Nghề săn rết

Từ ngày cá kiểng lên đời, rất nhiều thanh niên ở vùng nông thôn An Giang đi săn rết độc bán cho các người nuôi cá rồng. Một nghề cực nhọc và bấp bênh.

Mồi khoái khẩu cho cá rồng

Cứ cách vài tuần anh Thanh Phương (Long Xuyên, An Giang) lại đi tới các nhà có nuôi cá rồng giao rết, mỗi điểm 5 – 10 con. Đấy là những con rết chỉ to bằng đầu cây nhang, màu đen nâu, giá 2.000 đồng/con. Anh Lương Công Khanh nói: “Cá rồng khoái ăn rết lắm, vừa thấy rơi xuống nước là nó lao tới đớp liền. Ăn rết xong cá “sung” lắm: toát lên màu đỏ rực, lội tung tăng, vươn vây vươn kỳ, phình đuôi rất đẹp. Nếu ăn rết “bự” (bằng ngón tay út trở lên) thì cá càng sáng màu lâu, vài ngày sau mới trở lại như thường”. Tuy nhiên phải là rết sống thì cá ăn xong mới “biến màu”. Người ta nghĩ nọc rết có chất gì đó kích thích cá lên màu! Nhưng cũng nên hạn chế cho cá rồng ăn rết bởi nó có thể “ghiền” mùi rết, không chịu ăn côn trùng khác.

Giữa trưa trên vùng Bảy Núi chúng tôi gặp anh Kim Bang đang chở rết bán. Những con rết núi to hơn ngón tay út, màu nâu đỏ bò lừ đừ trong các vỏ chai nước. Loại rết to được gọi là “ngô công”, anh đem bán cho các điểm thu mua côn trùng và bò sát với giá 4.000 – 6.000 đồng/con. Các điểm thu mua này sẽ bán lại cho khách 10.000 – 15.000 đồng/con. Người ta còn ngâm rượu rết trị bệnh. Tại An Giang món “gỏi ngô công” làm bằng thịt rết nướng.

Nghề nguy hiểm

Rết (rít, bách túc trùng) sống ở những nơi ẩm thấp, dưới tảng đá, lá cây, thanh gỗ mục, gò đất, mái nhà lá, mái ngói. Người dân rất sợ rết trên mái nhà bất thình lình rơi xuống ngay người vì nọc rết rất độc.

Săn rết là một nghề nguy hiểm. Anh Phương đã trổ tài bắt rết cho chúng tôi xem: anh trút thùng đựng rết ra, những con rết lẹ như chớp lao vùn vụt tìm đường thoát, Phương chỉ cần cầm cây kiềm xớt nhẹ là bắt dính. Anh Bang cho biết đuôi và các chân sau của rết lớn trông thật dữ dằn, nhưng thực ra rết chỉ dùng chúng để hù, và cái miệng rết mới đáng sợ. Ai bị rết cắn sẽ bị đau nhức, nóng lạnh… Rết rất lẹ và hung dữ, nếu chậm tay hay sơ sẩy thì dễ bị cắn, lúc ấy phải tìm nhớt gà hay vôi ăn trầu bôi lên vết cắn.

Anh Phương nói điều anh lo nhất là nghề bắt rết chỉ sống theo phong trào nuôi cá rồng. Lúc người ta hết thích nuôi cá rồng, chạy theo thú chơi kiểng khác, thì những người săn rết như anh sẽ thất nghiệp, bởi vậy anh hiện đang tìm cách học nghề sửa xe. Anh Bang thì cho biết bạn bè anh cũng chán với cái nghề bắt côn trùng này, vì vừa nguy hiểm vừa chẳng được ai xem trọng (?)…

Hoa Mai

Rate this post

Viết một bình luận