Ngộ độc rượu rết: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí

Ngộ độc rượu rết: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí

Thứ Bảy ngày 28/05/2022

Rượu rết được lưu truyền trong dân gian như một bài thuốc trị đau nhức xương hiệu quả. Nhưng nếu ai đó uống nhầm có thể bị ngộ độc rượu rết với những biến chứng nguy hiểm.

Trong y học cổ truyền của nhiều nước Đông Nam Á, con rết được sử dụng trong một số bài thuốc đã từ xa xưa. Ở Việt Nam, bài thuốc trị xoa bóp từ rượu ngâm rết cũng được lưu truyền phổ biến. Nhưng đáng tiếc, một số người vì không biết đã dùng loại rượu này để uống. Hậu quả là họ bị ngộ độc rượu rết và sức khỏe bị tổn hại nghiêm trọng.

Rượu rết có tác dụng gì?

Con rết còn có các tên gọi khác như thiên long, bạch cước,ngô công… Rết là loài sống hoang dã, thích nơi tối tăm, ẩm thấp. Ở Việt Nam, rết có thể được tìm thấy ở dưới những tảng đá, dưới khúc cây mục… Theo Đông y, rết có tính ôn, vị cay, có độc, có tác dụng cắt cơn động kinh, trị kinh phong, phong thấp và đau đầu mạn tính… Theo Tây y, trong con rết có các Acid amin, Ornithine, Arginine,… với tác dụng kháng viêm, giảm đau rất tốt. 

Khi ngâm rượu rết, theo đúng nguyên tắc là các nọc độc cần được khử hết. Rượu rết vẫn được người Việt Nam sử dụng để:

  • Giải độc, trị mụn nhọt ngoài da. Có thể bôi rượu rết lên đầu mụn, nhọt sẽ rất nhanh khỏi. 
  • Chữa đau nhức xương khớp, phong thấp. Chỉ cần thoa một chút rượu rết lên chỗ bị đau rồi massage nhẹ nhàng. Mỗi ngày thoa 1 – 2 lần, kiên trì và đều đặn cho đến khi nào thấy tính trạng đau nhức giảm thì thôi. 

Nhiều gia đình vẫn tự ngâm hoặc mua rượu rết để sẵn trong nhà như một bài thuốc phòng và trị bệnh. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý: Rượu rết chỉ dùng để bôi ngoài da, không dùng để uống. Nếu ai đó vô tình uống phải, nguy cơ ngộ độc rượu là rất cao.

ngộ độc rượu rết 1 Trong y học cổ truyền, con rết được sử dụng như một bài thuốc

Trong y học cổ truyền, con rết được sử dụng như một bài thuốc

Nguyên nhân ngộ độc rượu rết

Vậy tại sao rượu rết khi vào trong cơ thể lại có thể gây ngộ độc? Có hàng ngàn loài rết khác nhau và không ít trong số đó có độc. Trong tự nhiên, nọc độc là vũ khí tự vệ và săn mồi của loài rết. Nọc độc này tùy từng loài sẽ có tác động khác nhau đối với con người. Nhưng không ít trường hợp, nọc độc của rết dẫn đến nhiều biểu hiện lâm sàng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong ở người. 

Chất độc của loài rết là một hỗn hợp gồm nhiều chất khác nhau. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng có khoảng 50 thành phần xuất hiện trong nọc độc rết và chúng có đặc tính khác nhau. Điều may mắn là lượng chất độc trong rết không đủ nhiều để dễ dàng giết chết người. Nên người ngộ độc rượu rết có thể ít nguy hiểm đến tính mạng. 

Nọc độc rết chủ yếu gồm các chất độc thần kinh có tên Ssm Spooky Toxin – một chất độc không giống với bất kỳ chất độc nào mà khoa học từng biết đến. Chất độc này gây rối loạn quá trình truyền dẫn tín hiệu thần kinh, kích thích thần kinh cảm giác. Nạn nhân trúng chất độc này sẽ bị tê tay chân, đau đớn, chóng mặt, làm chậm nhịp tim. 

Chưa hết, protein trong chất độc của rết có thể là tác nhân gây dự ứng với các triệu chứng sưng nề, mẩn đỏ, ngứa da. Những người có cơ địa dị ứng có thể bị sốc phản vệ. Nọc độc rết cũng có chất chống đông máu, chất co cơ trơn, chất độc cho tim và có thể gây thiếu máu cục bộ cơ tim. 

ngộ độc rượu rết 2 Độc tố loài rết rất đa dạng nên khi uống phải dễ ngộ độc rượu rết

Độc tố loài rết rất đa dạng nên khi uống phải dễ ngộ độc rượu rết

Biểu hiện ngộ độc rượu rết

Ngộ độc do uống rượu rết có thể xuất hiện nhiều triệu chứng, tùy cơ địa mỗi người. Có thể kể đến những biểu hiện thường gặp trên các nạn nhân như:

  • Tình trạng nổi mề đay, sưng nề, ngứa ngáy thường xuất hiện đầu tiên. Người bị phản ứng nặng có thể bị phù mạch.
  • Xuất hiện triệu chứng khó thở hoặc thở rít do bị phù nề đường hô hấp. Người nhà có thể nhận ra giọng nạn nhân bị khàn và họ sẽ kêu tức ngực. 
  • Có cảm giác buồn nôn, nôn ói và đau quặn bụng giống như các dạng ngộ độc khác. 
  • Huyết áp người ngộ độc tăng/giảm bất thường (có thể hạ nhanh hoặc tăng nhanh).
  • Quan sát sẽ thấy da và các đầu ngón chân, đầu ngón tay tím tái, toàn thân lạnh ngắt. 
  • Nếu bị phản ứng mạnh với các chất độc trong rượu rết, nạn nhân có thể bị hôn mê và rối loạn cơ tròn.
  • Một số trường hợp nặng khác, nạn nhân sẽ có cảm giác lo sợ, mất ý thức. 
  • Thiếu oxy dẫn đến nhồi máu cơ tim, rối loạn đông máu, tiêu cơ vân cấp… cũng có thể là biến chứng của ngộ độc rượu rết. Trong trường hợp đặc biệt, tính mạng người ngộ độc có thể gặp nguy kịch. 

ngộ độc rượu rết 3 Người uống rượu rết dẫn đến ngộ độc cần đưa đi cấp cứu kịp thời

Người uống rượu rết dẫn đến ngộ độc cần đưa đi cấp cứu kịp thời

Cách xử trí ngộ độc rượu rết

Giống như khi ngộ độc rượu cấp, tình trạng ngộ độc khi uống nhầm rượu rết cũng không có thuốc giải đặc hiệu. Nếu thấy nạn nhân xuất hiện những triệu chứng ngộ độc nói trên, người nhà nên gọi cấp cứu hoặc đưa họ đến các cơ sở y tế.

Một số động tác sơ cứu ban đầu cũng có thể có ích cho người ngộ độc như:

  • Kích thích nôn để giúp nạn nhân nôn ói số rượu trong bao tử. Cách kích nôn duy nhất được áp dụng là cho họ uống nhiều nước rồi dùng tay móc họng. Người nhà tuyệt đối không được sử dụng thuốc gây nôn.
  • Cố gắng giữ bệnh nhân tỉnh táo cho đến khi được đưa đến cơ sở y tế. Nếu người nhà để nạn nhân ngủ li bì, có thể họ sẽ bị hôn mê. 
  • Khi nạn nhân có dấu hiệu đau đầu, đau cơ, đau bụng, người nhà không được cho dùng các loại thuốc giảm đau. Trong trường hợp dạ dày nạn nhân đang chứa rượu độc, cho họ dùng thuốc sẽ khiến tình trạng ngộ độc thêm trầm trọng. 
  • Khi được đưa đến các cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ tiến hành rửa ruột và hồi sức cấp cứu. Sau đó, nạn nhân sẽ được theo dõi và điều trị các biến chứng nếu có. 

Các thầy thuốc khuyến cáo, rượu rết chỉ dùng để bôi ngoài da chứ không được uống. Đáng tiếc, vẫn có không ít trường hợp ngộ độc rượu rết vì lỡ uống thứ rượu này. Hy vọng những thông tin về cách chữa ngộ độc rượu rết trên giúp bạn có thêm kiến thức để bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi mối nguy từ rượu rết. 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Rate this post

Viết một bình luận