Người nước ngoài đầu tiên viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt: “Việt Nam đủ ‘hợp tính hợp nết’ về ngôn ngữ, văn hóa, cuộc sống để tôi muốn ở lại”

Trong buổi trò chuyện với báo Trí thức trẻ, tác giả Marko Nikolic chia sẻ, anh đã du lịch tới rất nhiều đất nước nhưng chỉ khi đến Việt Nam anh mới cảm thấy có nhiều lý do để ở lại, sinh sống tại đất nước này. Marko có thể thích nghi rất tốt với cuộc sống mới. Anh làm công việc dạy tiếng Anh để kiếm sống, đam mê viết lách và thích đầu tư chứng khoán.

Từng đi qua 70 quốc gia, học 10 ngôn ngữ, vì sao anh lựa chọn dừng chân ở Việt Nam, học tiếng Việt?

Khi đến Việt Nam hơn 5 năm trước, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ ở lại đây trong bao lâu. Ở đâu cũng có nhiều vấn đề, Việt Nam cũng thế nhưng tôi chọn ở lại vì “hợp tính hợp nết”. Mảnh đất hình chữ S đủ hợp về ngôn ngữ, văn hóa, cuộc sống để tôi muốn ở lại. Nếu chuyển đến một nước khác, tôi sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Như vậy sẽ rất mệt mỏi.

Tôi sắp 33 tuổi, cũng không muốn làm lại từ đầu. Tôi muốn tiếp tục theo đuổi giấc mơ, thực hiện các dự án của mình tại Việt Nam.

Trước khi dạy học ở Việt Nam, anh từng dạy học ở nước khác. Anh thấy sự khác biệt như thế nào?

Ở châu Âu, tôi dạy ở bậc đại học còn ở Việt Nam thì dạy ở các trung tâm tư nhân. Trước khi đến Việt Nam, tôi dạy tiếng Pháp còn bây giờ dạy tiếng Anh. Sự khác nhau tùy thuộc vào tính cách của học viên và mục đích vì sao họ đi học. Ở Việt Nam, tôi dạy trẻ em, thiếu niên, còn ở châu Âu thì dạy người trưởng thành.

Có một điều khác biệt, ở Việt Nam, dạy ngoại ngữ là một lĩnh vực rất phát triển. Người ta bỏ nhiều tiền để học tiếng Anh và rất nhiều trung tâm dạy tiếng Anh mở ra. Ở châu Âu, tiếng Anh là một ngôn ngữ quen thuộc, không nhiều người học.

“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, anh học tiếng Việt có chút khó khăn nào không?

Ngoài tiếng Anh và tiếng Pháp, các ngôn ngữ khác tôi đều tự học, cả từ vựng, ngữ pháp… Đối với tôi, ngữ pháp Việt Nam khá đơn giản nhưng từ vựng thì rất nhiều, đa dạng và phải biết cách dùng, phát âm chuẩn. Bản chất của tiếng Việt rất khác biệt so với tiếng Anh. Nhưng tôi thích học hỏi và nghiên cứu nên cảm thấy không có chút khó khăn nào cả.

Kinh nghiệm đi qua rất nhiều nước trước kia giúp gì cho anh khi sống ở Việt Nam?

Trước khi đến Việt Nam, tôi đã đi du lịch rất nhiều nên đến đây tôi không bị sốc văn hóa như nhiều người nước ngoài khác. Tôi cảm thấy việc đi xe máy giữa đường phố đông đúc, sự ồn ào cũng rất bình thường.

Khí hậu Việt Nam rất khắc nghiệt. Sự thích nghi với thời tiết liên quan đến thể chất, không phải yếu tố tinh thần mà tôi có thể quyết định được. Đó là điều khó nhất. Còn những gì liên quan đến văn hóa, xã hội thì tôi thích nghi khá tốt. Tuy nhiên để tìm hiểu văn hóa địa phương và chấp nhận nó thì cũng có một số khác biệt.

Ví dụ, người phương Tây không thờ cúng tổ tiên vì thế tôi không hiểu vì sao người Việt thờ cúng, có nhiều đồ ăn, hoa quả trên ban thờ… Tuy không hiểu, nhưng tôi nghĩ vẫn phải chấp nhận.

Người Việt là một dân tộc có tinh thần tập thể, cộng đồng rất mạnh mẽ. Trong khi người châu Âu đề cao cái tôi cá nhân. Tôi rất ấn tượng khi đội tuyển bóng đá Việt Nam giành thắng lợi trong các trận đấu quan trọng, người Việt thường “đi bão” cho vui…

Anh có tham gia cùng không?

Thực ra, lúc đầu tôi cũng đi bão bởi điều đó rất mới mẻ, thú vị. Nhưng sau một thời gian sống ở Hà Nội, tôi không đi bão nữa. Vì “đi bão” mà không lái xe an toàn thì rất dễ gặp tai nạn. Nếu trong tương lai, Việt Nam chiến thắng trong một trận đấu quan trọng thì tôi sẽ tham gia đi bão.

Cuốn sách Phố Nhà Thờ được rất nhiều người quan tâm. Sự nổi tiếng đó đã đem đến cho anh điều gì?

Thực ra đó không phải sự nổi tiếng đâu. Tôi cảm thấy không có gì thay đổi cả, rất bình thường. Khi đó, giới truyền thông cũng khá quan tâm. Nhiều người phỏng vấn, viết về cuốn sách của tôi, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn 1 – 2 tháng thôi. Sau đó thì người ta quen rồi.

Việc một người nước ngoài viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt cũng ý nghĩa, hấp dẫn. Cuốn sách sắp được tái bản rồi. Nhưng mà tôi không quan tâm đến việc nổi tiếng. Tôi biết tôi là người nước ngoài đầu tiên viết tiểu thuyết tiếng Việt nhưng chỉ là người đầu tiên thì chưa đủ. Nếu đó chỉ là cuốn sách “rác rưởi”, không có giá trị thì người ta mua về sẽ thất vọng. Tuy nhiên, nhiều người đánh giá cuốn sách rất tốt.

Lúc đầu, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn từ người lạ nói là họ chỉ đọc sách trong 1-2 ngày. Chắc là cuốn sách dễ đọc, hấp dẫn nên họ đọc luôn một mạch và rất thích thú.

Anh đã nghiên cứu thế nào để cho ra đời cuốn tiểu thuyết viết rất nhiều về người Việt đó?

Tôi nghiên cứu rất nhiều về những chủ đề tôi viết. Ví dụ, khi viết về chủ đề mê tín, tôi nghiên cứu rất nhiều, đọc rất nhiều. Tôi so sánh rất nhiều quan điểm để đưa ra cái nhìn khách quan. Không thể viết chỉ để chỉ trích mà cần phải viết có trái tim.

Tôi biết rằng, là người nước ngoài viết văn bằng tiếng Việt thì sẽ được ưu tiên vì góc nhìn của nước ngoài sẽ khác, cởi mở hơn. Nhưng vẫn phải có trách nhiệm, nghiên cứu về những gì mình viết.

Trong những thứ đã nghiên cứu về Việt Nam, tôi quan tâm nhiều đến xã hội, cuộc sống hiện đại, các vấn đề của người trẻ, các vấn đề trong gia đình. Tôi quan tâm đến cách sống, cuộc sống của người trẻ, thế hệ mới. Chênh lệch thế hệ của người Việt rất lớn và có sự khác biệt so với phương Tây. Đó là một chủ đề rất thú vị.

Cuộc sống ở Việt Nam có khiến anh bị áp lực không?

Không. Tôi quá là thoải mái với cuộc sống ở đây. Chắc là do tôi chưa có gia đình, chưa có con. Có con chắc tôi sẽ phải để ý đến nhiều vấn đề hơn như việc đi học của con…

Anh từng nhận xét rằng, người Việt rất sính ngoại, điều này tác động như thế nào đến anh hay những người nước ngoài ở Việt Nam?

Không có nhiều người nước ngoài có thể nói về những vấn đề lớn bằng tiếng Việt. Họ có thể nói chuyện thường ngày, những ít ai có thể trao đổi sâu sắc.

Tâm lý của người Việt Nam khá phức tạp. Sính ngoại là 1 phần trong đó. Ví dụ như người Việt coi tiếng Anh như một “phương thuốc thần kỳ” sẽ giải quyết tất cả các vấn đề. Người ta tưởng học giỏi tiếng Anh là thành công. . Nhưng thực tế, học tiếng Anh chỉ là một phần kỹ năng nhưng chưa đủ, còn cần rất nhiều kỹ năng khác như giao tiếp, kỹ năng mềm…

Có thể tôi là người nước ngoài đầu tiên nói thẳng thắn về chủ đề sính ngoại. Vì trong chủ đề này, người nước ngoài là người hưởng lợi cho nên họ không muốn chỉ trích. Nhưng thực tế, người Tây cũng có nhiều loại, có người tốt và người bình thường.

Anh cảm thấy mình hợp với mảng nào nhất trong việc dạy học, viết lách và đầu tư chứng khoán?

Tôi thích chứng khoán vì là một người hướng nội. Đầu tư chứng khoán có thể làm một mình, không cần quản lý người khác hay làm việc nhóm. Một điểm chung giữa chứng khoán và viết lách là phải nghiên cứu, đọc nhiều và có rất nhiều kiên nhẫn. Kiên nhẫn là điều mà tôi có nhưng có thể nhiều người khác thiếu. Công việc giáo viên giúp tôi kiếm sống, viết lách là đam mê, chứng khoán chắc là một khoản đầu tư vào tương lai.

Trước khi đầu chứng khoán, tôi rất mù mờ về kinh tế. Khi bắt đầu với lĩnh vực này, tôi tìm hiểu rất nhiều về kinh tế. Tôi nghĩ rằng đó là một chủ đề mà ai cũng nên và phải quan tâm đến.

Sau 5 năm sống ở Việt Nam, anh đã thay đổi như thế nào?

Khi tới Việt Nam cách đây gần 6 năm trước, tôi rất ngây thơ, non nớt, cũng giống như các “Tây ba lô” khác. Giờ đây tôi đã trưởng thành lên rất nhiều. Ví dụ về công việc giáo viên, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Về lĩnh vực viết lách, tôi không ngại khi tiếp xúc với truyền thông, không ngại phỏng vấn. Tôi cũng trải nghiệm được rất nhiều điều khác ở Việt Nam. Đó là điều rất là tốt.

Anh học được điều gì về cuộc sống từ Việt Nam?

Tôi cố gắng học hỏi từ mọi dân tộc, mỗi dân tộc đều có những đặc điểm riêng biệt. Mọi dân tộc trên thế giới có thể bắt chước nhau, nhưng nên chọn lọc những điều tốt. Người Việt rất dễ tính, cần cù, chịu khó. Trong khi đó người phương Tây có thế mạnh về suy nghĩ phản biện. Nếu chúng ta có thể kết hợp các phẩm chất tốt đẹp của người Việt và những điều tốt của dân tộc khác thì sẽ trở nên hoàn hảo hơn.

Sau một thời gian tìm kiếm “Tôi là ai giữa lòng Hà Nội”, anh đã có câu trả lời chưa?

Điều này cũng không có câu trả lời bất biến. Vì bản thân tôi đã thay đổi nhiều, Hà Nội cũng thay đổi rất nhiều. Góc nhìn của tôi trong cuốn tiểu thuyết Phố Nhà Thờ sẽ khác góc nhìn của tôi trong cuốn sách mà tôi sẽ viết trong tương lai.

Tôi thích những điều mới mẻ, vì thế sự thay đổi rất tốt, rất tích cực theo cách đi sâu vào tìm hiểu vấn đề. Mục đích của tôi là học hỏi và tìm hiểu.

Anh quan điểm thế nào về sự hài lòng và hạnh phúc với những gì mình đang có?

Hạnh phúc không phụ thuộc vào vật chất nhiều. Vì thế, dù tôi có kiếm được nhiều tiền thì cũng sẽ không tiêu tiền vào những điều xa xỉ.

Hạnh phúc liên quan đến mối quan hệ của chúng ta với người khác, những cơ hội phát triển bản thân, theo đuổi đam mê những trải nghiệm trong cuộc sống như đi du lịch… Đó không chỉ là quan điểm cá nhân của tôi, mà đã được khoa học nghiên cứu và chứng minh. Tôi không hiểu người ta quan tâm nhiều về vật chất, thích thể hiện sự giàu có. Theo tôi đó là một sai lầm.

Xin cảm ơn anh!

Bài:

Thu Hoài

Thiết kế:

Hương Xuân

Theo Trí Thức Trẻ


Rate this post

Viết một bình luận