Người ngoài hành tinh nào đang đợi chúng ta?
- Richard Hollingham
- BBC Future
31 tháng 10 2016
Nguồn hình ảnh, iStock
Cho đến giờ, hành trình săn tìm sự sống ngoài Trái Đất vẫn giả định rằng những hàng xóm của chúng ta trong vũ trụ là sinh vật hữu cơ. Thế nhưng sẽ ra nào nếu đó lại là trí tuệ nhân tạo?
Trong hơn một thế kỷ qua, chúng ta đã phát sóng ra vũ trụ báo tin về sự hiện diện của con người. Năm nay, những tín hiệu mờ nhạt nhất từ một trong những sự kiện truyền hình đầu tiên trên thế giới – thế vận hội do chính quyền Phát xít Đức tổ chức năm 1936 – sẽ đến được với những hành tinh có tiềm ẩn sự sống nhất.
Mùa phim đầu tiên của loạt phim truyền hình “Trò chơi Vương quyền” cũng đã đến hành tinh gần nhất ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta.
Thế nhưng tại sao những sự sống ngoài Trái Đất không liên lạc lại với con người?
Có rất nhiều lời đáp rõ ràng cho câu hỏi này.
Có lẽ chẳng có sinh vật ngoài không gian nào gần chúng ta trong vũ trụ?
Có lẽ chúng chưa bao giờ tiến hóa xa hơn là những sinh vật đa bào không có suy nghĩ – dựa trên thông tin truyền tải của chúng ta? Hoặc có lẽ người ngoài hành tinh kết luận rằng sẽ an toàn hơn nếu tránh xa chúng ta?
Tuy nhiên, vẫn còn một giải thích khác: Sự sống ngoài hành tinh không có gì giống chúng ta cả.
Nguồn hình ảnh, iStock
Chụp lại hình ảnh,
Một giả thiết cho rằng ngươi ngoài hành tinh tạo ra các thuật toán thông minh đã không còn ở gần chúng ta
“Nếu chúng ta tìm thấy một tín hiệu, chúng ta không nên trông đợi đó sẽ là một giống người ngoài hành tinh thân mềm nguyên sinh giống như con mực đang ngồi đâu đó sau micro ở đầu dây bên kia,” Seth Shostak, nhà du hành vũ trụ dày dạn kinh nghiệm làm việc cho tổ chức truy tìm người ngoài hành tinh tên Tìm kiếm Trí tuệ Ngoài Trái Đất (Seti) nói.
Tổ chức Seti đã tích cực tìm kiếm các dấu hiệu của trí tuệ ngoài Trái Đất từ hơn nửa thế kỷ qua. Mặc dù có những tín hiệu đầy vẻ gợi mở, nhưng cuối cùng vẫn không dẫn tới đâu cả.
Nhưng Shostak tin rằng chúng ta nên xem xét khả năng nhìn vào tương lai và tưởng tượng xem người ngoài hành tinh sẽ như thế nào.
“Nguồn năng lượng dồi dào”
“Có lẽ một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta đang làm là phát triển người kế thừa chúng ta,” Shostak nói. “Nếu ta có thể phát triển trí tuệ nhân tạo trong thời gian vài trăm năm qua, tức là khoảng thời gian ta đã phát minh ra sóng radio, thì nhiều khả năng là bất cứ người ngoài hành tinh nào mà chúng ta có thể bắt được tín hiệu cũng đều đã vượt qua được cột mốc đó, tức là cũng đã phát triển được trí tuệ nhân tạo.”
“Nói cách khác,” ông nói, “hầu hết trí tuệ nhân tạo trong vũ trụ, theo tôi nghĩ, là trí tuệ tổng hợp, và điều đó sẽ làm thất vọng bất cứ khán giả màn bạc nào mong chờ được gặp những sinh vật nhỏ màu xám với mắt to, không mặc quần áo, không có tóc, và không có khiếu hài hước.”
Lập luận này cho nhận rằng các sinh vật đã tạo ra trí thông minh nhân tạo đầu tiên – những sinh vật màu xám, cực kỳ thông minh về mọi mặt, hay những cái cây có cảm xúc, hay bất cứ gì tương tự – đều không còn tồn tại nữa.
“Vâng, chúng có thể là vậy,” Shostak thừa nhận, “nhưng một khi bạn đã phát triển trí thông minh nhân tạo, bạn có thể dùng nó để phát triển những thế hệ sinh vật biết suy nghĩ và hơn thế nữa – trong vòng 50 năm bạn không những chỉ có thêm những máy móc thông minh hơn bất kỳ loại máy móc nào trước đó, mà tất nhiên còn thông minh hơn tất cả trí tuệ của con người cộng lại.”
Nguồn hình ảnh, iStock
Chụp lại hình ảnh,
Ai mong chờ người ngoài hành tinh có da xám như trong phim khoa học viễn tưởng có thể sẽ thất vọng.
“Câu hỏi lớn là,” nhà du hành vũ trụ đồng thời là tác giả quyển sách “Tìm kiếm người em song sinh của Trái Đất”, ông Stuart Clark nói, “đó là liệu trí tuệ nhân tạo có trở nên có ý thức và tự xác định được mục tiêu riêng, rồi quyết định rằng chúng chẳng cần đến những con người sinh học tạo ra nó nữa.”
Từ những cỗ máy biết tự nhận thức cái chết trong các quyển sách của Berserker cho đến những người máy trong bộ phim Chiến tranh giữa các hành tinh (Battlestar Galactica) hay phim Kẻ huỷ diệt, khoa học viễn tưởng đương nhiên có một tuyến truyện dày đặc về trí tuệ nhân tạo, là những đối tượng chiếm mất vị trí và sau đó tìm cách tiêu diệt những người đã sáng tạo ra chúng.
Tuy nhiên, đây không nhất thiết là con đường không thể tránh khỏi của bất kỳ nền văn minh công nghệ nào.
Trí tuệ nhân tạo – những cỗ máy thực sự biết suy nghĩ với những siêu bộ não tổng hợp – thậm chí vẫn còn là một ý nghĩ không tưởng.
“Tôi không rõ liệu điều đó có xảy ra hay không,” Clark nói. “Nhưng điểm quan trọng là chúng ta đang tìm kiếm gì đó mà chúng ta tưởng tượng khá giống mình và ta đang tự giới hạn kết quả tìm kiếm.”
Seti sử dụng hàng loạt các kính thiên văn thu phát sóng ở California để tìm kiếm tín hiệu. Thiết bị thu nhận hướng đến hệ thống ngôi sao nơi các hành tinh đã được Trái Đất tìm ra hay các kính thiên văn vũ trụ như Đài quan sát Kepler của Nasa.
Có những hành tinh có thể có biển trong đó có chất lỏng và có bầu khí quyển có thể phát triển sự sống, những điều kiện đã thúc đẩy quá trình tiến hoá của con người.
Thế nhưng trí tuệ bằng máy móc lại có thể sống ở bất cứ đâu.
“Toàn bộ vấn đề chính là nằm ở đó,” Shostak nói. “Họ không những có thể ở bất cứ đâu, mà còn có thể đi đến bất kỳ nơi trong Thiên hà nếu ở đó có nguồn năng lượng lớn – bởi nếu họ suy nghĩ rất nhiều thì việc có nguồn năng lượng dồi dào là điều cần thiết. Vì thế, có thể đó sẽ là những nơi mà ta cần tìm kiếm.”
Và nếu vậy thì Seti có thể đang tìm sinh vật ngoài Trái Đất ở sai chỗ. “Thay vì xây dựng cả một cánh đồng kính viễn vọng,” Clark nói, “có lẽ nên chi tiền để trang bị cho mỗi đài quan sát một thiết bị đi kèm có thể quan sát mọi tín hiệu nhận được và tìm kiếm những mô thức lặp lại.”
Con người bị đe doạ?
Việc mỗi đài thiên văn có đồng ý lắp đặt thêm cảm biến của Seti hay không vẫn còn là điều tranh cãi. Tuy nhiên, công nghệ có thể tiết lộ những khám phá không gian đáng kinh ngạc khác.
Về mặt ngắn hạn, Seti có vẻ sẽ tiếp tục tìm kiếm sự sống ở những hành tinh giống Trái Đất.
“Nhưng,” Shostak nói, “qua thời gian nếu chúng tôi có thể đưa ra những ý tưởng về việc có thể tìm thấy trí tuệ tổng hợp ở đâu, tôi nghĩ họ sẽ có thêm nhiều thí nghiệm hướng đến việc này.”
Một cách tiếp cận khác là phát đi thông điệp từ Trái Đất đến các vùng mục tiêu được nhắm tới trong vũ trụ.
Nguồn hình ảnh, iStock
Chụp lại hình ảnh,
Chúng ta có nên vừa gửi tín hiệu vừa lắng nghe các tín hiệu truyền về?
Đó là một chiến lược gây tranh cãi mà Stephen Hawking đã cảnh báo sẽ khiến Trái Đất dễ bị tấn công và khai thác.
“Chúng ta chỉ cần nhìn lại mình để đánh giá xem liệu các sinh vật có trí tuệ có thể phát triển đến mức khiến chúng ta không muốn gặp hay không,” ông cảnh báo vào năm 2010.
“Tôi không đồng tình,” Shostak nói. “Nhưng Seti không có khả năng phát sóng, chưa kể là cho dù ta có làm được thì cũng sẽ mất một thời gian dài ta mới nhận được phản hồi – tuỳ thuộc vào các sinh vật ngoài hành tinh sống cách chúng ta bao xa.”
Vậy liệu chúng ta có tiến gần hơn trong việc tìm hiểu liệu có phải con người là sinh vật duy nhất có trí thông minh – dù là trí tuệ nhân tạo hay sinh học – trong vũ trụ này hay không?
“Tôi không nghĩ rằng ta có thể khẳng định là chẳng có gì ngoài đó, ta không thể chứng minh được điều đó,” Shostak nói. “Những gì ta có thể nói là có gì đó sai trong cách tiếp cận của chúng ta. Và với tôi, giờ vẫn còn quá sớm để nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.”
Clark đồng tình với ý kiến đó. “Tôi nghĩ Seti có thể tổng hợp các tìm kiếm càng nhiều càng tốt,” ông nói. “Một câu trả lời rằng “đúng, có những sinh vật trí tuệ ngoài kia trong vũ trụ” có tác động rất sâu sắc đến chúng ta và chỉ có một mình Seti đủ sức tiến hành việc nghiên cứu nà.”