Sau trường hợp bé gái 8 tuổi ở Tuyên Quang bỏng nặng do vỡ túi sưởi, nhiều người lo ngại về độ an toàn của vật dụng vốn được ưa dùng vào mùa đông này. Phía nhà sản xuất lại khẳng định, lỗi do người dùng sử dụng sai.
> Bé gái 8 tuổi bỏng nặng do vỡ túi sưởi
Túi sưởi là một túi vải nhựa chứa dung dịch (thường là nước muối) được làm nóng bằng cơ chế trao đổi ion sinh nhiệt. Vài năm gần đây, túi sưởi được sử dụng khá phổ biến ở miền Bắc, nhất là trong những ngày lạnh giá, vì chỉ cần nạp điện khoảng 5-10 phút làm nóng túi là có thể giữ ấm khoảng 4-6 tiếng, bằng cách cho vào chăn đi ngủ hoặc ôm vào người.
Do tính tiện dụng và khả năng làm ấm, từ đầu mùa rét tới nay, mặt hàng này được nhiều người tìm mua, nhất là các gia đình có con nhỏ, người già. Tuy nhiên, sau trường hợp một bệnh nhi ở Tuyên Quang bị bỏng do túi sưởi Mimosa vỡ lúc vừa sạc được vài phút, nhiều người, nhất là các bà mẹ có con nhỏ, tỏ ra lo ngại về độ an toàn của sản phẩm này.
Trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại túi sưởi, chủ yếu là các nhãn hiệu trong nước như Hướng Dương, Mimosa, Thiên Thanh… với giá khoảng 80 – 150.000 đồng một chiếc. Ảnh: Xalothuongmai.net.
Đang chăm con tại Viện Bỏng quốc gia, chị Nguyễn Thu Hiền (thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang), mẹ bé gái 8 tuổi bị bỏng, cho biết, con gái chị bị nạn từ thứ 7 tuần trước. Chiếc túi sưởi Mimosa chị mới mua buổi sáng, tối lấy ra sạc, vừa cắm điện được vài phút bỗng nổ “bụp”, nước trong túi bung ra, chảy tràn xuống đệm, khiến con gái chị đang ngồi trên đó bị bỏng vùng bẹn, mông…
Chị Bích (Từ Liêm, Hà Nội) vừa mua hai túi sưởi, một cho cô con gái 3 tuổi, một cho mẹ, dùng giữ ấm vào tuần trước, nay vội cất đi vì ngại sự cố. “Mình thỉnh thoảng cũng lấy chườm bụng, chườm lưng cho đỡ đau, và thấy rất thích. Nhưng giờ không dám dùng, cũng dặn bà nội và cháu không được đụng tới nữa”, chị Bích nói.
Vào dịp rét năm ngoái, mấy lần đặt mua túi sưởi nhưng không được vì “cháy hàng”, từ đầu mùa đông năm nay, chị Hoa (Đội Cấn, Hà Nội) đã đi sắm ngay mấy chiếc. “Bản thân mình không chịu được lạnh, hơn nữa, cũng mua về cho lũ trẻ ôm cho ấm lúc học bài”, chị kể. Dù vậy, sau khi biết thông tin về tai nạn bỏng khi dùng túi sưởi, chị cũng lo lắng nên không dám dùng tiếp.
Bệnh nhi bị bỏng do túi sưởi vỡ đang được điều trị tại Khoa bỏng trẻ em, Viện Bỏng quốc gia. Ảnh: Minh Thùy.
Về vụ việc bé gái bị bỏng do vỡ túi sưởi, bà Trịnh Thị Thanh huyền, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bagico – nhà sản xuất túi sưởi Mimosa, cho biết, ngay sau nhận được thông tin trên từ phía gia đình chị Hiền, công ty đã tới tận nơi thăm hỏi bệnh nhi và có một phần hỗ trợ việc điều trị.
Tuy nhiên, bà Huyền cho rằng, chưa có cơ sở khẳng định bé gái 8 tuổi này bị bỏng do túi sưởi, khi gia đình không đưa ra được bất cứ chứng cứ gì, kể cả hiện trường cũng như biên bản, ngoài vỏ hộp sản phẩm Mimosa.
“Nếu gia đình nói cháu bé bị bỏng do túi sưởi – đang sạc cách đó vài mét – thì vô lý, vì nếu ngồi xa thì nước bắn sẽ gây bỏng ở mặt và thân người chứ không phải ở khe mông. Hơn nữa, điện mới cắm 3 phút thì nước bắn ra cũng khó có khả năng gây bỏng nặng. Theo tôi, có khả năng cháu bé đã ôm túi trong khi đang cắm điện hoặc ngồi lên túi nên mới dẫn tới sự cố trên”, bà Huyền nói.
Theo bà, bất kỳ sản phẩm nào dù giá cao đến đâu cũng không ai đảm bảo hoàn hảo được. Trách nhiệm của nhà sản xuất hay phân phối là đưa thông tin đầy đủ kể cả những khuyến cáo đến người tiêu dùng, và người dùng phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước, để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Bà Huyền cho biết, trước đây, công ty Bagico in tờ hướng dẫn sử dụng riêng và bỏ vào hộp, nhưng sợ người dùng có thể làm rơi hay vứt đi nên nay đã in trực tiếp lên vỏ hộp, để lưu ý người dùng cần tuyệt đối tuân thủ, đảm bảo an toàn khi dùng.
Thông báo khẩn về của nhà sản xuất túi sưởi Mimosa trên trang web của công ty. Ảnh: MT.
Cũng ngay sau khi báo chí đưa thông tin về trường hợp bỏng do túi sưởi Mimosa, trên website chính thức của công ty Bagico đã đăng tải một “Thông báo khẩn” cảnh báo với nhân viên, cộng tác viên của đơn vị này rằng “đây là một âm mưu phá hoại, đe dọa hoạt động của công ty”.
Nói về độ an toàn của túi sưởi, kỹ sư Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, túi sưởi cũng như bất kỳ loại đồ điện nào, đều có thể gây ra họa lớn cho người sử dụng nếu dùng không đúng cách như: vừa cắm điện vừa ôm, hoặc ôm lên người rồi rút điện vì nếu chẳng may túi dùng lâu bị hở, bục, rách dễ gây chập, ngoài bỏng còn có thể bị điện giật.
Ông Bạo giải thích, cấu tạo của túi sưởi gồm có cực điện làm nóng trong môi trường nước muối loãng, có rơle khống chế nhiệt ở khoảng 60-70 độ tuỳ loại sản phẩm. Khi thiết kế, thường có bộ phận an toàn cách điện và không cách nhiệt (đó là các lớp vải nhựa giữ nước bên trong) giúp nhiệt tỏa ra sưởi ấm. Khi rơ le nhiệt trục trặc không ngắt, làm túi sưởi đạt độ sôi lâu cũng có thể bị vỡ. Cũng có trường hợp nổ rách túi bên ngoài do cắm lâu quá, nước giãn nở, đầy bọt khí… trong khi túi không thể giãn nở to hơn dẫn tới bục…
Vì vậy, để đảm bảo an toàn khi dùng túi sưởi, theo ông Bạo, khi đang cắm điện, tuyệt đối không sử dụng túi hay ngồi gần hoặc đặt các vật khác lên túi. Cần kiểm tra túi trước khi cắm xem có rách mép hay rò rỉ nước hay không. Không nên cắm điện quá lâu, nếu thấy túi phồng hơn bình thường cần phải ngắt điện ngay.
Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, trưởng bộ môn Thiết bị điện – Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng cảnh báo, tất cả những vật dụng cắm vào điện đều không an toàn tuyệt đối. Những sự cố bục, rò điện… gây bỏng, gây giật hoàn toàn có thể xảy ra nên người tiêu dùng cần thận trọng khi mua và sử dụng.
Vương Linh
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi