Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Việt Nam. Vì thế, việc chuẩn bị cho dịp lễ này cũng có rất nhiều điều thú vị. Với những khách du lịch đang thắc mắc người Việt chuẩn bị gì cho ngày Tết Nguyên đán thì bài viết dưới đây của Viet Fun Travel chính là một câu trả lời tham khảo.
1. Chuẩn bị ngân sách đầy đủ
Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết âm lịch, là dịp Tết cổ truyền của Việt Nam nói riêng và nhiều nước châu Á nói chung. Dịp Tết này thường kéo dài từ 23/12 âm đến 7/1 âm (hay còn gọi là Tết ông Táo tới ngày 7 tháng Chạp). Do đó, có thể nói đây là dịp lễ dài nhất của người Việt trong năm và cũng là dịp có rất nhiều nghi thức, phong tục, tập quán đặc sắc.
Tết Nguyên đán là ngày lễ rất quan trọng của người Việt
Bởi vậy, để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, người Việt thường chuẩn bị một khoản ngân sách đáng kể. Khoản ngân sách này sẽ dùng cho các nhu cầu cơ bản của Tết như mua sắm thực phẩm, đồ dùng, đồ trang trí, tiền lì xì, quà biếu, chi phí đi lại, cây cảnh…
Mỗi gia đình đều có một cách chi tiêu và nhu cầu riêng, cộng thêm giá cả thị trường mỗi năm một khác, do đó, mỗi người sẽ có một cách chuẩn bị ngân sách khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh riêng.
2. Mua sắm đồ Tết
Có thể nói, đây là việc tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán. Rất nhiều người Việt dành tới nửa tháng đến 1 tháng trước Tết cho việc mua sắm các thứ cần thiết cho Tết.
* Mua bánh kẹo, mứt Tết
Một trong những nét đặc sắc của Tết cổ truyền Việt Nam đó là những món mứt Tết. Mứt Tết là các loại trái cây, củ quả được làm thành thực phẩm ngọt, có thể để nhiều ngày trong nhiệt độ thường mà không hỏng. Mứt Tết được xem là nét đẹp truyền thống trong ẩm thực của Việt Nam.
Mỗi dịp Tết đến, các gia đình đều có những khay mứt Tết riêng. Có thể đó là mứt Tết tự làm hoặc mua bên ngoài và sau đó, sẽ được gia chủ sắp xếp vào những khay riêng nhìn rất đẹp. Có thể nói, nhìn thấy mứt Tết là nhìn thấy Tết và mứt Tết đem lại hương vị ngọt ngào giúp ngày Tết trở nên trọn vẹn hơn.
Các loại mứt Tết đem lại hương vị ngọt ngào cho ngày Tết
Bên cạnh mứt Tết, các loại bánh kẹo cũng rất được yêu thích. Vào dịp Tết, mọi người thường hay đến nhà nhau chơi để chúc mừng năm mới và họp mặt đầu năm. Khi đó, bên ly trà, tất cả cùng nhau nhâm nhi những miếng mứt thơm thảo, những viên kẹo, cái bánh nhiều hương vị và cùng nhau trò chuyện. Đó là một trong những điều làm nên không khí ấm áp và quây quần, vui tươi ngày Tết.
* Mua cây cảnh, hoa trái ngày Tết
Dịp Tết cổ truyền của người Việt rơi vào đúng mùa xuân, do đó, người Việt thường mua cây cảnh về nhà trưng với mong muốn ngôi nhà của mình cũng được tươi đẹp như cảnh sắc mùa xuân. Các loại cây cảnh để trưng Tết rất phong phú và có nhiều mức giá khác nhau, từ vài chục nghìn cho tới hàng trăm triệu đồng. Những loại cây phổ biến dùng để trưng Tết của người Việt là mai, đào, cúc, lan, hướng dương, quất, bonsai…
Cây cảnh trưng Tết thường được chọn theo sở thích của gia chủ và kết cấu của ngôi nhà. Đa phần, người Việt sẽ mua cây cảnh có kích thước tương xứng với ngôi nhà của mình, nhà nhỏ mua cây nhỏ, nhà lớn mua cây lớn. Một số người mua cây cảnh theo phong thủy.
Tuy nhiên, điểm chung của tất cả mọi người khi mua cây cảnh dịp Tết là đều chọn những cây có cành lá tươi tốt, xum xuê, nếu có hoa thì hoa nở rực rỡ với hàm ý mong muốn năm mới của gia đình cũng được phát triển như vậy.
Người Việt thường mua các loại cây cảnh, hoa về trưng Tết
Ngoài ra, hoa Tết cũng là thứ không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt. Hoa thường được dùng để đặt trên bàn thờ, trang trí tại các nơi trong nhà nhằm đem lại cho ngôi nhà những hương sắc mùa xuân tươi thắm. Những loại hoa được người Việt ưa chuộng dịp Tết là hoa vạn thọ, hoa cúc, hoa huệ, hoa cát tường, hoa hồng, hoa lay ơn…
Bên cạnh đó, các loại trái cây ngày Tết cũng rất quan trọng. Nhiều người Việt thường bày mâm ngũ quả may mắn trên bàn thờ với các loại trái cây khi ghép tên vào sẽ có ý nghĩa của sự tốt lành như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài (khi ghép vào đọc thành: cầu vừa đủ xài). Dịp Tết có rất nhiều món ăn được chuẩn bị và nấu nướng, vì thế người Việt cũng thường mua nhiều trái cây để ăn cho thanh mát dịp Tết.
* Mua thực phẩm
Theo phong tục xưa của người Việt, 3 ngày đầu năm (ngày 1, 2, 3 của tháng 1 âm) là những ngày kiêng kị mua sắm bởi việc mua sắm đầu năm nghĩa là chi tiền, như vậy cả năm sẽ phải chi nhiều hơn thu. Vì thế, trước kia, người Việt thường mua rất nhiều thực phẩm để cả gia đình đủ ăn trong 3 ngày Tết mà không cần phải đi chợ.
Việc chuẩn bị thực phẩm do đó cũng cần rất nhiều công sức. Ngày nay, Tết đã được giản tiện hơn và nhiều người không còn giữ phong tục đó nữa. Tuy nhiên, đa phần các gia đình đều mua một phần thực phẩm dự trữ. Một là dịp đầu năm, giá cả các mặt hàng thường tăng cao nên việc mua trước sẽ tiết kiệm hơn.
Mua thực phẩm đón tết cổ truyền
Đồng thời, khi mua trước nhiều thực phẩm, gia chủ sẽ chủ động và thoải mái hơn trong việc đón khách đến nhà chơi và ăn uống. Các loại thực phẩm mà người Việt thường mua dịp Tết là các loại thịt tươi sống, giò chả, các loại rau xanh, củ quả, nhiều loại gia vị, cá khô, măng khô, trứng gà, trứng vịt…
* Mua quần áo mới
Tâm lý của người Việt là năm mới nên cái gì cũng cần phải mới. Do đó, ngay cả trang phục cũng cần phải là đồ mới và đồ đẹp với hàm ý mong muốn bước qua năm mới, mọi điều sẽ đều thay đổi theo hướng tốt hơn. Vì thế, để chuẩn bị cho Tết cổ truyền, người Việt thường đi mua quần áo mới.
Người Việt thường mua đồ mới để mặc dịp Tết
Đó có thể là trang phục truyền thống (áo dài) hoặc trang phục hiện đại tùy theo sở thích mỗi người. Do đó vào dịp Tết, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam sẽ thấy trên các đường phố, những người Việt đi chơi dịp Tết xúng xính trong những bộ đồ mới nhiều màu sắc và kiểu dáng.
3. Dọn dẹp, trang trí nhà cửa
Dọn dẹp và trang trí nhà cửa là tục lệ đẹp được lưu giữ qua nhiều thế hệ của người Việt. Theo quan niệm truyền thống của người Việt, dọn dẹp nhà cửa dịp cuối năm chính là để quét hết những điều cũ kỹ, không tốt của năm cũ ra khỏi nhà. Còn việc trang trí nhà chính là làm cho ngôi nhà đẹp hơn, mới mẻ hơn để đón một năm mới tốt lành.
Bởi vậy, vào dịp cuối năm, rất nhiều người Việt sơn sửa lại nhà cửa, chữa lại những chỗ hỏng của ngôi nhà, quét mạng nhện, vứt bỏ một số đồ dùng đã cũ và mua sắm đồ mới thay thế. Bàn thờ của ngôi nhà cũng được lau chùi sạch sẽ. Sau khi nhà cửa đã sạch và gọn gàng, người Việt bắt đầu đem cây cảnh và các loại hoa vào trang trí.
Dọn dẹp nhà cửa đón Tết Cổ Truyền
Nhiều người cũng mua các vật trang trí năm mới cho ngôi nhà như đèn lồng đỏ, tranh ảnh, những dây đèn, câu đối, các loại dây trang trí, decal dán tường… Tất cả các vật trang trí này thường có màu sắc tươi sáng (phổ biến nhất là màu đỏ) để khiến cho ngôi nhà sinh động và rực rỡ hơn. Việc dọn dẹp và trang trí nhà cửa này thường do cả gia đình cùng xúm nhau lại làm hoặc nhiều người quá bận rộn thì thuê dịch vụ dọn dẹp.
Như vậy, có thể thấy việc chuẩn bị Tết Nguyên đán của người Việt rất công phu và đặc sắc. Tuy điểm chung là vậy nhưng mỗi người, mỗi gia đình lại có cách chuẩn bị khác nhau, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện kinh tế và sở thích của mỗi gia đình. Tất cả những việc chuẩn bị này đều mang hàm ý mong muốn cả gia đình cùng nhau tụ họp, quây quần dịp xuân về và mọi người được tận hưởng những ngày đầu năm đủ đầy, ấm áp bên nhau.
Du lịch Việt Vui tổng hợp