Nghị luận Sống đẹp là thế nào hỡi bạn | Nghị luận về lối sống đẹp | Văn mẫu 12

    Nghị luận Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn, hướng dẫn cách làm, lập dàn ý chi tiết và tham khảo tuyển chọn những bài văn mẫu hay bàn về lối sống đẹp trong xã hội hiện nay.

 Cùng Đọc Tài Liệu tham khảo ngay…

Hướng dẫn làm bài

văn nghị luận Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn

Đề bài: Anh chị hãy nghị luận câu nói của Tố Hữu: “Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn?”.

1.

Phân tích đề

– Yêu cầu: trình bày suy nghĩ về câu nói của Tố Hữu “Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn ?”

– Dạng đề : Nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống.

– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : những câu chuyện, sự việc, con người biểu hiện của lối sống đẹp trong cuộc sống.

– Thao tác lập luận : giải thích, phân tích, bình luận.

2.

Hệ thống luận điểm

Luận điểm 1: Giải thích sống đẹp là gì? Nội dung ý nghĩa câu nói của Tố Hữu?

Luận điểm 2: Những biểu hiện của lối sống đẹp

Luận điểm 3: Ý nghĩa của sống đẹp

Luận điểm 4: Làm thế nào để sống đẹp?

3.

Lập dàn ý chi tiết

a) Mở bài

– Dẫn dắt vào vấn đề: lựa chọn lối sống là vấn đề khó khăn đối với nhiều bạn trẻ.

– Giải thích mục đích, ý nghĩa câu thơ: là sự băn khoăn, trăn trở về một lẽ sống đẹp, đó là câu hỏi của nhiều người không riêng gì nhà thơ Tố Hữu.

b) Thân bài

* Luận điểm 1: Giải thích sống đẹp là gì? Nội dung ý nghĩa câu nói của Tố Hữu

– Sống đẹp là sống thật con người mình, sống là mình một cách chân thành, sống không trái với lương tâm của một con người.

– Sống đẹp là sống yêu thương, trân trọng, sẻ chia với mọi người, trân trọng những gì mình có, đồng thời cũng biết căm ghét những điều xấu xa

– Sống đẹp là biết cố gắng, nỗ lực hoàn thiện bản thân, có ước mơ, có nghị lực thực hiện ước mơ.

– Sống đẹp không chỉ là sống cho riêng mình mà là dùng tài năng, công sức của mình để cống hiến làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

=> Sống đẹp là sống có ý nghĩa, sống có ích cho cộng đồng, quốc gia dân tộc, sống khẳng định năng lực bản thân, giá trị của mỗi cá nhân; sống khiến người khác cảm phục, yêu mến, kính trọng, noi theo; sống với tâm hồn, tình cảm nhân cách, suy nghĩ khát vọng chính đáng, cao đẹp.

– Ý nghĩa câu thơ của Tố Hữu: nêu lên vấn đề sống đẹp trong cuộc sống mỗi con người, khuyên con người sống phải có ước mơ, lí tưởng và khát vọng lớn lao, để hoàn thiện nhân cách, năng lực giúp mình, giúp đời.

Luận điểm 2: Những biểu hiện của lối sống đẹp

– Sống có lí tưởng, mục đích đúng đắn, cao đẹp:

+ Sống tự lập, có ích cho xã hội.

+ Sống biết dung hòa lợi ích bản thân và cộng đồng.

+ Sống có ước mơ, khát vọng, hoài bão vươn lên, khẳng định giá trị, năng lực bản thân.

– Sống có tâm hồn, tình cảm lành mạnh, nhân hậu:

+ Sống hiếu nghĩa với người thân.

+ Quan tâm, yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh.

+ Dũng cảm, lạc quan, giàu ý chí, nghị lực.

+ Không chạy theo lối sống lập dị, không phù hợp với truyền thống, thẩm mĩ, văn hóa dân tộc.

– Sống không ngừng học hỏi, mở mang trí tuệ, bồi bổ kiến thức:

+ Học để biết, để có kiến thức về các lĩnh vực xã hội, để khám phá chính mình.

+ Học để sống có văn hóa, tiến bộ.

+ Học để làm, để chung sống, để khẳng định chính mình.

– Sống phải hành động lương thiện, tích cực:

+ Không nói suông mà phải có hành động cụ thể để chứng tỏ lối sống đẹp.

+ Hành động cần có tính xây dựng, tránh vì lợi ích cá nhân mà gây bất lợi cho lợi ích tập thể.

Luận điểm 3: Ý nghĩa của sống đẹp

– Sống đẹp khiến cuộc sống trở nên ý nghĩa, “sống” theo đúng nghĩa chứ không phải sự tồn tại đơn thuần: đời sống tinh thần phong phong phú hơn.

– Khi ta có một cách sống đẹp, bản thân mới thực sự có giá trị, ta sẽ nhận được sự yêu thương, giúp đỡ từ người khác

– Được mọi người yêu quý

– Làm cho chúng ta cảm thấy yêu đời và thoải mái hơn

– Giúp cuộc sống và xã hội tươi đẹp hơn

– Nếu mỗi người đều có một lối sống tích cực thì sẽ không còn khoảng cách giữa người nữa.

* Luận điểm 4: Làm thế nào để sống đẹp?

– Tích cực học tập trong cuộc sống, lịch sử, sách vở.

– Xác định mục đích sống rõ ràng.

– Rèn luyện đạo đức, tinh thần lao động, mở mang tri thức

* Bàn luận, mở rộng

– Phê phán những biểu hiện sống tiêu cực: ích kỉ, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, sống vô cảm, thờ ơ, sa vào tệ nạn,…

– Sống đẹp không phải chỉ ngày một ngày hai có thể làm được, nó thể hiện ở những hành động nhỏ nhất trong suốt đời người.

* Liên hệ bản thân

– Luôn mở rộng lòng mình để yêu thương, sẻ chia nhiều hơn với người thân, gia đình và những người xung quanh.

– Không ngừng nỗ lực học tập để hoàn thiện bản thân góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp.

– Cần tỉnh táo để tránh xa lối sống ăn chơi, sa đọa.

– Biết lựa chọn những giá trị đẹp để tiếp thu và học hỏi.

c) Kết bài

– Khẳng định vai trò và ý nghĩa của sống đẹp.

Một số bài văn hay

nghị luận về lối sống đẹp

Bài làm mẫu hay nhất của học sinh lớp 12

“Phải sống như thế nào?” là một câu hỏi tự đặt ra, luôn luôn trăn trở với nhiều người trong cuộc sống hằng ngày. Đó là một câu hỏi mà nhiều người trong chúng ta từng phấn đấu thể hiện không mệt mỏi. Thi sĩ Tố Hữu đã từng viết: “Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn ?”. Có thể nói đó là một câu thơ hay, một ý thơ đẹp, nhiều gợi mở, từng trở thành hành trang tâm hồn của bao bạn trẻ ngày nay.

Vậy thế nào là sống đẹp? Cách sống là cách làm người; sống đẹp là sống đúng đạo lí của dân tộc, sống đúng gia phong nếp nhà, biết “giấy rách phải giữ lấy lề”. Sống đẹp là cách sống có văn hóa, có học, từ cách ăn mặc đi đứng đến ngôn ngữ ứng xử từ hành động thái độ đến việc làm cụ thể đều đúng mực, có ích, được mọi người đồng tình và ngợi khen, cổ nhân lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm chuẩn mực để đánh giá nhân cách kẻ sĩ để phân biệt quân tử với tiểu nhân. Ngày nay, nhân dân ta lại lấy gương người tốt việc tốt, nêu cao những con người biết sống, học tập, lao động theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để hướng tới và vươn lên.

Sống đẹp phải tùy thuộc vào lứa tuổi, vị thế xã hội. Các em nhỏ chăm ngoan, vệ sinh sạch sẽ, học giỏi là sống đẹp. Các cụ già “tuổi xưa nay hiếm” lại nêu cao khẩu hiệu: “Sống khỏe, sống vui, sống có ích” để làm gương cho con cháu noi theo. Một em bé chăn trâu đã dũng cảm nhảy xuống dòng sông cứu bạn khỏi chết đuối là sống đẹp. Một cán bộ biên phòng dũng cảm băng qua dòng nước lũ để cứu dân là sống đẹp. Một Việt kiều, một cán bộ sứ quán Việt Nam đã nêu cao, làm nổi bật những nét bản sắc của nhân dân ta trước bạn bè năm châu bốn biển là sống đẹp.

Phải biết sống đẹp trong đời thường hằng ngày. Siêng năng làm ăn, cần cù lao động, sống giản dị khiêm tốn, học hành chăm chỉ… là sống đẹp. Tham ô, lãng phí, đè đầu cưỡi cổ nhân dân là kẻ tha hóa, bất lương. Cán bộ, công chức sống đẹp là phái thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm theo điều Bác Hồ dạy là sống đẹp.

Thầy, cô giáo thương yêu, chăm lo dạy bảo học sinh, coi học sinh như con em ruột thịt của mình, phấn đấu dạy tốt, dạy giỏi là sống đẹp. Thầy thuốc hết lòng săn sóc bệnh nhân, chữa bệnh giỏi, lương y như từ mẫu là sống đẹp.

Nhân ái là truyền thống đạo lí cao đẹp của nhân dân. Tình thương đã tỏa sáng tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Các câu ca, câu hát: “Lá lành đùm lá rách”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” luôn luôn được hàng triệu người nhắc đi nhắc lại và làm theo. Người có lòng nhân sống yêu thương săn sóc mọi người là sống đẹp.

Gia huấn ca tương truyền là của Nguyễn Trãi được các cụ già nhắc lại để khuyên bảo con cháu biết sống đẹp đế giữ lấy gia phong, giữ lấy nếp nhà:

Khi còn bé tại gia hầu hạ,

Dưới hai thân vâng dạ theo lời

Khi ăn, khi nói, khi cười,

Vào trong khuôn phép, ra ngoài đoan trang…

Thời kháng chiến chống Mĩ tuổi trẻ Việt Nam đã xả thân anh dũng chiến đấu để sống đẹp, nêu cao tâm thế và lí tưởng: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thẳng!”.

“Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn?” – Đó là một câu thơ, câu hỏi rất thú vị. Một anh bạn đã nói: “Chí hướng của mình là học giỏi hôm nay để làm giàu ngày mai”. Lại có một cô nữ sinh lớp 12 tâm sự: “Phấn đấu thi tốt nghiệp, thi đại học đạt điểm cao, thi đỗ vài trường mà mình mơ ước”.

» Xem thêm: Dàn ý nghị luận Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn

Những mẫu bài nghị luận về câu nói

: Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn!

Bài số 1:

Cuộc sống vẫn luôn đặt ra cho chúng ta rất nhiều câu hỏi khiến chúng ta phải băn khoăn, trăn trở để đi tìm câu trả lời. Sống thế nào cho đúng, sống thế nào cho không mất lòng người khác… Có quá nhiều thứ mà chúng ta cần phải lần lượt đi tìm đáp án, cũng như để hoàn thiện bản thân mình từng ngày. Tố Hữu từng băn khoăn với câu hỏi “Ôi sống đẹp là thế nào, hỡi bạn”. Một câu hỏi khiến nhiều người không thể trả lời ngay lập tức được, một câu hỏi có khi phải mất rất nhiều thời gian để tìm ra đáp án.

Tố Hữu là nhà thơ lăn lộn với đời, với nghề, với dân tộc và nhận ra rất nhiều chân lí. Thế nhưng ông vẫn cứ loay hoay với câu hỏi mà có lẽ ai cũng có thể hỏi như vậy.

Một câu cảm thán tự hỏi chính bản thân mình, rộng ra là hỏi người khác, hỏi rằng tôi và bạn đã có ai sống đẹp hay chưa? Bởi hiện nay lối sống đẹp đang là vấn đề cần phải bàn luận và gây tranh cãi. Thế nào là sống đẹp? Biểu hiện của sống đẹp và vai trò của sống đẹp hiện nay.

Mỗi người đều có một cách sống của riêng mình, đó là cách sống phù hợp nhất với suy nghĩ, với phong cách của bản thân mình. Nhưng liệu rằng cách sống đó có khiến người khác hài lòng hay không.

Sống đẹp chính là lối sống đúng với đạo lí từ xa xưa của cha ông ta, đúng với chuẩn mực xã hội, không khiến người khác phải phàn nàn, không ảnh hưởng đến thuần phong mĩ tục. Sống đẹp xuất phát từ phong cách của từng người, chúng ta không nên ép người khác phải sống thế này, sống thế kia, chỉ cần nó là lối sống “đúng và đẹp” như chúng ta vẫn mong.

Sống đẹp là một chuẩn mực mà rất nhiều người hướng đén, tuy nhiên nó không phải là duy nhất. Bởi vì tùy vào độ tuổi mà chúng ta ứng xử, sống như thế nào cho đẹp, cho hay. Mỗi độ tuổi sẽ có những cách sống đẹp khác nhau, không giống nhau nhưng tạo nên một thể thống nhất. Đối với những đứa trẻ thì sống đẹp không phải là cống hiến, không vi phạm luật lệ được đặt ra. Sống đẹp với các em chính là biết vâng lời cha mẹ, biết học hành chăm chỉ, biết cư xử có chủ ngữ với những người lớn hơn… Đó chính là sống đẹp ở các em nhỏ.

Còn đối với người lớn, thì sống đẹp sẽ biểu hiện trong chính suy nghĩ và hành động của người đó hằng ngày. Sống đẹp xuất phát từ lời ăn tiếng nói hằng ngày mà chúng ta vẫn thường chứng kiến. Những người lao động thì cần phải biết chăm chỉ lao động, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Mỗi người một việc, đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc chung cho toàn xã hội.

Trong quá trình lao động thì cần phải giúp đỡ những người yếu kém hơn mình, không vi phạm những quy luật đã đề ra, không nên vì lợi ích của bản thân mình mà chà đạp, vùi dập những người xung quanh. Một ví dụ cụ thể: Trong một cơ quan, chúng ta sống và làm việc cạnh tranh nhau và muốn được vươn xa hơn nữa. Trong quá trình đó, việc bỏ ra thời gian giúp đỡ đồng nghiệp xung quanh không những trau dồi kiến thức mà còn tạo ấn tượng tốt cho những người xung quanh. Họ sẽ yêu quý bạn và trân trọng con người của bản. Như vậy chẳng phải chúng ta đang sống đẹp hay sao.

Trong hai cuộc kháng chiến, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tấm gương sống đẹp. Đó là Nguyễn Văn Trỗi, là Nguyễn Viết Xuân, Võ Thị Sáu. Họ đều là những người sẵn sàng hi sinh bản thân mình để đổi lại sự hòa bình, tự do cho đất nước. Cho đến bây giờ thì lối sống của họ vẫn được nhiều người trân trọng và làm gương.

Sống đẹp sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta thoải mái, hòa đồng, tự tin; đồng thời sẽ khiến cho nhiều người yêu quý và trân trọng bạn.

Cha ông ta từ xưa đến nay vẫn có truyền thống yêu thương những người xung quanh “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”… Lối sống đẹp là lối sống nên phát huy để cuộc sống này thêm tốt đẹp hơn.

Ngược lại có nhiều lại không có cách sống đẹp, mà lại sống không phù hợp với thuần phong mĩ tục, sống vi phạm pháp luật, sống ích kỉ, chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình. Những người như thế sẽ không được mọi người yêu mến, cuộc sống của họ sẽ không được tốt đẹp như họ nghĩ.

Tố Hữu với câu hỏi “Ôi sống đẹp là gì hỡi bạn” thực sự đã thức tỉnh được con người về cách sống nên và đúng trong cuộc sống này. Sống sao cho không hổ thẹn với bản thân mình, tốt cho mình, tốt cho người là cách sống nên tuyên truyền và phát huy hơn nữa.

Bài số 2:

Tùy vào suy nghĩ của từng người mà “sống đẹp” được cảm nhận theo nhiều cách khác nhau, nhưng dù thế nào thì nó cũng mang một ý nghĩa tốt đẹp. Sống đẹp là sống có mục đích, sống có tình cảm, có lí tưởng, sống vì mọi người,…Sống đẹp là mang lại niềm vui cho người khác mà không phải vì một lợi ích cá nhân nào, cũng không phải để mọi người chú ý khen ngợi. Sống như thế chỉ với một mục đích sống tốt đẹp, giúp ích cho đời mang lại niềm vui cho mọi người. Trong kho tàng ca dao – tục ngữ, cha ông ta từng thiết tha sống đẹp. Đến thời đại chúng ta, Tố Hữu cũng tha thiết kêu gọi bằng câu thơ “Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn?”.

Nguyễn Hữu Ân – chàng trai vào đời bằng nghĩa cử đẹp như trang cổ tích, đã dùng gần hết “chiếc bánh thời gian” của mình để thăm nom, chăm sóc cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối; một em học sinh vùng núi hằng ngày cõng bạn bị cụt hai chân đến trường ròng rã bao năm liền… Không chỉ có vậy, ta còn thấy nó qua những câu chuyện phương Đông trong “nhị thập tứ hiếu”,… Nhưng ngày nay không ít người chỉ biết sống cho riêng mình, không cần quan tâm đến mọi người, thậm chí họ còn sẵn sàng chà đạp lên cuộc sống của người khác để kiếm lợi ích cho bản thân mình. Đó là một trong những quan niệm sai lầm về lối sống, đó là một lối sống ích kỉ và nhỏ nhen, nếu như không sớm khắc phục thì hậu quả sẽ không tốt cho thế hệ con cháu sau này, nó biến mọi người trở nên vô cảm và khi đó cuộc sống sẽ rất tẻ nhạt, buồn chán… Để cho xã hội tốt đẹp hơn, trước hết ta phải làm đẹp con người đã, làm đẹp ở đây không phải là đi thẩm mĩ để đẹp dung nhan mà là làm đẹp nhân cách con người. Ta phải rèn luyện tính tự lập hòa đồng biết yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh mình dù đó là một việc làm rất nhỏ. Suy nghĩ trong từng lời nói, cử chỉ sẽ giúp ta rèn luyện phẩm chất tốt đẹp hơn.

Sống đẹp là một chuẩn mực cao nhất trong nhân cách con người, câu thơ của Tố Hữu có tác dụng gợi mở, nhắc nhở chung cho mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay phải biết giữ gìn truyền thống tốt đẹp cùa dân tộc như lá lành đùm lá rách”, “Nhường cơm sẻ áo”, cùng nâng đỡ tâm hồn, nhân cách của nhau để cuộc sống ý nghĩa hơn, góp phần xây dựng một đất nước văn minh giàu đẹp.

-/-

Mời các bạn tham khảo thêm các mẫu bài văn khác trong Bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 12 hoặc tổng hợp tài liệu Văn mẫu 12 hay nhất tại doctailieu.com.

Rate this post

Viết một bình luận