Thống kê sơ bộ từ tháng 9/2004 đến đầu năm 2013 của Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, TP.HCM đã có 1.552 ca nhập viện do ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat. Theo các nhà chuyên môn, chỉ cần uống một lượng nhỏ chất này thì nguy cơ tử vong rất cao vì đến nay, khoa học chưa nghiên cứu ra thuốc kháng độc, điều trị ngộ độc paraquat. Vậy việc phát hiện, sơ cứu đúng, kịp thời là vô cùng quan trọng để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Ngộ độc thuốc diệt cỏ có nguy hiểm?
Paraquat là loại hóa chất cực độc có trong thuốc diệt cỏ đã bị cấm ở châu Âu nhưng ở nước ta vẫn được sử dụng rộng rãi. Hiện trên thị trường có các tên khác như: glamoxone, cyclone, surefire, prelude…
Paraquat thẩm qua tiểu tràng rất nhanh. Nồng độ huyết tương lên đến đỉnh cao sau 2 giờ, 5-10% được hấp thụ qua ruột, còn lại được thải trừ qua phân. Do vậy, chỉ cần uống quá 40mg paraquat/kg (khoảng một thìa canh 15ml) dung dịch paraquat 20% thường gây tử vong trong 1-5 ngày do suy đa phủ tạng hoặc do bỏng niêm mạc tiêu hóa. Bỏng thực quản có thể gây thủng dẫn đến viêm trung thất. Uống từ 30-40mg paraquat/kg sẽ gây tử vong trong vòng 5 ngày đến nhiều tuần do viêm loét ống tiêu hóa và hoại tử vỏ thận, cuối cùng là xơ phổi.
Phun thuốc diệt cỏ mà không trang bị đầy đủ bảo hộ lao động có thể gây ngộ độc cho bản thân.
Dấu hiệu nhận biết
Khi ngộ độc, bệnh nhân có biểu hiện tại chỗ là kích thích và viêm da, màng tiếp hợp, kết mạc, long móng. Triệu chứng toàn thân (hội chứng suy đa tạng) gồm: Tiêu hóa: Nôn sớm, đau rát, loét niêm mạc miệng, họng, thực quản, thượng vị. Có thể thủng thực quản, dạ dày hoặc tá tràng; Hô hấp: có thể suy hô hấp sớm nếu nặng (tổn thương phổi, xuất huyết phổi) hoặc có biến chứng tràn khí màng phổi, trung thất. Thường xơ phổi tiến triển dần, khó thở, SPO2 giảm, PaO2 giảm dần xuất hiện sau vài ngày tới vài tuần và dẫn tới tử vong; Tiết niệu: hoại tử ống thận cấp, suy thận có thể xuất hiện từ ngày thứ 2 trở đi; Viêm gan: từ ngày thứ 2 trở đi, có thể suy gan.
Theo một nghiên cứu cho thấy, số bệnh nhân bị ngộ độc paraquat thì mức độ tổn thương là: loét miệng qua đường uống (100%); suy hô hấp (trên 80%); suy gan (trên 60%); suy thận (trên 50%); tràn khí trung thất, dưới da, màng phổi (7%); truỵ mạch (4,5%), thủng thực quản (4,5%). Với tính độc cho người rất cao nhưng cho đến nay vẫn chưa có chất giải độc, chỉ có một biện pháp duy nhất là thải trừ độc càng sớm càng tốt (nếu tới sau 6 giờ, súc rửa dạ dày và cho uống chất hấp phụ không còn hiệu quả).
Xử trí như thế nào?
“Giờ vàng” cho cấp cứu ngộ độc
Thời gian “giờ vàng” chỉ là 2 giờ đầu sau khi uống phải thì bệnh nhân có cơ hội được cứu sống. Tuy nhiên, ở nước ta, ngộ độc paraquat thường dài hơn 6 giờ sau khi uống, thậm chí nhiều bệnh nhân đến viện cấp cứu rất muộn. Theo nghiên cứu, paraquat có nồng độ cao nhất ở phổi trong 7 giờ đầu, nếu không có suy thận và 15-20 giờ nếu có suy thận.
Các nguyên tắc ưu tiên ban đầu khi xử trí bệnh nhân ngộ độc cấp nói chung, ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat nói riêng là đảm bảo thông thoáng đường thở, sau đó là các biện pháp hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn.
Các nguyên tắc ưu tiên ban đầu khi xử trí bệnh nhân ngộ độc cấp nói chung, ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat nói riêng là đảm bảo thông thoáng đường thở, sau đó là các biện pháp hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn.
Tại nơi phát hiện ngộ độc:
Gây nôn: làm càng nhanh càng tốt, trong vòng 1 giờ đầu uống nước và gây nôn bằng cách cho bệnh nhân uống 200ml nước (100ml nước muối sinh lý với trẻ em), tiếp theo dùng một que dài một đầu quấn bông hoặc vải, bảo bệnh nhân há miệng, ngoáy que bông vào góc hàm kích thích nôn. Khi nôn, để bệnh nhân đầu thấp tránh sặc vào phổi. Nếu có thể, nên cho uống siro ipeca 30ml (người lớn); 10-15ml ở trẻ em, sau 15 phút sẽ gây nôn.
Nếu bệnh nhân tiếp xúc qua mắt, da…, cần rửa da, rửa mắt liên tục với nhiều nước trong 15 phút, sau đó đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Nếu nhà quá xa cơ sở y tế, sau khi bệnh nhân nôn, có thể cho bệnh nhân uống một trong các thuốc sau làm giảm hấp phụ chất độc vào cơ thể:
Uống đất sét (nếu không có thì dùng đất thường): hấp phụ rất tốt paraquat, pha nước uống ngay; Than hoạt tính: 1g/kg/lần hoặc fuller’s earth: 1 – 2g/kg/lần, pha nước cho bệnh nhân uống rồi khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Lời khuyên của thầy thuốc?
Để tránh tình trạng ngộ độc do uống nhầm hóa chất, cần chứa hóa chất trong các vật chứa an toàn, không chứa trong chai nước suối, trà xanh. Để hóa chất tránh xa tầm tay trẻ em. Quan tâm đến trẻ đang trong độ tuổi dậy thì, tạo thói quen sống lành mạnh và tinh thần thoải mái cho trẻ, tránh tình trạng bi quan dẫn đến tự tử.
BS. Lê Thái