé và cha mẹ cùng lắc lư theo nhịp điệu của một bài hát vui nhộn. Hoặc bé sẽ cảm thấy dễ chịu như thế nào khi được nằm gọn trong vòng tay âu yếm và được nghe những lời hát ru từ mẹ.
2. Âm nhạc có thể giúp trẻ thông minh hơn?
Câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa tìm ra được câu trả lời xác đáng bởi không có quá nhiều nghiên cứu được thực hiện để kiểm tra mối liên quan giữa âm nhạc và trí tuệ của trẻ sơ sinh. Một số chuyên gia cho rằng học chơi các loại nhạc cụ có thể giúp trẻ thông minh hơn, điều đó thể hiện rõ trong môn toán học. Tuy nhiên những kết luận này dựa trên những nghiên cứu ở trẻ lớn tuổi chứ không phải trẻ sơ sinh và những trẻ mới biết đi. Mặc dù vậy, cũng đã có nhiều nghiên cứu cho thấy học nhạc từ khi còn nhỏ có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của não bộ.
Một nghiên cứu được thực hiện trên cả sinh viên đại học và trẻ 5 tuổi cho thấy việc thường xuyên nghe những bản nhạc êm dịu có thể giúp cải thiện điểm số trong những bài kiểm tra nhận thức cũng như thúc đẩy sự sáng tạo của người nghe. Một nghiên cứu khác lại cho thấy trẻ sơ sinh có thể phân biệt ngôn ngữ giữa tiếng mẹ đẻ và các loại ngôn ngữ khác bằng cách nghe cao độ và nhịp điệu. Khi trẻ được 2 tháng tuổi, chúng thậm chí còn có thể nhớ được cả những giai điệu ngắn. Nếu điều đó chưa khiến các bậc cha mẹ ngạc nhiên thì theo tiết lộ của một số chuyên gia, thai nhi 35 tuần tuổi có thể phân biệt và ghi nhớ các loại âm thanh khác nhau. Đó là lý do giải thích trào lưu cho trẻ nghe nhạc từ khi còn nằm trong bụng mẹ.
3. Những cách tốt nhất để đưa âm nhạc vào đời sống trẻ nhỏ
Cách tốt nhất để biến âm nhạc trở thành một phần trong cuộc sống của bé yêu đó chính là hạn chế thời gian dành cho các thiết bị giải trí thay vào đó hãy dành thời gian cho trẻ nghe âm nhạc hoặc rèn luyện khả năng chơi các loại nhạc cụ. Theo Rosalie Pratt, giáo sư y học âm nhạc tại Đại học Brigham Young thì việc đó giống như chúng ta đang gieo những hạt giống tốt vậy. Dưới đây là một số cách các ông bố bà mẹ có thể thực hiện để đưa âm nhạc từng bước đi vào cuộc sống của trẻ:
- Cho trẻ nghe nhạc trước khi đi ngủ. Liên kết các bài hát cụ thể mỗi cuối ngày để rèn cho trẻ thói quen hễ nghe thấy những bài hát đó là buồn ngủ. Những bài hát ru là lựa chọn hoàn hảo, ngoài ra cũng không nên bỏ qua một số bài hát với giai điệu nhẹ nhàng. Nhịp độ chậm dần của bài hát cùng với không gian phòng ngủ dần tối đi là cách hiệu quả nhất để trẻ dễ dàng bước vào giấc ngủ ngon sâu hơn. Tuy nhiên, các ông bố bà mẹ cần tránh bật nhạc và để qua đêm trong lúc trẻ ngủ, điều đó có thể khiến não bộ của trẻ bị kích thích. Thay vào đó hãy cho bé nghe một vài bài hát sau đó tắt đi trước khi trẻ bước vào giấc ngủ.
- Hát cho bé nghe: Các ông bố bà mẹ đừng nên quá lo lắng về chất giọng cũng như cách họ phát âm theo nhịp điệu bài hát. Bé không phải là một nhà phê bình âm nhạc và sẽ cảm thấy thích thú và chú ý đến tất cả những gì ba mẹ chúng thể hiện. Sự lựa chọn của các bà mẹ cũng không nhất thiết chỉ dừng lại ở những bài hát ru. Thậm chí họ còn có thể lồng ghép các bài hát vào các trò chơi hoặc những hành động tưởng chừng đơn giản. Chẳng hạn các bà mẹ có thể vừa dạy trẻ tập đi vừa hát bài đồng dao dành cho thiếu nhi“Dung dăng dung dẻ” kèm với đó là hành động lắc hông cũng như biểu hiện vui nhộn trên khuôn mặt để thu hút bé. Điều này có thể làm bé cảm thấy hứng thú và việc tập đi sẽ trở nên dễ dàng hơn.
- Để bé tự tạo âm nhạc cho riêng mình: Những đứa trẻ sơ sinh có thể biểu hiện những sở thích khác nhau liên quan đến các loại nhạc cụ. Nhiều bé thích gõ trống, đánh một chiếc piano đồ chơi, tuy nhiên các ông bố bà mẹ không nên quá xem trọng những điều đó ở độ tuổi này. Hầu hết trẻ em chưa sẵn sàng để cảm thụ âm nhạc cũng như học cách chơi các loại nhạc cụ cho đến khi trẻ được khoảng 5 đến 7 tuổi.
4. Loại âm nhạc nào tốt nhất với trẻ sơ sinh
Hãy để sở thích cá nhân của bố mẹ trẻ quyết định những bản nhạc mà họ và bé sẽ nghe. Nếu bạn mở lên một bài nhạc cổ điển và nhận được sự hưởng ứng của trẻ hoặc bé biểu hiện chăm chú lắng nghe, đừng ngần ngại thường xuyên mở những bản nhạc như thế. Phát các giai điệu yêu thích trong các chương trình tivi hay giả làm một tay trống cự phách với đôi đũa và một các bát. Bất kỳ thứ gì cũng có thể tạo thành những giai điệu vui nhộn, miễn là trẻ cảm thấy hào hứng với chúng mặc dù nên chọn những giai điệu chậm, du dương để ru trẻ ngủ và những bài hát tiết tấu nhanh cho giờ chơi.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên cho trẻ sơ sinh nghe nhạc rock, grunge hoặc rap. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sơ sinh thích những âm thanh êm dịu, hài hòa hơn là những âm thanh gay gắt, bất hòa. Khi nói đến giai điệu âm nhạc dành cho bé, hãy nghĩ đến những điều đơn giản và vui vẻ.
Mục tiêu của việc cho trẻ làm quen với âm nhạc từ sớm chỉ đơn giản là để nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc của bé chứ không nhất thiết là để tạo dựng nên hình tượng một ca sĩ hay nhà soạn nhạc vĩ đại. Nghe nhạc là để giải trí và giúp trẻ tiếp xúc với những loại âm thanh cũng như nhịp điệu mới lạ. Hãy quan tâm đến những giai điệu bé tỏ ra thích thú và lựa chọn những bài hát phù hợp với giai điệu đó.
Trẻ trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, bệnh lý về da và nhiễm trùng đường tiêu hóa…cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Nguồn tham khảo: babycenter.com, whattoexpect.com, unicef.org