Bánh canh cá lóc là món khá quen thuộc ở nhiều vùng, miền của cả nước. Nhưng quán bánh canh cá lóc trên đường Lê Thị Hồng (phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM) có sự khác biệt bởi cách làm bánh canh truyền thống mà hiếm chỗ nào còn giữ lại.
VIDEO: Mục sở thị quán bánh canh cá lóc của Cường Đô La – Thực hiện: Lê Nam – Lưu Trân
“Thiếu gia phố núi” mở tiệm bánh canh?
Nói đúng ra, tôi đến ăn bánh canh ở đây vì tò mò bởi lời rủ rê của nhỏ bạn “Ê mày, đi ăn bánh canh cá lóc Cường Đô La bán đi”. Những gì tôi biết về Cường Đô La là một chàng “thiếu gia phố núi” với bộ sưu tập xe siêu sang và danh sách người tình toàn những mỹ nhân nổi tiếng.
tin liên quan
‘Cơm tấm bãi rác’ có gì mà người người bỏ 100 ngàn đến ăn?
Ở Sài Gòn, người ta ăn cơm tấm mọi lúc, mọi nơi, từ trong nhà hàng sang trọng cho đến các quán vỉa hè, thậm chí là ăn ngay sát… bãi rác.
Nghĩ thầm trong bụng, giờ “thiếu gia” đi mở hàng bánh canh cá lóc thì chắc hẳn không gian quán sang trọng và giá một tô cũng ngang ngửa món bít tết (beef steak) trong nhà hàng 3 sao. Thế nhưng khác hoàn toàn với tưởng tưởng của tôi, quán bánh canh của Cường Đô La bình dân đến lạ.
Quán nằm trong con hẻm số 40/44 Lê Thị Hồng (phường 17, quận Gò Vấp), khoảng sân dùng để giữ xe phía trước quán khá rộng, có thể chứa khoảng 15 – 20 chiếc xe gắn máy cùng lúc.
Đi vào trong, ngay phía tay phải là 4 chiếc bếp điện được xếp thành hàng ngang, bên cạnh là một tủ kính đựng các loại rau, sợi bánh canh và cá lóc… mọi thứ đều sẵn sàng để phục vụ thực khách.
Ảnh: Lê Nam
Khi khách vào, ngồi xuống bàn thì bếp của quán mới bắt đầu nổi lửa
Buổi trưa nhưng quán khá đông, vì bánh canh ở đây được chế biến trực tiếp sau khi khách gọi nên muốn ăn thì phải chịu khó chờ từ 10 – 15 phút. Nhân viên của quán sẽ dọn ra một đĩa trứng cút luộc chấm muối tiêu cùng chả cây để thực khách nhâm nhi, “giết thời gian” trong lúc chờ món bánh canh thơm ngon, nóng hổi.
Ngay sau khi tôi gọi một tô bánh canh cá lóc chiên và một bánh canh cá lóc hấp, anh chàng nhân viên có vẻ lớn tuổi nhất ở đây liền đứng dậy nấu nướng trực tiếp trước sự quan sát của bao thực khách.
Ảnh: Lê Nam
Cách chế biến công khai này không chỉ tạo sự hấp dẫn mà còn tạo cho khách cảm giác an tâm về chất lượng, vệ sinh của món ăn
Các thao tác của anh vô cùng điêu luyện, sợi bánh canh được trụng qua nước sôi rồi cho vào nồi nước lèo đang nghi ngút khói trên bếp. Đợi một chút cho bánh canh chín hẳn thì múc vào tô, cho thêm mấy lát phi lê cá lóc đã lấy hết xương vào. Sau cùng cho hành, ngò xắt nhỏ, rắc lên ít tiêu.
Tô bánh canh mang ra còn bốc khói thơm lừng, kích thích các giác quan. Sợi bánh canh không quá dai cũng không mềm, thấm gia vị từ nước dùng, ngon đậm đà. Cách chế biến công khai này không chỉ tạo sự hấp dẫn mà còn tạo cho khách cảm giác an tâm về chất lượng, vệ sinh của món ăn
Ảnh: L.T
Thực khách ghé quán vì tò mò cũng nhiều mà vì hương vị thơm ngon của món ăn cũng không ít
Từ Vĩnh Phúc vào Sài Gòn và 3 lần vỡ nợ
Song, quay trở lại với điều mà tôi quan tâm nhất khi đến đây là muốn xem tận mắt Cường Đô La ngoài đời trông mặt mũi ra làm sao? Nhưng ngó nghiêng cả buổi trời chẳng thấy đâu, tôi đánh liều gọi nhân viên lại rồi hỏi nhỏ: “Em ơi, cho chị hỏi anh Cường Đô La có đang ở đây không?”
tin liên quan
‘Chưa ăn lẩu cá 44’, bạn có phải là sinh viên làng Đại học?
Làng Đại học Thủ Đức là khu vực tập trung nhiều sinh viên nhất, chính vì vậy, dù nằm cách biệt với trung tâm thành phố nhưng đây vẫn là nơi hội tụ nhiều món ăn ngon với giá cực rẻ.
Cậu nhân viên cười tươi, đáp: “Có chị ơi, anh Cường mới nấu bánh canh cho chị xong tức thì”. Trong vài phút, tôi cứ gọi là mắt chữ A miệng chữ O, vậy là sao? Chẳng lẽ Cường Đô La này là “hàng fake”?
Cường Đô La “hàng fake” tên thật là Nguyễn Văn Cường (36 tuổi), cách đây 25 năm, anh rời quê hương Vĩnh Phúc vào Sài Gòn lập nghiệp. Nơi đất khách quê người, lạ nước lạ cái nên để có được miếng cơm, anh không từ bất cứ một công việc nào.
“Từ lao động tay chân như bốc vác hay thậm chí là làm việc cho công ty đa cấp, miễn có tiền là tôi làm hết. Sau thời gian 3 năm, dành dụm được chút vốn thì tôi bắt đầu mở cửa hàng tạp hóa buôn bán tại quận Gò Vấp. Nhưng mà tôi khi đó còn thiếu hiểu biết quá, tôi mê cờ bạc nên cuối cùng mất luôn cái tạp hóa”, anh Cường nhớ lại.
Được bạn bè giúp đỡ cho mượn một số tiền, anh lại tiếp tục cái mộng kinh doanh làm giàu. Mở tiệm net, mở đại lý vé số… Rồi cũng từ đó, cơ hội để “ngựa lại quen đường cũ” trong con người Cường Đô La lại trỗi dậy.
tin liên quan
Ăn cháo vịt ở quán ‘mẹ chồng nàng dâu’ thơm thảo khiến ai cũng tò mò
Câu chuyện bà mẹ chồng yêu thương con dâu đến mức lấy tên cô đặt làm tên quán ăn của gia đình ở TP.HCM đã khiến nhiều người thay đổi cái nhìn không mấy thiện cảm về mối quan hệ “mẹ chồng nàng dâu”.
“Tôi không biết sao lúc đó cứ tin vào đỏ đen. Hễ chơi thắng một lần thì máu chiến càng cao. Bao nhiêu tiền dành dụm được tôi dốc hết vào số đề, vào cờ bạc. Thì rõ ràng rồi, tôi không biết lo xa nên cuối cùng ngày tay trắng hoàn trắng tay cũng tới”, anh tâm sự.
Làm lại cuộc đời với 20 cái tô và 4 bộ bàn ghế nhựa
“Lúc đó tôi nghĩ mình chết chắc rồi. Giờ trong túi không còn một đồng, nhà cửa không có, xe cộ cũng không… Cả mấy đêm tôi ngồi ngoài đường chẳng biết phải làm gì tiếp theo, càng không thể quay về quê nhà làm khổ bố mẹ được”, cái giọng nghèn nghẹn của Cường Đô La khiến tôi cũng thấy sống mũi mình cay cay.
Thế rồi, đúng như câu “có chí thì nên” mà ông bà ta vẫn thường hay nói. “Ông trời đúng là không phụ người có lòng. Sau cả tuần tôi cầu khẩn thành tâm muốn làm lại từ đàu thì được một người “anh em xã hội” cho mượn khoản tiền 2.000.000 đồng làm vốn”.
Chắc đoán được tôi sẽ hỏi anh làm gì với số tiền đó nên Cường nói luôn: “Tôi quyết định bán bánh canh, món này tôi nấu giỏi nhất. Lúc đó tôi mua 20 cái tô giá 200.000 đồng, đũa, muỗng, nồi niêu… hết 500.000 đồng. Mua thêm 4 bộ bàn ghế nhựa khoảng 400.000 đồng với lại 7kg cá lóc hết 300.000 đồng nữa… Gia vị lặt vặt cũng hết gần 150.000 đồng, tôi còn đúng 550.000 đồng lận lưng”.
Quảng cáo
Những ngày đầu, Cường Đô La bán trước hiên một căn nhà trong con hẻm trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp). “Mình nấu ở nhà ăn thấy ngon, nhưng mà ra nấu cho khách ăn thì lại khó hơn rất nhiều. Tôi phải mất gần cả năm trời để ghi nhận từng lời góp ý của khách rồi điều chỉnh hương vị của bánh canh lại”.
Theo lời anh Cường, bánh canh cá lóc là món ăn dân dã nhưng cách nấu lại khá cầu kỳ. Cá lóc phải được luộc chín, tách lấy thịt rồi thêm gia vị cho thấm. Xương cá được giã nhuyễn, lọc lấy nước nấu cùng với nước luộc cá. Đây cũng chính là bí quyết giúp cho nồi nước lèo bánh canh luôn giữ được vị ngon ngọt tự nhiên.
Rồi cứ thế, anh “tích tiểu thành đại”. Từ một xe bánh canh vỉa hè không tên, Cường đã thuê được một mặt bằng rộng rãi để mở quán như hiện nay.
“Tôi cảm thấy mình may mắn lắm. Từ 20 cái tô và 4 bộ bàn ghế nhựa ngày trước, giờ tôi có được cái quán này rồi. Đúng, có cả một khu bếp rộng rãi, mấy chục bộ bàn ghế gỗ… Nhiều người biết ngày xưa tôi mê cờ bạc thì có vẻ không thích, nhưng tôi bây giờ khác rồi. Chính quá khứ lầm đường đã giúp tôi thay đổi và biết quý trọng những gì mình có được ngày hôm nay”.
Cường Đô La, thương hiệu của bánh canh cá lóc “triệu đô”
Bật mí về cách nấu nồi nước lèo mang hương vị đặc trưng, anh Cường cho biết, mỗi lần chỉ nên dùng 50 lít nước cho vào nồi rồi nêm gia vị vừa đủ. Theo anh, lâu nay người ta cứ nhầm tưởng luộc nhiều xương cá nước lèo sẽ ngọt nhưng hoàn toàn sai lầm. Ngược lại luộc quá nhiều xương cá sẽ khiến nước bánh canh bị chua.
Ảnh: Lê Nam
Trên bàn để sẵn các loại gia vị để khách tự phục vụ
“Ở đây có bánh canh cá lóc và bánh canh cá ngừ, nước lèo của hai loại này đều giống nhau, chỉ khác ở loại cá ăn kèm thôi. Cá ngừ sử dụng phần thịt phi lê, lóc hết xương nên cũng khá dễ ăn. Tuy nhiên là cá ngừ có mùi đặc trưng, nếu ai ăn không quen sẽ thấy hơi tanh”, một thực khách tên Phong nhận xét.
Không ngại khi tôi hỏi về doanh thu, anh Cường thẳng thắn: “Quán tôi mỗi ngày bán được từ 400 – 500 tô, phải nhập khoảng 1 tạ 2 cá mới đủ để bán. Mình làm ra đồng tiền đàng hoàng thì không có gì phải ngại khi nói đến doanh thu, đúng không!”.
tin liên quan
Nức tiếng quán mì kéo sợi thủ công hơn 70 năm tuổi giữa Sài Gòn
Món ăn này du nhập vào miền Nam đã hơn 100 năm và nhanh chóng trở nên phổ cập, là món ăn bình dân và quen thuộc đặc biệt với những người lao động ở Sài Gòn.
Thắc mắc tại sao lại đặt tên quán là “Cường Đô La”, anh vừa cười vừa giải thích với chúng tôi: “Cường là tên tôi rồi, mà tôi cũng muốn cuộc đời mình được giàu sang, sung túc như “thiếu gia phố núi” nên mới đặt tên bánh canh cá lóc Cường Đô La luôn”.
Một khách tên Thương với đánh giá khá chi tiết: “Mới đầu tôi tới đây ăn vì tưởng chủ quán là Cường Đô La chồng ca sĩ Hồ Ngọc Hà. Ai ngờ không phải. Nhưng mà ăn thấy ngon nên tôi thành khách ruột luôn. Sợi bánh canh ở đây làm từ bột gạo có pha chút bột lọc, hơi dẹp chứ không tròn như bánh canh miền Tây. Phần nước lèo sền sệt, cá lóc chiên lên khá thơm, khi cho vào bánh canh ăn cũng ngon hơn phần cá ngừ và không bị tanh. Nói chung cái tên quán độc lạ nên tôi với bạn bè hay gọi vui là bánh canh “triệu đô” cho sang”.
Thế nhưng, có vẻ như nguyên nhân sâu xa của cái tên lại nằm ở một góc khác nữa. Anh trầm ngâm rồi nói tiếp: “Chính những lúc cơ cực đã giúp tôi sống một cuộc đời khá trọn vẹn. Tôi hiểu được giá trị của hương vị tô bánh canh do chính mình nấu. Phải tốn bao nhiêu tâm huyết và công sức vào món ăn nên tôi muốn lấy cái tên này để tự nhắc chính mình đang có trong tay một thứ đáng giá nhất, hương vị bánh canh của riêng tôi”.