Trả lời:
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, tiết mồ hôi là phản ứng bình thường của cơ thể để hạ thân nhiệt, như lúc vận động nhiều, tập thể thao hay thời tiết nóng bức. Nếu tiết mồ hôi quá mức trong cả điều kiện bình thường, hay đang ngồi trong phòng máy lạnh, người bệnh cần đi khám để tìm nguyên nhân.
Tăng tiết mồ hôi tay là bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi, khi hệ thần kinh kích hoạt các tuyến gây tiết nhiều mồ hôi ngay cả khi cơ thể không có nhu cầu. Bệnh được chia thành 2 nhóm: nguyên phát và thứ phát. Nếu như tăng tiết mồ hôi nguyên phát khiến bàn tay ra mồ hôi bất kể lúc nào không rõ lý do, dù đang ở trong môi trường mát mẻ, hoạt động thể chất bình thường, tinh thần thoải mái; thì tăng tiết mồ hôi thứ phát xuất hiện do một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, suy tim sung huyết, cường giáp, hạ đường huyết, ung thư, nhiễm trùng, đái tháo đường…
“Khoảng 90% người bệnh tăng tiết mồ hôi không rõ nguyên nhân. Do đó, nếu bạn có hai trong số các triệu chứng sau đây thì cần đi khám sớm: tiết mồ hôi đối xứng hai bên, mồ hôi ra nhiều kể cả khi không hoạt động cường độ cao, bị ít nhất một lần mỗi tuần, xuất hiện triệu chứng ở độ tuổi dưới 25 tuổi, gia đình có người bị tăng tiết mồ hôi tay, mồ hôi tiết nhiều vào ban ngày nhưng không xảy ra trong lúc ngủ…”, bác sĩ Dũng lưu ý.
Tăng tiết mồ hôi tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng lại gây nhiều phiền toái trong công việc và cuộc sống, khiến người bệnh tự ti, ngại giao tiếp, thậm chí trầm cảm. Chưa kể, tăng tiết mồ hôi tay kéo dài có thể khiến vùng da tay bị ẩm, dẫn đến bong tróc, nhiễm nấm da và các bệnh về da liễu khác.
Theo bác sĩ Dũng, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị tăng tiết mồ hôi tay như sử dụng dung dịch bôi tại chỗ vào ban đêm, tiêm botox A, thuốc uống kháng cholinesterase toàn thân, liệu pháp ion nước hoặc phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm. Mỗi biện pháp có ưu và nhược điểm riêng. Tùy vào vị trí tiết mồ hôi, mức độ nặng hay nhẹ và nguyện vọng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Trong đó, phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm được thực hiện khi các biện pháp ít xâm lấn không thành công hoặc có tác dụng phụ. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nhiều ca bệnh tăng tiết mồ hôi tay đã được điều trị thành công bằng phương pháp này. Sau phẫu thuật, tình trạng đổ mồ hôi tay cải thiện đến 95% so với trước đây.
Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm là chỉ với hai hoặc ba đường mổ nhỏ (0,5-1cm) ở vùng nách, đảm bảo tính thẩm mỹ, thời gian phẫu thuật ngắn, hồi phục nhanh, tỷ lệ tái phát thấp nên được các bệnh nhân ưu tiên lựa chọn điều trị.
Bạn có thể đến khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các bác sĩ thăm khám, kiểm tra mức độ tăng tiết mồ hôi tay của bạn để có hướng điều trị phù hợp.
Tuy nhiên, để tăng hiệu quả điều trị, phòng bệnh tái phát, bác sĩ Dũng lưu ý bệnh nhân cần duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát lo lắng, căng thẳng; rửa tay thường xuyên với nước lạnh; mặc trang phục thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt; uống nhiều nước, tuân thủ chế độ ăn uống khoa học…
Để đặt lịch khám với các bác sĩ Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, độc giả có thể liên hệ:
Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Hotline: 18006858
TP.HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình. Hotline: 028.71026789
Website: https://tamanhhospital.vn