Bất cập chuyện thu vé vào cửa, thái độ của nhân viên bảo vệ, cảnh quan xuống cấp… khiến người dân thủ đô không còn mặn mà với công viên Thống Nhất.
Từng có thói quen đến công viên Thống Nhất tập thể dục vào mỗi buổi chiều, nhưng Phạm Thị Thu Thủy (28 tuổi) đã từ bỏ sở thích này sau một lần tranh cãi với nhân viên về chuyện mua vé vào cổng.
Chị kể thói quen tập thể dục ở công viên được hình thành từ hồi còn là sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội. Thông thường, Thủy đến công viên từ nhà trọ trong trang phục thể thao nên chưa lần nào bị đề nghị mua vé.
Tuy nhiên, trong một lần từ công ty đến thẳng công viên sau giờ làm, tranh cãi xảy ra khi chị không thể thuyết phục nhân viên bán vé rằng bản thân đến để tập thể dục, chỉ vì trang phục mặc trên người.
Không riêng chị Thủy, nhiều người gặp tình huống trớ trêu khi mua vé vào cổng công viên Thống Nhất. Trên các diễn đàn mạng xã hội, những cuộc tranh cãi với nhân viên bán vé được người dân kể lại trong nỗi bức xúc và khó hiểu.
Lý do công viên Thống Nhất kém thu hút người dân Không có khu vui chơi, giải trí hiện đại, nhiều hạng mục xây dựng hàng chục năm đến nay đã hư hỏng khiến công viên Thống Nhất (Hà Nội) không còn hấp dẫn người dân và du khách.
Không đi giày thể dục thì phải mua vé
“Thái độ cứng nhắc của người soát vé khiến tôi cảm thấy rất bức xúc. Chiếc vé vài nghìn đồng không lớn nhưng tôi muốn được đối xử công bằng”, Thủy nói.
Cựu sinh viên ngành kiến trúc cũng đặt câu hỏi vì sao khách này mang giày thể thao tập thể dục thì được miễn phí, còn khách khác đi giày thường cùng gia đình tản bộ lại mất phí. Trong khi đó, mọi người đều sử dụng chung một lối đi, ngắm chung một cảnh quan và thực hiện những hoạt động tương tự nhau.
Ngoài ra, Thủy cho biết từng trải nghiệm tập thiền trong tiếng nhạc thể dục nhịp điệu khi tham gia không gian công cộng tại công viên lớn nhất ở khu vực trung tâm thủ đô. Đường chạy xuống cấp, khu vui chơi nghèo nàn… cũng là những lý do khiến chị không còn mặn mà với việc đến đây thư giãn sau giờ làm việc.
Người dân vào tập thể dục tại công viên được miễn vé vào cổng. Ảnh: Hoàng Như.
Cùng quan điểm, Nguyễn Tuấn Anh (27 tuổi) kể thường đưa con gái vào công viên đi dạo và lần nào cũng sẵn sàng mua vé.
“Tôi nghĩ vấn đề không phải thu phí hay miễn phí, cái chính là đơn vị quản lý phải quán xuyến được các hoạt động trong khuôn viên. Việc đảm bảo an toàn cho người dân là quan trọng nhất. Nếu công viên mở cửa miễn phí thì sự kiểm soát an ninh vẫn cần được duy trì và tăng cường”, Tuấn Anh chia sẻ.
Thất vọng vì cảnh quan
Đang đi dạo cùng bạn trên đường ven hồ Bảy Mẫu, Nguyễn Duy Bộ (19 tuổi) bị vấp vào hố sụt do đường nứt, vỡ tạo thành. Nam sinh viên đã ngã nếu người bạn đi cùng không nhanh tay đỡ. Hàng ngày vào công viên Thống Nhất tập thể dục, Duy Bộ nhận thấy hệ thống đường đi nơi đây xuống cấp .
“Nhiều đoạn đường hỏng trong công viên có thể gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi. Mọi người vào đây thường để đi dạo và tập thể dục, đường đi bằng phẳng sẽ giúp họ an toàn và an tâm hơn”, nam sinh 19 tuổi nói.
Sau hơn 60 năm đi vào hoạt động, sự bào mòn của thời gian cùng những dự án cải tạo dang dở đã khiến hiện trạng công viên Thống Nhất trở nên nhếch nhác. Không chỉ đường đi, nhiều hạng mục xuống cấp, gây mất an toàn như cổng vào đổ nát, hàng rào han gỉ, khu trò chơi hư hỏng, dự án xây dựng dang dở được quây tôn tạm bợ, các đường ống chắn ngang lối đi…
Những hạng mục này không được rào chắn cẩn thận hay có biển cảnh báo nguy hiểm rõ ràng.
Nhiều đoạn đường trong công viên bị hư hại gây nguy hiểm cho người dân. Ảnh: Hoàng Như.
Vũ Thị Hoài (21 tuổi) chia sẻ trong lần đầu tiên đến công viên cùng một người bạn, cô gặp khó khăn trong việc lựa chọn khung cảnh làm nền để chụp ảnh.
“Tôi cảm thấy thất vọng với cảnh quan ở đây. Ngoài sự rộng lớn, công viên này quá xuống cấp như thể nhiều năm không được cải tạo. Cảnh ít, trò chơi và hoạt động cũng không có gì. Trước khi đến đây, tôi đã tưởng tượng công viên Thống Nhất hoành tráng với nhiều hoạt động vui chơi và cảnh đẹp bên trong”, Hoài bộc bạch.
Cô gái cho hay giá vé vào cổng công viên hiện khá rẻ và chấp nhận được. Tuy nhiên, Hoài sẵn sàng trả mức phí cao hơn để tận hưởng một không gian mới mẻ, đa dạng hoạt động vui chơi giải trí và cảnh quan đẹp hơn.
Không chỉ vậy, công viên Thống Nhất còn gặp vấn đề khi thiết kế cổng chính, cổng phụ cách xa nhau khiến người dân khó tiếp cận. Một số cổng là lối vào các khu nhà văn phòng, rạp xiếc, trong khi một số khác xuống cấp và bị đóng, chặn.
Ngoài ra, nhiều tuyến vỉa hè và khu vực bên ngoài nối các cổng trở thành những bãi đỗ xe lớn nhỏ. Như vậy, người dân muốn đi bộ từ cổng này sang cổng khác hay vào công viên từ một số cửa phải chọn cách đi dưới lòng đường hoặc sang vỉa hè đối diện.
Dỡ hàng rào là một phần của giải pháp
Với quan sát của mình, kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) nói công viên Thống Nhất không chỉ bị bao quanh bởi hàng rào, mà còn chịu rào chắn bởi các bãi đỗ ôtô và xe máy, cửa hàng kinh doanh.
Theo ông Ánh, rào chắn này tạo nên những góc khuất, tụ điểm khiến người bình thường, nhất là người già, trẻ em và phụ nữ e dè. Nguyên nhân là sự mất vệ sinh và việc tụ tập không chính thức của nhiều đối tượng xã hội.
Trong công viên vẫn xảy ra những việc không ổn. Đó là nơi người ta sinh hoạt tùy tiện như phóng uế, chó chạy rông, bày bán hàng quán bừa bãi, người đỗ ôtô và xe máy chắn cả lối đi trẻ con, nhiều người đi xe đạp và xe máy tự do trong khuôn viên…
“Việc bỏ hàng rào có thể hạn chế được những vấn đề này bởi sự giám sát xã hội được tăng cường”, ông Ánh nói.
Vỉa hè bên cạnh cổng công viên Thống Nhất trên đường Nguyễn Đình Chiểu bị chiếm dụng làm bãi giữ xe, bán hàng. Ảnh: Hoàng Như.
Theo kế hoạch vừa được UBND Hà Nội ban hành, công viên Thống Nhất dự kiến được nâng cấp theo hướng công viên mở thay vì dựng hàng rào để thu phí vào cửa như hiện nay.
Đồng tình, kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhận định công viên cần được đầu tư xây dựng khu vui chơi cho trẻ em, trồng cây và nâng cấp hạ tầng. Việc cải tạo phải lấy con người làm trung tâm, trẻ con là ưu tiên thì nơi đây mới lấy lại được hình ảnh đẹp đẽ vốn có, đúng với lịch sử hình thành và phát triển.
Theo ông, cải tạo công viên theo hướng mở phải đồng thời đi kèm mô hình quản lý hiệu quả hơn. Đồng thời, việc cải tạo và vận hành cần được giám sát chặt chẽ, được duy tu sửa chữa thường xuyên.
Cùng quan điểm, kiến trúc sư Đặng Việt Dũng, giảng viên bộ môn Kiến trúc cảnh quan (Đại học Xây dựng Hà Nội), cho biết việc cải tạo công viên Thống Nhất là cần thiết để làm sống lại nơi này.
Ông nhận định đa số người dân vào công viên để tập thể dục, trong khi đó, nhiều phân khu chức năng bị thiếu hụt. Công viên không đáp ứng được nhu cầu về không gian vui chơi giải trí và nghỉ ngơi của một số tầng lớp người dân. Ngoài ra, bãi đỗ xe và các không gian đa năng cần được bổ sung.
Theo ông Dũng, nhu cầu của người dân đang rất cao. Nhiều gia đình muốn có không gian để tận hưởng hoạt động vui chơi và nghỉ ngơi vào cuối tuần nhằm tái tạo sức lao động sau một tuần làm việc.
“Thực tế, nhiều người phải ra tận bãi sông Hồng hay nơi nào đó ngoại ô để thực hiện các hoạt động này. Trong khi đó, ngay trong lòng đô thị, chúng ta có một công viên đủ lớn để tạo ra không gian đáp ứng những nhu cầu ấy”, kiến trúc sư Dũng nhận xét.
Về phần mình, Phạm Thị Thu Thủy hy vọng công viên sớm được cải tạo toàn diện để khi quay lại, các con chị được thoải mái vui đùa trong sân chơi hấp dẫn, những đường chạy không còn hư hỏng.
“Khi đó, dù công viên còn thu vé hay không, dù giá vé tăng lên, chỉ cần có quy định cụ thể, tôi sẽ vui vẻ đóng góp”, Thủy tâm sự.
Công viên Thống Nhất là một trong những công viên lớn nhất Hà Nội với diện tích khoảng 50 ha. Nằm ở khu vực trung tâm thủ đô, nơi này tiếp giáp 4 mặt đường Đại Cồ Việt, Lê Duẩn, Trần Nhân Tông và Nguyễn Đình Chiểu.
Trước đây, khu vực công viên là vùng đầm hồ và bãi rác của 3 làng Vân Hồ, Thể Giao, Thiền Quang. Ngày 28/11/1958, nhiều thế hệ người dân thủ đô đã góp công cải tạo và xây dựng vườn hoa chung với một hồ nước lớn cùng hai hòn đảo nhỏ. Ngày 30/05/1961, công viên Thống Nhất chính thức được khánh thành.
Theo kế hoạch của UBND Hà Nội, trong giai đoạn 2021-2025, công viên Thống Nhất sẽ được cải tạo và nâng cấp với mức độ cao nhất. Việc cải tạo sẽ theo hướng công viên mở và được thực hiện bằng ngân sách thành phố. Đồng thời, 44 công viên và vườn hoa khác tại thủ đô sẽ được cải tạo và nâng cấp theo nhiều mức độ, bên cạnh việc xây mới 6 công viên.