Người biết chạnh lòng… :: Suy ngẫm & Tự vấn :: ChúngTa.com

Một xã hội sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu nếu mọi người đều có lòng trắc ẩn với người khác. Xã hội đó chắc chắc phải ổn định và phát triển từng giây phút. Và bản giao hưởng bất tận về sự tiến bộ của con người sẽ hài hoà vang lên trong từng nhịp thở của con người và vạn vật.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh trong bài “Hữu không” đã viết: Có thì có tự mảy may/Không thì cả thế gian này cũng không…(Bản dịch). Từ những cái đã Có để thấy được những cái Không để tìm ra những cái Có khác, là ở con người. Cái dị biệt nhau của những con người tất nhiên thiên hình vạn trạng. Nhưng chung quy, có thể không miễn cưỡng chỉ ra hai loại người đối lập nhau là: Người biết chạnh lòng và người không biết chạnh lòng.

Người biết “chạnh lòng” luôn mở rộng xúc cảm trước cuộc sống và chung quanh. Những phát minh làm thay đổi xã hội, khiến con người ngày càng tiến bộ hơn và dần dà ổn định xã hội để nó đều nhịp tới tương lai luôn là do những người biết “chạnh lòng”. Người biết “chạnh lòng” luôn quan sát cuộc sống xã hội, và như thế họ biết con người thời đại đã có những gì và đang cần những gì.

Những suy nghĩ động não của họ sẽ đồng hành với nhịp sống xã hội và tìm ra những “lỗi nhịp” trong bản giao hưởng bất tận giữa con người và xã hội, giữa vũ trụ thiên nhiên và con người, giữa không gian và thời gian, nói tóm lại là giữa những hiện hữu với nhau và phát kiến những giải pháp hay phương tiện để nối kết và hài hoà các hiện hữu đó. Như đã nói, Có và Không tùy ở tâm thức và nhận thức mỗi cá thể. Nói một cách khác hơn, những phát kiến, hay những giải pháp, phương tiện để nâng cao và ổn định đời sống xã hội đã có sẵn đâu đó, nhưng phải có những con người để tìm thấy ra nó. Đó là những con người biết “chạnh lòng”.

Như thế nào là biết “chạnh lòng”? Là biết nhìn, quan sát và chia sẻ với người khác. Biết đau cái đau của người khác, biết khổ cái khổ của tha nhân… Biết thiếu thốn cái thiếu thốn của tha nhân. Tức là biết “cuộc nhân sinh”. Chưa cần nói đến “lo cái lo của thiên hạ” theo kiểu quân tử Khổng Nho to tát. Chỉ cần biết cảm thông chia sẻ dù chỉ bằng tâm tưởng, cũng đã nuôi dưỡng được những chủng tử tốt lành cho cuộc sống. Và một điều quan yếu cần phải hiểu là, khi đời sống của đa số người dân đạt được chất lượng cao, giảm đi sự lo âu thường nhật thì đó chính là khởi điểm của văn minh, tiến bộ.

Trong cuốn sách “The Art of Happiness” (Nghệ thuật sống hạnh phúc) của Dalai Lama và Howard C.Cutler, nhà tâm lý học Mỹ Howard C. Cutler gặp và phỏng vấn đức Dalai Lama ở Ấn Độ và Arizona (Hoa Kỳ) ấn tượng một cách tâm đắc với lời dạy của ngài. Những câu trả lời của đức Dalai Lama đơn giản, không sử dụng những thuật ngữ cầu kỳ. Tác phẩm bao gồm các cuộc hội thoại về tâm lý học phương Tây và giáo lý Phật giáo. Các câu hỏi của Cutler đưa ra và các chủ đề được bàn luận mang phong cách suy tư phương Tây.

Lần xuất bản đầu tiên, năm 1998, tác phẩm chỉ là một quyển sách nhỏ. Xuất bản không bao lâu, nó lập tức trở thành một cẩm nang kinh điển về hạnh phúc nhân loại.

.

Ở cuốn sách này, từng điểm trong cuộc sống được đức Dalai Lama và H.C Cutler đề cập tới. Các tác giả ngụ ý rằng chúng ta nên tập trung vào việc nhận chân ra hạnh phúc là mục đích tối hậu của cuộc sống và con người phải rất thận trọng phân biệt giữa hạnh phúc và vui thú. Phần đông chúng ta đã nhầm lẫn vui thú là hạnh phúc! Những vui thú để thỏa mãn nhất thời đã được vô tình xem như là hạnh phúc.Tán chuyện, rượu chè hay những trò chơi và ngay cả việc sung sướng khi thời tiết đẹp thực chất chỉ là sự vui thú chứ chưa phải là hạnh phúc đích thực.

Một xã hội sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu nếu mọi người đều có lòng trắc ẩn với người khác. Xã hội đó chắc chắc phải ổn định và phát triển từng giây phút. Và bản giao hưởng bất tận về sự tiến bộ của con người sẽ hài hoà vang lên trong từng nhịp thở của con người và vạn vật.

Một trong những điều cốt lõi quan yếu để tìm thấy hạnh phúc – theo Dalai Lama – là lòng trắc ẩn, tức là sự biết “chạnh lòng” với tha nhân, với cuộc sống. H.C Cutler còn cho biết rằng, có nhiều nhà tâm lý học sẽ biện luận rằng con người vốn có lòng tham và rằng điều đầu tiên một em bé sơ sinh cố gắng làm là tìm bầu sữa của mẹ để bú – một ham muốn bẩm sinh của con người. Tuy nhiên, ông lập luận em bé cũng có một bản năng giao tiếp với mọi người và tiềm ẩn một nụ cười xuất phát từ lòng trắc ẩn. Em bé sẽ nhìn bạn chằm chằm, toét miệng cười thân thiện và sẽ làm bạn cảm thấy dễ chịu rồi bạn để ý đến bé. Cách giao tiếp xã hội vốn có này của bé là một trong những bản năng quan trọng ngoài việc tìm bầu sữa mẹ của bé. H.C Cutler lý giải rằng, lòng trắc ẩn cũng là một ứng xử cơ bản bẩm sinh của con người và không phải là một điều gì đó mà con người phải học tập khi lớn lên.

Cuốn sách của Dalai Lama hướng dẫn nhiều cách nuôi dưỡng và phát triển lòng trắc ẩn. Một trong những cách đó là thiền định, tập trung suy nghĩ về một ai đó đang bị bệnh tật, một con vật tội nghiệp nào đó hoặc một điều gì đó thương tâm. Bạn có thể tưởng tượng đến một con bò đang hoảng sợ trước khi bị giết lấy thịt hoặc một người bạn đang đau đớn tột cùng trong một cuộc giải phẫu ở bệnh viện. Khi bạn suy nghĩ như vậy, lòng thương cảm trắc ẩn trỗi dậy trong bạn.

Khi lòng thương cảm và trắc ẩn của một con người được nuôi dưỡng và tăng trưởng, là cùng lúc lòng tị hiềm ganh ghét sẽ giảm đi và từ từ nó sẽ bị triệt tiêu. Nếu xã hội ngày càng có thêm số con người biết “chạnh lòng”, có lòng trắc ẩn với tha nhân, với chung quanh, thì sự phát triển và ổn định xã hội đó đang trên đà để tiến tới hoàn hảo từng giây phút. Vấn đề chỉ là mở lòng ra, tìm được chỗ dung chứa thích ứng cho người đó hoặc sự việc đó. Tức là sự trắc ẩn ở mỗi con người.

Rate this post

Viết một bình luận