Người lao động làm giả hồ sơ xin việc bị xử lý thế nào?

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, tình trạng người lao động làm giả hồ sơ xin việc không phải ít. Để bảo vệ doanh nghiệp cũng như những lao động khác, những đối tượng này sẽ bị xử lý như thế nào?

Hồ sơ xin việc gồm những giấy tờ gì?

Pháp luật không quy định cụ thể các loại giấy tờ cần có khi nộp hồ sơ ứng tuyển nên tùy thuộc vào vị trí việc làm mà mỗi công ty lại yêu cầu những bộ hồ sơ xin việc khác nhau.

Thông thường các công ty sẽ yêu cầu nộp những loại giấy tờ sau:

– Đơn xin việc.

– CV xin việc.

– Sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của địa phương.

– Giấy khám sức khỏe.

– Bản sao bằng cấp, chứng chỉ liên quan.

– Ảnh chân dung (3×4 hoặc 4×6) được chụp trong 03 – 06 tháng gần nhất.

– Bản sao Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh.

Xem thêm: Hồ sơ xin việc có cần công chứng, chứng thực không?

lam gia ho so xin viec

Làm giả hồ sơ xin việc, người lao động bị xử lý thế nào?

Khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động như sau:

2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.

Theo đó, người lao động có nghĩa vụ cung cấp thông tin một cách trung thực cho người sử dụng lao động trước khi ký hợp đồng lao động.

Trường hợp cung cấp thông tin không đúng sự thật, làm giả sơ xin việc, người lao động sẽ có thể phải đối mặt với những vấn đề sau:

– Bị xử lý kỷ luật lao động nếu thông tin được cung cấp sai sự thật nhưng không quá ảnh hưởng đến việc tuyển dụng và thuộc một trong các hành vi vi phạm nội quy lao động đã được công ty quy định.

Trường hợp này, người lao động sẽ bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các hình thức kỷ luật được quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động, bao gồm: Khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương, cách chức.

– Bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Theo điểm g khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng.

Tuy nhiên, để chấm dứt hợp đồng lao động theo lý do này, công ty vẫn cần báo trước cho người lao động biết theo thời hạn được quy định tại khoản 2 Điều 36 như sau:

+ Báo trước ít nhất 45 ngày cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

+ Báo trước ít nhất 30 ngày cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 – 36 tháng.

+ Báo trước ít nhất 03 ngày làm việc cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.

– Bị phạt vi phạm hành chính

Rất nhiều giấy tờ trong hồ sơ xin việc được yêu cầu phải chứng thực. Do đó, nếu người lao động có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung của bản chính để yêu cầu chứng thực bản sao thì sẽ bị phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng theo khoản 1 Điều 34 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Về chế độ bảo hiểm, theo điểm a khoản 1 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng.

Với những phân tích nêu trên, có thể khẳng định, dù với lý do gì thì người lao động cũng không nên làm giả hồ sơ xin việc bởi đây là tài liệu quan trọng bắt đầu cho nhiều vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động.

Nếu vẫn còn vướng mắc liên quan đến vấn đề làm giả hồ sơ xin việc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Công ty có phải trả lại hồ sơ xin việc cho người lao động nghỉ việc?

Rate this post

Viết một bình luận