1. Có một giai thoại về một tác phẩm văn học sáu từ: chuyện kể rằng trong một bữa ăn, nhà văn Ernest Hemingway cá 10 đôla với cả bàn ăn rằng ông có thể kể một câu chuyện trong sáu từ. Sau khi tất cả đặt tiền, ông viết lên tờ giấy ăn: For sale: baby shoes, never worn (Rao bán: giày trẻ con, chưa từng dùng), sau đó lần lượt thu tiền của các thành viên khác trong bàn ăn. Tại sao lại như vậy? Chẳng nhẽ một tác phẩm văn học chỉ cần vậy thôi sao? Điều gì làm nên sự khác biệt giữa một tác phẩm văn học sáu từ của Hemingway và một bảng quảng cáo bán giày trên đường phố? Điều gì làm nên chất văn học của một văn bản ngôn từ?
2. Chất văn học của một văn bản ngôn từ giống như một mùi hương đặc trưng tác động vào tế bào thụ thể khứu giác truyền thông tin đến não bộ, giúp chúng ta có những nhận thức cảm tính về văn học, nhưng không ai có thể đưa ra định nghĩa chính xác. Tất cả chúng ta khi nghe tới văn học đều lờ mờ hiểu rằng khái niệm này chỉ một loại hình nghệ thuật, gồm nhiều thể loại như văn xuôi, thơ, và là nỗi sợ của nhiều học sinh trong suốt mười hai năm học. Chúng ta hiểu ở một mức độ phổ quát đủ để xác nhận một hiện tượng văn học, tức là đủ để nói được rằng Truyện Kiều là một tác phẩm văn học. Tuy nhiên, sự hiểu mang tính bề nổi đó không giúp ta giải quyết những vấn đề như tính văn học trong câu chuyện ở trên. Vậy cuối cùng thì, văn học chính xác là gì?
Giống như những loại hình nghệ thuật khác, văn học không có một khái niệm cố định; nó không có hình thù nhất định mà lỏng lẻo như nước, và để định nghĩa văn học, ta phải xem xét hình dạng của cái bình đựng nước. Trong lịch sử, dòng nước văn học đã được đựng trong nhiều chiếc bình khác nhau, mỗi chiếc bình lại dựa trên một góc nhìn, một hệ ý thức, một hệ thống tam quan nhất định, từ đó thể hiện và nhấn mạnh vào những khía cạnh khác nhau của văn học. Đó chính là mục đích của bài viết này: giới thiệu một số chiếc bình đã đựng dòng nước văn học, từ đó giúp cho người đọc tự tạo nên chiếc bình văn học của riêng mình.
3. Trước hết, chúng ta cần dừng lại một chút để tìm hiểu về những thành phần tạo nên dòng nước văn học này. Nhắc đến văn học, người ta thường nghĩ tới những câu chuyện, những vần thơ được in trong các tập sách, gắn với một tác giả hoặc một nhóm tác giả. Trong tư duy của chúng ta, văn học gắn với ngôn ngữ, gắn với mùi giấy mới và những hình vẽ trang trí ở trên bìa. Tuy nhiên, ở khởi điểm ban đầu, văn học không giống như chúng ta nghĩ một chút nào. Ngay từ trước khi có văn tự, văn học đã tồn tại dưới dạng truyền miệng trong văn học dân gian: những câu ca dao, câu tục ngữ, câu hò lao động. Rõ ràng là văn học lấy ngôn ngữ làm chất liệu sáng tạo, nhưng không hoàn toàn phụ thuộc vào văn tự. Tuy nhiên, sự ra đời của văn tự và các hình thức ghi chép văn tự là một bước tiến quan trọng để văn học đạt được những thành tựu to lớn trong tiến trình phát triển văn minh nhân loại như chúng ta thấy ngày hôm nay. Như vậy, văn học là một loại hình nghệ thuật sáng tạo bằng ngôn từ, bao gồm sự phát triển song song và tương hỗ giữa hai bộ phận văn học dân gian và văn học viết.
4. Hãy bắt đầu định dạng dòng nước văn học này bằng một trong những diễn ngôn kinh điển nhất về văn học trong suốt thời kì trung đại: văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí. Xuất phát từ tư tưởng Nho học, quan niệm văn dĩ tải đạo nhấn mạnh đến chức năng giáo dục của văn học, nghĩa là văn học có sứ mệnh quan trọng trong việc định hình và cải tạo quan điểm, tư tưởng, đạo đức, của con người. Theo đó, văn là công cụ truyền tải đạo lý, và thơ là công cụ thể hiện ý chí của con người. Với cách định nghĩa này, văn học có tác dụng như một chất dẫn truyền, một công cụ thể hiện một thông điệp, một tư duy có tính siêu nghiệm và thần thánh. Nó gán cho văn học một nền tảng siêu hình. Văn học được coi như những lời phán, lời chỉ bảo, lời truyền dạy của đấng siêu nhiên; và những nhà văn và nhà thơ trở thành những người đưa tin nói thay lời các vị thánh. Góc nhìn này, dù bắt nguồn từ những ngày tháng văn học và triết học mới được khai sinh, nhưng sau đó nhiều lần được nhắc lại và tái sử dụng trong các trào lưu văn học siêu hình và các trào lưu văn học lãng mạn ở châu Âu.
5. Theo thời gian, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và của tư duy, dòng nước văn học chảy sang những chiếc bình khác. Một trong những định nghĩa nổi tiếng nhất thuộc về nhà văn Maxim Gorky: Văn học là nhân học. Định nghĩa này coi văn học như một ngành khoa học tổng quát về nhân loại. Theo đó, một tác phẩm văn học là một bản báo cáo về một nền văn hóa của một cộng đồng người, về cách cộng đồng người ấy suy nghĩ và tương tác với nhau. Văn học trở thành công cụ khảo cứu, ghi chép, lưu trữ, và tìm hiểu về con người ở quy mô lớn. Văn học, trong quan niệm của Maxim Gorky, là một định nghĩa đầy tính nhân văn, bởi nó lấy con người làm cái cốt lõi, cái hạt nhân căn tính của mình. Như vậy, nếu xét theo định nghĩa này, thì điều tạo nên chất văn học trong Truyện Kiều là những miêu tả chi tiết về các thực hành văn hóa, các phong tục tập quán của cộng đồng người Việt trong quá khứ. Đọc Truyện Kiều, người đọc như nhìn vào một bức tranh tổng thể về đời sống xã hội, về đời sống của tổ tiên, cho thấy cách tư duy một cộng đồng người từng tuân thủ. Một tờ hóa đơn, đối với định nghĩa của Gorky, không phải là tác phẩm văn học vì nó không gợi ra được những suy nghĩ của người đọc về một cộng đồng cụ thể, không khắc họa đời sống và tâm lý của những người trong cộng đồng đó.
Nhưng nếu như văn học là công cụ để khảo sát tâm lý, thì văn học có điểm gì khác khi so sánh với tâm lý học? So với những môn khoa học khác cũng lấy con người làm trọng tâm nghiên cứu như xã hội học, dân tộc học, tâm lý học, và nhân học; văn học mang lại điều gì?
Văn học cũng có thể được coi là môn khoa học về tình cảm con người, bởi văn học giúp miêu tả những cảm xúc và lý giải những hành động mà những ngành khoa học kể trên không giải thích được. Hãy lấy tình yêu làm ví dụ. Một nhà thần kinh học có thể giải thích về hiện tượng khi ta yêu người khác thông qua những phản ứng của não bộ, những chất hóa học được trao đổi, sự tăng của chất này và sự giảm của chất kia, và những yếu tố tương tự như vậy. Nhưng đó đâu phải là yêu? Tình yêu, đối với con người, không chỉ là sự trao đổi chất, mà còn là một trạng thái của tâm lý, một cảm giác có tính vật lý, và một cảm xúc có tính siêu nghiệm. Diễn ngôn khoa học là không đủ để diễn tả cảm xúc con người, do đó, phải có cả diễn ngôn văn học:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu
Nếu như những ngành khoa học kể trên tiếp cận con người với mục đích tìm ra một lời giải thích cuối cùng, một chân lý rốt ráo về con người; thì văn học, với tư cách là một ngành nhân văn, không dùng vào việc đó. Văn học không tìm kiếm một lời giải đáp cuối cùng cho câu hỏi yêu là gì?, mà sẽ mô tả lại những trạng thái tồn tại, những điều kiện tồn tại khác nhau của tình yêu, đồng thời cho ta biết những loại tình yêu khác nhau trong từng điều kiện tồn tại khác nhau. Romeo và Juliet cho ta biết về một kiểu tình yêu trong thời kỳ của Shakespeare vào thời Phục Hưng tại châu Âu; Anna Karenina cho ta một định nghĩa yêu khác trong những ngày tháng của Lev Tolstoy ở thế kỷ 19 trong xã hội Nga phong kiến. Tình yêu trong sáng theo kiểu Nắng mưa là chuyện của giời trong thơ Nguyễn Bính khác với tình yêu xa xôi, diệu vợi và đầy hờn dỗi của Sao anh không về chơi thôn Vĩ? trong thơ Hàn Mặc Tử. Tất cả những tác phẩm trên, không tình yêu nào giống tình yêu nào, nhưng tất cả đều là tình yêu, và chỉ khi nhìn qua lăng kính văn học và nghệ thuật, những cảm xúc con người mới đa dạng và chính xác tới vậy.
6. Có một định nghĩa khác về văn học, đó là: Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Nếu cách định nghĩa đã nêu trên sử dụng con người làm hạt nhân căn tính của văn học, thì cách định nghĩa này đề cao hai khía cạnh khác là tính nghệ thuật và chất liệu ngôn ngữ. Theo đó, văn học được quy về các thủ pháp sáng tác; và một tác phẩm văn học là sự tài tình trong việc đặt vần, xếp chữ, chọn từ, dùng câu; là bản hòa ca của ngôn ngữ. Định nghĩa này quan trọng bởi nó hướng vào giá trị bên trong văn học thay vì hướng ra những thực thể bên ngoài như con người hay thực tại. Từ những từ ngữ mà ta vẫn nói hàng ngày, một nhà văn sử dụng chúng để tạo nên nhân vật, tạo nên các tình huống truyện; một nhà thơ dùng ngôn ngữ để tạo ra những bản đàn lời. Theo định nghĩa này thì, một bảng quảng cáo bán giày không phải là một tác phẩm văn học bởi nó không sử dụng ngôn ngữ văn học nó không phải là nghệ thuật ngôn từ.
Quay trở lại với câu chuyện sáu từ ở trên, bởi định nghĩa này có thể giải thích tính văn học của sáu từ ấy. Chúng được Hemingway đặt cạnh nhau, và khi ở cạnh nhau, chúng tạo nên một tình tiết, một cú plot twist nhỏ. Hãy nghĩ mà xem, nếu chỉ đơn giản là bán một đôi giày mới, được hạ giá trong cửa hàng, tại sao phải có cả never worn? Sáu chữ này có thể gợi ra một liên tưởng sâu hơn bề mặt ngữ nghĩa của chúng: phải chăng có một bà mẹ đã mua cho đứa con sơ sinh của mình một đôi giày trẻ em, nhưng khi chưa kịp đi giày cho đứa con thì đứa bé đã mất? Ẩn dưới tầng nghĩa tường minh là một tầng nghĩa hàm ẩn khác, được tạo ra bởi thủ pháp của Hemingway, giống như nguyên lí tảng băng trôi được ông đề xuất.
7. Tôi luôn coi văn học là một cuộc đối thoại.
Mikhail Bakhtin từng chỉ ra rằng, ngôn ngữ có tính đa thanh. Bắt nguồn từ một khái niệm trong âm nhạc, Bakhtin biến nó thành một quan điểm lý thuyết: ngôn ngữ mà hàng ngày chúng ta đang nói không chỉ có tiếng nói của chúng ta, mà còn vang vọng tiếng nói của những người xung quanh. Vì vậy, một tác phẩm văn học đa thanh sẽ không chỉ có lời nói của tác giả, mà có cả những tư tưởng riêng của các nhân vật. Bản thân một cuốn tiểu thuyết đã là một cuộc đối thoại khép kín giữa các nhân vật với nhau và với tác giả rồi. Tới lượt độc giả, họ sẽ đọc và nhập thân vào thế giới nghệ thuật ấy, từ đó tạo ra những cuộc đối thoại mới giữa họ với tác giả, với các nhân vật và với cộng đồng độc giả khác. Chính từ những cuộc đối thoại ấy, tôi buộc phải suy nghĩ nhiều hơn và liên tục thử thách quan điểm của bản thân mình.
Còn bạn, chiếc bình đựng dòng nước văn học của bạn có hình gì?
Xem thêm:
Tham khảo các tài liệu về Lí luận văn học tại chuyên mục:https://thichvanhoc.com.vn/tai-lieu/ly-luan-van-hoc/
Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FBThích Văn Học