Khi mới học tiếng Anh, nhiều người rèn nói và viết, nhưng Đặng Trần Tùng, đạt 9.0 IELTS, lại cho rằng cần luyện ngữ pháp, phát âm.
Đặng Trần Tùng sinh năm 1993, ở Hà Nội, là người Việt Nam đầu tiên bốn lần đạt 9.0 IELTS tại cả hai hình thức thi trên giấy và máy tính. Anh sáng lập trung tâm tiếng Anh, là tác giả của một số cuốn sách dạy ôn thi IELTS. Từ kinh nghiệm thi IELTS gần 20 lần, anh Tùng đưa ra một số lời khuyên giúp người học tìm ra cách để bắt đầu học học tiếng Anh và ôn thi IELTS.
Học ngữ pháp tổng lực
Với người bắt đầu, ngữ pháp là thứ đầu tiên phải học. Để cô đọng quá trình học tiếng Anh, thế nào là giỏi và thành công, mình cho rằng đó là khi có thể tự học. Thời điểm này, các bạn có gì học đấy, tích lũy đủ ngữ pháp cần thiết để giúp cho khả năng tự học, chẳng hạn: chia động từ, các thành phần trong câu đứng ở đâu… Không chỉ thi IELTS, đây là những kiến thức bạn bắt buộc phải học nếu muốn giỏi tiếng Anh.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng để nắm chắc, các bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian vì rất ít người chỉ học chuyên một thứ trong thời gian dài. Việc này gây nhàm chán và khiến bạn mệt mỏi khi học ngôn ngữ. Do đó, bạn cần kết hợp học thêm kỹ năng khác trong thời gian học ngữ pháp.
Đặng Trần Tùng 9.0 IELTS. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Luyện phát âm
Cùng với ngữ pháp, phát âm cũng là thứ bạn cần tiếp cận ngay từ đầu khi học tiếng Anh. Để phát âm không sai, tốt nhất bạn nên luyện tập cho đúng ngay từ đầu.
Mình chưa bao giờ đăng ký một khóa học phát âm nào mà chỉ sao chép và nhại theo người bản địa. Khi sang Mỹ năm 17 tuổi, mình cũng gặp vấn đề về việc nghe – hiểu các show truyền hình vì không bắt kịp các cấu trúc mới, cách nói đùa và sử dụng tiếng lóng. Do đó, mình đã tìm một chương trình yêu thích và xem đi xem lại. Dần dần, mình nhớ được giọng các nhân vật và nhại theo khá tốt.
Trong tiếng Anh có hai nhóm kỹ năng, lĩnh hội và phái sinh. Nghe và đọc thuộc lĩnh hội, viết và nói thuộc phái sinh. Viết không thể tốt nếu không đọc nhiều và nói không thể hay nếu không nghe nhiều.
Nhiều người học thường làm ngược lại, tức là rèn việc nói và viết ngay từ khi học tiếng Anh. Mình không đồng ý với quan điểm này. Ngữ pháp và phát âm phải chắc thì vốn từ mới được nâng lên. Tương tự, khi phát âm tốt thì vốn từ và sự cảm nhận tiếng Anh của người học cũng tăng.
Mở rộng vốn từ
Khi đã có vốn ngữ pháp nhất định, bạn cần học từ vựng. Cách chủ động là đọc từ mới theo chủ đề, ghi nhớ cách viết, loại từ, cách dùng và phát âm. Tuy nhiên, cách này mình đánh giá là khá nhàm chán và khó nhớ, do từ không gắn vào tình huống cụ thể, tạo động lực cho người học.
Mình thích và hay áp dụng cách thụ động hơn, đó là đọc truyện. Quay trở lại thời gian mình mới sang Mỹ, mình đọc truyện tranh rất nhiều do phụ đề tiếng Anh có sớm hơn phụ đề tiếng Việt. Lúc đọc truyện, nếu từ nào không hiểu mà cảm thấy cần thiết để làm tường minh ý nghĩa của câu, mình sẽ tra từ điển. Nhờ đó, mình “bỏ túi” được rất nhiều từ mới.
Cách này có thể chậm hơn học chủ động nhưng nhớ rất lâu bởi bạn đang đọc những cái mình muốn, không cảm thấy nhàm chán hay nhồi nhét. Không chỉ truyện tranh, bạn có thể đọc bất cứ thứ gì thấy hứng thú và hữu ích cho cuộc sống cá nhân.
Theo mình, trước khi học tiếng Anh, bạn nên hiểu bản thân thích gì, từ đó mới có thể tìm được nguồn luyện đọc và nghe hiệu quả, sau này là biết dùng Tiếng Anh vào việc gì. Mình cho rằng tiếng Anh là công cụ để giao tiếp, giúp bạn tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng hơn. Do đó, tiếng Anh không thể phát huy vai trò của nó nếu người học không biết dùng để làm gì.
Thanh Hằng (ghi)