Đại từ chỉ ngôi (hay đại từ nhân xưng) trong tiếng Việt khá phức tạp, do chúng không chỉ được dùng để chỉ ngôi mà còn được dùng để biểu thị những thái độ, tình cảm khác nhau của người nói. Đại từ chỉ ngôi tiếng Việt thường có tính bắt buộc; khi không dùng chúng, quan hệ giữa các vai giao tiếp có thể thay đổi theo hướng xấu hoặc theo hướng suồng sã, thân mật. Ví dụ: Câu “Chị ngồi xuống!” là câu nói lịch sự hơn câu “Ngồi xuống!”. Tùy theo hoàn cảnh, câu thứ hai có thể được tiếp nhận một cách tiêu cực (thiếu lễ độ) hoặc tích cực (thân mật).
Đại từ chỉ ngôi tiếng Việt được chia làm hai loại:
1. Đại từ chỉ ngôi chuyên dùng: Là những đại từ chỉ được sử dụng để chỉ ngôi, không dùng trong chức năng của từ loại khác. Hệ thống đại từ chỉ ngôi chuyên dùng có thể trình bày như sau:
Ngôi I Số ít: tôi/tao/tớ/ta
Ngôi I Số nhiều: chúng tôi/chúng tao/chúng tớ
Ngôi II Số ít: mày/mi/ngươi
Ngôi II Số nhiều: chúng mày/ bay/chúng bay/chúng mi
Ngôi gộp (ngôi I + II): Chúng ta/ta
Ngôi III Số ít: nó/hắn/y/va
Ngôi III Số nhiều: chúng nó/chúng hắn/họ/chúng
Đại từ chỉ ngôi chuyên dùng trong tiếng Việt không có ý nghĩa trung hòa, nghĩa là không chỉ dùng để chỉ ngôi mà còn dùng để bày tỏ quan hệ (xấu hay tốt, chính thức hay không chính thức, thân mật hay xa lạ) của các vai giao tiếp, do đó khi sử dụng cần phải cân nhắc để lựa chọn cho thích hợp. Ví dụ: Bạn bè với nhau, thường dùng tao, tớ để chỉ ngôi I số ít, chứ ít khi dùng tôi.