Từ lâu, thơ ca đã đi vào cuộc sống như một tri âm với bao buồn vui của con người. Ít loại hình nghệ thuật nào cô đọng, hàm súc như thơ. Dường như mọi cảm xúc chỉ được dồn nén vừa đủ trong từng con chữ…
Sự quyến rũ của thơ ca không chỉ nằm trên trang giấy, mà còn ở trong giọng đọc, giọng ngâm của tác giả, của người nghệ sĩ. Ở phương Tây, người ta không ngâm thơ, mà chỉ đọc thơ, đọc diễn cảm, có khi lên giọng xuống giọng theo ngữ điệu âm thanh của ngôn ngữ. Đọc thơ, trước đám đông, ngoài việc chuyển tải nội dung, còn được nhân lên bằng chiều kích của nhiệt tình, tạo không khí sôi nổi, lôi cuốn người nghe. Nhà thơ lúc này thể hiện trọn vẹn con người hành động và con người nghệ sĩ, tài năng và thi hứng. Đọc thơ, ngâm thơ từ xa xưa vẫn gắn bó với đời sống văn nghệ, nhất là trong những dịp xuân về. Nhưng lâu nay gần như đã bị lãng quên! Thời buổi công nghệ đã ít nhiều làm cho bộ môn nghệ thuật này mai một. Hiện nay, các nhà thơ có quá nhiều cách để công bố tác phẩm của mình, có phải vì thế việc ngâm thơ trở nên không cần thiết?
Trên Internet lâu nay vẫn có nhiều chương trình ngâm thơ rải rác, đơn lẻ của nhiều nghệ sĩ, nhưng ít được công chúng chú ý. Gần đây, trên facebook của một nhà thơ xuất hiện chuyên mục “Tiếng thơ cuối tuần” đã gây được sự chú ý của công chúng yêu thơ, nhất là các nhà thơ trên cộng đồng mạng trong và ngoài nước. Nó như một món ăn “hợp khẩu vị” với tâm hồn người Việt, bởi vốn ai chẳng được sinh ra từ những làn điệu dân ca, từ những thanh âm ngọt ngào bên chiếc nôi – lòng mẹ.
Tôi còn nhớ, một lần GS-TS Trần Văn Khê trò chuyện với giới văn nghệ, cho rằng, ngâm thơ thường không có tiết tấu. Mỗi chữ trong câu thơ được ngân nga, lên cao xuống thấp, trầm bổng nhịp nhàng tùy theo cảm xúc của người nghệ sĩ. Chính vì yếu tố nhạc điệu linh hoạt ấy mà chỉ ở Việt Nam mới có nghệ thuật ngâm thơ độc đáo, và đã trường tồn từ lâu đời. Có thể nói ngâm thơ chính là món “đặc sản” của âm nhạc dân tộc giao hòa cùng thi ca. Ở nơi nào trên thế giới cũng có thơ. Bài thơ nào cũng có thể tìm được người tri kỷ dù có phải vượt qua rào cản ngôn ngữ. Nhưng nghệ thuật ngâm thơ như của người Việt thì dường như ít nơi đâu có được.
Lại nói về “Tiếng thơ cuối tuần” trên facebook, đây là một sân chơi không chỉ hoài cổ mà nó còn là nơi giao lưu của các văn nghệ sĩ và công chúng yêu thơ. Đặc biệt với các bạn trẻ, họ tiếp cận với một bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là người có ý tưởng thực hiện chương trình này, tâm sự: “Thế hệ chúng tôi và trước đó, rất nhiều người thích nghệ thuật ngâm thơ. Tôi còn nhớ những đêm nằm chờ nghe “Tiếng thơ” trên đài Tiếng nói Việt Nam mỗi tối Chủ nhật. Bây giờ “Tiếng thơ” ấy vẫn còn nhưng một phần do ít đầu tư chương trình; phần khác các phương tiện truyền hình đã lấy hết khán thính giả, nên ngày càng mai một? Thực ra “Tiếng thơ cuối tuần” trên một trang mạng cộng đồng cũng chỉ là điểm gặp gỡ, giao lưu hạn hẹp thôi. Ban đầu tôi nghĩ mỗi tuần sẽ chọn một bài thơ cũng từ trên các trang facebook, báo mạng để thu âm, dựng clip hoặc thu hình rồi post lên giới thiệu với bạn bè cho vui. Nhưng không ngờ “Tiếng thơ cuối tuần” đã được nhiều người, kể cả Việt kiều ở nước ngoài đón nhận… Năm 2015, chúng tôi đã thực hiện gần 40 số. Trong đó có một số chương trình phối hợp với một đài phát thanh truyền hình phát sóng rộng rãi và đã phát hành một album thơ “Gửi quê” đến với cộng đồng”.
Không chỉ bạn bè văn nghệ, công chúng yêu thơ mà các nghệ sĩ tên tuổi như Ngọc Sang, NSƯT Hồng Vân – một trong những giọng ngâm thơ truyền cảm nhất cho đến bây giờ cũng tham gia cùng chương trình. Đặc biệt các giọng ngâm tiêu biểu của TP.Đà Nẵng như Kim Loan, Thanh Hải, Thu Lan… thường xuyên cộng tác. Tất cả đều tự nguyện vì sân chơi này, góp phần tạo thêm một nét văn hóa trong bức tranh chung của nền văn nghệ xứ Quảng.
NSƯT Hồng Vân cho biết, những năm 60 của thế kỷ trước, ngâm thơ là một tiết mục, một loại hình có vị trí quan trọng trong đời sống nghệ thuật và xã hội. Giọng ngâm có sự bổ trợ đắc lực “lợi hại” của âm thanh nhạc cụ như tiếng sáo, tiếng đàn, dàn nhạc. Thơ để ngâm phải có giọng điệu thích hợp: giọng tâm tình, riêng tư dễ được chấp nhận. Người nghe nhiều khi quên hết câu chữ mà rung cảm theo giọng ngâm mượt mà, theo tiếng đàn, tiếng sáo. Lời thơ được chắp cành bay lượn. Tôi nghĩ những nhà quản lý, những người làm nghệ thuật cần hỗ trợ, nhân rộng sân chơi này, đó cũng là cách giữ gìn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Nghệ sĩ Ngọc Sang là một giọng ngâm nam tên tuổi hiếm hoi hiện nay trong nước. Anh là người con Quảng Nam, sống xa quê, vừa về Đà Nẵng cùng với NSƯT Hồng Vân để ghi hình chương trình tết. Ngọc Sang tâm sự rằng, ở TP.Hồ Chí Minh, các nhà văn hóa vẫn còn hoạt động đều về bộ môn nghệ thuật này. “Ở quê mình, ngâm thơ dường như đang chết dần chết mòn, chỉ còn sinh hoạt ở một số chùa chiền nhỏ lẻ. Từ khi “Tiếng thơ cuối tuần” do nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh thực hiện, tôi ra vào Đà Nẵng thường xuyên hơn, tự nguyện đóng góp bất vụ lợi nhằm động viên cho chương trình được tồn tại lâu dài. Đó cũng là ý nguyện làm nghề, mong cho nghệ thuật ngâm thơ còn gần gũi, gắn bó với người dân quê mình” – nghệ sĩ Ngọc Sang chia sẻ.
Có thể đây còn là một sân chơi nhỏ, nhưng hy vọng với niềm đam mê của những người yêu thơ, của các văn nghệ sĩ, từ “Tiếng thơ cuối tuần” sẽ trở thành một chương trình rộng lớn hơn đến với cộng đồng. Một thông tin vui là năm 2016 này, sân chơi “Tiếng thơ cuối tuần” sẽ được đài truyền hình địa phương phối hợp thực hiện. Qua đó nhằm hoàn thiện một sân chơi lớn để phục vụ công chúng, với nét đặc trưng của một môn nghệ thuật truyền thống do cha ông để lại.
Hồng Việt (baoquangnam)